Đây này, nhà Râm hết thắc mắc nhá
http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/03/cac-mang-di-dong-dua-nhau-to-ti-te/
Các mạng di động đua nhau 'tò tí te'
Nhiều ngày nay, khách hàng sử dụng di động tỏ ra rất bức xúc khi cuộc gọi bị gián đoạn và ngắt quãng giữa chừng. Dù rằng, nhà mạng thông báo dốc hàng tỷ đôla để đầu tư, mở sóng dịch vụ.
Sau ba lần bấm số, chị Hương mới kết nối được số máy tới số điện thoại của đối tác làm ăn. Đối tác nổi tiếng bận rộn và khó tính nên khi ông chịu nhấc máy, cũng đồng nghĩa công việc có vẻ thông. Thế nhưng vừa mới nói đúng được câu: "Anh ơi, em là..." thì phía đầu dây kia vọng lại tiếng "tò tí te... hướng cuộc gọi tạm thời bị gián đoạn".
Biết là mạng di động có vấn đề, chị Hương ngắt máy và chờ. 30 giây sau, chị bấm máy gọi lại, ông đối tác nhấc máy với giọng không mấy thiện cảm. Chị vừa nói được câu: "Alo, anh ơi, mạng có vấn đề..." thì tiếng tò te tí lại phát ra, trên màn hình điện thoại hiện lên chữ "Lỗi kết nối". Đến nước này thì chị Hương nổi cáu vì chị biết rằng với tính khí của đối tác thì sau 2 lần nghẽn mạng, thì cũng có nghĩa, ông này cũng từ chối nhận cuộc gọi luôn.
"Cuối cùng, tôi phải sử dụng biện pháp nhắn tin, trình bày chuyện mạng bị nghẽn. Vừa nhã nhặn mong đối tác thông cảm, tôi cũng sử dụng luôn cách thức nhắn tin để trao đổi công việc", chị Hương nói.
Chị cho biết thời gian gần đây tình trạng rơi rớt cuộc gọi, lỗi kết nối di động liên tục xảy ra khiến hoạt động liên lạc bị gián đoạn. "Có tới 80% công việc của tôi phải trao đổi qua di động nên bị ảnh hưởng rất nhiều khi chất lượng có vấn đề. Cái chính là mạng di động không nghẽn nặng mà chỉ rơi rớt cuộc gọi nên không biết phản ánh với nhà mạng kiểu gì", chị Hương than thở. Chị Hương đang là khách hàng sử dụng mạng di động MobiFone - 090.
Anh Tâm - Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng có trụ sở đặt tại phố Chùa Bộc, Hà Nội nhiều ngày qua cũng chịu cảnh cứ đến cơ quan là điện thoại mất sóng. Công ty anh hầu hết nhân viên sử dụng mạng di động VinaPhone và đăng ký thuê bao theo diện doanh nghiệp. "Không biết có phải do văn phòng chúng tôi đặt ở tầng cao của tòa hay không mà sóng cứ tậm tịt, lúc có lúc không làm ảnh hưởng rất nhiều tới công việc", anh Tâm nói.
VnExpress.net đã tiếp nhận phản ánh của anh Tâm và chuyển đến nhà cung cấp dịch vụ đề nghị được giải quyết. Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều thuê bao di động, thời gian gần đây chất lượng cuộc gọi của hầu hết các mạng đều trong tình trạng cực tệ. Rớt sóng, ngắt kết nối, nhiều cuộc gọi đang thực hiện thì phát ra những tiếng lẹt xẹt rất khó nghe. Thậm chí, cuộc gọi kéo dài chưa đầy 2 phút mà bị bẻ ra làm 3 khiến cả người gọi và người nghe đều bức xúc. Trong khi tin nhắn rác, tin quảng cáo sản phẩm dịch vụ xuất phát từ chính nhà mạng lại không ngừng tăng lên. Không ít thuê bao nhận tới 4 tin nhắn có cùng nội dung trong một buổi chiều chỉ để thông báo chương trình khuyến mãi: Tặng 100% giá trị thẻ nạp.
Chị Tường, chủ một thuê bao di động MobiFone phản ánh chuyện nhạc chờ của chị tự nhiên thay đổi bài hát mà không được thông báo. "Nghe bạn bè phản ánh, tôi dùng số cố định gọi trực tiếp cho điện thoại của mình và không thể tin được. Một cuộc gọi mà tới 4 bản nhạc chờ: Đang cải lương, chuyển sang nhạc trẻ, nhạc không lời rồi cuối cùng là tiếng tút tút đơn điệu", chị Tường nói.
Còn anh Quảng, thuê bao di động của Viettel thì phản ánh chuyện dịch vụ "báo cuộc gọi lỡ" một thời gian dài không hoạt động. Do vậy, anh không nhận được thông báo về các cuộc gọi rớt, không liên lạc được hoặc đi qua vùng mất sóng. Trong khi đó, rất nhiều người phản ánh việc họ gọi điện chỉ thấy máy di động của anh phát ra tiếng: Tạm thời không liên lạc được. "Vài tuần nay, dịch vụ 'báo cuộc gọi lỡ' hoạt động trở lại, tôi mới biết rằng đã có rất nhiều cuộc gọi tới thuê bao tôi không thành công", anh Quảng nói.
Sau một thời gian nâng cấp, các nhà khai thác di động đều hỉ hả thông báo số trạm thu phát sóng lên tới con số hàng chục nghìn. Chất lượng thoại cũng được nâng cấp đáng kể vì hầu hết các doanh nghiệp đều tuyên bố: "Lấy khách hàng làm trọng, chất lượng phải được đặt lên hàng đầu". Thế nhưng bẵng đi một thời gian, cùng với cuộc chạy đua phát triển thuê bao, ồ ạt triển khai 3G rồi thí điểm 4G thì tình trạng cuộc gọi bị ngắt quãng, không kết nối được cho nhau, hay tin nhắn đến chậm... bắt đầu tiếp diễn.
Không chỉ các mạng di động đại gia có vấn đề khi số lượng thuê bao tăng quá cao mà ngay cả các hãng viễn thông nhỏ với vài triệu khách hàng thì cuộc gọi không phải lúc nào cũng suôn sẻ.
Thế nhưng trao đổi với VnExpress.net, các nhà khai thác đều khẳng định hệ thống mạng của họ vẫn hoạt động bình thường. Hệ thống cảnh báo cũng không ghi nhận được bất kể dấu hiệu nào khác thường về chất lượng thoại cũng như độ quá tải ở khu vực nào. Những trường hợp bị nghẽn hoặc rớt cuộc gọi chỉ là cục bộ, lỗi nhỏ của một số ít thuê bao. Trong khi, giới chuyên gia thì nhìn nhận do tình trạng rơi rớt cuộc gọi diễn ra quá phổ biến nên người tiêu dùng cũng bắt đầu học cách làm quen và "âm thầm chịu đựng". Họa hoằn những những mạng chết kéo dài tại cả một khu vực, báo chí phản ánh, nhà mạng mới "nói lời xin lỗi" và huy động đội quân kỹ thuật gấp rút sửa chữa.
Hồng Anh