Ấn Quang Đại Sư, tổ thứ 13 của Tịnh Độ Tông, hoá thân của Đại Thế Chí Bồ Tát viết thư trả lời Cư sỹ Phạm Cổ Nông
Trích Trong Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên- quyển thứ nhất- phần thứ tư
Trả lời thư cư sĩ Phạm Cổ Nông (thư thứ hai)
Trung Ấm
[8] là thức thần, không phải là thức thần biến thành Trung Ấm, thế tục thường gọi là “linh hồn” vậy. Như nói Trung Ấm cứ bảy ngày lại sống chết một lần, bốn mươi chín ngày bèn đầu thai v.v… chớ nên câu nệ, chấp trước. Nói đến sự sống chết của Trung Ấm chính là nói đến những tướng sanh diệt được hiện trong cái tâm vô minh của Trung Ấm; chẳng thể ngờ nghệch đem những tướng sanh tử của người đời để luận. Trung Ấm thọ sanh nếu nhanh thì như trong khoảng khảy ngón tay, liền vào trong tam đồ lục đạo; chậm thì bốn mươi chín ngày hoặc hơn bốn mươi chín ngày v.v…
Kẻ mới chết có thể cho người quen biết trông thấy trong ban ngày, ban tối, hoặc tiếp xúc cùng người khác, hoặc nói năng, chuyện này không phải chỉ Trung Ấm mới như vậy. Dẫu đã thọ sanh trong đường lành, nẻo ác, cũng vẫn có thể hiện hình trước người quen biết, thân thiết. Tuy điều này do ý niệm của chính người đó biến hiện, nhưng thực ra do những vị thần kỳ chủ trì quyền tạo hóa làm ra, ngõ hầu tỏ rõ con người chết đi thần minh bất diệt và quả báo thiện - ác chẳng dối vậy. Nếu không, người dương gian chẳng biết chuyện cõi âm, cái lý luận mù quáng “con người chết đi thân hình đã mục nát thì thần thức cũng phiêu tán” ắt sẽ được người đời xúm nhau phụ họa; người cả cõi đời bị hãm trong hầm sâu tà kiến “không nhân, không quả, không đời sau, hậu thế”, khiến cho người trông thấy điều thiện chẳng càng dè dặt, gắng sức tu đức, kẻ ác càng cùng hung cực ác muốn tạo ác! Tuy có lời Phật dạy, nhưng không có gì để chứng minh, ai chịu tin nhận? Do có những chuyện hiện hình cho thấy như thế, đủ chứng tỏ lời Phật nói không dối, quả báo phân minh, chẳng những người lành càng thêm hướng đến điều lành, mà tâm kẻ ác cũng bị những tình lý ấy chiết phục, cũng chẳng đến nỗi mười phần cạn tàu ráo máng. Thiên địa, quỷ thần muốn cho con người biết được điều này, nên mới có chuyện người chết hiện thân trong nhân gian, người cõi dương xử án chốn U Minh v.v…đều nhằm để phù trợ Phật pháp, giúp đỡ, khen ngợi trị đạo. Lý này rất vi tế, quan hệ rất lớn. Những chuyện này xưa nay được ghi chép rất nhiều, nhưng chưa thuật rõ quyền ấy do đâu cũng như chưa nêu lên mối quan hệ lợi ích của những chuyện ấy.
Trung Ấm tuy đã lìa thân xác, nhưng vẫn còn mang tình kiến thân xác như cũ. Đã có tình kiến thân xác, cố nhiên cần phải có cơm áo để đắp đổi. Do phàm phu nghiệp chướng sâu nặng, chẳng biết Ngũ Uẩn vốn không, không khác gì người thế gian. Nếu là bậc có đại trí huệ sẽ ngay trong lúc thoát xác không nơi nương dựa, Ngũ Uẩn trống không, các khổ bèn tiêu diệt, Nhất Chân hiển hiện, nên vạn đức trọn bày. Tuy cảnh giới ấy không nhất định phải giống nhau, nhưng chẳng ngại tùy tình kiến của mỗi người mà giúp đỡ cho. Như đốt áo giấy cho người chết, trong tâm người sống chỉ có ý nghĩ ban cho áo, tuy lớn, nhỏ, dài, ngắn làm sao vừa vặn, thích hợp cho được, nhưng do tình kiến của người sống và tình kiến của kẻ mất kia [tương ứng], nên [những áo ấy] đều vừa khít, thích hợp. Từ điều này có thể thấy được cái nghĩa lớn lao
“hết thảy pháp chuyển biến theo tâm”. Sau khi chết đi, khi chưa thọ sanh trong sáu đường, thì gọi là Trung Ấm. Nếu đã thọ sanh trong lục đạo thì chẳng gọi là Trung Ấm. Những hồn dựa vào người khác để nói chuyện khổ, chuyện vui đều là tác dụng của thần thức.
Đầu thai ắt phải do Thần Thức hòa hợp với tinh huyết của cha mẹ, lúc thọ thai, Thần Thức đã trụ trong thai. Lúc sanh nở từng có trường hợp tận mắt thấy người ấy (tức người sẽ đầu thai làm con) đi vào nhà mẹ, vì lúc cha mẹ giao cấu đã có Thức khác thay thế thần thức của người ấy nhập thai. Đến lúc thành thai, Bổn Thức (tức Thức của người thật sự sẽ đầu thai làm con nhà ấy) đến, cái Thức thay thế mới ra đi. Sách Dục Hải Hồi Cuồng quyển ba, trong mục thứ mười hai, dòng tám, chín, mười, mười một, mười hai đã từng hỏi về chuyện này, nhưng lời đáp chưa trúng lý lắm! Quang bèn sửa cho đúng, hãy nên tra duyệt. Lời đáp nguyên thủy như sau:
“Ví như trứng gà, có trứng có cồ, có trứng không có cồ. Khi chưa có thức gá vào thai giống như trứng chưa có cồ vậy!” Chẳng biết trứng không có cồ, dẫu đem cho gà ấp cũng chẳng thể nở, làm sao sánh ví cho được? Quang chỉ mong Lý được sáng tỏ, chẳng nề hà chuyện tiếm quyền, vượt phận, nên vì cư sĩ trình bày duyên do. Bà mẹ của sư Viên Trạch
[9] mang thai ba năm chính là vì lẽ này. Đấy là luận theo lẽ thông thường.
Phải biết nghiệp lực của chúng sanh chẳng thể nghĩ bàn, như người Tịnh nghiệp đã thành, dẫu thân chưa chết nhưng thần thức đã hiện nơi Tịnh Độ; kẻ ác nghiệp sâu nặng, thân còn nằm trên giường bệnh nhưng thần thức đã bị xử phạt nơi U Minh. Mạng tuy chưa tận, Thức đã đầu thai. Đợi đến lúc sắp sanh, toàn phần tâm thức mới gieo vào trong thai ấy. Lý này cũng chẳng phải là hoàn toàn không có; nên thông thường, đa phần là có Thức thay thế để thọ thai vậy. Các pháp trong tam giới duy tâm sở hiện. Chúng sanh tuy mê, nhưng nghiệp lực của họ chẳng thể nghĩ bàn chính là do tâm lực chẳng thể nghĩ bàn, cũng là do thần thông đạo lực của chư Phật chẳng thể nghĩ bàn. Hơn mười năm gần đây, sức nhìn của Quang chẳng ra gì nên chẳng thể dẫn rộng kinh luận để làm chứng, nhưng cố nhiên lý ấy chẳng phải do Quang bịa ra nói mò để phải chuốc lấy tội lệ! Sanh tử là chuyện lớn của chúng sanh, nhân quả là phương tiện giáo hóa lớn lao, nguyện các hạ chẳng tiếc tướng lưỡi rộng dài dùng nhân quả báo ứng chuyển phiền não sanh tử thành sự trợ giúp cho Bồ Đề Niết Bàn thì pháp môn may lắm, chúng sanh may mắn lắm!