Phát sợ với các thánh thợ!
Sau rất nhiều suy luận logic, em tự rút ra quy trình trong việc sửa chữa đồ đạc như này:
1. Tự google về triệu chứng hỏng hóc mà đồ nhà mình đang bị, đối chiếu xác định một số từ khoá về chuyên môn, chỉ cần dùng chính xác từ khoá chuyên môn là bớt 50% rủi ro rồi, vì đa số thợ thấy mình nói rõ bệnh thì sẽ hiểu là mình không phải gà. TUYỆT ĐỐI KHÔNG GỌI ĐIỆN CHO DỊCH VỤ SỬA LUÔN, nói chung là cảnh giác với các số điện nằm đầu danh sách kết quả tìm kiếm của Google, mấy bọn đấy toàn dạng giỏi SEO hơn giỏi sửa, mà SEO lên top tốn tiền lắm, tiền đấy nó sẽ móc từ ví mình chứ không bứt trên cây xuống đâu.
2. Nếu bước 1 chưa thu được kết quả rõ rệt, lên một forum hoặc group FB đông người (không cần forum/group chuyên môn, cứ chọn các chỗ đông đàn ông tụ tập là được) đăng bài hỏi. Khi viết tên bài nêu rõ việc mình đang cần, VD: máy giặt kêu to, điều hoà chảy nước..., nội dung bài miêu tả rõ về triệu chứng trục trặc. Chờ khoảng nửa ngày vào lại là sẽ có người từng có kinh nghiệm liên quan hoặc thợ vào chia sẻ, giải đáp. Mình cứ thong thả thu thập thông tin rồi cân nhắc. Trong bước này mà có ông nào bảo "đưa qua đây tôi xem cho" hay giới thiệu thợ này giỏi thợ kia tốt thì đừng vội tin, cứ từ từ sang bước 3.
3. Tìm đến một cơ sở sửa chữa gần nhà, dùng các thông tin đã thu thập ở 2 bước trên để nói cho thợ về tình trạng đồ nhà mình (VD: bác có đồ nghề xem hộ em con này, hình như nó bị [từ ngữ chuyên môn]...). Thợ xem xong mà phán và báo giá có vẻ hợp lý so với thông tin mình đã tìm hiểu thì ok, bác qua làm cho em. Thợ phán khác và báo giá khác thì ta ghi nhớ rồi quay lại 2 bước trên hoặc đi tìm thợ khác. Tìm đến thợ thứ 3 ắt sẽ ra được bệnh và giá tương đối chuẩn.
Lúc thợ làm thì nhớ bố trí người ngồi kè kè bên cạnh nhòm và hỏi theo tinh thần bé hiếu học. Nếu thợ báo thêm bệnh và đòi thay đồ thì đừng quyết vội, mời bác cứ về để em hỏi ông anh/bà chị xem sao đã, đồ này ông/bà ấy bỏ tiền nên em không quyết được. Cố gắng ghi nhớ về phương án thợ đưa, rồi quay lại bước 1-2.
Lưu ý:
- Nếu có thể liên lạc với hãng, kể cả hết bảo hành cũng nên tìm đến hãng, vì hãng nói chung là hiểu biết nhất về sản phẩm và có tóc cho mình nắm.
- Trước khi quyết định sửa, nên lường trước phương án dự phòng cho trường hợp xấu nhất (hỏng hóc nặng hơn dự kiến, thiếu phụ tùng thay thế...) để không bị động, nhỡ việc rồi lại ức chế stress.
- Tránh xa các cơ sở sửa chữa to đùng ngã ngửa thợ đông như quân Nguyên đang được tung hô, vì với trình độ nhân lực và quản trị của quê ta thì xác suất cao ta sẽ gặp phải dạng "trước kia tốt nhưng giờ đông khách quá nên đỡ rồi", hoặc tệ hơn là dạng tung hô phông bạt mạt cưa mướp đắng.
Ông già em mất từ năm 1985, bà già em phải nhờ vả nhiều người trong các vấn đề đòi hỏi bàn tay đàn ông trong nhà. Sau nhiều năm, bà già em có một danh sách thợ quen dài như sớ Táo quân năm nhuận, nhưng câu "càng quen càng lèn cho đau" luôn hiện diện, nên em phải trang bị thêm quy trình nói trên. Xin hân hoan báo cáo các cụ là nhờ nó nên cả chục năm nay em sống sót trên giang hồ mà không cần chồng.
Cụ nào áp dụng trò này mà thấy ổn thì vào web tranthutrang.net đọc truyện xem ảnh ủng hộ em nhá!