Cát là tài nguyên vô giá, bởi nó là nền móng bảo vệ vững chắc lãnh thổ. Đừng để những thế hệ sau phải qua châu Phi nhập khẩu cát về dùng với giá đắt gấp nhiều lần thế hệ cha ông đem bán như hiện nay.
Sau hai tháng làm việc cật lực, loạt bài điều tra xuyên quốc gia “Đường đi của cát Việt ra nước ngoài” đã lên mặt báo phục vụ bạn đọc. Quá trình đi tìm đáp án của câu hỏi: “Tàu chở cát đi đâu?”, phóng viên Tuổi Trẻ đã phát hiện và phơi bày ra ánh sáng hàng loạt “bí mật” của lĩnh vực nạo vét, khai thác và xuất khẩu cát đã được giấu kín ít nhất từ năm 2013 đến nay.
Đọc những bài điều tra này, bất cứ ai cũng có thể tự trả lời được những câu hỏi như: Vì sao nhiều doanh nghiệp “chạy” xin dự án nạo vét? Vì sao một số doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu rồi sang tay ngay để lấy tiền tươi?
Vì sao doanh nghiệp khai giá xuất khẩu rẻ như cho, nhưng suốt mấy năm liền không ai vào cuộc điều tra? Vì sao các dự án không hoàn thành đúng tiến độ nhưng lại được gia hạn hết năm này qua năm khác?
Vì sao người dân phản đối bởi khai thác cát gây sạt lở mất đất đai, nhà cửa của họ mà các dự án vẫn cứ được gia hạn? Vì sao giá cát san lấp trong nước cao hơn mà doanh nghiệp chỉ muốn xuất khẩu?…
Dư luận đang chờ những lời giải thích từ các cơ quan chức năng. Nhưng có những sự thật không thể bào chữa, đó là các doanh nghiệp khai báo giá xuất khẩu thấp đến mức vô lý.
Đó là doanh nghiệp Singapore sẵn sàng nhập khẩu cát biển từ Việt Nam với giá cao gấp 4 lần giá mà doanh nghiệp khai báo thời gian qua, là có những bản hợp đồng được doanh nghiệp hai nước ký với giá gấp 4 lần giá khai báo.
Nếu như có chuyện khai giá thấp để trốn thuế thật thì có nghĩa là từ năm 2013 đến nay, ngân sách chỉ thu được 1/4 tiền thuế xuất khẩu cát. Ba phần còn lại
đi đâu, có truy thu được không?
Nhiều nhà khoa học nói với chúng tôi rằng: “Cát không chỉ là khoáng sản, là vật liệu xây dựng, mà cần phải hiểu sâu sắc hơn, đó là lãnh thổ”. Nhìn sang Singapore, họ nhập khẩu cát ở các nước xung quanh để bồi đắp, mở rộng lãnh thổ hàng chục năm qua.
Kết quả là đảo quốc này đã được mở rộng thêm 24% kể từ năm 1960. Những khu du lịch nổi tiếng thế giới như Marina Bay Sands, Sentosa đều được hình thành trên nền cát lấn biển. Rõ ràng Singapore mở rộng
lãnh thổ nhờ cát.
Trong khi đó, vùng biển nước ta đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng. Riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long bị mất 5km2 mỗi năm do sạt lở. Còn ở các dự án nạo vét, cuộc sống người dân khó khăn hơn trước, nhà cửa bị hư hỏng nặng, nhìn thấy mà xót xa. Khai thác cát vô tội vạ gây sạt lở đã khiến lãnh thổ nước ta bị thu hẹp ở góc độ diện tích đất tự nhiên.
Tới đây, khi 11 dự án thủy điện trên sông Mekong qua Lào và Campuchia được xây dựng xong thì vùng đồng bằng sông Cửu Long không còn được cát sỏi bồi đắp như bao đời nay nữa, mà chỉ có sạt lở
và sạt lở, kể cả bờ biển.
Nền kinh tế Việt Nam chưa từng và không bao giờ dựa vào nguồn thu từ xuất khẩu cát. Kể cả đào hết cát lên để xuất khẩu thì cũng không thể làm đất nước giàu hơn. Và nếu không xuất khẩu cát thì nền kinh tế cũng không hề bị ảnh hưởng gì. Cát là tài nguyên vô giá, bởi nó là nền móng bảo vệ vững chắc lãnh thổ. Ngay lúc này, nhiều nơi trong nước đang thiếu cát để san lấp công trình xây dựng.
Ngừng xuất khẩu cát bây giờ và có biện pháp quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý sẽ giúp các thế hệ sau chúng ta còn tài nguyên để sử dụng. Đừng để những thế hệ sau phải qua châu Phi nhập khẩu cát về dùng với giá đắt gấp nhiều lần thế hệ cha ông đem bán như hiện nay.