Em post phần này lên đây dành cho người hữu duyên. Đạo phật là đạo của sự thật, không phải là lý thuyết, lý luận, triết luận... và mọi loại ngôn ngữ không bao giờ chuyên trở được hết sự thật. Vì vậy em sẽ không tranh luận với bất cứ ai. Uống cốc nước, nóng lạnh tự người uống biết.
1. Em xin trích phần tu tập sự chết của sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh trong tác phẩm "Một cuộc đời, một vầng nhật nguyệt" để mong rằng e và các cụ cùng tu tập
Tu Tập Niệm Sự Chết
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Hôm ấy, có một vị tỳ-khưu còn trẻ nhưng bị bệnh mất, thi hài được chư tăng hỏa táng. Một vài người thắc mắc sao còn quá trẻ mà đã hết tuổi thọ? Vài ngày sau, trong thành phố Āḷavī có người chết bệnh, có người chết nước, có người chết lửa, có người chết do sét đánh, có người chết do đao kiếm... được bàn tán chỗ này, nơi kia.
Đức Phật biết là đúng thời nên ngài thuyết một thời pháp nói về sự chết của các loài hữu tình. Đầu tiên, ngài cảm hứng ngữ thốt lên một bài kệ thơ dài nói về sự chết:
“- Ôi! Từ khi nẩy mầm li ti một sự sống
Nó rất nhỏ nằm trên đầu cây kim
Tượng hình trong thai bào
Là nó,
Là một chúng sanh
Cứ thế lớn lên
Cứ thế nó tiến dần về phía trước
Không thể trở lại
Chẳng thể quay lui
Dù chỉ một lần
Trong khi nó chảy trôi như vậy
Nó tiến dần đến cõi của sự chết
Giống như dòng sông
Nó nhỏ dần, hẹp dần rồi cạn dần
Dưới sức nóng thiêu đốt của hỏa đại
Như trái cây xanh kia
Chín dần rồi rơi rụng
Như chiếc bình đất nung kia
Búa thời gian đập vỡ
Như giọt sương ban mai kia
Chợt tan biến dưới ánh nắng mặt trời
Thế là ngày và đêm
Lặng lẽ trôi qua
Mạng sống của các loài hữu tình
Tàn dần, lụn dần cho đến khi diệt mất
Nó mong manh, nó hư ảo
Như bọt bể, như bóng nước
Tụ rồi tan ngay!
Hiện rồi mất ngay!
Ôi! Ai có biết chăng
Khi vừa sinh ra
Cái sống đi kèm với cái chết
Trên sinh mệnh của các loài hữu tình
Có một tên bạo chúa
Có một tên sát nhân
Chực sẵn với cây kiếm sắc
Chờ sẵn với lưỡi gươm bén
Nó kề bên cổ
Không biết sẽ tước đoạt mạng sống lúc nào
Như đức vua kia
Oanh oanh liệt liệt
Chinh phục cả quả đất
Nhưng thời khắc cuối cùng của đời người
Mọi thành tựu và mọi vinh quang
Giá trị xem ra không bằng nửa hạt dẻ
Xác thân và hơi thở héo tàn
Thần chết lạnh lùng cười khẩy mang đi!
Ôi! Loài người có biết chăng
Sức khỏe bị chấm dứt bằng tật bệnh
Tuổi trẻ bị tấn công bằng già nua
Sự sống bị xâm lăng bởi sự chết
Đấy là định luật tất yếu
Tất cả mạng sống có được từ ‘sinh’
Rồi bị ám ảnh bởi ‘già’
Rồi bị đoanh vây bởi ‘bệnh’
Và cuối cùng là cái ‘chết’ đánh gục
Ví như núi đá khổng lồ kia
Lớn rộng tận trời cao
Nó tiến đến từ mọi phía
Nghiền nát mọi sinh loài
Cũng tương tự như thế
Già chết nó nghiền nát
Sinh mệnh bà-la-môn
Sinh mệnh sát-đế-lỵ
Sinh mệnh các chiến sĩ
Sinh mệnh những thương gia
Sinh mệnh các thợ thuyền
Sinh mệnh những tiện dân
Sinh mệnh các nô lệ
Người hốt phân, kẻ nạo ống cống
Nó không chừa một ai
Và cho dẫu tượng quân, mã quân hùng mạnh
Và cho dẫu bộ quân lớp lớp hàng hàng
Và cho dẫu đại ảo gia, chú thuật gia
Hay dẫu đem tất cả tài sản thế gian gộp lại
Vẫn bất lực trước tử thần
Trong các loại phá sản
Sự chết là đệ nhất phá sản
Phá sản mọi sự nghiệp
Phá sản tất thảy mọi thành công ở trên đời
Phá sản mọi ước mơ và mọi ảo tưởng
Phá sản cho đến tận cùng hư vô và hủy diệt
Ôi! Loài người có biết chăng
Cho dẫu những người có danh vọng lớn
Có công đức lớn
Có sức mạnh lớn
Có thần thông lớn
Có trí tuệ lớn
Có đồ chúng lớn
Có tài sản lớn
Có uy lực lớn
Thế mà, cuối cùng
Cái chết nó tóm lấy hết
Nó quẳng tất thảy vào vực thẳm Rāhu
Cái chết nó gặm vào hàm
Như nai tơ non trong hàm sư tử
Như chú ếch con nằm trong miệng rắn
Cho dẫu như Moggallāna
Là đệ nhất thần thông
Cho dẫu như Sāriputta
Có trí tuệ siêu quần
Cũng đầu hàng, bất lực
Trước sức mạnh tử thần!
Và cho dẫu là Như Lai
Với sắc thân ba hai quý tướng
Và tám mươi vẻ đẹp
Được trang bị viên mãn giới uẩn
Viên mãn định uẩn
Viên mãn tuệ uẩn
Viên mãn giải thoát uẩn
Viên mãn giải thoát tri kiến uẩn
Viên mãn về danh xưng
Viên mãn về công đức
Viên mãn về hùng lực
Viên mãn về thần thông
Chẳng có ai sánh bằng
Nhưng chẳng thể nào né tránh
Trận mưa lũ thình lình
Của sự chết ập đến
Như một đống lửa lớn
Bị dập tắt bởi một trận dông
Chẳng một ai trốn được!
Chẳng một ai thoát được!”
Bài kệ thơ trầm hùng như sóng biển, như âm vọng đại ngàn rì rào lướt qua không gian điện thờ Aggāḷava làm cho hội chúng tỳ-khưu cùng nam nữ cư sĩ như nín thở. Sự chết như hiển hiện trước tầm mắt mọi người bằng lưỡi hái sắc bén, rực lửa của tử thần đang chực sẵn, đang hờm sẵn ở đâu đó trong bóng tối, bên ngưỡng cửa, bên chiếc giường của già bệnh và ngay cả ở nơi tuổi thanh xuân!
Đức Phật lại tiếp tục bài giảng:
- Như vậy, mỗi người phải biết suy niệm, quán tưởng về sự chết. Cái thân của chúng sanh nó già, nó bệnh, nó chết trong từng khoảnh khắc. Hãy xem đây, và hãy nhìn cho ra:
Hiện nó là nơi cộng cư, đồng trú
Của “tám mươi” (1) gia đình vi trùng
Nó bám vào da, lấy da làm thức ăn
Nó trú vào thịt, rúc thịt làm món ngon
Nó dính vào gân, moi gân làm bữa nhậu
Nó bám vào xương, rỉa xương làm thức nhắm
Nó bám vào tủy, mút tủy làm thực phẩm
Chúng ăn rồi chúng ỉa, chúng đái
Chúng bài tiết dơ uế
Rồi chúng làm tình
Rồi chúng sinh con đẻ cái
Rồi chúng bệnh, chúng già và chúng chết
Vậy, cái thân này là nhà bảo sanh
Là viện dưỡng thương
Đồng thời là chỗ tiểu tiện, đại tiện
Mà cũng là nghĩa địa của chúng
Và khi chúng bất hòa, nổi loạn
Khi chúng chiến tranh, dịch bệnh
Thì cái thân này là bãi chiến trường
Là cái hầm xác thối
Làm cho cơ thể nầy
Hoặc xanh xao, hư mòn, tiều tụy
Hoặc suy kiệt và đi đến cái chết!
Còn nữa, cái thân này không những san sẻ, cộng cư với tám mươi gia đình vi trùng mà còn chia nhau gánh chịu trăm ngàn thứ bệnh nội thương từ tim, từ phổi, từ gan, từ não, từ tim, từ lá lách, từ mật, từ bao tử, từ máu, từ ruột non, ruột già nữa. Nó lại còn bị mọi sự chết chóc từ bên ngoài đem đến như bởi rắn, bởi hổ, bởi báo, bởi bò cạp, bởi nước, bởi lửa, bởi mũi tên, bởi đao và bởi kiếm nữa.
Bài pháp hiên ngang, hào hùng của đức Phật hôm ấy như tuyến chiến với hư vô, bước ra khỏi hư vô đã giúp cho không biết bao nhiêu người thấy rõ bộ mặt thật của sự chết; đồng thời biết đâu là sanh tử trong một niệm, biết đâu là vô sanh bất tử cũng trong một niệm; một số trong họ đi vào vài quả thánh đầu tiên.
Đặc biệt, trong hội chúng hôm ấy có một cô gái mười sáu tuổi con người thợ dệt (2) đã bừng bừng hỷ hoan trên khuôn mặt; và cô tự hứa với lòng là sẽ tu tập niệm chết này từ khoảnh khắc này, sẽ không dám biếng lười, dể duôi, giải đãi...
2. Sau chết chúng ta sẽ thế nào, về đâu? em xin trích phần giảng của thầy về Thân trung ấm trên trang thuvienhoasen.org
CÓ 49 NGÀY &
THÂN TRUNG ẤM KHÔNG?
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Lời thưa: Câu hỏi của số đông phật tử tu tập theo truyền thống Bắc tông, là “Khi người thân qua đời phải mời quý thầy đến làm lễ phát tang, nhập liệm, cúng cơm rồi cúng tuần, cúng 49 ngày, 100 ngày để siêu độ vong linh – như thế có đúng không thưa thầy? Và theo Nam truyền thì nghi thức cúng kiếng ấy ra sao?”
Chủ đề này nói theo ngôn ngữ hiện nay là quá
“nhạy cảm”; nhưng vì có quá nhiều người hỏi nên tôi chẳng đặng đừng. Tôi đã có dự định không viết nữa, không trả lời gì nữa sau bài trả lời số 9, tuy nhiên do tâm nguyện tha thiết của nhiều người học Phật muốn biết rõ về quan niệm ấy theo Phật giáo Nam tông nên tôi lại phải múa bút và tôi cũng sẵn sàng nhận chịu những phản hồi không đồng quan điểm.
Muốn trả lời trọn vẹn, đầy đủ và rõ ràng, chủ đề này tôi sẽ trình tự đi theo ba bước:
- Nguồn gốc (xuất xứ) 49 ngày & thân trung ấm.
- Hiện tượng chết và tái sanh.
- Nghi thức thiết lễ và
“cầu siêu” theo truyền thống Nam tạng.
I- Nguồn gốc (xuất xứ) 49 ngày & thân trung ấm.
1- Manh nha từ thế kỷ I, II sau Phật Niết-bàn, đến kỳ kết tập Phật ngôn lần thứ ba, khoảng 216 năm thời đại đế Asoka thì Phật giáo Ấn Độ đã phát sanh nhiều học phái, chia làm 2 nhóm:
- 11 học phái được tách ra từ Theravāda.
- 16-18 học phái cải cách có khuynh hướng đại chúng, gọi là Đại chúng bộ.
Trong 26-28 học phái này thì chỉ có Tuyết Sơn bộ (Hemavantavāda) và phái Hoá Địa bộ (Mahisāsakavāda) thuộc nhóm thứ nhất là có quan niệm về thân trung ấm, được xem là sớm nhất. Và thân trung ấm thời này có tên là Antarabhava.
Antara là khoảng giữa, ở giữa, chỗ lưng chừng; còn
bhava là hữu, là có, là tồn tại – có nghĩa là
“tồn tại ở khoảng giữa, chỗ lưng chừng!” . Lưu ý ở đây là không có từ
ấm. Ấm hay uẩn là được dịch từ
khandha, cái che đậy, cái che lấp, cái chồng chất làm cho chúng sanh không thấy được cái thực, cái sự thực, cái chân lý (còn có nghĩa là nhóm, tích chứa). Vậy, ấm này cũng là
“hậu tác” để thích dụng cho ngữ cảnh, ngữ nghĩa nào đó mà người ta muốn
“lập tri”.
2- Tìm thấy thân trung ấm ở trong Đại tỳ-bà-sa luận: Luận này là của Long Thọ, được trước tác khoảng chừng thể kỷ thú I TL.
Luận này dạy Bồ-tát niệm Phật A Di Đà cầu vãng sanh về thế giới Cực lạc, dạy phương pháp sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỉ và hồi hướng để được vào địa vị Bất thối. Đây là cách thức, không chỉ sơ tâm Bồ-tát mà cả phàm phu, ai cũng làm được mà đạt kết quả cao! Có những câu khinh chê Thanh Văn, Duyên Giác đến tận đáy địa ngục:
“Rơi vào địa ngục không đáng sợ bằng rơi vào hàng Nhị thừa!”. Đọc ở đâu cũng không thấy tu tập định tuệ mà chỗ nào cũng nói đến tha lực, oai lực siêu nhiên; chỗ nào cũng lễ lạy, xưng tán hồng danh Phật này, Bồ-tát kia (có cả nhiều trang tên Phật, tên Bồ-tát) là có thể có tất cả trí tuệ, công đức, phước báu vô lượng!
(Người ta cũng nói thân trung ấm ở trong Đại thừa nghĩa chương, ở trong luận Câu Xá, ở trong luận Tỳ-bà-sa của Thế Hữu - nhưng người viết chưa có thì giờ nghiên tầm).
3- Tìm thấy dấu ấn rõ ràng nhất là ở trong Tử thư Tây tạng, khoảng thế kỷ thứ 14, được cho là do tổ Liên Hoa Sinh thuyết giảng hoặc tâm truyền. Đây được xem là những khai thị cho những người sắp chết.
Tôi đọc được ở trang Wikipedia:
“Giai đoạn của cái chết được chia làm ba phần, liên hệ chặt chẽ với
Tam thân Phật:
- Trong giai đoạn đầu ngay sau khi chết, Pháp thân (sa. dharmakāya) xuất hiện dưới dạng Tịnh quang (sa. ābhāsvara), ánh sáng rực rỡ;
- Trong giai đoạn hai, Báo thân (cũng gọi là Thụ dụng thân, sa. saṃbhogakāya) xuất hiện dưới dạng
Ngũ Như Lai hay
Phật gia (sa. buddhakula), gồm hình dáng các vị Phật với những màu sắc khác nhau;
- Trong giai đoạn ba, Ứng thân (sa. nirmāṇakāya) xuất hiện dưới dạng sáu đường tái sinh (
Lục đạo) của Dục giới (
Vòng sinh tử, sa. bhavacakra).
Trong cả ba giai đoạn đó,
thần thức của người chết có thể đạt giải thoát bằng cách lắng nghe lời khai thị để nhận ra tất cả là do tâm thức mình đang chiếu hiện mà nhờ vậy đạt Niết-bàn”.
Thật lạ lùng và cũng thật là
“bí diệu” thay!
Có thể dẫn dắt thần thức đến chỗ giải thoát, Niết-bàn - chẳng cần công phu hành đạo, chẳng cần tu tập giới định tuệ gì cả, khoẻ re!
4- Và cuối cùng, thân trung ấm được Trung Quốc và Việt Nam tiếp thu, lan tràn khắp nơi là do
kinh Điạ Tạng.
Bộ kinh nầy, toàn bộ nội dung
là khen ngợi, xưng tán danh hiệu Bồ-tát Địa Tạng. Và chỉ cần như vậy thôi sẽ
“có được” tất cả sở cầu, sở nguyện như ý!
Ta hãy cùng xem khen ngợi, xưng tán như thế nào?
- Về đời sau, nếu có trang thiện nam, người thiện nữ nào nghe danh tự của Địa-Tạng Bồ-tát, hoặc khen ngợi, hoặc chiêm ngưỡng vái lạy, hoặc xưng danh hiệu, hoặc cúng dường, nhẫn đến vẽ, khắc, đắp, sơn hình tượng của Địa-Tạng Bồ-tát, thời người đó sẽ được một trăm lần sanh lên cõi Trời Đao Lợi, vĩnh viễn chẳng còn bị sa đọa vào chốn ác đạo.
- Trong đời sau, như có chúng-sanh không làm lành, mà làm ác, nhẫn đến kẻ chẳng tin luật nhơn quả, kẻ tà dâm, vọng ngữ, kẻ lưỡng thiệt, ác khẩu,
kẻ hủy báng Đại Thừa. Những chúng-sanh có tội nghiệp như thế chắc phải bị đọa vào ác đạo. Nếu gặp được hàng Thiện-tri-thức khuyên bảo quy y với Ngài Địa-Tạng Bồ-tát chừng trong khoảng khảy móng tay, những chúng-sanh đó liền đặng thoát khỏi báo khổ nơi ba ác đạo.
- Như có kẻ thiện nam hay người thiện nữ nào hoặc là họa vẽ hình tượng của Ngài Địa-Tạng Bồ-tát rồi chừng một lần chiêm ngưỡng, một lần đảnh lễ, người đó sẽ được sanh lên cõi Trời Đao Lợi một trăm lần, không còn phải bị sa đọa vào ác đạo nữa.
- Nếu có người nữ nào chán thân xấu xí và nhiều bịnh tật, đến nơi trước tượng của Ngài Địa-Tạng Bồ-tát chí tâm chiêm ngưỡng đảnh lễ chừng trong khoảng một bữa ăn, người nữ đó trong nghìn vạn kiếp thọ sanh được thân hình tướng mạo xinh đẹp không có bịnh tật. Người nữ xấu xí đó nếu không nhàm thân gái, thời trăm nghìn muôn ức đời thường làm con gái nhà Vua cho đến làm Vương Phi, dòng dõi nhà quan lớn cùng con gái các vị đại Trưởng Giả, tướng mạo đoan trang xinh đẹp...
- Như có người thiện nam, người thiện nữ nào có thể đối trước tượng của Địa-Tạng Bồ-tát mà trổi các thứ kỹ nhạc, ngâm ca khen ngợi, dùng hương hoa cúng dường, cho đến khuyến hóa được một người hay nhiều người. Những hạng người đó ở trong đời hiện tại cùng thuở vị lai sau, thường được trăm nghìn vị Quỉ Thần ngày đêm theo hộ vệ còn không cho những việc hung dữ đến tai người đó, huống là để cho người đó phải chịu các tai vạ bất ngờ!
- Giả sử như thần thức của người bịnh đã phân tán đến hơi thở đã dứt, thời hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày cho đến bảy ngày, cứ lớn tiếng xướng bạch và lớn tiếng tụng kinh nầy. Sau khi người bịnh đó mạng chung thời dầu cho từ trước có tội vạ nặng, nhẫn đến
năm tội vô gián, cũng được thoát khỏi hẳn, thọ sanh vào đâu cũng thường nhớ biết việc đời trước. Huống nữa là người thiện nam, người thiện nữ nào tự mình biên chép Kinh nầy, hoặc bảo người biên chép, hoặc tự mình đắp vẽ hình tượng của Bồ-tát, cho đến bảo người khác vẽ đắp, người đó khi thọ quả báo chắc đặng nhiều lợi lớn.
- Như đời sau nầy có những hạng người hạ tiện, hoặc tớ trai, hoặc tớ gái nhẫn đến những kẻ không được quyền tự do, rõ biết là do tội nghiệp đời trước gây ra cần phải sám hối đó, thời nên chí tâm chiêm ngưỡng đảnh lễ hình tượng của Ngài Địa-Tạng Bồ-tát. Rồi trong bảy ngày niệm danh hiệu của Ngài Địa-Tạng Bồ-tát đủ một muôn biến. Những người trên đó sau khi mãn báo thân hạ tiện ở hiện đời, trong nghìn muôn đời về sau thường sanh vào bực tôn quí, trọn không bao giờ còn phải sa đọa vào ba đường ác khổ nữa.
