Kể từ tháng 10-1972, theo chỉ thị của Bộ chỉ huy Miền, Kho xăng, dầu Nhà Bè trở thành mục tiêu số một của Đặc công Rừng Sác. Và chỉ trong vòng một tháng, Đội đặc công 21 đã thực hiện các cuộc đột nhập trinh sát. Từ đó, suốt 7 tháng thử thách, mục tiêu lớn này luôn là bài toán khó giải. Cán bộ, chiến sĩ Đội 21 từng ở lại ban ngày giữa các lớp rào, nhưng cuối cùng vẫn không vượt qua được những hàng rào song sắt bao bọc kho xăng, dầu.
Kho xăng, dầu Nhà Bè là một hệ thống kho hoàn chỉnh nằm cạnh cảng Nhà Bè, nơi để hàng của ba hãng nhiên liệu nổi tiếng Caltex, Shell và Esso. Trong đó, Shell là kho lớn nhất, rộng 14 héc-ta, có 72 bồn xăng, phân nửa số này có sức chứa hơn 10 triệu lít. Đây là kho được ví như cái "dạ dày nhiên liệu", cung cấp 60% xăng, dầu cho các hoạt động dân sự và quân sự của Mỹ-ngụy.
Do tầm quan trọng đặc biệt, nên kho Shell được bảo vệ một cách đặc biệt. Trong 12 lớp rào bao bọc, nhiều loại đã "thách thức" các chiến sĩ đặc công qua hàng chục lần đột nhập: Hàng rào song sắt không cắt được; hàng rào chẻ ba thả dây thép gai bùng nhùng cao 3,5m cùng với sự hỗ trợ của chó nghiệp vụ, ngỗng, mìn, pháo sáng, hệ thống đèn pha, tháp canh... Đặc biệt, địch xây dựng hệ thống phòng thủ liên hoàn, từ cách bố trí lực lượng đến điều kiện địa hình.
Lực lượng bảo vệ trực tiếp cả dưới nước, trên không đặt sở chỉ huy ở phía Tây, dưới quyền chỉ huy của một tên trung tá ngụy. Trên bộ có tiểu đoàn ngụy 835 do một tên ác ôn khét tiếng Sài Gòn nắm giữ. Ở dưới nước có giang đoàn xung phong số 30 với 11 tàu tuần tiễu và tiến công. Trên không có máy bay trinh sát L19 và bốn chiếc trực thăng. Bên cạnh lực lượng bảo vệ trực tiếp là lực lượng thuộc Bộ Tổng tham mưu ngụy và Quân đoàn 3 ngụy sẵn sàng ứng cứu. Phía Nam của cảng và kho xăng, dầu Nhà Bè còn có "đặc khu Rừng Sác" của ngụy với lực lượng rất mạnh do một tên đại tá chỉ huy.
Sau 14 chuyến điều tra, nghiên cứu hết sức công phu với sự tham gia của hàng chục "cảm tử quân" là đảng viên và đối tượng cảm tình Đảng, Đoàn 10 Rừng Sác quyết định giao nhiệm vụ đánh Kho xăng, dầu Nhà Bè cho nhóm đặc công Đội 5. Kế hoạch trận đánh được đồng chí Trần Văn Trà - Tư lệnh B2 trực tiếp kiểm tra từng chi tiết. Đội 5 sẽ sử dụng 8 chiến sĩ tài ba nhất, tổ chức thành hai tổ, luồn sâu lót sát, đặt trái điểm hỏa đồng loạt mà không đánh theo phương pháp cuốn chiếu thông thường. Trận đánh dự kiến có 11 tình huống, mỗi tình huống là một phương án lao lên phía trước, hành động quyết liệt, không có phương án rút lui nửa chừng.
Trận đánh gây chấn động thế giới
Chuẩn bị trận đánh kho xăng Nhà Bè năm 1973, qua nghiên cứu có 49 bồn chứa lớn, mỗi bồn phải đặt ít nhất 10 kg chất nổ C4 mới phá hủy nổi. Như vậy phải cần gần 500 kg chất nổ cho trận đánh. Một tổ tám người xuất kích không thể mang vác nổi khối lượng đó. Trước đây đã từng thử dùng pháo ĐKZ bắn trúng nhưng không cháy. Với kiến thức và kinh nghiệm đã có, anh em liền cưa trái bom 750 cân Anh bị lép, lấy 100 kg thuốc sản xuất 50 trái mìn lõm, mỗi quả chỉ nặng 1 kg. Lấy vỏ trái bom cho đánh thử, xuyên phá tốt.
Ngày 30-11-1973, Đoàn 10 Rừng Sác làm lễ xuất quân cho 8 "cảm tử quân". Tổ 1: Mũi trưởng kiêm tổ trưởng Hà Quang Vóc, Nguyễn Văn Rực số 2, Đỗ Hải Quân số 3, Hoàng Hữu Hinh số 4. Tổ 2: Mũi phó kiêm tổ trưởng Nguyễn Công Bao, Trần Ngọc Sỹ số 2, Phạm Văn Tiềm số 3, Nguyễn Hồng Thế số 4. Đội phó Đội 5 Hà Quang Vóc, thay mặt anh em hứa quyết tâm "Chưa đốt cháy kho Shell, chưa trở về". Đội trưởng Cao Hồng Ngọt tiễn anh em ra tận bờ sông Nhà Bè.
Đêm 2-12, lúc 20 giờ 15 phút ở cảng Caltex, tàu bo bo pha đèn trúng đội hình của ta nhưng chúng không phát hiện được gì. Mũi phó Nguyễn Công Bao thoát ra giữa lòng sông, bắt đầu nhìn thấy kho xăng, dầu Nhà Bè.
21 giờ 30 phút, anh em tranh thủ ăn cơm trong ánh sáng chập chờn bên hàng rào căn cứ địch. Tám dũng sĩ cảm tử nắm chặt tay nhau và nói lời từ biệt: "Đồng chí nào về được, nhắn lời thăm anh em ở nhà và bà con Rừng Sác".
Nguyễn Hồng Thế lên vị trí dẫn đầu tổ đặc công tiến vào mục tiêu. Khoảng 30 phút quan sát động tĩnh trước hàng rào chống đạn B41, Thế lao lên tiếp cận hàng rào. Cắt đến mắt thứ 6 thì nhận được tín hiệu báo động của Hà Quang Vóc, phải lùi lại. Vừa lúc đó, ba tên lính ngụy đi tới. Một tên đột ngột dừng lại, phóng một quả pháo sáng soi rõ cả vùng rồi bất chợt la lớn: "Việt Cộng, dừng lại".
Biết hắn la sằng, mọi người nằm im, chờ đợi. Mấy phút sau, tốp lính đi khỏi, Nguyễn Hồng Thế vượt qua một khoảng trống, tiếp tục cắt rào. Năm phút sau, hàng rào chống đạn B40 bị cắt thủng một chỗ. Toàn tổ vượt rào, băng qua một bãi trống khoảng 200 mét dưới ánh đèn điện nhưng mới được nửa bãi thì gặp một toán lính đi tuần bằng xe đạp. Chúng vừa đi khỏi, Thế lại lao lên vượt một con đường nữa, tiếp cận hàng rào cao 1,5 mét. Khi Thế, Vóc và Quân vừa qua được hàng rào thứ 5 thì một luồng ánh sáng đèn pha quét ngang mặt. Hai tốp quân cảnh đi tới, có hai tên đi hon-đa. Chúng cắt đội hình tổ đặc công làm hai. Một tên đi hon-đa bỗng dừng lại chỗ Thế nằm. Thế và Quân đã sẵn sàng xử lý tình huống, nhưng bọn địch lại quay ra đường nhựa đi tiếp. Có đồng đội cảnh giới, Thế thao tác cắt hàng rào mặt tường, cũng là hàng rào cuối cùng.
Đúng 0 giờ, cả tổ đã lọt qua hàng rào cuối. Đội phó Vóc nhắc lại nhiệm vụ lần cuối của từng người và chỉ thị mục tiêu các bồn chứa butaga cho Thế. Tổ 1 xuất phát thuận lợi. Tổ 2 gặp địa hình phức tạp, nhưng do đã thuộc trên sa bàn nên các chiến sĩ đều lần lượt đặt "hàng" vào đúng vị trí rồi ra khỏi hàng rào 3,5 mét. Riêng Quân gặp trở ngại do đụng bọn lính đi tuần, anh phải ngồi chờ nên khi gắn xong khối thuốc nổ, quay ra thì đã quá giờ hẹn.
0 giờ 35 phút, Kho xăng, dầu Nhà Bè bốc nổ, lửa cháy rực trời. Địch rúc còi báo động không dứt, bắn trung liên và M79 xối xả. Bo bo, tàu xuồng chiến đấu chạy náo loạn trên sông. Trên trời, trực thăng vũ trang bay lồng lộn, máy bay C47 thả pháo sáng, xả đạn xuống sông. Địch dùng nhiều lực lượng, la hét um sùm: "Bắt sống đặc công Việt Cộng". Hai chiến sĩ Bao và Tiềm bơi ra đến giữa sông thì bị địch phát hiện, vây chặt. Ba chiến sĩ Hinh, Rực và Sỹ bị địch phát hiện khi đã ra quá 1/3 lòng sông. Địch cố bắt sống nên dùng lựu đạn ném vây quanh. Ba anh em bèn chia mỗi người mỗi ngả, thoắt ẩn, thoắt hiện, biến mất hút trong làn bom đạn địch.
Khi kho xăng phát nổ, Quân vẫn còn ở trong hàng rào cao 3,5 mét. Lợi dụng lúc địch nhốn nháo, anh vượt rào nhưng khi ra tới bờ sông thì lại đụng 3 tên lính đi xuồng. Chúng bắn trúng chân anh nhưng lãnh lại một quả lựu đạn. Nhân đó, Quân thoát khỏi vòng vây. Vóc và Thế đón đồng đội ở cửa mở nên rút ra sau cùng. Tới bờ sông, thấy địch phong tỏa đường rút lui, hai anh đành ém lại khu vực cảng hải quân một ngày, chờ trời tối, ra khỏi vòng vây địch, trở về căn cứ.
Kho xăng Shell bốc cháy mỗi lúc một thêm dữ dội, sáng rực bầu trời phía Nam Sài Gòn và cháy suốt 12 ngày đêm. Tên Trung tướng Phạm Ngọc Thuần, Tư lệnh Quân đoàn 3 ngụy đích thân chỉ huy việc cứu chữa. Tám ngày sau khi kho nổ, lửa bắt sang bồn chứa một triệu lít dầu ma-dút. Địch sợ lửa cháy lan sang hãng Caltex, Esso, phải mở khóa xả ống dẫn dầu. Dầu chảy lênh láng ra sông Sài Gòn, sông Lòng Tàu, sông Soài Rạp, tới tận Vàm Láng, Gò Công.
Trận đánh đạt hiệu quả cực lớn. Các hãng thông tấn phương Tây và báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ thú nhận: Kho Shell hoàn toàn bị thiêu hủy, cháy 35 triệu gallon xăng, dầu, tương đương 250 triệu lít, 12 bồn butaga, một tàu dầu Hà Lan 12 nghìn tấn, một cơ sở lọc dầu, một cơ sở trộn nhớt, một khu chứa lương thực. Tổng cộng khoảng 20 triệu đô-la Mỹ.
Báo Đông Phương đưa tin: "Tổng trấn Sài Gòn ra lệnh đóng tất cả các trạm xăng". Báo Độc Lập chạy dòng chữ lớn: "Rạng sáng 3-12-1973, Kho xăng Nhà Bè bị pháo kích 49 quả đạn".
Về phía ta, đồng chí Bao và Tiềm hy sinh. Về sau, đồng bào lấy tin từ phía địch cho biết: Hai anh bị 7 tàu địch vây chặt, chúng bắt được và lôi lên tàu. Khi địch lại gần, hai chiến sĩ cảm tử đã thực hiện nghiêm yêu cầu của trận đánh: Không để địch bắt, nên rút lựu đạn quyết tử khiến hàng chục tên địch đứng gần đó chết tại chỗ.
Trận đánh Kho xăng, dầu Nhà Bè làm nức lòng nhân dân cả nước và gây chấn động thế giới. Hai liệt sĩ đã hy sinh là Nguyễn Công Bao và Phạm Văn Tiềm được tuyên dương "Hành động anh hùng". Tháng 1-1976, đồng chí Hà Quang Vóc được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Đồng chí Nguyễn Hồng Thế được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân tháng 9-1975. Bốn chiến sĩ còn lại đều được tặng thưởng huân chương Chiến công.
Sau ngày giải phóng miền Nam, ta khai thác tài liệu trong trụ sở Bộ Quốc phòng ngụy, thấy hồ sơ vụ cháy kho xăng, dầu Nhà Bè chất đầy 4 tủ sắt và địch vẫn không tìm ra được cách đánh của ta nên chỉ kết luận một cách hồ đồ: "Đây là trận đánh do nội tuyến kết hợp với đặc công Việt Cộng thực hiện".
Nguồn :
http://www.bacbaphi.com.vn/entertainment/showthread.php?t=231029