Năm 54, khi lên ngôi Hoàng đế La Mã, Nero cho mở đại tiệc và ông làm cho mọi người không khỏi ngạc nhiên trước món tráng miệng lạ lẫm có trong thực đơn mang tên: Tuyết ngọt. Để làm được món tráng miệng lạ này, ông đã phải sai người lên tận đỉnh núi Apennine để lấy "tuyết tươi" về ướp nó nhiều lần với mật ong và hoa quả. Và về sau, chính món tuyết ngọt của Hoàng đế Nero này đã được coi là tiền thân của món kem bây giờ.
Hơn 500 năm sau, tại Trung Quốc, dưới triều nhà Đường (618-907), món tuyết ngọt của Nero lại có một hình hài mới. Đó là hỗn hợp của sữa trâu, bò, dê đã được lên men, trộn với bột mỳ, sau đó được ướp long não cho có hương vị và làm lạnh bằng băng với muối. Món quý này, cũng như tuyết ngọt của Nero, chỉ được dùng trong những buổi tiệc lớn của triều đình.
Năm 1295, nhà hàng hải người Ý, Marco Polo trở về quê hương sau 17 năm ở Trung Quốc. Cuốn sách "Description of the World" (Diện mạo thế giới) của ông đã làm cả châu Âu kinh ngạc. Trong số vô vàn những điều lạ lẫm, Marco Polo nói đến có một thứ được gọi là "sữa được làm khô trong một thứ bột nhão". Theo người Ý, đặc sản này của Trung Hoa sẽ mãi chỉ là sữa và bột nhão nếu không có Marco Polo. Chính nhờ ông mà nó mới trở thành kem ở châu Âu.
Đối với Việt Nam, món kem chỉ mới xuất hiện ở đầu thế kỷ 20, do người Pháp mang công thức và cách chế biến sang phục vụ quân đội xâm lược và từ đó trở nên rộng rãi với người Việt Nam nhất là ở miền Nam Việt Nam.