e cũng quan tâm e này, nhưng đang tìm hiểu fix lỗi kiểu gì. Vì bản chất, vẫn là hộp số đó
Dưới đây trích đoạn từ bài viết của một bác mua xe Focus 2015 tại Sài Gòn. Bác này có một bài reviews rất chi tiết trên OS từ đầu Tháng 5/2015. Riêng phần hộp số, em trích đoạn bác ấy nói cho các bác quan tâm, lăn tăn.
"
Phần 5: Hộp số
Đây có lẽ là phần gây tranh luận sôi nổi nhất trong tất cả các phần về ANF!
Trước khi trình bày quan điểm và nhận xét của cá nhân em về phần này,thú thật với các bác là nguyên tuần qua em được “đi học” với bên Ford VN và mọi người cũng tranh luận sôi nổi về vấn đề hộp số Powershift của Ford (được lắp trên cả các dòng Focus, Ecosport và Fiesta). Cuối cùng cũng giống như suy nghĩ và hiểu biết của em về hộp số ly hợp kép (trước đây em từng có kinh nghiệm với hộp số loại này trên con VW Sirocco 1.4).
Để trả lời cho câu hỏi liệu hộp số Powershift của Ford có thật sự bị lỗi hay không,em xin chia vấn đề này ra làm 2 phần: vụ rò rỉ dầu hộp số và vụ đi bị “giật giật” rồi kêu “âm thanh lạ”!
- Rò rỉ dầu hộp số:
Bên Ford VN xác nhận với em là ở các xe Focus đời đầu (2012) và 1 số ít các xe đầu 2013 bị lỗi ở phần này. Hiện tượng này bị phát hiện lần đầu tiên ở Thái Lan,Indonesia rồi Việt Nam… nhưng không phải 100% xe xuất xưởng gặp tình trạng này nên Ford VN đã có hỗ trợ thay mới miễn phí cho tất cả các xe gặp phải lỗi này. Các đời xe sau đã được khắc phục hoàn toàn trước khi được nhập về VN.
Cần lưu ý với các bác là hộp số được sản xuất và lắp ráp ở nước ngoài, về VN chỉ có ráp lên xe thôi chứ hem phải như các bác hay nghĩ là do nhà máy của VN lắp ráp ẩu tả nên bị lỗi nha!
- Hiện tượng rung giật:
Trước khi thảo luận về vấn đề này,chúng ta cần có kiến thức cơ bản về cấu tạo hộp số xe ôtô. Nên em cũng sẽ nói vắn tắt,cơ bản về nó một chút trước khi đưa ra lời nhận xét. Hộp số xe ôtô ngày nay tạm chia thành 4 loại chính: Hộp số sàn, hộp số tự động đa cấp, hộp số tự động ly hợp kép và hộp số vô cấp.
Loại hộp số vô cấp truyền động bằng belt giống xe tay ga em xin không nhắc đến vì không liên quan đến bài viết nên chỉ còn lại:
Hộp số sàn: loại này cấu tạo đơn giản nhất, sử dụng các bánh răng truyền thống để vận hành, việc điều khiển ly hợp và cài số hoàn toàn bằng cơ. Lưu ý ly hợp trên dạng này đa phần là ly hợp khô nhé!
Ưu điểm của số sàn đầu tiên cũng đến từ kết cấu đơn giản là bền, dễ sữa chữa, hiệu suất truyền tải sức mạnh từ động cơ xuống bánh xe tốt nhất nên cũng là hộp số giúp tiết kiệm nhiên liệu hiệu quả nhất!
Khuyết điểm chắc em không cần nói hen.
Hộp số tự động đa cấp: đây là hộp số tự động phổ biến nhất trên thế giới. Nguyên tắc hoạt động của nó dựa trên 2 thành phần cơ bản là bộ biến mô (biến thiên mô men xoắn) và bộ bánh răng hành tinh.
Biến mô: để đảm bảo duy trì tốc độ tối thiểu của động cơ (chế độ garanty) và đảm bảo việc truyền tải mô men được êm ái, người ta tạo ra bộ biến mô. Cấu tạo của biến mô này tương đối đơn giản, gồm 2 “cánh quạt” một cái gắn với động cơ và 1 cái gắn với hộp số. Khi nổ máy thì cánh quạt bên động cơ quay tạo ra 1 lực đẩy về phía cánh quạt bên hộp số (đẩy bằng dầu),tua máy càng cao lực đẩy này sẽ càng lớn. Lực đẩy này khi tiếp xúc vào các cánh của quạt (bên hộp số) sẽ làm cho cánh quạt này quay theo.(cho dễ hình dung các bác cứ tưởng tượng là để 2 cây quạt đối diện nhau rồi dùng cây này thổi cây kia quay). Khi cánh quạt này quay,nó sẽ kéo bộ bánh răng hành tinh trong hộp số quay theo (cánh quạt và bánh răng hành tinh được gắn đồng trục). Nguyên lý hoạt động: Việc chuyển số giữa các cấp số được 1 hệ thống thủy lực (được điều khiển bằng module) thực hiện.
