Ngày nay xã hội loạn động, chúng ta thường nói gốc do đâu vậy? Gốc do gia đình bị đổ vỡ. Nam nữ trẻ tuổi không hiểu được đạo lý lớn này. Hôn nhân là việc lớn của đời người, lễ xưa Trung Quốc coi trọng biết bao. Tại sao phải coi trọng và tại sao tổ chức hôn lễ một cách long trọng như vậy? Vì đó là cội gốc của tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Chúng ta hãy xem xét tỉ mỉ xã hội hiện nay, cả thế giới loạn động, bất an, mỗi một khu vực đều tiềm tàng nguy cơ nghiêm trọng. Nhân tố cơ bản này là do đâu? Chính là do lơ là giáo dục gia đình. Nếu như giáo dục gia đình không còn nữa, thì giáo dục của chúng ta thất bại hoàn toàn. Ngày nay trên thế giới này, trường học rất nhiều, đại học rất nhiều, cơ hội được giáo dục rất phổ biến, nhưng cái tiếp nhận được là nền giáo dục gì vậy? Đó là nền giáo dục công lợi, cổ vũ mọi người tham sân si, cổ vũ người ta đi làm sát, đạo, dâm, vọng thì xã hội này làm sao đẹp được? Những thứ này mà phát triển thì đó thật sự là ngày tận thế sắp hiện tiền rồi. Ngày nay chúng ta nhìn thấy hiện tượng này của xã hội, hiện tượng chính là điềm báo, điềm báo điều gì vậy? Điềm báo về ngày tận thế. Vô cùng đáng sợ! Giữa con người với nhau không có đạo nghĩa, chỉ có lợi hại. Đối với ta có lợi thì người này là bạn bè, đối với ta không có lợi thì người này là kẻ địch, vậy thì có nguy không?
Xâm là xâm phạm. Ở trong xâm phạm, điều nghiêm trọng nhất chính là ly hôn, chia tài sản, xâm là ý nghĩa này. Vĩnh ly tà hạnh, bạn chắc chắn sẽ không có sự việc này, tuyệt đối không nên có ý nghĩ này. Chúng ta thử xem, ngày nay thế giới này tỉ lệ ly hôn cao bao nhiêu. Có một số đồng tu từ Trung Quốc đến đây, họ nói với tôi về vấn đề này. Họ nói, Trung Quốc hiện nay tỉ lệ ly hôn cũng rất cao, khoảng chừng 25%. Nhưng đại chúng xã hội cho rằng đây là hiện tượng tốt, đây là dân chủ tự do mở cửa đích thực. Đây là tư tưởng của người phương Tây. Tỉ lệ ly hôn của người phương Tây chiếm đến trên 60%, nghe nói Đài Loan đã chiếm đến 50% rồi, xã hội này làm sao có thể không loạn động được? Người ly hôn, con cái của họ là người trực tiếp chịu tổn hại, những đứa trẻ này từ nhỏ có tư tưởng và tâm trạng không bình thường, thiếu tình thương và tràn đầy sân hận. Sự việc này phát triển thì hậu quả chúng ta cũng không khó tưởng tượng ra được. Cho nên giáo dục của bậc thánh hiền, chúng tôi dùng một chữ để làm tổng kết chính là “giáo dục tình thương”. Thánh nhân dạy chúng ta là giữa người với người phải kính yêu lẫn nhau, phải tôn trọng lẫn nhau. Phần trước bộ kinh này, Phật nói với chúng ta thật hay vô cùng. Ngài nói, Bồ-tát có một pháp có thể đoạn tất cả các khổ của ác đạo, đây là pháp gì vậy? “Ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quan sát thiện pháp, lệnh chư thiện pháp, niệm niệm viên mãn, bất dung hào phân, bất thiện gián tạp” (“thiện pháp” chính là thập thiện nghiệp đạo), bạn liền vĩnh đoạn ác nghiệp, ác đạo sẽ không còn nữa (ác đạo là do ác nghiệp biến hiện ra). Đoạn khai thị này là quan trọng không gì sánh bằng. Chúng ta phải thực hiện vào trong gia đình, áp dụng vào đời sống vợ chồng, áp dụng vào trong công việc, bạn làm việc có rất nhiều đồng nghiệp. Áp dụng vào trong xã hội, xử sự đối nhân tiếp vật, chỉ nhớ điểm tốt, điểm thiện của người khác, tuyệt đối không nên nghĩ đến ác niệm, ác hạnh của người khác.
TRÍCH PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH (tập 20)
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời Gian: năm 2001
Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ,
Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền