Việc vệ sinh sạch sẽ khoang máy và động cơ sẽ làm tăng hiệu quả của quá trình làm mát, chống cáu bẩn, gỉ, sét. Hơn nữa, các dịch vụ rửa và chăm sóc xe chuyên nghiệp với các chuyên gia lành nghề sẽ giúp phát hiện một số những hỏng hóc bất thường mà bạn không thể lường trước.
Tại sao nên làm sạch khoang máy ?
Một khảo sát nhỏ do PV Autonet tiến hành tại một số điểm chăm sóc và bảo dưỡng xe cho thấy trên thực tế, rất nhiều người dùng xe hầu như không có khái niệm vệ sinh khoang máy trong suốt mấy năm sử dụng. Bên cạnh đó, một số ít người tuy có quan tâm đến việc này, nhưng chỉ là hành động bắt nguồn từ tính cẩn thận, chứ thật sự không biết những lợi ích cụ thể của công việc đó là gì. Những người thực sự hiểu được tầm quan trọng của việc chăm sóc và vệ sinh khoang máy đúng cách theo khảo sát này thì không nhiều.
Một số chuyên gia cung cấp dịch vụ bảo trì và chăm sóc xe hơi tại Hà Nội khuyến cáo: Đừng bao giờ coi nhẹ và bỏ qua việc vệ sinh khoang động cơ trong quá trình sử dụng và bảo quản xe ô tô.
Động cơ của xe hơi ngày nay có nhiều điểm khác biệt so với những dòng xe trước kia. Khoang máy ngày càng nhỏ và chật hẹp hơn, thậm chí có những loại xe với khoang máy kín đặc các chi tiết với các khe hở hầu như rất hẹp, chẳng hạn như trên các dòng xe của BMW, Mercedes-Benz… Điều này làm cho nhiệt độ cao tỏa ra từ máy và bụi bẩn ngày càng bị bó hẹp luẩn quẩn gần các đường ống, dây dẫn, các chi tiết bằng nhựa… làm những bộ phận này có thể bị lão hóa rất nhanh và có thể hư hỏng bất kỳ lúc nào.
Theo các chuyên gia kỹ thuật của một số service chuyên nghiệp tại Hà Nội, ngoài tác dụng kể trên, việc vệ sinh và bảo dưỡng khoang máy đối với nhiều dòng xe nhập còn giúp loại bỏ các chất muối bám trên bề mặt các chi tiết trong quá trình xe được nhập khẩu về bằng đường biển. Hơn nữa, bạn cũng cần nghĩ tới một lúc nào đó bạn muốn bán lại chiếc xe, thì khoang máy sạch sẽ bóng bẩy là cơ sở quan trọng để chiếc xe được định giá cao hơn.
Các chi tiết trong khoang máy bị ăn mòn (trên) và bám bụi bẩn cùng dầu mỡ (dưới)
Vệ sinh khoang máy thế nào là đúng cách ?
Mở ca-pô lên, công việc đầu tiên mà bạn cần làm là dọn dẹp các lá khô, rác và xác côn trùng, đặc biệt là ở lưới tản nhiệt và trong những ngóc ngách giữa các đường ống. Mở hết các nắp đậy máy (nếu có) chẳng hạn như khoang máy trên các dòng xe BMW. Bạn có thể tiết kiệm chi phí bằng cách tự rửa xe ở nhà, nhưng phải có đầy đủ hóa chất và dụng cụ chuyên dùng.
Các vật dụng và hóa chất cần có là vòi phun nước cao áp, một chiếc chổi lông nhỏ cán dài, một chiếc bàn chải kiểu như bàn chải quét sơn. Autonet cũng xin gợi ý hai loại hóa chất là Sonax Engine and Cold Cleaner (chuyên dùng để vệ sinh khoang máy) và Sonax MoS2 Oil (chuyên dùng để “dưỡng da” các chi tiết).
Trước khi tiến hành, động cơ cần phải được để nguội (có thể chạm tay vào). Bịt cửa hút gió để cho nước không chui được vào trong động cơ. Một số xe đời mới có cách bố trí cửa hút gió rất kín và bạn thường phải lần theo ống dẫn khí để tìm ra vị trí của nó. Có thể che chắn những bộ phận quan trọng như hệ thống đánh lửa, dây cao áp… Các dòng xe đời mới còn có hộp đen, cuộn điện và modul khởi động…khá phức tạp. Qua năm tháng, vỏ của các thiết bị này (thường bằng nhựa, nhôm) có thể bị giòn, dễ vỡ và có thể bị nứt.
Dùng vòi xịt nước cao áp để đánh bật bớt bụi bẩn bám trên các chi tiết của khoang máy. Sau đó, dùng hóa chất chuyên dụng phun đều lên bề mặt các chi tiết. Sau khi hóa chất đã lan tỏa đều, sử dụng các bàn chải để làm sạch các bề mặt hay ngóc ngách của động cơ, đồng thời phát hiện và làm vệ sinh các vết nứt.
Công đoạn tiếp theo là phun nước nhẹ để rửa trôi tạm thời. Việc phun nước nhẹ còn có tác dụng giúp động cơ luôn được ẩm, làm các chất bẩn không bị khô và bám trở lại. Khi các chất bẩn thông thường đã được rửa trôi, động cơ sẽ lộ ra những khoảng sạch bên cạnh những chỗ còn vết bẩn cứng đầu như dầu mỡ, oxy hóa, cặn nước…. Tiếp tục phun hóa chất vào những chỗ bẩn rồi dùng bàn chải cọ tiếp cho đến khi sạch hết. Dùng bàn chải cán dài để cọ các ngóc ngách sâu bên trong.
Sau khi tất cả mọi ngóc ngách trong ca-pô đều được làm sạch, dùng vòi cao áp xịt lần cuối. Xì khô động cơ bằng khí nén cao áp và máy sấy. Trường hợp không có máy sấy thì có thể cho máy nổ tại chỗ trong thời gian khoảng 5 phút. Chú ý là một số dòng xe có cửa bu-gi hoắm sâu và có thể còn đọng nước. Hãy dùng khí nén cao áp khô xịt sạch nước, làm sạch đầu bu-gi trước khi khởi động.
Máy cũng cần được “dưỡng da” ?
Công đoạn cuối cùng không thể bỏ qua là “dưỡng da” cho máy bằng hóa chất chuyên dùng. Xịt dầu bảo vệ lên bề mặt các chi tiết rồi dùng khăn để lau miết cho hóa chất thẩm thấu xuống cả những phần bị khuất bên dưới. Đặc biệt trong điều kiện sử dụng tại Việt Nam, do không khí nóng ẩm và bụi bẩn nhiều sẽ làm nhanh đóng cặn hay ăn mòn lốc máy và làm hở mạch các tiếp xúc điện. Do vậy, lớp bảo vệ bằng hóa chất này giúp các chi tiết bằng kim loại lâu bị bám bẩn, ăn mòn và các phần lối của hệ thống điện tiếp xúc tốt hơn trong những điều kiện khắc nghiệt.
Sở dĩ Sonax MoS2 Oil có tác dụng như vậy là nhờ thành phần MoS2 (Molipdel DiSulfide) sẽ tạo nên một lớp màng bảo vệ siêu mỏng sẽ ngăn các chi tiết kim loại cũng như các tiếp xúc điện trong khoang máy với nước.
Khoang máy trước (trên) và sau khi được vệ sinh (dưới)
Mỗi lần vệ sinh tổng thành máy như vậy mất khoảng thời gian 2 tiếng, với chi phí dao động trong khoảng từ 300.000 – 400.000 đồng. Theo thông tin từ Sonax service tại Hà Nội (35/17 Đặng Thai Mai), chủ xe nên kết hợp việc rửa xe đúng cách và vệ sinh máy theo chu kỳ 3 - 4 tháng một lần (tùy thuộc vào điều kiện và môi trường sử dụng xe).