Lâu rồi e mới vào thớt, em hỏi ý kiến các cụ tý ah. Bố e bị K phổi - biểu mô tuyến , chuyển sang gđ 4 cách đây 2 tháng, hiện đã di căn vào trung thất, thận và xương đòn. Sau 6 lần đtri hóa chất k hiệu quả, chuyển sang dùng thuốc đích Geftinat 250mg của Ấn Độ đc 1 tháng, có vẻ cũng k hiệu quả, cách đây khoảng 15 ngày bsi đề nghị đi trị xạ thì ngừng thuốc đích ( cụ nhà e chỉ tin Tây y) . Cụ nhà e đi xạ đc 10 ngày thì dừng, vì cụ thấy đau và mệt, ăn uống kém. Đến hôm nay là ngừng điều trị được 5 ngày thì tình hình sức khỏe của cụ kém quá : đau nhiều, cảm giác đau lan tỏa nhiều chỗ,sốt tầm 38-39* về tầm chiều tối, cho uống thuốc giảm đau k ăn thua, sức khỏe so với trước trị xạ sa sút đi nhiều quá. Hiện e thấy tình hình bố em chuyển biến có vẻ xấu rồi, cụ nào biết cách chăm sóc người nhà gđ này hoặc các loại thuốc giảm đau hay thì giới thiệu e với ah.
E nghe nói có bsĩ nguyên trưởng khoa gây mê BVGTVT có phương pháp giảm đau bằng cách đặt stent để tiêm vào tủy sống để giảm đau cho bn K gđ cuối này, k biết có cụ nào biết về pp này k ? E cũng đang tính mua morphin để tiêm cho cụ mà chưa biết nên ntn.
Chào cụ, em rất chia sẻ với cụ khi đọc tin như vậy về bệnh tình nhà cụ. Trước mắt, cụ cứ xem còn phương án nào thì cố gắng phương án đó vì em biết vẫn có người vượt qua giai đoạn này một cách thần kỳ. Nếu không còn, tìm kiếm phương án chăm sóc cuối đời là cần thiết. Những cụ đang ở giai đoạn này chắc cũng đang bối rối như cụ, những cụ đã trải qua rồi thì cũng không muốn nhắc lại chuyện đau lòng. Cách đây mấy tháng, em cũng đã đọc qua về vấn đề này để chuẩn bị sẵn tâm lý. Cách điều trị cũng có nhiều phương án tùy theo từng trường hợp cụ thể nên em xin trích một bài khá bao quát như sau:
CHĂM SÓC CUỐI ĐỜI
Trong một số trường hợp ung thư không còn khả năng điều trị, người bệnh vẫn được chăm sóc bằng một dạng điều trị gọi là điều trị làm giảm triệu chứng. Tuy là không còn nhiều cơ hội để điều trị không có nghĩa là không cần phải làm gì. Loại điều trị này với mục đích giúp cho bệnh nhân không bị đau đớn nhất trong tiến trình diễn tiến của ung thư. Việc điều trị này không có nghĩa là chỉ chăm sóc khi bệnh nhân gần chết mà phải được tiến hành điều trị để duy trì khả năng sống trong suốt những ngày còn lại.
Mục tiêu của loại điều trị này bao gồm:
- Làm giảm đau và làm giảm thiểu các triệu chứng khác
- Hỗ trợ tinh thần, cảm xúc & tâm hồn của người bệnh
Người bị ung thư tiến triển (di căn) phải đối đầu với rất nhiều những triệu chứng. Các triệu chứng này bao gồm đau, mất cảm giác ăn uống, xanh xao, yếu mệt, sụt cân, táo bón, khó thở, lơ mơ, nôn ói, ho & viêm họng. Người bệnh không chỉ bị các triệu chứng về thân thể hành hạ mà còn bị những tâm trạng lo âu & hoảng loạn.
Đau là triệu chứng thường thấy nhất ở bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
Thuốc giảm đau luôn hiệu quả ngay cả những trường hợp đau trầm trọng nhất. Mỗi cơ thể bệnh đáp ứng khác nhau đối với các loại thuốc giảm đau, do vậy BS sẽ là người quyết định sử dụng loại thuốc giảm đau nào và sử dụng ra sao. Thuốc giảm đau có thể sử dụng đường uống, nhét hậu môn, dán trên da hoặc dạng tiêm chích vào cơ hoặc truyền tĩnh mạch. Người chăm sóc bệnh phải nhận thức rằng thuốc giảm đau chỉ tác dụng trong một khoảng thời gian nào đó và cần phải được sử dụng theo một lịch trình định sẵn. Điều này có nghĩa là bệnh nhân có thể bị đau bất chợt trong đêm và cần phải sử dụng thuốc giảm đau.
Trong một số trường hợp, BS có thể kê các loại thuốc giảm đau mạnh có tính gây nghiện như morphine hoặc codeine chẳng hạn. Các loại thuốc giảm đau này có thể gây ra táo bón & do vậy, BS sẽ cho uống kèm theo các thuốc nhuận trường. Người nhà bệnh nhân có thể thắc mắc về tình trạng gây nghiện của thuốc. Tuy nhiên, tình trạng nghiện thuốc rất hiếm xảy ra ở bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
Có thể phải mất một khoảng thời gian để BS có thể tìm ra cách giảm đau hiệu quả nhất cho bệnh nhân. Người nhà & người bệnh không nên quá thất vọng khi mà những trị liệu ban đầu không đạt hiệu quả giảm đau như mong muốn. Phối hợp với BS là cách tốt nhất để có thể nhanh chóng tìm ra phương pháp giảm đau hiệu quả cho bệnh nhân.
Nguyên tắc dùng thuốc giảm đau
- Theo đường uống: Dùng đơn giản, dễ dàng nhất.
- Theo bậc thang: Bước đầu tiên là dùng thuốc không có Opioide, nếu đau không giảm thì dùng Opioide nhẹ rồi đến mạnh (morphin).
- Theo giờ: Không chờ đến khi bệnh nhân đau một cách chính xác, nên cho thuốc giảm đau đều đặn để liều kế tiếp có tác dụng trước khi cơn đau xảy ra.
- Theo từng cá thể: Không có liều chuẩn cho những thuốc Opioide, liều đúng là liều có tác dụng giảm đau cho bệnh nhân.
- Nguyên tắc chung: Ngăn chặn đau tốt hơn là điều trị đau.
Thuốc giảm đau theo bậc
- BẬC I: Đau vừa phải dùng Paracetamol, Apirine, NSAID’S.
- BẬC II: Đau dữ dội do Codeine, Tramadol, NSAID’S.
- BẬC III: Đau tột bậc, dùng Morphin, Pethidine, Oxycodone.
- Morphin: Với liều lượng nhỏ được tiêm 4 giờ/lần, 5-10 mg Morphin dưới da. Chuẩn bị đánh giá hiệu quả giảm đau mỗi khi tiêm và tăng dần liều đến khi bệnh nhân hết đau. Tiếp theo sẽ chuyển thành bước điều trị giảm đau có liều lượng kiểm soát được do đã biết liều thuốc thích hợp.
- Fentanyl: Mạnh hơn Morphin gấp 50-100 lần. Fentanyl thấm qua da nên có thể dùng dưới dạng dán. Loại Fentanyl dán này cung cấp 1 lượng thuốc chậm qua da kéo dài đến 3 ngày.
Người bệnh đối mặt với cái chết như thế nào?
Mỗi người phản ứng mỗi cách khác nhau một khi cái chết đã được báo trước. Thường thì những phản ứng như mất hết niềm tin, giận dữ thấy nhiều trong các trường hợp này. Khi ấy, những ân hận về lối sống hoặc những việc đã làm trong quá khứ có thể làm cho người bệnh bất an, hoặc những lo lắng về các thành viên còn lại trong gia đình khi họ khuất bóng. Tất cả những dạng biểu hiện cảm xúc này đều bình thường ở người bệnh. Tuy nhiên, cuộc sống trong những ngày còn lại sẽ tồi tệ hơn nếu như người bệnh không có cách để thỏa hiệp với các cảm xúc đó.
Chăm sóc cuối đời thường làm xuất hiện những cơ hội để tìm thấy sự bình yên trong quá trình suy ngẫm về sự sống và cái chết. Mỗi người bệnh sẽ buộc phải tìm ra cho mình những cách để làm dịu bớt đi những hoảng hốt thường ngày. Có người tìm đến người thân, có người cần đến tư vấn tâm lý, và thường thì họ tìm đến niềm tin từ tôn giáo. Một số hành động rất can đảm & đáng trân trọng là viết lại nhật ký, vẽ tranh hoặc chìm vào một nổi đam mê nào đó.
5 diễn biến tâm lý thường thấy
- Sự từ chối: Giai đoạn này bệnh nhân không chấp nhận cái chết, họ nghĩ điều này không xảy ra với họ mà nó xảy ra với người khác. Ðây là phản ứng đầu tiên của bệnh nhân.
- Sự tức giận: Giai đoạn tức giận được thể hiện bằng nhiều cách, bệnh nhân có thể được biểu lộ bằng sự giận dữ với nhân viên bệnh viện hoặc người nhà vì một lý do nào đó. Ðây là sự phản ứng bình thường vì họ đang phản ứng với sự mất mát mà họ thấy từ trước.
- Sự mặc cả. Ðây là giai đoạn người bệnh tìm cách mặc cả để có một kết quả khác, sự mặc cả này có liên quan đến tội lỗi, bệnh nhân sẽ yêu cầu gọi thầy cúng, mục sư...
- Sự buồn rầu: Giai đoạn này bệnh nhân bắt đầu đau đầu vì cái chết sắp xảy ra đối với mình, về những năm tháng mình không còn được sống nữa. Bệnh nhân bắt đầu kề về những cảm nghĩ từ đáy lòng và mong muốn có sự lắng nghe của người thân.
- Sự chấp nhận: Ðây là giai đoạn tuyệt vọng, bệnh nhân đã đi đến sự chấp nhận cái chết. Sự giao tiếp với bệnh nhân thường khó khăn, một số bệnh nhân trở nên trầm lặng, một số bệnh nhân trở nên nói nhiều. Ðối với người hấp hối họ cần gặp người thân trong gia đình để nói lên nguyện vọng của mình trước khi chết "ví dự' những lời trăng chối, di chúc...
Dấu hiệu của sự chết
Sự chết đến bằng nhiều cách khác nhau. Nó có thể xảy ra bất thình lình, bệnh nhân tưởng chừng như đang hồi phục hoặc có thể xảy ra sau một thời gian dài mà trong giai đoạn đó những chức năng của cơ thể bị suy sụp.
Sau đây là những dấu hiệu dẫn đến cái chết:
- Sự lưu thông của máu giảm, khi sờ tay vào chân bệnh nhân cảm giác rất lạnh, mặt bệnh nhân nhợt nhạt.
- Bệnh nhân có thể vã mồ hôi đầm đìa mặc dù cơ thể lạnh.
- Bệnh nhân giảm trương lực cơ, cơ thể trở nên ủ rũ, thiếu sinh lực, quai hàm trễ ra, miệng bệnh nhân lệch, mũi vẹo, nói khó, nuốt khó dần dần mất phản xạ.
- Mắt đờ dại không phản xạ khi đưa tay ngang qua mắt bệnh nhân (đồng tử giãn).
- Sự thở chậm đi và khó thở hơn. Họng bị ứ đọng đờm, chất nhầy. Khi thở có thể gây ra âm thanh gọi là "tiếng nấc hấp hối".
- Mạch bệnh nhân nhanh, nhỏ, rối loạn, khó bắt.
- Trước lúc bệnh nhân ngừng thở, mạch sẽ mờ dần đi, lúc này không sờ thấy mạch bệnh nhân nữa.
Người thân trong gia đình phản ứng như thế nào?
Trước cái chết được báo trước của người thân, mỗi thành viên trong gia đình có những phản ứng khác nhau. Người thì buồn rầu, giận dữ, thậm chí bị sốc hoặc mất tất cả niềm tin vào cuộc sống. Có người biết chấp nhận và lo toan tất cả những gì sẽ xảy ra. Tất cả mọi thành viên khác đều phải biết chấp nhận cách phản ứng khác nhau của mỗi người. Các cảm xúc này không theo một lịch biểu nhất định, có nghĩa là nó có thể bộc phát vào bất cứ lúc nào, bất kỳ ở đâu & với bất kỳ ai, bất kỳ lý do nào. Việc quan trọng trong thời gian này thiết nghĩ là hãy thực hiện cho nhau những gì mà chưa thực hiện hoặc thiếu sót trong quá khứ.
Việc chăm sóc cuối đời cho bệnh nhân ung thư cũng bao hàm cả việc chuẩn bị lo mai táng cho họ. Công việc này chẳng ai muốn và cũng chẳng ai thèm có kinh nghiệm. Tuy nhiên, cuộc sống là như thế. Từ việc tài chánh đến việc giải quyết những việc liên quan sau khi người thân qua đời như khai tử, mồ mã, phong tục tập quán & ngay cả việc phân chia trách nhiệm & quyền lợi (di chúc). Việc này cũng là một vấn đề phải giải quyết của một số người bệnh trước lúc lâm chung. Không có một ý kiến nào được cho là chính xác trong từng trường hợp. Tuy nhiên, cư xử như thế nào để người đã khuất không nuối tiếc và người ở lại được thanh thản là điều mỗi người cần phải suy nghĩ & hành động.
Thực hiện di chúc & nguyện vọng mai táng của người bệnh cũng cần được quan tâm & thực hiện đúng theo gia phong. Hãy cùng tỉnh táo & tạo nghị lực cho nhau để cùng vượt qua mất mát to lớn này.
Tóm lại, không phải bất kỳ bệnh nhân ung thư nào cũng buông xuôi vì bệnh tật. Tuy nhiên, một khi bệnh tình ung thư đã vào giai đoạn không thể kiểm soát được nữa, người bệnh và thân nhân cần thiết phải thu xếp chia sẻ gánh nặng cho nhau trong những ngày còn lại.
Cần thiết phải trao đổi và cần có ý kiến của người bệnh một khi họ vẫn còn tỉnh táo để ra quyết định. Việc làm này thể hiện sự tôn trọng người bệnh đồng thời cũng giải tỏa được áp lực tâm lý cho người thân khỏi phải việc ra quyết định một mình.