Em không tìm thấy văn bản nào nói đến dân phòng được tham gia tuần tra, kiểm soát GTĐB. Nội dung TT 47 đây ạ:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
Hà Nội, ngày 02 tháng 07 năm 2011
QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 27/2010/NĐ-CP NGÀY 24/3/2010 QUY ĐỊNH VIỆC HUY ĐỘNG CÁC LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT KHÁC VÀ CÔNG AN XÃ PHỐI HỢP VỚI CẢNH SÁT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ THAM GIA TUẦN TRA, KIỂM SOÁT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRONG TRƯỜNG HỢP CẦN THIẾT
Căn cứ Nghị định số 27/2010/NĐ-CP ngày 24/3/2010 quy định việc huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết (sau đây viết gọn là Nghị định số 27/2010/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 27/2010/NĐ-CP như sau:
Chương 1.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định cụ thể về lực lượng, điều kiện, nguyên tắc, nhiệm vụ, trang bị phương tiện đối với lực lượng được huy động tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát bảo vệ, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, Công an phụ trách xã, Công an phường;
2. Công an xã, Công an thị trấn nơi chưa bố trí tổ chức Công an chính quy;
3. Cảnh sát giao thông đường bộ;
4. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 3. Nguyên tắc hoạt động
1. Tuân thủ quy định của Nghị định số 27/2010/NĐ-CP, Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Bảo đảm đúng địa bàn, tuyến đường, thời gian đã đề ra trong kế hoạch;
không được tùy tiện đặt ra các quy định về trật tự, an toàn giao thông hoặc tùy tiện ngăn chặn, kiểm soát, cản trở người và phương tiện tham gia giao thông.
3. Việc xử lý vi phạm hành chính khi tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải theo đúng quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
4. Việc huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông phải theo đúng thẩm quyền, nhiệm vụ và chỉ trong trường hợp cần thiết theo quy định tại các điều 4, 5 và 9 Nghị định số 27/2010/NĐ-CP.
Chương 2.
Điều 4. Lực lượng được huy động
1. Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát bảo vệ, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, Công an phụ trách xã, Công an phường (sau đây gọi chung là Cảnh sát khác).
2. Công an xã, Công an thị trấn nơi chưa bố trí tổ chức Công an chính quy (sau đây gọi chung là Công an xã).
Điều 5. Điều kiện đối với cán bộ, chiến sỹ và Công an xã được huy động
Cán bộ, chiến sĩ và Công an xã được huy động phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải được tập huấn và nắm vững các quy định của Luật Giao thông đường bộ, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và quy trình tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ.
Điều 6. Nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông đường bộ
1. Xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ; cụ thể như sau:
a) Trường hợp Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội quyết định việc huy động thì Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt có trách nhiệm xây dựng kế hoạch.
b) Trường hợp Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc huy động thì Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch.
c) Trường hợp Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định việc huy động thì Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm xây dựng kế hoạch.
Thời gian xây dựng kế hoạch: Chậm nhất là một ngày, kể từ khi nhận được quyết định hoặc kế hoạch huy động, các đơn vị quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều này phải xây dựng kế hoạch, trình cấp có thẩm quyền đã ra quyết định huy động phê duyệt trước khi tổ chức triển khai thực hiện.
Nội dung của kế hoạch: Phải nêu rõ lực lượng, số lượng cần huy động, thời gian, địa bàn huy động, nhiệm vụ cụ thể của Cảnh sát giao thông, Cảnh sát khác và Công an xã tham gia phối hợp tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông.
2. Chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện việc tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông.
3. Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
Điều 7. Nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã
1. Bố trí lực lượng tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông theo kế hoạch.
2. Thống kê, báo cáo các vụ, việc vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông đường bộ; kết quả tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo sự phân công trong kế hoạch.
3. Trường hợp không có lực lượng Cảnh sát giao thông đi cùng thì lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Lực lượng Công an xã chỉ được tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường liên xã, liên thôn thuộc địa bàn quản lý và xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông sau: điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, chở hàng hóa cồng kềnh; đỗ xe ở lòng đường trái quy định; điều khiển phương tiện phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, tháo ống xả, không có gương chiếu hậu hoặc chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật và các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ như họp chợ dưới lòng đường, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Nghiêm cấm việc Công an xã dừng xe, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Điều 8. Trang bị phương tiện và điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ
1. Lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ được trang bị phương tiện nghiệp vụ gồm: còi, gậy chỉ huy giao thông và các biểu mẫu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là biểu mẫu).
2. Việc sử dụng phương tiện nghiệp vụ và biểu mẫu phải thực hiện theo đúng quy định về quản lý phương tiện nghiệp vụ và chế độ công tác hồ sơ của ngành Công an. Phương tiện nghiệp vụ và biểu mẫu được quản lý tập trung, bảo đảm an toàn tại trụ sở hoặc nơi làm việc. Thủ trưởng các đơn vị Cảnh sát khác, Trưởng Công an xã phải thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định về trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện nghiệp vụ và biểu mẫu. Trường hợp phương tiện nghiệp vụ, biểu mẫu bị mất, hư hỏng hoặc thất lạc phải báo cáo ngay với đơn vị cấp phát theo quy định.
3. Phương tiện nghiệp vụ và biểu mẫu chỉ được trang bị để làm nhiệm vụ; khi thực hiện xong nhiệm vụ, phải giao lại cho người có trách nhiệm trực tiếp quản lý. Việc giao, nhận phương tiện nghiệp vụ và biểu mẫu phải có ký nhận, ghi vào sổ theo dõi và quản lý chặt chẽ.
4. Nghiêm cấm việc sử dụng trái phép phương tiện nghiệp vụ, biểu mẫu; giao phương tiện nghiệp vụ, biểu mẫu cho người không có trách nhiệm mượn, sử dụng hoặc mang về nhà riêng.
5. Lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã trong thời gian tham gia phối hợp tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ được hưởng bồi dưỡng theo quy định của pháp luật đối với các lực lượng tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Chương 3.
Điều 9. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2011.
Điều 10. Trách nhiệm thi hành
1. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội chịu trách nhiệm giúp lãnh đạo Bộ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.
2. Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện và chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc phạm vi quản lý, tổ chức tập huấn cho các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã nắm vững và thực hiện nghiêm túc các quy định của Thông tư này; căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để trang bị phương tiện nghiệp vụ, biểu mẫu và thực hiện chế độ bồi dưỡng cho lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã theo quy định; định kỳ hàng tháng, sáu tháng và một năm, tập hợp tình hình, kết quả thực hiện, báo cáo về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội).
3. Các Tổng cục trưởng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc nảy sinh, Công an các đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội) để có hướng dẫn kịp thời./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, tp. trực thuộc TW;
- Các Tổng cục, Bộ tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ;
- Công an các tỉnh, tp. trực thuộc TW; các Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy;
- Công báo nội bộ;
- Lưu: VT, V19, C67 (200b).
BỘ TRƯỞNG
ĐẠI TƯỚNG
Lê Hồng Anh