Em mới có gần 40 cái xuân xanh thôi, nhưng nhiều lúc chán chán chỉ muốn nghỉ ngơi vui thú điền viên. Đọc sách thấy bảo muốn tự do tài chính thì phải tích luỹ được số tiền mình cần tiêu trong các năm còn lại.
Giả sử 1 năm em tiêu 300tr, nếu nhẩm qua thì thấy là số tiền cần cho 50 năm tới sẽ là 0.3x50=15 tỏi,nghe có vẻ cũng khả thi. Nhưng nếu tính tới yếu tố trượt giá của tiền, vd 1 năm là 7%, thì sau khi cho vào excel tính nó ra cộng dồn 50 năm lên tới 139 tỏi, tí em ngất, thôi lại phải quay lại cày cuốc tiếp thôi, ko nghỉ được.
Không biết em có tính sai ở đâu ko, cụ nào thông thái tư vấn giúp em cái
Tại Mỹ mấy năm gần đây có một phong trào ngày một phổ biến gọi là F.I.R.E - Financial Independence / Retire Early.
A. Phần thứ nhất là F.I. ~ Financial Independence, đạt được độc lập tài chính, tức là thu nhập bị động hoặc thu nhập chỉ dựa vào bản thân mình chứ không phải dựa vào công ty hoặc ông chủ đủ để nuôi sống bản thân (và gia đình).
Nền tảng của FI dựa vào hai thông số: 7% và 3%.
1. Thông số đầu tiên 7% là tỷ lệ tăng trưởng trunh bình hàng năm của thị trường chứng khoán Mỹ từ 1920 đến nay, đã tính cả trượt giá đồng tiền và cổ tức (Nguồn:
https://www.investopedia.com/ask/answers/042415/what-average-annual-return-sp-500.asp)
2. Thông số thứ hai 3% (cột thứ hai trong bảng dưới) là tỷ lệ rút tiền an toàn hàng năm (SWR - Safe Withdrawal Rate) từ số tiền đầu tư vào portfolio với các tỷ lệ cổ phiếu (stocks) và trái phiếu (bonds) khác nhau:
Theo dữ liệu từ 1926 -2014, nếu chỉ rút ra mỗi năm 3% từ khoản đầu tư bao gồm 100% cổ phiếu và thời gian nghỉ hưu (không bỏ thêm tiền đầu tư) là 40 năm thì trong 100% trường hợp, người này không bao giờ dùng hết tiền đầu tư.
Điều này có nghĩa là nếu bạn muốn tiêu xài $1,000 mỗi tháng (~23 tr VND), tức $12,000 mỗi năm (~278 tr VND) thì nên bỏ $12,000 / 0.03 = $400,000 vào thị trường chứng khoán Mỹ (không mua cổ phiểu lẻ mà mua ETF SP500 ~ SPY; số tiền này chưa bao gồm thuế ~ 15%). Rồi mỗi năm rút ra 3% của tổng số tiền đã đầu tư. Bởi vì thị trường chứng khoán tăng trưởng trên nền trượt giá, số tiền rút ra tương đương 3% đó trong tương lai 5, 10, thậm chí 40 năm sau cũng sẽ tăng tương ứng với mức trượt giá.
Nếu bạn muốn tiêu cũng mức tiền như vậy mà tiền lại có hạn thì tăng SWR lên, từ 3% lên 5% chẳng hạn, nhưng lúc ấy đối với người muốn nghỉ hưu 40 năm, chỉ có 68% thành công, còn lại 32% thất bại tức là hết tiền trước khi nghỉ hưu được 40 năm.
CCCM nào có hứng thú tìm hiểu thêm có thể đọc về The Trinity Studies (
https://en.wikipedia.org/wiki/Trinity_study) và sử dụng FIRE calculator (
http://fireagecalc.com/) để tính xem với tuổi hiện tại, khoản đầu tư hiện tại, số tiền thêm vào để đầu tư hàng năm,v.v thì khi nào sẽ đạt được độc lập tài chính và với số tiền là bao nhiêu.
Tất nhiên các số liệu trên đều là số liệu ở Mỹ, với các khoản đầu tư Mỹ. Đối với người ở VN thì thực tế vẫn dùng được FIRE calculator nhưng Expected Return (tỷ lệ lời trên khoản đầu tư ước tính) sẽ tương đối thấp (do % trượt giá cao) và không ổn định (do thiếu thông tin lịch sử dài hạn về tăng trưởng của thị trường chứng khoán; do dùng các loại hình đầu tư ngoài cổ phiếu như bất động sản vốn thường có biến động mạnh)
B. Phần thứ hai là R.E - Retire Early, nghỉ hưu sớm, thường là trước 60 tuổi.
Có lẽ nhiều người một khi đã có được thu nhập bị động đầy đủ rồi thì sẽ nghỉ hưu non, đôi khi để theo đuổi một sở thích nào đó như du lịch, làm tình nguyện viên, chơi nhạc, v.v. cũng đôi khi vì chán ghét áp lực công việc và sống ở nơi phố thị xô bồ. Tuy nhiên không phải ai cũng muốn ngừng làm việc cả ngay cả khi họ rất giàu có bởi làm việc và có địa vị xã hội là động lực sống của rất nhiều người. Vì lẽ đó, có thể nói FI là tốt cho tất cả mọi người nhưng RE thì chưa chắc.