Lâu nay anh em lái xe vẫn biết không phải oto là nguyên nhân chính làm tắc đường, nhưng người ta vẫn đổ cho oto và tìm cách hạn chế hay thu thêm thuế hạn chế. Nay có 1 chuyên gia phân tích hộ giải oan cho oto đây:
Giao thông Hà Nội: Chỉ mặt 5 “yếu kém, thiếu tầm nhìn”
Thứ sáu 03/05/2013 06:59
http://infonet.vn/Thoi-su/Giao-thong-Ha-Noi-Chi-mat-5-yeu-kem-thieu-tam-nhin/78621.info
TS. Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia nhiều năm trong lĩnh vực giao thông đô thị đánh giá: “Các giải pháp của Hà Nội yếu kém, không có tầm nhìn, thiếu chiến lược một cách bền vững và thiếu phù hợp với thực tiễn”.
Cứ sau mỗi kỳ nghỉ lễ tết, Hà Nội và TPHCM lại rơi vào tình cảnh ùn tắc nghiêm trọng. Các giải pháp cả trước mắt và lâu dài liên tục được triển khai, nhưng xem ra bài toán ùn tắc vẫn còn đang là một vấn đề nhức nhối hiện nay.
Chia sẻ với báo điện tử Infonet về các giải pháp chống ùn tắc giao thông đô thị, TS. Nguyễn Xuân Thủy dẫn chứng 5 dấu mốc thể hiện cái “thiếu tầm nhìn” - trở thành nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng ùn tắc đô thị hiện nay.
5 dấu mốc thể hiện "thiếu tầm nhìn"
Thứ nhất việc xây dựng cầu Thăng Long không đúng địa điểm, vị trí, lại vượt quá yêu cầu hơn 10 năm. 10 năm đầu cầu Thăng Long với mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ nhưng lại không chở được bao nhiêu người, không mấy ai đi qua cả.
Cái “thiếu tầm nhìn” thứ hai là hệ thống cầu vượt sông Hồng triển khai chậm 25 – 30 năm. Năm 1992 làm cầu Long Biên, đến 1985 mới có cầu Thăng Long và Chương Dương. Rồi đến tận 2008 – 2009 mới có hai cầu Thanh Trì và cầu Vĩnh Tuy.
Thứ ba, trước đây người Pháp đã xây dựng gần 40 km tàu điện ở Hà Nội – phương tiện mà ở trên thế giới không nước nào thiếu cả. Với những nước thành phố trên 1 triệu dân người ta tiếp tục phát triển hệ thống giao thông này. Trong khi đó năm 1989 chúng ta lại cho bóc đi.
Thứ tư vào những năm 90 “nhiều nhà khoa học trong đó có tôi đã đề nghị sớm có hệ thống tàu điện cho Hà Nội. Nhưng đến nay Hà Nội và TP HCM là hai thành phố hiếm có trên thế giới với dân số 6 – 10 triệu mà lại không có một tuyến tàu điện ngầm cũng như đường sắt đô thị nào cả”.
Thứ 5, cách đây 15 năm các nhà khoa học cũng đề nghị sớm có các ngã tư lập thể, mà cốt lõi của nó là cầu vượt. Nhưng xây cầu vượt phải đồng bộ. Trên một tuyến đường chỗ này có thì chỗ khác cũng phải có cầu vượt. Nếu không xây đồng bộ thì sẽ tạo ra sự ùn tắc rất phức tạp. Đến bây giờ khi thấy cần thiết Hà Nội và TP HCM mới tập trung làm. Như vậy chúng ta đã đi chậm từ 15 – 20 năm rồi.
Đổ cho ý thức người dân là không đúng
Ngoài ra TS Thủy cũng đánh giá, việc triển khai một số giải pháp trong thời gian qua như phân làn, bịt ngã tư, xây dựng “đường chất lượng cao”, những tuyến xe buýt nhanh… cũng chưa thực sự mang lại hiệu quả.
Theo ông với cầu vượt đường bộ, cái sai lớn nhất là xây dựng quá chậm, lại không đồng bộ. Nếu ngã tư này xây mà ngã tư kia không có thì tất cả các dòng xe sẽ ùn về ngã tư đó dẫn đến ùn tắc càng nặng nề hơn.
Với giải pháp bịt ngã tư, cái được ở đây là giảm bớt sự ùn tắc tại ngã tư đó. Nhưng ngược lại khả năng ùn tắc và gây tai nạn ở các khu vực khác lại tăng lên. Vì khi bịt ngã tư này sẽ phải mở ngã tư khác nên tạo ra sự va chạm, giao cắt giữa các dòng phương tiện khiến tăng khả năng gây tai nạn giao thông.
"Đối với việc phân làn tại 5 tuyến hiện nay hiệu quả rất thấp, thậm chí còn có tác dụng ngược. Việc phân làn cứng để phân làn giữa xe máy, xe đạp và ô tô rất phản cảm, gây tai nạn, giải lưu thông của dòng xe”.
Chuyên gia này nêu ví dụ vừa qua ở TP HCM đã xảy ra tình trạng phân làn đường nhưng dành cho ô tô quá rộng, còn xe máy lại quá hẹp, trong khi đó lưu lượng đi lại của người dân hiện nay chủ yếu vẫn là xe máy. Khi bên làn xe máy bị ùn tắc, lực lượng công an, thanh tra giao thông vẫn đứng đó như không có chuyện gì xảy ra mà thiếu đi sự cơ động cần thiết.
“Một con đường hẹp như vậy. Trong khi đó sau kỳ nghỉ lễ như vừa rồi, dòng người đổ về như nước. Nhưng “cống nước” lại bé như thế thì thoát làm sao? Thử hỏi ý thức ở đâu? Người ta phải nhường nhịn như thế nào đây? Tôi không nói tắc đường không có phần ý thức, nhưng ý thức chỉ chiếm 5 – 10%, còn lại phải là hạ tầng và giao thông công cộng” - TS. Nguyễn Xuân Thủy.
TS Thủy cho rằng cái thiếu của giao thông hiện nay chính là hạ tầng và giao thông công cộng. Ông tính toán với TP.HCM nếu đủ xe buýt cho dân đi thì phải có khoảng 30 nghìn xe. Trong khi đó hai thành phố này lại chỉ có trên 3 nghìn xe, chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu. Tương tự Hà Nội muốn đáp ứng đủ nhu cầu cũng phải có ít nhất 25 nghìn xe buýt, trong khi thực tế lại chỉ có hơn 1 nghìn chiếc.
“Việc xây dựng hạ tầng và giao thông công cộng ở hai thành phố này cực kỳ yếu kém. Nhưng lại chỉ đổ lỗi gây tắc đường cho người đi lại. Cứ cho rằng nhân dân yếu kém về văn hóa giao thông, lấy cái đó làm nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc thì không đúng”.
TS Thủy lý giải: “Một con đường hẹp như vậy. Trong khi đó sau kỳ nghỉ lễ như vừa rồi, dòng người đổ về như nước. Nhưng “cống nước” lại bé như thế thì thoát làm sao? Thử hỏi ý thức ở đâu? Người ta phải nhường nhịn như thế nào đây? Tôi không nói tắc đường không có phần ý thức, nhưng ý thức chỉ chiếm 5 – 10%, còn lại phải là hạ tầng và giao thông công cộng”.
Theo ông Thủy, giải pháp số 1 để giải bài toàn giao thông vẫn là phát triển mạnh hạ tầng và giao thông công cộng. Hai việc này phải chiếm trên 80%.
“Nếu chúng ta không phát triển hạ tầng và giao thông công cộng với hàng chục tỷ đô la thì không thể nào thay đổi được tình hình, dẫu có giáo dục nhân dân, dẫu nhân dân có tuân thủ đến đâu thì cũng không thể giải quyết được ùn tắc” – TS Thủy khẳng định.
Nguyễn Dũng
Chỉnh sửa cuối: