Để nhận biết, có một số cách cơ bản. Hiện có nhiều mẫu xe trang bị cảm biến áp suất lốp (TPMS), công nghệ thông báo áp suất lốp ngay trên bảng đồng hồ. Thậm chí là tiêu chuẩn ở một số quốc gia phát triển. Tài xế có thể theo dõi và biết được khi nào cần mang xe đi bơm lốp. Thông thường, nếu chỉ số giảm 25% so với tiêu chuẩn, đèn thông báo sẽ sáng lên. Nhiều tài xế Việt chọn phương án “độ” thêm công nghệ này để tiện theo dõi.
Tình trạng lốp căng hơi ít gặp hơn, vì khi bơm, thợ sẽ kiểm tra áp suất lốp sao cho đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Trường hợp lốp căng hơi chỉ thường gặp trên đường cao tốc (Việt Nam ít gặp trường hợp này do đường cao tốc chưa nhiều và tốc độ giới hạn không quá cao). Và thứ hai là di chuyển quá lâu dưới trời nắng nóng. Bánh xe quay nhanh và thời tiết nắng nóng đều khiến không khí bên trong nóng lên, nở ra. Đến khi vượt quá giới hạn, lốp xe sẽ bị hư hại, tệ hơn là gây nổ lốp.
Với những xe không có cảm biến áp suất lốp, tài xế có thể mua thêm đồng hồ đo áp suất cầm tay, hoặc dựa vào cảm giác. Nếu 2 lốp phía trước bị non hơi, vô-lăng sẽ rung và nặng hơn bình thường, xe có xu hướng mất kiểm soát khi vào cua. Lốp sau non hơi khó phát hiện hơn so với lốp trước, và xe chỉ biểu hiện bằng cảm giác mất bám, khi vào cua văng đuôi nhiều hơn.