Hàng triệu lao động Việt Nam đối mặt với nguy cơ phải chuyển việc trong tương lai?
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự lên ngôi của máy móc, robot, tự động hoá đã thổi bùng lên nghi ngại về việc người lao động bị “cướp việc” trong tương lai.
Trong tham luận đưa ra tại Hội thảo Quốc tế “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam” sáng nay (25/11), Vụ Công nghệ Thông tin, Bộ Thông tin Truyền thông đã nhắc lại câu chuyện của nhà máy Foxconn.
Đầu năm 2016, nhà máy Foxconn (chuyên sản xuất cho Apple,
Samsung) ở Côn Sơn, Trung Quốc đã cắt giảm 60.000 công nhân, tức là hơn một nửa công nhân của nhà máy này (110.000 công nhân) để thay bằng robot. Việc làm này như một biểu hiện cụ thể của nỗi lo khi mà con người sẽ bị thay thế bởi máy móc.
Không những thế, với sự lên ngôi của của máy móc, công nghệ, các nhà máy sản xuất sẽ không còn phụ thuộc vào giá nhân công. Do đó, xu hướng “đưa dây chuyền sản xuất trở lại quê hương” cũng đang được nhiều chuyên gia cảnh báo.
Như vậy, trong tương lai không xa, các ngành sản xuất, lắp ráp điện tử, dệt may... vốn là thế mạnh của Việt Nam nhờ nhân công giá rẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nghiên cứu hồi tháng 7 năm nay của ILO cho thấy, trong 2 thập kỷ tới, khoảng 56% số lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á có nguy cơ mất việc vì robot, đặc biệt là ngành may mặc, giày dép với tỷ lệ lên đến 86%.
Tỷ lệ này nếu quy đổi ra sẽ là một con số lớn, bởi lẽ ở Việt Nam đang có 2,3 triệu lao động làm trong 2 ngành này, chiếm 6,2% tổng lực lượng lao động.
Đối với vấn đề này, TS. Nguyễn Thắng, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phân tích việc thay thế lao động bằng người máy tiết kiệm được chi phí do giá người máy đang giảm nhanh, đồng thời có thể vận hành liên tục trong hàng chục giờ mà ít bị lỗi, cũng như tránh được chi phí đóng góp an sinh xã hội hay sản xuất gián đoạn do đình công, không bị cáo buộc đối xử không tốt với người lao động…
Cũng theo ông, ở Việt Nam, chi phí nhân công mới bằng khoảng 60% so với ở Trung Quốc, tuy nhiên xu thế này đáng lo ngại do giá người máy giảm nhanh. Do đó, ông Thắng nhấn mạnh việc cần phải dự tính kịch bản mà các tập đoàn đa quốc gia có sự hiện diện ở Việt Nam cũng có những bước đi tương tự như Foxconn trong trung hạn.
Lấy ví dụ, ông đặt vấn đề nếu Samsung cũng hành động như Foxconn, việc làm của hàng chục nghìn lao động tại Samsung sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Không chỉ thể, các hoạt động kinh doanh có liên quan như cung cấp suất ăn hay chỗ ở, vận chuyển công nhân đi làm mà các doanh nghiệp Việt Nam đang cung cấp cho Samsung cũng bị ảnh hưởng theo. Trong khi đó Samsung Việt Nam vẫn hưởng lợi từ thoả thuận ưu đã trước đó cho dù có thay thế lao động của Việt Nam bằng người máy. Nói cách khác, trong trường hợp đó, các doanh nghiệp FDI được lợi đơn lợi kép, trong khi phần của Việt Nam giảm mạnh bất chấp đây là cuộc chơi hai bên cùng thắng (win-win game), TS. Nguyễn Thắng cho biết.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là điều không tránh khỏi, chưa kể tốc độ của cuộc cách mạng diễn ra sẽ vô cùng nhanh chóng, do đó, theo ông Thắng, cần phải nắm bắt, đón đầu xu hướng và tận dụng cơ hội và có những cái cách cần thiết. Nếu không, Việt Nam sẽ bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình, thậm chí, còn bị tụt hậu lại so với các nước khác.