- Vì thế [nên, nếu ông thấy có người nào đọc] tụng Kinh nầy, cho đến chỉ trong một niệm ngợi khen Kinh nầy, hoặc là có lòng cung kính đối với Kinh, thời ông cần phải dùng trăm nghìn phương chước khuyến hóa người đó, phát lòng siêng năng chớ đừng thối thất, thời có thể được trăm nghìn muôn ức công đức không thể nghĩ bàn ở hiện tại và vị lai.
- Như có người nam người nữ nào nghe danh hiệu của đức Phật đây mà tạm thời sanh lòng cung kính, liền đặng siêu việt tội nặng sanh tử trong bốn mươi kiếp, huống là vẽ đắp hình tượng cúng dường tán thán! Người nầy được vô lượng vô biên phước lợi.
- Như có người nam người nữ nào được nghe danh hiệu của đức Phật đây, phát tâm quy y với Phật trong khoảng khảy móng tay, người nầy trọn hẳn không còn thối chuyển nơi đạo vô thượng chánh giác.
- Trong đời sau, như kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp
Kinh điển đại thừa hoặc nghe thấy một bài kệ, một câu Kinh, rồi phát tâm ân cần trân trọng cung kính ngợi khen, bố thí cúng dường, người ấy được quả báo lớn vô lượng vô biên. Nếu có thể đem phước đức hồi hướng cho khắp pháp giới chúng-sanh thời phước lợi nầy không thể ví dụ thế nào cho được.
- Trong đời sau, như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp chùa tháp và
Kinh điển đại thừa, nếu là Kinh tháp mới thời bố thí cúng dường, chiêm ngưỡng lễ lạy ngợi khen chắp tay cung kính. Nếu gặp Kinh tháp cũ, hoặc hư rách thời sửa sang tu bổ, hoặc riêng mình phát tâm làm, hoặc khuyến người khác cùng đồng phát tâm. Những người đồng phát tâm đây, trong ba mươi đời thường làm vua các nước nhỏ. Còn vị đàn-việt chánh đó thường làm vua Chuyển Luân, lại dùng pháp lành mà giáo hóa vua các nước nhỏ.
- Trong đời sau, như có người thiện nam kẻ thiện nữ nào ở nơi cội phước lành đã gieo trồng trong Phật Pháp, hoặc là bố thí cúng dường, hoặc là tu bổ chùa tháp, hoặc sửa sang Kinh điển, cho đến chừng bằng một sợi lông, một mảy bụi, một hột cát, một giọt nước. Những sự lành như thế không luận là nhiều ít, chỉ có thể đem hồi hướng cho khắp pháp giới chúng-sanh, thời công đức của người đó trong trăm nghìn đời thường hưởng thọ sự vui thượng diệu. Còn như chỉ hồi hướng cho thân quyến trong nhà hoặc tự mình được lợi ích thôi, như thế thời sẽ hưởng quả vui trong ba đời, cứ làm một phần sự lành, thời được hưởng báo tốt một muôn lần trội hơn.
Đấy là “khen”, còn “chê” thì chết:
- Trong đời sau, như có người ác và ác thần, ác quỉ nào thấy kẻ thiện nam, người thiện nữ quy y cung kính, cúng dường ngợi khen chiêm ngưỡng đảnh lễ hình tượng của Ngài Địa-Tạng Bồ-tát, mà vọng sanh khinh chê là không có công đức cùng không có sự lợi ích, hoặc nhăn răng ra cười, hoặc chê sau lưng hay chê trước mặt, hoặc khuyên bảo người khác cùng chê, hoặc khuyên bảo một người cùng chê hay nhiều người cùng chê, cho đến sanh lòng chê bai trong chừng một niệm. Thời những kẻ như thế đến sau khi một nghìn đức Phật trong hiện kiếp nhập diệt cả, bị tội báo khinh chê nên còn ở trong địa ngục A Tỳ chịu tội khổ rất nặng.
Nói về lâm chung và 49 ngày:
- Chúng-sanh trong cõi Diêm-Phù-Đề nầy có nhơn duyên lớn với ngài Địa-Tạng Đại-sĩ. Những chúng-sanh đó hoặc được nghe danh hiệu của Địa-Tạng Bồ-tát, hoặc được thấy hình tượng của Địa-Tạng Bồ-tát, cho đến nghe chừng ba chữ hay năm chữ trong Kinh nầy, hoặc một bài kệ hay một câu, thời những người đó hưởng sự an vui lạ thường trong đời hiện tại, trăm nghìn muôn đời về vị lai thường được thác sanh vào nhà tôn quí, thân hình xinh đẹp. Như sau khi người đã chết, lại có thể trong
bốn mươi chín ngày vì người ấy mà tu tạo nhiều phước lành, thời có thể làm cho người chết đó khỏi hẳn chốn ác đạo, được sanh lên cõi Trời hoặc trong loài người hưởng lấy nhiều sự rất vui sướng, mà kẻ thân quyến hiện tại đó cũng được vô lượng điều lợi ích.
- Giả sử người chết đó hoặc là đời trước hay đời hiện tại vừa rồi, đã
chứng đặng phần Thánh quả, sẽ sanh vào cõi Trời, cõi người, nhưng bị vì lúc lâm chung, hàng thân thuộc gây tạo những nghiệp nhơn không lành, cũng làm cho người chết đó mắc lấy ương lụy phải đối biện, chậm sanh vào chốn lành. Nầy ông Trưởng Giả! Những chúng-sanh ở hiện tại hay vị lai, lúc
sắp mạng chung mà nghe đặng danh hiệu của một đức Phật, danh hiệu của một vị Bồ-tát hay danh hiệu của một vị Bích Chi Phật, thời không luận là
có tội cùng không tội đều được giải thoát cả.
- Thần hồn người chết đó khi chưa được thọ sanh, ở trong
bốn mươi chín ngày luôn luôn trông ngóng hàng cốt nhục thân quyến tu tạo phước lành để cứu vớt cho. Qua khỏi bốn mươi chín ngày thời cứ theo nghiệp mà thọ lấy quả báo. Người chết đó nếu là kẻ có tội, thời trải qua trong trăm nghìn năm không có ngày nào được thoát khỏi.
- Hàng thân quyến của người lâm chung đó, nên phải sắm sửa làm sự cúng dường lớn, tụng đọc Tôn Kinh, niệm danh hiệu của Phật và Bồ-tát, tu tạo nhơn duyên phúc lành như thế, có thể cho người chết thoát khỏi chốn ác đạo, các thứ ma, quỉ, ác thần thảy đều phải lui tan cả hết.
- Tất cả chúng-sanh lúc lâm chung nếu đặng nghe danh hiệu của một đức Phật, danh hiệu của một Bồ-tát,
hoặc một câu, một bài kệ Kinh điển đại thừa, con xem xét thấy hạng người ấy, trừ năm tội Vô-gián cùng tội sát hại, những nghiệp ác nho nhỏ đáng lẽ phải sa vào chốn ác đạo, liền đặng thoát khỏi cả.
- Vì thế nên những chúng-sanh trong cõi Diêm Phù, sau khi cha mẹ hay người thân quyến chết, nếu có thể làm chay cúng dường, chí tâm cầu khẩn thời những người như thế, kẻ còn người mất đều đặng lợi ích cả.
- Trong cõi Diêm-Phù-Đề, những người làm lành đến lúc mạng chung cũng còn có trăm nghìn quỉ thần ác đạo hoặc biến ra hình cha mẹ, nhẫn đến hóa làm người thân quyến dắt dẫn thần hồn người chết đi cho đọa lạc vào chốn ác đạo, huống chi là những kẻ lúc sanh tiền đã sẵn tạo nghiệp ác.
- Trong các thế-giới về thuở hiện tại nay và vị lai sau, những hàng chúng-sanh trong sáu đường, như có kẻ sắp mạng chung mà đặng
nghe một tiếng danh hiệu của Ngài Địa-Tạng Bồ-tát thoáng qua lỗ tai, thời kẻ mạng chung đó không còn bị đọa vào chốn khổ ba ác đạo. Huống chi là lúc sắp mạng chung, cha mẹ cùng hàng thân quyến đem
của cải nhà cửa, vật báu, y phục vân vân ... của người sắp mạng chung đó mà làm của chi phí để tô đắp hay họa vẽ hình tượng của Ngài Địa Tạng Bồ-tát. Rồi làm cho người bịnh lúc chưa chết, hoặc mắt thấy tai nghe biết rằng hàng thân quyến đem nhà cửa vật báu vân vân ... vì mình mà tô vẽ hình tượng của Ngài Địa-Tạng Bồ-tát. Người bịnh đó nếu có nghiệp báo phải mang lấy bịnh nặng, thời nhờ công đức này liền được lành mạnh, tuổi thọ thêm lâu. Còn nếu người bịnh đó có nghiệp báo số mạng đã hết, lại có đủ tất cả tội chướng, nghiệp chướng, đáng lẽ phải bị đọa vào chốn ác đạo, song vì nhờ công đức này nên sau khi mạng chung, liền được sanh vào cõi trời, cõi người, hưởng quả vui thù thắng vi diệu, tất cả tội chướng thảy đều tiêu sạch.
Lược dẫn như vậy thiết nghĩ là quá đủ rồi. Bậc trí có thể tin
một loại được gọi là kinh như thế hay chăng? Tôi có thể khẳng định, và
“sẵn sàng đi địa ngục Vô gián” để nói rằng, kinh này không những là
“hậu tác” mà còn là
“nguỵ tác”, đã rất thâm độc, đã đưa một đạo Phật trí tuệ đoạn lìa tham sân phiền não xuống ngang hàng với những loại tín ngưỡng dân gian đầy mê tín, tối tăm và ngu muội. Chỉ cần
khen ngợi, chỉ cần một câu một chữ kinh này, chẳng cần tu tập gì cả,
kẻ ác cũng được vô lượng công đức, phước báu hay sao???
II- Hiện tượng chết và tái sanh
Về phần này sẽ có những tương quan liên hệ sau đây:
- Những nguyên nhân của sự chết.
- Những hiện tượng của nghiệp phát sanh trước khi chết.
- Lộ trình tâm của người sắp chết.
- Dòng tâm thức tái sanh.
1- Những nguyên nhân của sự chết
Chết là sự chấm dứt tạm thời của một hiện tượng tạm thời. Chết không phải là đoạn diệt hẳn, chết tại chỗ này nghĩa là sanh tại chỗ khác, như mặt trời lặn ở chỗ này nhưng lại mọc ở chỗ khác.
Chết, có nghĩa là chấm dứt mạng căn (jīvitindriya), sức nóng (tejodhātu) và thức (viññāṇa) của một chúng sanh.
Như vậy, chết có 4 nguyên nhân sau đây:
- Sự chấm dứt của tuổi thọ.
- Sự chấm dứt của nghiệp.
- Tuổi thọ và nghiệp cùng chấm dứt.
- Do sự xen vào của đoạn nghiệp.
1.1-Sự chấm dứt của tuổi thọ
Cái mà chúng ta thường hiểu là
“chết tự nhiên”, nghĩa là chết khi đến tuổi già yếu, tuổi thọ đã hết. Tuổi thọ tuỳ thuộc cảnh giới, không hạn định được số lượng nào. Người chết do hết tuổi thọ như ngọn đèn tắt vì dầu đã cạn hoặc tim đã lụn. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp xảy ra, tuổi thọ hết nhưng nghiệp tái tạo (sanh nghiệp) của người ấy chưa chấm dứt thì sao? Nếu năng lực của nghiệp còn tiềm tàng thì người ấy có thể tiếp tục sống trong cảnh giới ấy hoặc trong một cảnh giới cao hơn.
1.2- Sự chấm dứt của nghiệp.
Đây là sự chấm dứt của sanh nghiệp hay nghiệp tái tạo trong kiếp ấy. Dù thiện dù ác, năng lực trả quả của nghiệp ấy đến lúc đó không còn diễn tiến được nữa, phải nhường chỗ cho sanh nghiệp mới hay nghiệp tái tạo mới.
Nghiệp mới ấy chính là tác hành tâm (javana) của người ấy lúc lâm chung, có sức mạnh chi phối sự tái sanh. Vào sát-na ấy, lúc sanh nghiệp cũ chấm dứt, tử diệt, một năng lực đặc biệt của sanh nghiệp mới, tạo tác nên đời sống mới, cảnh giới mới.
1.3- Tuổi thọ và nghiệp cùng diệt.
Đây là trường hợp một người chết lúc tuổi già, đồng thời
“sanh nghiệp” người ấy cũng chấm dứt cùng một lúc.
Nếu trường hợp thứ nhất là đèn tắt do hết dầu, trường hợp thứ hai do tim lụn – thì trường hợp thứ ba là hết dầu và tim lụn cùng một lần.
1.4- Sự chen vào của đoạn nghiệp
Đây là sự chen vào của một nghiệp rất nặng, có công năng tiêu diệt sanh nghiệp của loài hữu tình. Đây thường là những cái chết dữ do một sát nghiệp quá nặng từ quá khứ đến lúc trổ quả. Ví như chết do bom nổ, dao đâm, xe tông, lửa cháy, chết đuối... chúng gồm tất cả các loại chết được gọi là
“bất đắc kỳ tử”.
Ba loại chết đầu được gọi là chết đúng thời (kālamaraṇa), loại thứ tư, sau cùng được gọi là chết phi thời (akālamaraṇa).
Nếu một ngọn đèn bị tắt, ba loại đầu là hết dầu, tim lụn, tim và dầu cùng hết thì loại thứ tư, đoạn nghiệp được ví như gió thổi tắt.
2- Những hiện tượng của nghiệp phát sanh trước khi chết
Đối với những người sắp sửa chết, trong khi lâm chung, do sức mạnh của nghiệp, kiết sanh thức của người ấy chịu sự tác động của một trong 4 nghiệp sau đây:
- Cực trọng nghiệp.
- Cận tử nghiệp.
- Tập quán nghiệp (thường nghiệp).
- Tích luỹ nghiệp.
Nếu là cực trọng nghiệp, dầu thiện dầu ác, thì tức khắc người lâm chung bị nghiệp này chi phối, không có nghiệp nào có khả năng chen vào được. Thứ tự ưu tiên tiếp theo là thường nghiệp (tập quán nghiệp), do thói quen bởi những hành động thường làm trong đời sống hằng ngày. Tích luỹ nghiệp, nếu được quy tụ tạo thành một khuynh hướng, một cá tính cũng có thể dẫn dắt kiết sanh thức ra đi. Còn nếu có một nghiệp được làm trước lúc chấm dứt hơi thở – cận tử nghiệp - thì nghiệp này quyết định cảnh giới tái sanh.
Tuy nhiên, dẫu là nghiệp nào đi nữa, người lâm chung sẽ bị chi phối bởi
nghiệp, nghiệp tướng và
thú tướng như sau:
2.1- Nghiệp (kamma)
Tức là nghiệp nào có sức mạnh nhất hoặc có điều kiện nhất, không biết là thiện hay ác – một trong 4 nghiệp trên sẽ quyết định dòng tâm thức của người ấy, xảy ra tại những sát-na tác hành tâm. Chính những sát-na tác hành tâm – mà tư tác (cetanā) là năng lực điều hành sẽ nắm bắt đối tượng, hoặc thanh tịnh hoặc nhiễm ô, hoặc hỷ hoặc xả – tương ưng với cảnh giới tái sanh. Chính ở đây, sau đó, sẽ xảy ra hai biểu tướng tiếp theo là nghiệp tướng và thú tướng.
2.2- Nghiệp tướng (kammanimitta)
Nghiệp có thể đi qua 5 lộ trình của ngũ môn (5 cửa, 5 căn), sau đó được đúc kết hoặc quyết định ở lộ trình ý môn (cửa ý, ý căn). Vậy, nghiệp bao giờ cũng xảy ra từ ý căn.
Còn nghiệp tướng, tức là tướng của nghiệp, chính là những sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nào mà người ấy từng kinh nghiệm, tạo tác, huân tập ở trong đời, đã trở thành quán tính, nó tự động hiện khởi rất rõ ràng trong ý môn của người lâm tử. Ví dụ:
- Chậu máu, con dao... đối với tên đồ tể.
- Hình ảnh bệnh nhân, kim tiêm, các vị thuốc đối với lương y.
- Bình hoa, quyển kinh, hộp xá-lợi... đối với cư sĩ thuần thành.
- Mùi trầm, mùi hương hoa... đối với người hay thiết lễ cúng dường bàn thờ Phật
- Quyển sách đẹp, tập thơ trang nhã... đối với nhà văn, nhà thơ.
- Cảnh núi non sơn thuỷ hữu tình... đối với bậc ẩn sĩ...
Lúc những tướng nghiệp như trên hiện ra, ngay tức khắc sau đó là thú tướng.
2.3- Thú tướng (gatinimitta)
Đây là tướng của cảnh giới tái sanh. Tướng của cảnh giới tuỳ theo thiện hay ác, thanh tịnh hay nhiễm ô... chúng sẽ hiện ra trong ý môn của người lâm tử. Ví dụ:
- Thấy rừng lửa, biển máu, hầm dao, chông... Đây là biểu tướng của địa ngục.
- Thấy hầm đen, sâu hun hút, tanh, hôi... là biểu tướng đi vào thai bào súc sanh.
- Thấy đường mây, đường hoa lên thiên cung, xanh tươi, đẹp đẽ, quang rạng... là biểu tượng của các cảnh trời...
Trong những sát-na này, tướng của nghiệp hiện ra như thế nào thì thức tái sanh sẽ nương gá tức khắc vào cảnh giới ấy. Vì giây phút lâm tử này quá quan trọng nên chúng ta có thể tạo cận tử nghiệp tốt cho người lâm tử, bằng cách dùng sắc tướng (tượng Phật, quyển kinh), âm thanh (tụng kinh, chuông, mõ), mùi hương (trầm)... để tạo ngũ môn và ý môn lộ trình tâm tốt, đẹp, thanh lương, trong sáng cho người ấy.
Nói tóm lại, nghiệp luôn khởi ở ý căn; nghiệp tướng có thể hiện khởi tại 1 trong 6 căn, tuỳ trường hợp; thú tướng luôn là những sắc tướng, những hình ảnh hiện khởi trong tâm như giấc chiêm bao.
3- Lộ trình tâm của người sắp chết
Lúc nghiệp, nghiệp tướng và thú tướng hiện ra, lộ trình tâm của người lâm tử sẽ nắm bắt chúng làm đối tượng, rồi các sát-na tâm sẽ diễn tiến cho đến khi kiết sanh thức nương gá vào đời sống mới; và lộ trình ấy diễn ra như sau:
- Hữu phần rung động và dừng lại 2 sát-na tâm rồi diệt.
- Ý môn hướng tâm khởi lên 1 sát-na rồi diệt.
- Tác hành tâm khởi lên 5 sát-na rồi diệt.
Đối tượng từ nghiệp, nghiệp tướng và thú tướng do 5 sát-na tác hành tâm này xử sự; tuy chỉ 5 sát-na (không phải 7 như thường lệ) nhưng nó có khả năng điều hành, chi phối một đời sống mới.
Sau 5 sát-na tác hành tâm (cetāna-tư tác quyết định), 2 sát-na đồng sở duyên có thể khởi hay không khởi, tuỳ trường hợp. Có thể sau 5 sát-na tác hành tâm là tử tâm (cuti) là sát-na tâm cuối cùng trong đời sống hiện tại. Có người hiểu lầm là đời sống kế tiếp bị định đoạt bởi tử tâm cuối cùng này. Sự thật, chính tác hành tâm mới chi phối đời sống sau.
Khi tử tâm diệt, sự chết mới thật sự bắt đầu. Và sắc thân của người chết, từ đây, không có một sắc pháp nào được tạo ra do tâm hay do vật thực nữa, chỉ còn sắc do hoả đại (nóng, lạnh, thời tiết) được tạo ra, tiếp diễn cho đến khi thi thể trở thành tro bụi.
Sau khi tử tâm diệt, một kiết sanh thức do tác hành tâm quyết định có nhiệm vụ nối liền đời sống kế. Và đời sống kế lại được tiếp diễn bởi những sát-na bhavaṇga hoặc lặp đi lặp lại nhiều dòng bhavaṇga. Cho đến lúc nào ý môn hướng tâm, 5 sát-na tác hành tâm phát sanh tâm ưa thích đối với đời sống mới, lúc đó nghiệp sanh sắc đầu tiên mới tạo nên danh-sắc trong thai bào. Sau đó, dòng bhavaṇga tiếp tục khởi và diệt, chúng cứ trôi chảy mãi như dòng nước không ngưng nghỉ.
Lưu ý:
- Người ta hay nói
“kiết sanh thức” là quả của tử tâm (cuti), không phải thế, nếu nói chính xác thì kiết sanh thức là năng lực do tác hành tâm tạo ra, tạm gọi là quả của tác hành tâm.
- Tử tâm không liên hệ gì đến kiết sanh thức, chỉ là tên gọi nhằm chỉ lúc danh-sắc mạng căn của nghiệp cũ chấm dứt.
4- Dòng tâm thức tái sanh
Bất cứ chúng sanh nào tới lúc tái sanh, dòng bhavaṇga trôi chảy không gián đoạn. Nếu kể về sự chết của một tâm sinh vật lý – thì lúc tử tâm báo hiệu sự chết thì kiết sanh thức nối liền đời sống kế, một dòng tâm thức (bhavaṇga) khác lại tiếp diễn. Ở đây, tử tâm, kiết sanh thức và hữu phần cùng chung một đối tượng. Các bậc có trí nói rằng cả ba tâm này cũng có cùng chung một loại tâm sở. Chúng chỉ khác nhau ở danh từ và các chức năng công tác.
Sau khi một vài sát-na nhỏ đầu tiên của hữu phần tạo nên các sắc pháp do nghiệp sanh... thì hữu phần vẫn tiếp tục trôi chảy trong đời sống mới cho đến khi hết tuổi thọ. Rồi lại tái diễn tử tâm – kiết sanh thức – hữu phần... và dòng sống ấy không bao giờ khô cạn, không bao giờ dừng nghỉ.
Nói tóm lại, cuộc tử sinh với dòng diễn biến vô tận, vô định này chỉ được chấm dứt khi không còn mọi khát vọng tầm cầu, không còn bị sự sai sử của Vô minh và Hành nữa; tức là chứng đạt và an trú đạo quả A-la-hán.
III- Nghi thức thiết lễ “cầu siêu” theo truyền thống Nam tạng.
Như vậy, theo Nam tạng Pāḷi văn xác quyết là không có 49 ngày và không có cả thân trung ấm. Và mục này tôi sẽ chia làm 3 phần sau đây:
- Tái sanh tức khắc
- Danh (phần tâm thức) và Sắc (thân xác vật lý) không lìa nhau
- Nghi thức hộ niệm
1- Tái sanh tức khắc
Theo
hiện tượng chết và tái sanh ở phần II, chúng ta thấy rõ rằng, sau tử tâm, kiết sanh thức là thức nối liền đời sống kế tức khắc tìm kiếm cảnh giới khổ hay vui đều do nghiệp (4 loại nghiệp), tức là do tư tưởng, tâm niệm cuối cùng quyết định. Chẳng có vị Phật nào, Bồ-tát nào có thể xen vào định luật nhân quả nghiệp báo do chúng sanh đã tạo để ban ơn hay cứu rỗi được. Đây là luật tắc rất
“khoa học”, rất công minh vậy.
- Như con sâu đo, muốn rời chiếc lá này, tức khắc nó chụp bắt chiếc lá khác!
- Như nghĩ tưởng chợ Đông Ba hay chợ Bến Thành thì tức khắc tái sanh đến đó ngay!
2- Danh (phần tâm thức) và sắc (thân vật lý) vốn không thể lìa nhau.
Thật chúng ta không thể tưởng tượng được rằng, cái thần thức lại có thể lang thang một mình, vất vơ vất vưởng 1 ngày, 2 ngày, 1 tuần, 3 tuần đến 7 tuần. Nó là linh hồn thường tại sao?
Có linh hồn đi một mình là thường kiến của ngoại đạo đó! Bao giờ
sắc cũng không lìa danh, danh cũng không lìa sắc. Danh phải có chỗ nương gá là sắc ngay tức khắc. Khi tử tâm diệt, kiết sanh thức (danh) tìm kiếm sắc (tinh trùng và noãn châu, nếu là thai sanh) để tạo lập danh sắc mới! Ở đây, những
sắc pháp đầu tiên do nghiệp sanh nằm ở sát-na nhỏ,
qua sát-na nhỏ thứ 2 là sắc do thời tiết sanh - thế rồi đời sống kế bắt đầu tượng hình trong thai bào.
Danh, sắc trong 3 cõi Dục, Sắc và Vô Sắc:
- Địa ngục: Thuộc hoá sanh tức khắc, đầy đủ danh sắc để thọ khổ. Chỉ nhận chịu quả báo, không thể tạo nhân.
- Ngạ quỷ: Thuộc hoá sanh tức khắc, đầy đủ danh sắc nhưng là sắc tế vi, mắt người không thấy được. Chỉ nhận chịu quả báo, không thể tạo nhân.
- Súc sanh: Chỉ tất cả các loài động vật có thức tánh cao hay thức tánh thấp, cả thức tánh nhỏ nhiệm. Chúng thuộc noãn, thai, thấp, hoá, đầy đủ danh sắc, là sắc thô tháo hoặc nhỏ li ti mắt người không thấy được như vi trùng, vi khuẩn... Nhận chịu quả báo và có một số tạo thêm nghiệp ác mới.
- A-tu-la: Thuộc hoá sanh tức khắc, đầy đủ danh sắc, là sắc tế vi, đẹp xấu tuỳ nghiệp. Nhận chịu quả báo và có một số tạo thêm nghiệp ác mới hay nghiệp thiện mới.
- Cõi người: Thuộc thai sanh, đầy đủ danh sắc, sắc đẹp sắc xấu tuỳ nghiệp. Có 6 trú căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Nhận chịu quả báo nhưng có thể tạo tác thêm nghiệp thiện, ác tuỳ người.
- 6 cõi trời Dục giới: Thuộc hoá sanh, đầy đủ danh sắc, là sắc tế vi, xinh đẹp do thiện nghiệp. Họ cũng có 6 căn như cõi người nhưng tế vi và xinh đẹp hơn, có nam, có nữ và trẻ trung, thanh xuân cho đến tuổi già. Hưởng thụ ngũ dục cũng như cõi người nhưng
“vi diệu, thù thắng” hơn! Chỉ thọ hưởng quả phước. Chỉ có một số rất ít tạo tác thêm nghiệp lành qua tâm ý.
- Phạm thiên Sắc giới: Do đắc định sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền sắc giới mà hoá sanh tức khắc. Họ có đầy đủ danh sắc. Chỉ có nam, không có nữ. Họ chỉ có 3 trú căn là mắt, tai và ý. Do đã rời xa ngũ dục nên họ
không có căn mũi để ngửi hương, không có căn lưỡi để nếm vị, không có căn da để xúc chạm êm ái. Họ sống và thọ hưởng hạnh phúc của thiền định, đấy là hỷ, lạc, xả và nhất tâm. Hết phước thiền định, họ xuống hoặc lên tuỳ nghiệp đã tạo tác trước đây. Họ không thể tạo nhân mới, nghiệp mới.
Trong cõi tứ thiền sắc giới, có vị Phạm thiên do trú
Vô tưởng thiền là
chỉ có sắc, không có danh do năng lực định duy trì; tuy nhiên, không phải là không có danh, mà danh đang ở dạng tiềm miên, do vậy vẫn có danh sắc.
- Phạm thiên Vô Sắc giới: Do đắc định tứ thiền Vô Sắc mà hoá sanh tức khắc đến những tầng trời cao tột này. Đây là cảnh giới chỉ sống với khái niệm, với ý tưởng, họ không có sắc chất, hình thể, tức là chỉ tồn tại danh, không có sắc. Danh và sắc thường liên hệ hỗ tương, không thể tách rời nhau, tuy nhiên,
do năng lực thiền, các vị này tách lìa danh ra khỏi sắc (do họ chán các sắc) và sống mãi trạng thái ấy cho đến hết tuổi thọ (hết năng lực thiền). Trạng thái ấy là xả và nhất tâm. Và
sắc cũng ở dạng tiềm miên, hết phước thiền, sắc trở lại với danh sắc!
Tương tợ Sắc giới, Vô Sắc giới không có giống nam, giống nữ. Họ chỉ có một ý căn, không có các căn mắt tai mũi lưỡi thân!
Sau khi khảo sát cả Tam giới thì danh sắc vốn bất ly, chỉ vài nơi, do năng lực thiền tạm tách rời danh sắc – thì không hiểu
thân trung ấm nằm ở cõi nào, rồi còn vất vơ, vất vưởng lang thang một mình như một
linh hồn theo quan điểm của ngoại đạo, tà giáo? Vậy
49 ngày cùng
thân trung ấm là đi ngược lại giáo pháp rất đáng phàn nàn vậy.
3- Nghi thức hộ niệm theo Nam truyền
Thời Phật tại thế, khi một vị tỳ-khưu hoặc một cư sĩ mất, đức Phật hoặc chư tăng đến bên xác chết chỉ để tụng đọc những bài kệ vô thường và vô ngã... hoặc niệm thân hoặc niệm sự chết. Và ngày nay, chư tăng cũng thường đọc tụng như thế.
Khi nghe tin một người sắp lâm chung, chư tăng được gia đình cư sĩ đến tụng kinh cầu an. Cầu an chỉ là tạm mượn của Bắc truyền chứ Nam truyền, thay vì nói cầu an là tụng
kệ chúc phúc an lành. Cầu siêu cũng vậy, Nam truyền chỉ tạm mượn, chứ thật ra chỉ để đọc
kệ quán sự chết, quán thân, quán vô thường, khổ không, vô ngã, không thể
cầu siêu độ cho hương linh được, chỉ gia niệm, gia trì, gia hộ do năng lực của tâm thanh tịnh thôi.
Giây phút quan trọng nhất là khi người sắp mất còn nghe được tiếng lời kinh, kệ để có thể tự chuyển hoá tâm thức mình. Có thể mở băng đĩa kinh, những thời pháp. Nếu còn thấy được thì nên để cho người ấy thấy hình ảnh đức Phật, và cụ thể là chư tăng đang đứng gần bên mà phát sanh đức tin, nhớ nghĩ những việc lành của mình đã làm trong quá khứ. Nếu không còn nghe, còn thấy thì có thấy đốt trầm, hương, biết đâu người sắp mất cảm nhận được... Tuyệt đối trong gia đình không nên khóc lóc, nên giữ không gian thanh tịnh tạo một năng lượng an lành bao quanh.
Nam tông cũng nhập liệm, cũng trị quan, trị huyệt nhưng đều chỉ tụng đọc những bài kệ như nêu dẫn ở trên.
Sau khi người chết đã đặt trong quan rồi, trước có thiết lễ bàn thờ Phật Thích Ca (không có Quan Âm, Di Đà, Địa Tạng), có đèn trầm, hương hoa quả phẩm, tuyệt đối không cúng thêm bất kỳ gì món gì khác. Điểm quan trọng tiếp theo, là ngày nào gia chủ cũng thỉnh mời chư tăng, tối thiểu 4 vị, 6 vị tỳ-khưu (đủ đại diện cho Tăng-già) đến để cúng dường y, vật thực rồi chư tăng tụng kinh chú nguyện hồi hướng. Buổi chiều, tối, chư cư sĩ bạn đạo vài chục người đến tụng kinh.
Ngày cuối cùng, ngày mai tiễn linh, bao giờ cũng thỉnh mời một vị trưởng lão đến để thuyết pháp bên cạnh kim quan, không phải là thuyết cho người chết (thuyết linh) mà thuyết cho người sống nghe. Bên Nam tông không coi trọng quá cái xác chết, có thể chôn cất mà cũng có thể thiêu, bây giờ đa phần là thiêu, lấy ít cốt về thờ hoặc gởi tại một ngôi chùa nào đó.
Do
tập tục về thân trung ấm và 49 ngày đã xâm nhập quá lâu vào tâm thức nhân gian nên Nam tông cũng quen tuần nhất, tuần nhì cho đến thất tuần trai tăng hồi hướng. Tôi đã nhiều lần muốn bỏ nhưng đành chịu. Nghĩ cũng tốt, thế là có cả thảy 7 tuần để tưởng nhớ người đã mất, hồi hướng phước cho người đã mất. Người ta lại còn có cơ hội tưởng nhớ đến Tam Bảo, đến việc thiện, đến phước đức không là điều đáng trân trọng sao? Ngoại trừ đâu đó
“tạt nước theo mưa” hoặc lợi dụng tín ngưỡng ấy với những ý đồ riêng thì ở đây tôi không nói tới. Tuy nhiên, nếu quá rối rắm, hệ luỵ cho hai hàng cư sĩ thì không nên, họ khổ nhiều rồi, đến chùa học đạo diệt khổ mà quá nhiều phiền não phát sinh thì có đáng không?
Phải biết cái gì chính, cái gì phụ, việc đáng làm và việc không đáng làm. Bày nhiều hình thức lễ nghi quá là rơi vào giới cấm thủ đấy! Lời thật mất lòng, xin chư vị thiện trí thức hiểu cho điều này và cổ suý cho. Biết sai mà không nói cũng hổ thẹn với giáo pháp, hổ thẹn với chư Phật và nhất là hổ thẹn với hàng phật tử học Phật chơn chánh vậy.
....
Nam mô a di đà phật! Chưa xin phép thầy nhưng con đã trích dẫn những lời giảng của thầy với khởi niệm mọi người có duyên được biết đến phật giáo, đặt được viên gạch đầu tiên trên lộ trình giải thoát trong vô lượng kiếp sắp tới. Mong thầy hỉ xả tha lỗi cho con!