Bộ bánh răng hành tinh: cái này tương đối phức tạp nên rất khó cho em có thể giải thích bằng lời cho các bác hiểu nên bác nào muốn tìm hiểu phần này xin tìm trên youtube hộ em nhé!
Về ưu điểm của hộp số này cũng không có gì để bàn nữa. Khuyết điểm của nó là độ bền kém, độ êm ái phụ thuộc nhiều vào bộ biến mô và module điều khiển việc chuyển số,trọng lượng nặng cùng kết cấu vô cùng phức tạp,khuyết điểm lớn nhất có lẽ là việc truyền tải năng lượng kém do công suất bị mất đi khá nhiều ở biến mô và không tiết kiệm!
Hộp số ly hợp kép: đây là lời giải hoàn hảo cho câu hỏi: “Thế tôi muốn 1 cái hộp số vừa nhẹ,vừa bền,vừa truyền tải công suất tối ưu để có thể cảm nhận sức mạnh động cơ rõ ràng nhất và phải tiết kiệm nhiên liệu như hộp số sàn nhưng vừa phải tiện lợi và dễ điều khiển như hộp số tự động đa cấp thì sao?”
Em xin nói về phần cấu tạo trước,hộp số ly hợp kép được thiết kế hoàn toàn y như 1 hộp số sàn cơ bản,chỉ thêm 1 ly hợp và bộ điều khiển sang số nữa thôi. Bộ sang số và 2 cái ly hợp này được điều khiển bằng điện 100%. Dầu hộp số chỉ có nhiệm vụ làm mát và bôi trơn cho các bánh răng y như trên hộp số sàn bình thường.
Về bộ ly hợp trên loại hộp số này thì chia làm 2 loại, loại khô và ướt. Loại khô thì giống hoàn toàn với hộp số sàn nên bác nào bảo đi rung giật do ly hợp bị mòn là không đúng nhé! Dạng ly hợp khô này giống trên hộp số sàn là hoặc chạy hoặc hư thôi chứ không có bị mòn từ từ đâu. Loại ướt thì được ngâm trong dầu giống kiểu mấy lá nồi xe máy như Dream,Wave… Sự khác biệt giữa 2 loại này là ướt thì êm hơn khô (không có cái “âm thanh lạ”) còn khô thì truyền tải công suất tốt hơn ướt.
Ford trước khi tung ra hộp số Powershift thì cũng đã có sử dụng hộp số ly hợp kém loại ướt 1 lần ở VN nhưng chắc các bác ít biết. Nó được trang bị trên xe Focus 2.0L máy dầu có tung ra 1 thời gian trước khi ANF được giới thiệu vào năm 2012!
Còn loại dùng trên hộp số Powershift là loại ly hợp khô nên hem được êm bằng loại cũ nhưng bù lại truyền tải công suất tối ưu hơn và dĩ nhiên cũng tiết kiệm nhiên liệu hơn nhiều.
Nguyên tắc hoạt động:
Việc tại sao lại cần tới 2 cái ly hợp là để việc vào số được nhẹ nhàng và hiệu quả (khắc phục hiện tượng không êm ái và tiêu hao công suất ở khâu chuyển số ở hộp số tự động thông thường). VD xe có 5 cấp 1,2,3,4,5 và 2 ly hợp A & B
Ly hợp A được chỉ định nối với các bánh răng 1,3,5 còn ly hợp B thì nối với các bánh răng 2,4,R. Khi vận hành ly hợp A sẽ nối với bánh răng số 1. Khi gần đến lúc cần chuyển sang số 2 thì ly hợp B sẽ nối với bánh răng số 2 trước (khi này động cơ nối với 2 cấp số cùng lúc là cả 1 và 2) rồi ly hợp A mới “buông” bánh răng số 1 ra giúp cho việc chuyển số êm ái và không bị gián đoạn. Sau đó khi cần sang số 3,ly hợp A sẽ connect với bánh răng số 3 trước khi ly hợp B disconnect với bánh răng số 2 và cứ như thế….Khi về số cũng thực hiện các bước tương tự.
Vậy về lý thuyết thì hộp số ly hợp kém đúng ra phải êm dữ lắm chứ sao lại thỉnh thoảng có hiện tượng rung giật???
Xin trả lời: vấn đề này không nằm ở việc sang số mà nằm ở việc điều khiển ly hợp
Việc điều khiển việc “ly” hay “hợp” của hộp số Powershift là hoàn toàn bằng điện. Chúng ta có thể hình dung thế này,khi điều khiển xe ANF,Ecosport,Fiesta có lắp Powershift là chúng ta đang điều khiển 1 cái hộp số sàn,chỉ có điều có 1 cái chân bằng điện hỗ trợ việc đạp côn cộng với 1 cái tay bằng điện hỗ trợ việc gạt cần số cho chúng ta!
“Cánh tay điện” thì làm việc hoàn hảo rồi nhưng vấn đề nằm ở………..
cái chân!
Các bác cứ thử trả lời câu hỏi này: “giữa 1 bác tài kinh nghiệm và 1 người chỉ vừa tập lái xe khi điều khiển xe số sàn thì ai sẽ điều khiển êm ái và mượt mà hơn???”
Chắc chắn câu trả lời là bác tài kinh nghiệm rồi nhưng vì sao thế?
Vì bác tài có kinh nghiệm rõ rang có khả năng phán đoán,đọc và xử lý tình huống tốt hơn người vừa tập lái được ít hôm. Khi lái xe số sàn,ngoài việc điều khiển tay và chân,chúng ta còn gửi 1 thông điệp tối quan trọng về tình hình giao thong phía trước về não bộ để xử lý và quyết định nên đạp hay buông côn,buông côn nhanh hay chậm v.v…. còn hộp điều khiển hộp số của Powershift thì không! Chỉ có những tín hiệu mô phỏng tình hình giao thông phía trước qua phản ứng chân ga,phanh,tốc độ xe và tốc độ động cơ hiện tại. Thậm chí nó còn không biết tay lái xe có đang thẳng hay đang đánh lái nữa thì làm sao xử lý tối ưu được???
Ở điều kiện đường xá như Việt Nam mình thì ngay cả những bác tài kinh nghiệm như các bác trên OS này với hơn 100 tỷ tế bào thần kinh trong đầu mà còn chưa biết 1 giây sau sẽ phanh hay tăng tốc thì cái lập trình điều khiển hộp số của xe không cách nào biết trước được mà xử lý cho nó êm ái, nhẹ nhàng nhất!
Vậy khắc phục hiện tượng này như thế nào?
Các bác đã đi qua hộp số Powershift này của Ford sẽ thấy rằng hộp số chỉ có “vấn đề” ở tốc độ thấp,trong phố đông còn khi đi trên high-way thì hoàn toàn êm ái!
Để giảm việc rung giật thì theo kinh nghiệm của em là cứ vào ga 1 cách dứt khoát. Nghĩa là nếu đi chậm thì sử dụng chân ga càng nhẹ nhàng càng tốt, khi muốn tăng tốc thì nên dứt khoát,tránh việc đạp ga theo kiểu “rà” như rà phanh ở tốc độ thấp. Vì như thế xe sẽ không đoán được mình muốn tăng hay giảm tốc độ mà nó xử lý cho nhịp nhàng!
Ý kiến cá nhân:
Dù em đã nghiên cứu và hiểu được lý do cũng như điều tiết cách chạy nên không gặp tình trạng rung giật và biết hiện tượng này xảy ra do “ngoài ý muốn” của nhà sản xuất,xe VW Sirocco cũng bị tình trạng tương tự….nhưng mua 1 cái xe để phục vụ mình mà còn bắt mình phải hiểu nó nữa thì phần nào cũng có chỗ cảm thấy không được thoải mái!
Tuy nhiên,nhận xét cũng phải công bằng là bù lại hộp số Powershift của Ford đã là 1 bước đột phá về mặt công nghệ (nếu so với các hộp số của các đời xe trước như Escape 3.0) và nó còn có 1 ưu điểm vượt trội về độ bốc và tiết kiệm nhiên liệu tối đa.
Chắc cũng do cứ hễ nghe đến Ford là người ta nghĩ ngay đến 2 từ “hao xăng” nên hiện tại hãng Ford “quyết tâm làm mọi thứ để tập trung ưu tiên cho vấn đề tiết kiệm nhiên liệu”.