TÌNH YÊU KHÔNG CHỈ CÓ Ở “NHÂN NGÀY..”
Rồi cánh thương nghiệp sẽ trả tiền cho truyền thông, để làm ồn ào ngày Tình nhân, cốt chỉ để bán súc-cù-là hay vài bông hoa, được gói/độn trong mớ giấy bọc to đùng.
Oài. Tình yêu đâu chỉ là một ngày. Tình yêu đâu chỉ là một thanh ‘súc-cù – là’. Rồi vài bông hoa kia, chúng sẽ bị vứt ngay vào sọt rác, để lấy chỗ trống - cho người sau đến tặng, nếu người nhận là cô gái còn đang tuổi cập kê.
Rồi cánh tuyên huấn, ‘cực chẳng đã’, sẽ giật dây cho VTV 1, nói vài câu cho có lệ, “nhân kỷ niệm 40 năm ngày V/S với quân thù nào đấy…”.
Oài. Tình yêu với những người lính Việt, đã đem ngực mình chặn đánh làn sóng biển người của quân Trung Quốc xâm lược trên miền Bắc ải ngày 17 tháng 2 năm 1979, đâu chỉ có ‘nhân ngày..’.
Ngày 14/02/1979, đối với đa phần lính Việt ta, trong đó có Tuanbim tôi, không hề biết đến và có khái niệm là: có 1 ngày Valentai tồn tại ở trên đời !!!
Chúng tôi lại càng không thể biết, càng không thể ngờ, là chỉ sau đấy 72 giờ đồng hồ nữa, sau cái ngày Valentai 14/02/1979 đó, ngày 17 tháng 2 năm 1979 ấy, súng sẽ nổ trên khắp giải biên cương, đánh chặn quân Trung Quốc xâm lược, trong một buối sáng gió bấc, sương mù.
Nhưng chắc chắn tôi và các đồng đội thời tôi ngày đó, biết rõ ràng rằng: chúng tôi luôn tặng người mình yêu dấu - dòng máu đỏ chảy trong bộ quân phục mầu xanh.
Bộ quân phục mầu xanh chứa đựng trái tim đỏ thắm tình yêu đất nước, tình yêu lứa đôi. Đó là những bông hoa hồng thép, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, để cho đất nước - mãi mầu xanh, để cho người yêu dấu - mãi trong veo một cặp mắt nâu huyền.
Ngày ấy đã xa lắm rồi. Nay, người ta chỉ còn nhắc đến lịch sử ấy vào một ngày của năm, ngày “Nhân ngày..” mà thôi.
Nhưng tình yêu không chỉ có ở một ngày. Và lòng căm thù quân Trung Quốc xâm lược cũng không chỉ có ở một ngày “Nhân ngày..”.
Tôi vẫn luôn nhớ: thời chiến tranh đánh quân Trung Quốc xâm lược, những năm 1979-1989.
Đó là một ngã rẽ của một cuộc đời, vĩnh viến chấm dứt những mộng ước của một thằng kỹ sư bằng đỏ. Vĩnh viễn chấm dứt mộng ước được đi Liên Xô làm phó tiến sỹ, rồi được phân một căn hộ lắp ghép ở khu tập thể Trung Tự, rồi về hưu với tem phiếu ở hạng bìa C, được mua cá biển ở cửa hàng cung cấp Vân Hồ.
Nhưng nếu bây giờ, thời gian có quay trở lại cái thời còn ùng oàng đấy, thời có đánh nhau ở biên giới Tây Nam, thời có đánh nhau trên biên cương Bắc ải, tôi cũng vẫn sẽ đứng trong quân ngũ.
Thịt da ai cũng là người, cá nhân con người ai mà chẳng muốn sung sướng, an nhàn. Tuy nhiên, đã làm thằng đàn ông thì nên có một chút “kiêu bạc” trong người.
Nói ngắn gọn thì thế này: có mấy anh em trong nhà, trời thì mưa mà mẹ thì đang cần ít củi để nhóm bếp. Ai mà chẳng muốn đùn đẩy cho thằng khác để mình rúc vào ổ rơm đánh phỏm.
Đó là lúc có một thằng tự nguyện vùng chạy ra sân để lấy củi cho mẹ. Đừng nói rằng nó làm thế là vì có tình yêu thương nhường nhịn bao la. Đời không phải lúc nào cũng cần dương những cái to tát ấy ra.
Hãy đơn giản nghĩ rằng: mẹ mình nghèo, anh em thằng nào cũng cố cấu véo, ai cũng như lũ quan chức chính phủ hôm nay - đang vơ vét của công và ăn cắp tiền thuế của tôi và chúng ta, thì mẹ nghèo Việt Nam sống thêm được bao năm nữa.
Đó là cái chất “kiêu bạc” ở đời. Đó là tình yêu không chỉ có ở “Nhân ngày..”.
Bởi vậy, ngày 14/02 này, thằng đàn ông trong tôi im lặng, không tung tẩy trên FB.
Thằng đàn ông trong tôi còn nhặt rau- nấu bữa ăn bình dị, giống như 365 ngày trong năm, cho tiểu đội trưởng, giờ đã già và thương tật.
Thằng đàn ông trong tôi, vẫn hàng ngày, giống như 365 ngày trong năm: mong muốn hạnh phúc sẽ còn luôn đến với người con gái ấy, người mà đã lỡ một nhịp duyên, trên con đường vạn dặm của tôi.
Và cũng bởi vậy, ngày 17/02 này, người lính trong tôi cũng sẽ không hô hét - làm mầu trên FB.
Những ngày này, người lính trong tôi vẫn cặm cụi đi làm, giống như 365 ngày trong năm, để có thêm tiền đóng thuế thu nhập cá nhân cho chính phủ. Đặng để quân đội có thể mua thêm vài viên đạn. Mong rằng, những viên đạn đó, sẽ giúp các cháu chiến sỹ hôm nay, sẽ có thể vững bước xung phong.
Trong nhà người lính già, vườn hồng luôn tốt tươi.
Những đóa hồng luôn gợi nhớ về những người lính Việt, đã đem ngực mình chặn đánh làn sóng biển người của quân Trung Quốc xâm lược trên miền Bắc ải, những năm 1979-1989.
Những bông hoa hồng thắm đỏ-lá xanh, như những người lính Việt, chỉ có dòng máu đỏ chảy trong bộ quân phục mầu xanh, trên biên cương Bắc ải thủa nào.
Ngày nào tôi cũng nhớ, và mong các cháu chiến sỹ hôm nay, cũng sẽ nhớ: những bước chân xung phong, đạp qua xác quân Trung Quốc xâm lược, trong trận đánh phản công và truy tiễu, ở ngã ba Tam Lung – Lạng Sơn, tháng 2 năm 1979, của những người lính Việt thời chúng tôi.