Tiềm lực quân sự của Đài Loan
Trong khi vũ khí khí tài của Đài Loan ngày một già cỗi, thì nhiều năm qua loại F-16 Fighting Falcon mà vùng lãnh thổ này muốn mua lại không được Mỹ đáp ứng.
Vào cuối tháng 7.2011, Washington và Bắc Kinh đã hội đàm kín về vấn đề bán vũ khí cho Đài Loan. Phía Mỹ dù luôn khẳng định việc mua bán vũ khí với Đài Loan không làm ảnh hưởng tới quan hệ với Trung Quốc, nhưng cho đến nay Washington vẫn chưa đồng ý bán máy bay cho Đài Bắc.
Bộ Quốc phòng Đài Loan lần đầu tiên đặt hàng mua 66 chiếc tiêm kích F-16 Fighting Falcon là vào năm 2007. Đây là động thái nhằm tăng cường sức mạnh không lực của vùng lãnh thổ này. Tuy thế, khi đó chính quyền của Tổng thống G.Bush từ chối xem xét đơn đặt hàng mà không nêu rõ nguyên nhân.
Khu trục hạm Oliver Hazard Perr - Ảnh: Wikipedia
Đến năm 2009, Đài Loan tiếp tục đặt mua loại F-16 và thêm cả loại trực thăng tiến công AH-64D Apache Longbow, trực thăng đa năng UH-60M Black Hawk, hệ thống tên lửa Patriot cùng các thiết bị đồng bộ phục vụ nhiệm vụ tác chiến. Tổng giá trị đơn đặt hàng ước tính vào khoảng 10 tỉ USD. Vào tháng 1.2010, phía Mỹ chấp thuận bán vũ khí khí tài trị giá 6,5 tỉ USD, nhưng 66 chiếc F-16 Fighting Falcon lại không được phê chuẩn.
Đến đầu năm 2011, Đài Loan một lần nữa ngỏ ý muốn mua số máy bay tiêm kích như đã nêu. Lần này Đài Bắc còn nhấn mạnh, việc Trung Quốc liên tục đầu tư tăng cường sức mạnh quân sự, khiến an ninh vùng lãnh thổ này bị đe dọa. Không cần phía Đài Bắc giải thích, các nhà làm luật Mỹ cũng hiểu rõ điều vấn đề, nhưng khi bỏ phiếu, chỉ có 45/100 thượng nghị sĩ đồng ý bán máy bay tiêm kích cho Đài Loan. Ngay sau đó vài tuần, Đài Loan lại đặt hàng 66 chiếc F-16, còn phía Mỹ không vội vàng trả lời ngay mà ấn định sẽ xem xét đơn đặt hàng vào ngày 1.10.2011.
Đài Loan đang muốn mua 66 chiếc F-16 Fighting Falcon - Ảnh: wallpaperpimper.com
Loại F-CK-1 Ching-kuo do Đài Loan sản xuất - Ảnh: airliners.net
Song song đó, vào cuối tháng 7.2011, Washington bắt đầu hội đàm với Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan. Tham gia cuộc hội đàm này có phụ trách của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan - ông Wang Yi, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Hãng tin Xinhua của Trung Quốc đưa tin rằng, Bắc Kinh không cho phép Washington cung cấp vũ khí cho Đài Bắc bởi điều này sẽ làm tổn hại quan hệ Trung - Mỹ. Cũng cần nhắc lại, vào tháng 2.2010, khi Washington bán 6,5 tỉ USD vũ khí khí tài cho Đài Bắc, Bắc Kinh đã tuyên bố ngừng hợp tác quân sự với Mỹ. Đồng thời, nước này còn hủy bỏ các chuyến thăm dự kiến của các quan chức Trung Quốc đến Mỹ và dọa có hành động đáp trả các hãng cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Rõ ràng, Trung Quốc đã trở thành thế lực chính trị mà Mỹ cần phải tính đến khi hiện thực hóa lợi ích của mình tại khu vực này. Nếu không thì Chính phủ Mỹ đã đồng ý bán 66 chiếc F-16 cho Đài Bắc.
Vào cuối năm 2010, Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan - Chao Shih-chang, cho biết vùng lãnh thổ này đang sản xuất hàng loạt tên lửa hành trình. Đây là lần đầu tiên Đài Loan xác nhận việc sản xuất tên lửa hành trình. Theo lời ông Chao Shih-chang, Đài Loan sản xuất hai loại tên lửa hành trình. Loại thứ nhất có tên Chichun, được chế tạo dựa trên cơ sở tên lửa chống tàu Hsiungfeng 2E. Loại thứ hai là tên lửu siêu âm Chuifeng. Đặc tính của các tên lửa này được giữ kín nhưng chúng có thể được phóng từ cả đất liền lẫn trên biển và được dùng để trong trường hợp cần thiết có thể tấn công sân bay, các căn cứ tên lửa cũng như các mục tiêu quan trọng khác ở đông nam Trung Quốc.
Giờ đây Mỹ đang đứng giữa ngã ba đường. Một mặt cường quốc này vẫn muốn tiếp tục duy trì quan hệ hữu hảo vốn có với Đài Loan. Mặt khác Mỹ lại không muốn làm xấu đi quan hệ với Trung Quốc, nước đang nắm giữ 1,16 nghìn tỉ USD trái phiếu của Chính phủ Mỹ. Đây quả là bài toán không đơn giản đối với Washington. Đặc biệt là Trung Quốc không công nhận nền độc lập Đài Loan (từ năm 1949) mà chỉ coi đây là vùng lãnh thổ của mình. Bắc Kinh luôn khẳng định dù có thế nào thì vùng lãnh thổ này cũng sẽ sáp nhập với Trung Quốc. Hơn thế, trong chính sách quốc phòng, Trung Quốc không loại trừ việc dùng vũ lực để lấy lại Đài Loan. Trong khi đó, Đài Loan lại không thể tiếp cận thị trường vũ khí thế giới, bởi không quốc gia nào muốn làm phức tạp thêm quan hệ của mình với Bắc Kinh. Kết quả là sức mạnh quốc phòng của Đài Loan bị suy giảm. Các vũ khí, khí tài mới chiếm một tỷ lệ nhỏ trong quân đội vùng lãnh thổ này. Hiện không lực Đài Loan có 124 chiếc tiêm kích F-CK-1 Ching-kuo, 146 chiếc F-16A/B Fighting Falcon, 63 chiếc F/RF-5E Tiger II và 57 chiếc Mirage 2000-5EI/DI. Phần lớn các loại máy bay này được biên chế vào không lực Đài Loan cuối những năm 1970, đầu những năm 1980. Mới nhất là loại F-CK-1 Ching-kuo và F-16 được trang bị vào những năm đầu thập niên 1990.
Trong những năm qua Đài Loan luôn triển khai nhiều chương trình hiện đại hóa nền quốc phòng, nhưng nếu không mua được vũ khí mới để thay thế cho các loại đã già cỗi, sắp hết niên hạn sử dụng, rõ ràng vùng lãnh thổ này khó có thể chống chọi lâu dài một cách hiệu quả nếu Trung Quốc dùng vũ lực để sáp nhập.
Vào đầu tháng 7.2011, Bộ Quốc phòng Đài Loan quyết định ký hợp đồng với hãng sở tại - Aerospace Industrial Development Corporation (AIDC) nhằm nâng cấp 71 chiếc tiêm kích F-CK-1 Ching-kuo. Tổng giá trị hợp đồng là 588 triệu USD. Trước đó, trong năm 2010 Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng ký hợp đồng với Mỹ và mua được các linh kiện nhằm nâng cấp loại F-16. Dự kiến trong năm 2012, Washington tiếp tục cung cấp các thiết bị, khí tài, giúp Đài Bắc củng cố sức mạnh quốc phòng của mình. Cùng lúc, Đài Loan còn có kế hoạch bắt đầu nâng cấp khu trục hạm Oliver Hazard Perry, được đóng theo giấy phép nhượng quyền của Mỹ.
Dù có thế nào, hiện tiềm lực quân sự của Đài Loan vẫn có thể đảm bảo an ninh quốc phòng cho vùng lãnh thổ này. Tuy nhiên, theo tình báo của Đài Loan, hiện đang có 1.600 tên lửa các loại của Trung Quốc đặt tại tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Giang Tây đang hướng vào vùng lãnh thổ này. Trong năm 2012, số tên lửa này có thể tăng lên 1.800. Trong tình thế như vậy, Đài Loan sẽ buộc phải làm mọi cách để tăng cường sức mạnh của mình, nhằm có thể duy trì thế cân bằng về quân sự với Trung Quốc
So sánh lực lượng quân sự giữa Đài Loan và Trung Quốc
Bản đồ eo biển giữa Trung Quốc và Đài Loan. Trung Quốc và Đài Loan có những hoạt động đề phòng lẫn nhau suốt hơn nửa thế kỷ qua. Mặc dù trong vòng 10 năm vừa rồi, Bắc Kinh và Đài Bắc đã nới lỏng khá nhiều các hạn chế đi lại và làm ăn giữa hai lãnh thổ, nhưng hai bên vẫn tiếp tục củng cố quân đội của mình trên mọi phương diện.
Chiến lược
Trung Quốc: Một là, chuyển từ chiến tranh cách mạng “nhân dân” sang sử dụng các lực lượng thích hợp với “chiến tranh địa phương” để bảo vệ lợi ích kinh tế và chủ quyền quốc gia, nhất là trong vấn đề Đài Loan. Hai là, phát triển “các tiềm năng không đối xứng”- không vượt qua đối thủ bằng mọi giá, vì có thể sẽ rất tốn kém - nhưng sẽ tận dụng điểm yếu của đối phương và xây dựng một lực lượng “đủ mạnh để gây sức ép”.
Sĩ quan Đài Loan phân tích chiến lược quân sự. Đài Loan: Duy trì sức mạnh không quân trên eo biển Đài Loan và các khu vực xung quanh. Đài Bắc sẽ giữ lợi thế này cho đến khi tình hình chính trị ở Bắc Kinh trở nên thuận lợi hơn cho việc thống nhất hoặc độc lập. Quân đội Đài Loan sẵn sàng đối phó với tất cả các cuộc phong tỏa hoặc đổ bộ trên cạn, dưới nước cũng như trên không của ngoại bang.
Tên lửa
Trung Quốc: Tiếp tục tăng số lượng và khả năng chiến đấu của các loại tên lửa đạn đạo. Nước này đang mở rộng lực lượng tên lửa đạn đạo tầm ngắn CSS-6 và CSS-7 (có tầm bắn 290 km). Đồng thời, họ cũng nghiên cứu chế tạo hệ thống tên lửa hành trình tấn công các mục tiêu mặt đất, áp dụng công nghệ của Nga. Họ còn nâng cấp tên lửa hành trình chống tàu chiến, sau khi mua tàu khu trục trang bị hệ thống tên lửa ACSM của Nga.
Tên lửa Đài Loan đang được nâng cấp. Đài Loan: Nâng cấp và phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa. Họ đã mua Hệ thống Phòng thủ Trên không (MADS) - một phiên bản nâng cấp của hệ thống tên lửa đất đối không Patriot dùng trong chiến dịch Bão táp Sa mạc của Mỹ hồi chiến tranh vùng Vịnh. Đài Bắc cũng tìm cách mua cho được tàu khu trục trang bị các hệ thống bảo vệ và tàu khu trục lớp Kidd, nhằm tăng cường sức mạnh cho lá chắn tên lửa của mình.
Không quân
Trung Quốc: Hiện có khoảng 400.000 phi công, 4.500 máy bay chiến đấu, và hơn 30 đơn vị không quân. Ngoài ra, họ còn có 150 máy bay vận tải quân sự. Bắc Kinh đang dần dần thay thế các phi cơ lỗi thời và xúc tiến chương trình xây dựng hệ thống radar. Đến năm 2005, nước này dự định có đội quân máy bay chiến đấu 2.200 chiếc, 500 phi cơ đổ bộ và 400 máy bay ném bom.
Phi công Đài Loan trong buổi huấn luyện. Đài Loan: Hiện có 70.000 phi công, 400 máy bay chiến đấu, trong đó có 130 máy bay nội địa, 150 chiếc F-16 của Mỹ được trang bị hệ thống tên lửa không đối không đã qua nâng cấp và 60 chiếc Mirage 2000-5 của Pháp. Đài Loan cũng có hệ thống báo động và hệ thống phòng không trên bộ: Tên lửa tầm trung đất đối không Hawk; tên lửa đất đối không tầm trung và xa tự tạo; các hệ thống phòng không được cải tiến (xem phần hệ thống phòng thủ tên lửa ở trên); các hệ thống phòng không tầm ngắn; và một hệ thống vũ khí di động dùng để đánh chặn các mục tiêu bay thấp.
Hải quân
Hải quân Trung Quốc luyện tập đổ bộ. Trung Quốc: Đang tiến hành hiện đại hóa, nhưng còn lạc hậu so với lực lượng hải quân của một số nước trong khu vực, và thua Đài Loan trong vài lĩnh vực liên quan đến công nghệ cao. Trung Quốc có 50 tàu khu trục lớn nhỏ, 60 tàu ngầm chạy bằng dầu diesel, khoảng 50 tàu đổ bộ, cùng với vài trăm tàu hỗ trợ và tuần tiễu. Hải quân nước này cũng có lực lượng không quân bao gồm hơn 500 máy bay chiến đấu, 30 trực thăng và 260.000 binh sĩ.
Đài Loan: Mục tiêu chủ yếu trước mắt là chống lại sự phong tỏa của Trung Quốc và bảo vệ mạng lưới giao thông liên lạc trên biển của mình. Hải quân có 40 tàu khu trục lớn nhỏ, 4 tàu ngầm, 100 tàu tuần tiễu, 30 tàu thả thủy lôi, 25 tàu đổ bộ và 68.000 binh sĩ.
Bộ binh
Trung Quốc: Lực lượng rất đông đảo với 2,5 triệu quân nhân, phần lớn tuyển từ thành phần nông dân, lương thấp. Từ những năm 1990, Bắc Kinh đã chú trọng huấn luyện các đơn vị đặc biệt với nhiệm vụ định vị, tiêu diệt các trung tâm chỉ huy và điều khiển, mạng lưới giao thông vận tải, kho tàng, sân bay, và hệ thống phòng không của đối phương.
Xe tăng Đài Loan tập trận. Đài Loan: Có 220.000 binh sĩ, chủ yếu được huấn luyện để đối phó với các cuộc đổ bộ từ bên ngoài. Năm 1997, quân đội tiến hành nâng cao tính hiệu quả trong chiến đấu, chú trọng đến khả năng phản ứng nhanh và các nhiệm vụ đặc biệt. Đài Bắc đang hiện đại hóa vũ khí, tập trung vào khả năng linh hoạt và hỏa lực của các đơn vị tăng, trực thăng và hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn.