Lang thang trên mạng đọc được blog của một cụ tập võ thấy hay hay post lại vào topic cũng hay hay về võ trên này
Hồi đầu năm, do có vài thắc mắc liên quan đến võ cổ truyền nước ta mà tôi mò lên Facebook để thỉnh ý kiến các cao nhân. Tuy nhiên cao nhân đâu không thấy, toàn thấy gạch đá từ giới “anh hùng bàn phím” nên tôi hoảng qua lặn luôn, tự thề với lòng không bao giờ ngu dại lên đó nữa. Trải qua mấy tháng, đến gần đây do hiểu lầm ý một bạn đọc của blog mà tôi lại trút nỗi “u buồn” bằng cả cái thought 12 dài lê thê. Sau khi xin lỗi người ta thì tôi chợt nhớ lại vụ trên nên viết thought này để tiếp tục chia nỗi “sầu riêng”.
Những bạn có theo dõi blog của tôi thường xuyên chắc cũng biết, một trong những thắc mắc lớn nhất trong quá trình tìm hiểu về võ thuật của tôi chính là nét đặc trưng của võ cổ truyền Việt Nam. Là một người chưa từng học qua môn võ thuần Việt nào nên tôi gặp khá nhiều khó khăn trong chuyện nghiên cứu về chủ đề này. Đến gần đây tôi lại tò mò về phương thức đi quyền trong võ cổ truyền. Cũng vì thế mới chơi ngu mò mẫm lên 1 fanpage chuyên về võ cổ truyền Việt Nam để được khai sáng. Dưới đây là nguyên văn tôi inbox cho admin:
“Thân chào các ad,
Tôi do không tập võ cổ truyền nên hiểu biết về các bộ môn của nước ta rất kém. Vậy nên mới muốn nhờ các ad giải đáp giúp 1 thắc mắc của tôi về võ cổ truyền. Tôi thấy võ Tàu hay võ Nhật khi đi quyền thì đều có các điểm phát lực rất rõ ràng, lực ra nhanh mạnh. Còn khi xem các bài quyền của võ Ta thì tôi có cảm giác là hơi đều, nhìn chỉ thấy nhanh chậm chứ không rõ lực phát ra lắm. Hi vọng các ad chia sẻ để tôi được học hỏi thêm.
Xin cảm ơn!”
Sau khi đọc lại kĩ lưỡng tin nhắn của mình để chắc chắn bản thân không nói gì thô lỗ, tôi hí hửng nhấn OK với hi vọng rằng thắc mắc của mình sẽ sớm được giải đáp. Nào ngờ trông mong lắm thất vọng nhiều. Comment đầu tiên tôi nhận được:
“Chắc có thể em sinh sau 75!”
Tôi hơi đớ người, tự nghĩ: “Quái lạ, chẳng lẽ hồi đó dạy chữ kém thế, mình đâu có hỏi gì liên quan đến ngày sinh (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng)?”. Nói giỡn vậy chứ đúng là tôi sinh sau 75 thật. Nhưng chuyện đó chẳng liên quan gì tới việc tôi không hiểu rõ về võ cổ truyền của mình cả. Tôi xin dám chắc rằng cha tôi, ông nội tôi và cả ông cố của tôi nữa đều sinh trước anh này, sinh trước năm 75. Và tôi cũng đảm bảo luôn, nếu có hỏi họ câu trên thì họ cũng chẳng trả lời được (xin cung cấp thêm là cha tôi cũng luyện Muay Thái thâm niên chứ không phải loại không biết gì).”
Comment tiếp theo cũng bá đạo không kém, tôi được đưa đẩy từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác.
“Võ cổ truyền chứa đựng tinh hoa và mang màu sắc của dân tộc
Bạn ấy nói vậy là tư tưởng sính ngoại rồi”
Đọc comment này xong, tôi ngay lập tực rà soát lại mẫu tin nhắn tôi gửi. Mỗi tội đọc nổ cả con ngươi mà tôi vẫn không nhận ra mình sính ngoại ở chỗ nào. Xin nhờ các bạn đọc thường xuyên kiểm chứng hộ, trên blog này tôi tuy ít khi nói đến võ Việt nhưng mỗi lần nhắc đến tôi đều sử dụng những ngôn từ tốt đẹp nhất có thể. Ngay cả trong tin nhắn trên, tôi cũng đã tự nhận là không biết và chỉ cảm theo những gì mình thấy thôi mà.
Tiếp theo…
“Bạn xem đi quyền được mấy lần rồi, và những người đi quyền cho bạn xem có phải là võ sinh thực thụ không ạ!”
Hmm, tôi xem quyền được độ vài chục lần, nhưng trừ khi các cụ Ngô Bông, Phan Thọ không phải là võ sinh thực thụ, tôi nghĩ nhận xét của mình không đến nỗi chủ quan.
Và comment này là cao trào khiến tôi bổ ngửa:
“Đừng nhìn bề ngoài mà đánh giá một con người. Người luyện võ trước tiên phải luyện đức…”
Tôi nhớ là mình đang hoàn toàn nói về vấn đề kĩ thuật, có phán xét gì ai đâu ta mà nhận được một lời khuyên chan chứa triết lí “nhân sinh” đến như vậy, haizzz…
Bên cạnh đó, có không ít comment sặc mùi bạo lực dạng như “đưa bụng vô ăn thử thì biết”. May mắn thay, vẫn còn những bạn chia sẻ khá chân thành nhưng do trình hiểu biết của tôi kém nên chẳng thể xác định họ nói có đúng không. Mà các cao nhân trong ban quản trị chả ai lên tiếng nên rốt cuộc gã “sính ngoại” này đành phải lết qua nhà thầy mình để xin được bảo ban. Thầy tôi tuy lấy Aikijujutsu làm gốc nhưng đã tập võ từ năm 15 tuổi, kinh quá nhiều môn phái và chuyên tâm nghiên cứu võ suốt 30 năm nay. Vì thế hi vọng không ai vào phán thầy tôi nói bừa.
“Việc khó nhìn rõ sự phát lực trong các bài quyền võ cổ truyền một phần là vì tâm lí giấu nghề thường thấy ở các môn võ châu Á, mà về mặt này thì dân Việt Nam còn giỏi hơn cả người Hoa nữa. Người Hoa đi quyền thường tập phát lực cùng lúc, người Việt đi quyền thường luyện tốc độ và ý. Chỉ khi bắt đầu luyện miếng đòn, các cụ mới hướng dẫn phát lực.”
Vấn đề chỉ đơn giản là thế, có một bạn cũng chia sẻ gần giống, tôi rất cảm ơn. Còn với các bạn ở trên, tôi xin mượn một câu khá là nổi tiếng trong series clip chế Bao Công xử án Tôn Ngộ Không:
“Biết thì nói, không biết thì thôi, đừng có chém gió nha cưng, không tốt đâu!”
Người viết: Gyoka