Muốn kinh tế hội nhập, cần bỏ Tết âm lịch
BizLIVE 16/02/16 13:57
1 đăng lại
1GốcVới những hệ lụy tiêu cực rất lớn tác động đến kinh tế - xã hội sau kỳ nghỉ kéo dài và thời gian chuẩn bị, chuyên gia cho rằng muốn có nền kinh tế hội nhập, cần phải bỏ Tết âm lịch.
TS Nguyễn Trí Hiếu.
Theo “thông lệ” hàng năm, cứ sau Tết người lao động, đặc biệt là công nhân không chịu đi làm sau Tết hoặc đi làm không đầy đủ khiến không ít ông chủ phải quỳ lạy mong họ đảm bảo tiến độ công việc. Phóng viên báo điện tử VTC News đã có cuộc phải vấn TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế, người có nhiều năm lại việc tại Mỹ về vấn đề này.
- Theo ông, tại sao người lao động Việt Nam làm việc rất uể oải sau Tết, thậm chí có người còn chưa chịu đi làm?
Tôi cho rằng nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất chính là kỳ nghỉ Tết kéo dài. Kỳ nghỉ Tết dài có nhiều lợi ích nhưng thiệt hại thì nhiều hơn. Mặt lợi là giúp người lao động có nhiều thời gian bên gia đình. Đặc biệt, khi đường xá vẫn chưa thuận lợi, việc đi lại vẫn còn khó khăn, người dân càng muốn ở lâu bên gia đình hơn. Bên cạnh đó, kỳ nghỉ Tết dài còn giúp giữ gìn truyền thống, văn hóa ăn Tết có từ ngàn xưa.
Thế nhưng, thiêt hại về kinh tế, xã hội thì rất lớn. Theo tôi được biết, chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc mới có kỳ nghỉ Tết kéo dài như vậy. Nhật Bản không ăn Tết Âm lịch từ lâu rồi. Họ chỉ ăn Tết Dương lịch nhưng vẫn giữ gìn được những truyền thống văn hóa riêng có.
Tất cả các nước trên thế giới ăn Tết Dương lịch trong ngày 1/1 và ngày Noel chứ không nghỉ tới 9 ngày như Việt Nam.
Kỳ nghỉ Tết dài tạo ra nhiều hệ lụy như khiến con người trì trệ trong công việc, lười biếng không muốn trở lại với công việc.
Bia rượu quá nhiều là một tệ nạn, khiến người lao đông mệt mỏi khi đi làm trở lại. Trong ngày đầu tiên đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, các cơ quan uể oải, họ đến chỉ để chúc Tết. Ngoài doanh nghiệp sản xuất vẫn phải làm đều, rất nhiều doanh nghiệp khác, kể cả ngân hàng rất trì trệ.
Kỳ nghỉ Tết dài ngày tạo ra thói quen nghỉ ngơi không chỉ trong những ngày nghỉ chính thức mà còn lan sang những ngày cận Tết và cả tháng trời sau Tết. Việt Nam vốn có câu “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Phải đến tháng 2, họ mới thực sự làm việc trở lại. 1 tháng làm việc trì trệ khiến nền kinh tế thiệt hại khoảng 10%. Chưa kể thiệt hại về xã hội là tai nạn giao thông.
- Chứ không phải do người Việt Nam có phong cách làm việc thiếu khoa học, thiếu kỷ luật sao, thưa ông?
Việt Nam bắt đầu từ tâm lý kinh tế nông nghiệp . Từ xưa, hơn 90% người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Công việc của họ theo mùa vụ. Ngày Tết, họ nghỉ rất dài, sau đó mới đi cấy lúa, gieo trồng trở lại.
Tập quán này xuất hiện từ rất lâu rồi. Nhưng bây giờ Việt Nam đang bước vào nền kinh tế công nghiệp nên cần phải thay đổi. Trung Quốc cũng vậy, rất nhiều người không trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết vì áp lực ngành công nghiệp rất lớn.
- Có nhiều người đổ lỗi cho doanh nghiệp không có chế độ đãi ngộ tốt nên người lao động mới không mặn mà với công việc. Điều đó có đúng không?
Có lẽ đó cũng là lý do. Dĩ nhiên do đồng lương quá thấp, người lao đông không cảm thấy khuyến khích trở lại công việc. Lương tháng chỉ khoảng 5 triệu đồng thì họ không đủ sống nên nếu có cơ hội, họ vẫn muốn dành thời gian bên người thân hơn.
Đó là lý do nhưng theo tôi không quan trọng lắm. Thật sự, theo tôi, nếu có trả lương cao đi chăng nữa thì tâm lý ăn Tết lâu, ngại làm việc trở lại vẫn ăn sâu trong tâm lý con người Việt Nam. Bằng chứng là ngay đối với những ngành được trả lương cao như ngân hàng, sau Tết, người lao động vẫn khá uể oải.
- Vậy có nên ăn Tết theo Dương lịch mà bỏ Tết Âm lịch không, thưa ông?
Tới thời điểm nào đó, chúng ta nên ăn Tết Dương lịch. Đây là điều có thể gặp chống đối của dân chúng vì Việt Nam ăn Tết Âm lịch hang ngàn năm nay rồi. Bỗng dưng bỏ Tết âm để hỗ trợ nền kinh tế là điều đại bộ phân dân chúng không hài lòng.
Nhưng bỏ Tết Âm lịch không có nghĩa là bỏ hết văn hóa truyền thống. Chúng ta có thể gộp 2 Tết vào làm 1. Chúng ta vẫn có thể gìn giữ những tục lệ thờ cúng tổ tiên, chúc Tết, đón giao thừa vào Dương lịch. Tôi không tìm thấy lý do tại sao cứ phải ăn Tết vào đúng ngày Âm lịch mới là có truyền thống.
Trong Tết Dương lịch, chúng ta vẫn có thể giữ tất cả truyền thống như mặc áo dài, ăn bánh chưng, dưa hành, lì xì cho người thân, ông bà con cháu quây quần bên nhau,.... vào Tết Dương lịch. Vấn đề chỉ là đổi thời gian từ ngày Âm lịch sang ngày Dương lịch, chứ không phá vỡ phong tục, tập quán.
Muốn để nền kinh tế thật sự thât sự hội nhập, chúng ta nên bỏ Tết Âm lịch, ăn Tết theo Dương lịch. Nhưng đây không phải chuyện nhỏ, không thể làm một sớm một chiều mà cần giáo dục quần chúng, đông viên, tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích kinh tế. Điều này chắc chắn không được thực hiện trong khoảng 10 năm tới.
- Lợi ích kinh tế của việc bỏ Tết Âm lịch, ăn Tết theo Dương lịch là gì, thưa ông?
Nền kinh tế Việt Nam có cơ hội đi cùng chu kỳ, xu thế kinh tế toàn cầu. Tôi sống và làm viêc ở Mỹ nhiều năm nên nhận thấy kinh tế Mỹ chậm lại trong tháng 11, 12. Điều đó được thể hiện rất rõ trong mảng ngân hàng.
Sang tháng 1, kinh tế bật trở lại. Nhưng mình thì đi ngược lại chu kỳ đó. Khi người ta bật lại thì mình bắt đầu chuyển động để... nghỉ ngơi. Người dân không chỉ nghỉ mấy ngày Tết mà trước đó kinh tế đã trầm lắng hơn. Sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, nhiều cơ sở kinh doanh cần thời gian 1 tháng để phục hồi tinh thần làm việc. Như vậy, doanh nghiệp sẽ mất khoảng 2 đến 3 tháng làm việc kém hiệu quả hơn.
Nếu dùng Tết Dương lịch, chúng ta sẽ chống lãng phí thời gian. Nếu mất 2 tháng trong 1 năm, thiệt hại kinh tế có thể lên đến 20% chứ không chỉ 10% như tôi dự báo ban đầu.
- Xin cám ơn ông!
Theo VTC
http://m.baomoi.com/Muon-kinh-te-hoi-nhap-can-bo-Tet-am-lich/c/18664536.epi?utm_source=iapp&utm_medium=facebook&utm_campaign=share