KỲ 24
[FONT='Times New Roman', Times, serif]Sáng sớm hôm đó, khi đến điểm tập kết ở khu gầm cầu vượt đường vành đai, hầu hết tất cả những của nợ đồng bọn với Tú khỉ đều đã có mặt, bọn chúng đỗ một giàn xe 4X4 như diễu võ dương oai, thôi thì đủ cả, từ xe Jeep thời Thiệu cho đến dòng bán tải đời mới, toàn những xe được độ thêm đủ thứ đồ chơi hầm bà làng, cái thì toàn Inox, cái thì tem tiếc decal lòe loẹt sặc sỡ. Đám quân ô hợp ấy ăn mặc thằng thì rằn ri, thằng thì áo phao trượt tuyết, thằng thì hip hop, có cả đôi ba đứa con gái trong đám ấy, trông cũng ngổ ngáo chả khác gì đám con trai.
Tôi đi xe ôm đến, bọn chúng ngó lơ, mải nhảy tưng tưng cho ấm người, chẳng để ý hay hỏi han gì, mặc cho Tú khỉ hớn hở giới thiệu tôi là “nhân chứng lịch sử” đã từng nhìn thấy con cá thần. Lúc đó tờ mờ sáng, trời rất lạnh, tôi mặc áo đơn áo kép, khoác thêm cái ba lô quần áo, mà vẫn tê cóng, nước mũi chảy ròng.
- Còn đợi ai nữa? – Tôi hỏi Tú khỉ.
- Đợi thày Nghi – Tú khỉ đáp, vén tay áo xem đồng hồ.
- Chắc thày sợ không đủ trình nên bỏ của chạy lấy người rồi.
- Bỏ là bỏ thế nào, đã nhận tiền của thằng đại gia súc kia rồi, hê hê nhìn kìa! Thày đến rồi kìa.
Theo tay Tú khỉ chỉ, tôi nhìn thấy một chiếc xe 4 chỗ đỏ chót như chuồn chuồn ớt đỗ lại. Một nhân vật kỳ dị bước ra khỏi xe, theo sau là một cậu bé bưng ca táp theo hầu. Tôi tưởng như đang được xem một bộ phim ca nhạc tạp kỹ của ban nhạc Boney M những năm 70. Thày Nghi, đúng hơn phải gọi là cô Nghi, đóng một bộ măng tô dài thượt màu trắng, cổ áo giả lông chồn, quàng quanh cổ cũng một cái khăn lông dài thượt, tha thướt. Còn mái tóc của thày, nó như một cái tổ ong đồ sộ. Tôi đã bảo rồi mà, trông thày y hệt ca sĩ của ban nhạc Boney M thập kỷ 70, chỉ khác là làn da thày có lẽ không đen sì sì. Tôi đoán chắc là thày thần tượng cả Boney M lẫn Michael Jackson và Đàm Vĩnh Hưng. Thày có khuôn mặt hao hao diễn viên hài Công Lý, nhưng nhìn kỹ tôi lại thấy có lẽ giống Vượng râu hơn.
Cái tổ ong di động ấy õng ẹo tiến lại gần, phát ra một thứ âm thanh eo éo:
- Sư bố nhà các anh! Đi bắt ma mà cứ làm như đi hội đầu năm ấy, làm người ta phải dậy sớm mệt chết đi được, thế này thì ăn chả bõ ỉa! – Thày Nghi vừa nói vừa bẹo má Tú khỉ, mắt thì cười tít lại dâm đãng, rõ là một gã bóng lộ.
- Thì thày cứ tội vạ đâu nhè anh đại gia Toàn gạch ấy! – Tú khỉ cười ha hả.
- Cái gì đấy? Thằng Tú béo nói xấu gì anh đấy hả mày? – Toàn gạch bỗng từ đâu xuất hiện, ồm ồm cất lời.
- Úi giời, làm người ta giật hết cả mình, người đâu cứ như là ma thế? – Thày Nghị quay sang đánh yêu vào gã hộ pháp, gã mà thằng Tú khỉ vừa gọi là Toàn gạch.
Đó là một gã ngoài 40, râu ria như Trương Phi, mắt trợn tròn, nghe nói ngày xưa làm gạch ở quê. Mặc dù trời lạnh và khá tối, tôi vẫn thấy khuôn mặt gã đỏ ửng, và mặc dù mới sớm tinh mơ, mùi rượu vẫn thoang thoảng mỗi khi gã mở mồm. Cả đám lâu la cũng tò mò xáp lại đón tên thày cúng. Tôi lùi lại quan sát. Nếu phải định nghĩa thế nào là một vở hài kịch, có lẽ không gì chuẩn xác hơn cái cảnh tôi đang nhìn, một lũ rửng mỡ rồ dại và đồng bóng đang nô giỡn háo hức chuẩn bị dẫn xác đến cái chốn khỉ ho cò gáy. Chúng mày sẽ sớm phải hối hận thôi, tôi nghĩ bụng.
Rồi cũng đến lúc màn chào hỏi làm quen và ỡm ờ bậy bạ của đám kia kết thúc, thày Nghi và thằng bé tiểu đồng được sắp xếp đi cùng xe của đại gia súc Toàn gạch, đó là một chiếc xe dã chiến to tướng, hầm hố và dài ngoằng, cả hai đứa con gái chân dài đi cùng cũng leo lên chiếc xe này. Đám tiểu yêu còn lại cũng đứa nào về xe đó, đâu vào đó cả. Ngoài ra còn có hai thằng trông rồ rồ dại dại, ăn mặc rất phủi, đi giày cao cổ, găng tay da, chúng nhảy lên một chiếc xe ba bánh, đội lên đầu những chiếc mũ đi xe máy kiểu cổ, chụp thêm đôi kính trông như đôi kính lặn, nom y như phi công máy bay chiến đấu thời thế chiến thứ nhất.
Tôi lắc đầu ngao ngán leo lên một chiếc xe Ford Ranger cùng Tú khỉ, ngồi sau tay lái là một gã trọc lốc đeo kính trắng, có vẻ ít tuổi hơn tụi tôi, nó gọi Tú khỉ là anh, xưng em.
- Thằng này là Hà trọc nhá – Tú khỉ giới thiệu suồng sã – Gọi là Hà nghệ, Hà cận, Hà điên cũng được, tùy, nó *** biết tự ái đâu. Còn đây, anh xin trân trọng với Hà điên, đây là anh Đăng cuội bạn anh, đừng bao giờ tin vào bất cứ cái gì thằng bạn anh nói nhá, nhớ đấy, kẻo sau này lại trách móc anh không nói trước.
- He he, chào ông anh! – Hà trọc quay lại chìa tay ra với tôi – Em chả biết tự ái bao giờ thật, dưng mà em cũng *** bao giờ tin lời anh Tú béo.
- Ơ thằng này láo! – Tú khỉ bớp tai Hà trọc – Thôi lên đường thôi cu!
- Yes sir! – Hà trọc vào số và dấn ga, bám theo đoàn xe đang lần lượt rời bãi, hướng về phía quốc lộ 6.
Qua ô cửa kính xe bám đầy hơi nước, bầu trời nhợt nhạt đang ló dạng, những người dân ngoại thành chạy chợ đang lũ lượt kéo về thành phố, từng hàng dài xe đạp thồ rau củ quả đi ngược chiều chúng tôi. Tú khỉ và Hà trọc bình phẩm gì đó về họ, rồi bọn chúng mau chóng đổi đề tài sang xe cộ, cá mú, gái gú, tiền bạc…
Tôi lim dim cố ngủ, nhưng chẳng thể ngủ lại được. Qua câu chuyện, tôi láng máng biết Hà trọc làm quảng cáo, hình như tốt nghiệp một trường mỹ thuật nào đấy, chưa vợ con gì, chơi bời đủ thứ từ nhiếp ảnh, câu cá, lượt phượt lang thang, cho đến xe thể thao, xe cổ, gái mú, đồ cổ các loại, đồ chơi hi-tech, loa đài, máy tính, điện thoại v v… ti tỉ thứ ba lăng nhăng mà đám trẻ chưa qua già chưa tới hiện nay vẫn hay mê mẩn. Có lẽ tôi đã tụt hậu quá xa, tôi mù tịt về tất cả những thứ xa xỉ ấy. Hà trọc khoe với Tú khỉ một cái ống kính máy ảnh nó mới mua giá đâu như mấy ngàn đô, một đôi găng tay chuyên dụng chạy xe thể thao giá cũng vài trăm đô, rồi thì ủng, mũ mão, quần áo…
Thi thoảng hai thằng dở người chạy xe ba bánh lại đánh võng trước mũi xe chúng tôi trêu chọc, cười nhe nhởn. Hà trọc liên tục phải đạp phanh, nó làu nhàu chửi đổng.
- Ngồi xe ba bánh giời này chắc mát phải biết, nhỉ? - Tú khỉ lầm bầm.
- Vầng, em qua cái tuổi nông nổi ấy lâu rồi - Hà trọc phụ họa - Điên nó cũng vừa vừa thôi chứ anh công nhận không, điên quá *** ai chịu được.
- Ờ, mày nói phải! - Tú khỉ gật gù - Một thằng điên có thâm niên như mày thì nói gì cũng chuẩn.
Hà trọc cười khùng khục, rồi nó dấn ga hích nhẹ vào *** xe ba bánh của hai thằng kia, hai thằng lập tức lạng lách chạy vọt lên trêu chọc những chiếc xe phía trước.
Đoàn xe dừng lại ở một quán phở ăn sáng, ầm ĩ đùa cợt một lát, làm náo loạn quán ăn, rồi lại nhanh chóng nhằm hướng Tây Bắc chực chỉ. Những câu chuyện của Tú khỉ và Hà trọc thưa dần, chúng nó thay nhau cầm lái, còn tôi thì trùm kín mũ áo, nằm co quắp và lơ mơ ngủ ở ghế sau. Thật kinh ngạc là rồi tôi cũng có mặt ở đây, giữa một đám điên rồ nhố nhăng, đồng bóng, trong khi tôi từng có một cuộc sống bình lặng hoàn toàn khác bọn chúng.
Trong giấc ngủ chập chờn, giữa những lúc chiếc xe nhảy chồm lên vì xóc ổ gà, hoặc những cú phanh gấp, những đoạn vào cua tay áo, tôi lăn qua lăn lại trên ghế xe như một cái xác không hồn, ý thức lơ mơ của tôi dường như lơ lửng đâu đó, cảm nhận rõ một điều gì đó éo le sắp xảy đến, cuốn tôi vào cái vòng xoáy vô hình, định đoạt phần còn lại của đời tôi, dù tôi có cưỡng lại cũng đã quá muộn.
Lần này trước khi đi tôi cũng chỉ gọi điện nói qua loa với bố mẹ vợ là tôi có chút công việc bận, nhờ ông bà hàng ngày đưa đón cháu đi học giùm. Tôi không nói gì với vợ, vì có nói cũng bằng thừa. Thôi kệ, mọi chuyện đến đâu hay đến đấy, tôi nghĩ có lẽ nên hoãn binh thêm chừng nào hay chừng ấy. Nếu may mắn mỉm cười với tôi, khi trở về tôi có đủ một khoản tiền lớn để bắt đầu lại cuộc đời. Chẳng có gì là quá muộn cả, tôi tự an ủi mình như thế.
Bữa trưa diễn ra vẫn ở cái quán ăn mà lần trước tôi và Tú khỉ cùng hai cô gái đã dừng lại ăn uống, đâu đó bên đường giữa cuộc hành trình. Tôi bị đánh thức dậy, ngái ngủ, nên chẳng có ấn tượng gì về thức ăn lẫn cái đám hổ lốn ồn ào kia. Bữa trưa trôi qua, tôi lại leo lên xe ngủ tiếp, cho đến chiều tối thì tới một thị trấn nhỏ cách sông Thiêng vài chục cây số, cả bọn quyết định nghỉ đêm lại, sáng hôm sau mới mò vào khúc sông đó. Tôi nhận ra cái nhà nghỉ lần trước bọn tôi từng vui vẻ cùng hai cô gái dạo nọ. Một cảm giác không vui chợt đến khiến tôi thở dài, cuộc chia tay với hai cô gái đó thì lại chẳng vui vẻ cho lắm, một lúc nào đó tôi sẽ kể lại chuyện này.
Cái nhà nghỉ ấy hóa ra là duy nhất ở thị trấn nhỏ bé hẻo lánh này, nó không đủ để chứa đoàn tùy tùng hơn hai chục mạng với lỉnh kỉnh đồ đạc mang theo. Rốt cục một số phải đi thuê mướn thêm nhà dân nghỉ nhờ qua đêm. Xếp hàng mãi rồi cũng đến lượt được sử dụng cái nhà tắm duy nhất có nước nóng, tôi cảm thấy khỏe khoắn hơn, sau một ngày vạ vật trên xe.
Cả bọn kéo đến một cái nhà hàng đặc sản cách đó hơn chục cây số, một cái nhà sàn hoành tráng, mấy cô gái phục vụ thậm chí còn ăn mặc theo lối người Thái. Đồ ăn ở đây hoàn toàn chế biến theo kiểu người Thái, khá ngon. Điều duy nhất khiến tôi ăn mất ngon, là những trò chuốc rượu và khoe mẽ thái quá của đám kia. Dường như khoe tiền của chưa đủ, gã Toàn gạch, tay thầy cúng đồng tính, và đám bộ sậu, kể cả Tú khỉ, còn bằng mọi cách cố khoe ra và chứng minh khả năng hài hước rẻ tiền của mình, bằng những câu chuyện không đầu không cuối, vòng vèo, dâm đãng, bậy bạ, ẩn dụ một cách thô thiển, hoặc ra vẻ đầy bí hiểm. Cũng có thể tôi không sống trong cái thế giới đó, nên tôi lạc điệu, thừa ra, hoàn toàn điếc đặc trước những sự tích truyền kỳ của cái bộ lạc đó, với vô số những huyền thoại câu cá mà chỉ bọn chúng hiểu, khoái trá kể đi kể lại, với thứ ngôn ngữ kỳ quặc, có thể là tiếng lóng, hoặc cũng có thể nó đúng là một thứ thổ ngữ của bộ lạc câu cá thật. Bọn chúng tự nhận là thuộc về bộ lạc đó, bộ lạc cuối cùng còn sót lại, theo đuổi và gìn giữ thứ bản năng săn bắt hái lượm nguyên thủy của loài người. Tôi đã từng trải qua cái cảm giác kích động trong lần vật lộn với con cá trước đó, nên có thể hiểu được phần nào cái chất keo đã gắn kết những kẻ kia lại với nhau, nhưng có lẽ bọn chúng đã hơi quá đà khi đề cao mọi thứ lên, gọi trò giải trí đó bằng những mỹ từ như đam mê, nghệ thuật, thậm chí còn coi nó như một môn thể thao, một thứ tôn giáo thiêng liêng. Bọn chúng, những kẻ mê câu cá, tự nhận là những kẻ bị giời đày, và lấy làm tự hào lắm.
Cuối cùng cuộc nhậu nhẹt cũng kết thúc, hầu như tất cả đều say khướt. Thật kỳ lạ mặc dù cả đám loạng choạng lái xe về nhà nghỉ, nhưng chẳng có tai nạn nào xảy ra, ngoại trừ một gã lùi xe hơi quá đà, vỡ mất cái đèn hậu. Tôi uống ít, chủ yếu ăn thử những món ăn lạ và ngồi hút thuốc lá. Tôi đã ngủ vạ vật trên xe cả ngày, nên chẳng thể ngủ đêm được nữa, nằm trên giường đốt thuốc lá, xem ti vi. Được một lát, từ phòng bên cạnh bắt đầu vọng lại tiếng rên rỉ của đôi nào đó làm tình, có lẽ một trong hai cô gái đi cùng với gã Toàn gạch, hoặc là cả hai cô gái với Toàn gạch, họ chiếm nguyên một phòng. Bọn kia say rượu ngủ như chết, kể cả Tú khỉ, nó ngáy vang như sấm, chỉ có mỗi tôi thức thao láo chịu trận cái thứ âm thanh đầy kích động ấy. Tôi nhớ lại cái đêm nào với em Hằng hay em Nhung, đêm đầu tiên tôi tự cho phép mình trở nên sa đọa, buông thả. Tôi nhớ lại vụ kẹp ba trong cái lều bên bờ sông. Thế rồi tôi nhớ đến cô con gái ông Văn. Thật kỳ lạ, hầu như tôi có một thứ tự tin đến mức ngớ ngẩn, rằng cô ta có một tình cảm đặc biệt với riêng tôi, sau tất cả những chuyện tình cờ và ngẫu nhiên mà bố con cô ta đã cứu sống tôi, một thứ đặc quyền nào đó không thể lý giải, cứ như tôi là một kẻ đặc biệt, được sắp đặt để gặp gỡ cha con họ.
Tôi nhớ lại khuôn mặt xinh đẹp của cô gái ấy bên ánh lửa bếp hồng ấm áp, vầng trán lấm tấm mồ hôi. Tôi hình dung lại thân hình tuyệt đẹp của cô ấy khỏa thân dưới làn nước trong, dưới ánh nắng buổi sáng hôm nào. Những tiếng rên rỉ làm tình bên phòng kia vọng lại mỗi lúc một to. Thật có vẻ éo le, nếu không muốn nói là lố bịch và thô bỉ, khi vẻ đẹp của cô gái chài lưới ấy lại được tôi nhớ đến trong những tiếng động trần trụi hổn hển như vậy, nhưng quả thật nó là như vậy. Tôi chợt nhớ lại lời Tú khỉ khi nói về gã Toàn gạch, rất có thể khi nhìn thấy cô con gái ông Văn, gã đàn ông háo sắc này sẽ tìm mọi cách chiếm đoạt, và dám chắc là hầu hết những gã dâm đãng nham nhở trong cái đám này cũng sẽ làm như thế. Ý nghĩ ấy khiến trái tim tôi đau thắt lại, bực bội, rồi nó tiếp tục gợi lại cho tôi nhớ đến giấc mơ tồi tệ mới đêm hôm trước.
Tôi là cái quái gì đâu cơ chứ? Tôi hoàn toàn thua kém đám người lọc lõi ăn chơi này. Đó là sự thật. Tôi chỉ là một gã mọt sách vô tích sự, thất nghiệp, thất bại. Ngày xưa hình như tôi cũng từng mơ tưởng sẽ trở thành một ai đó, một người như thế nào đó, nhưng những giấc mơ đã xưa quá rồi, tôi không còn nhớ nổi nữa.
Những tiếng rên rỉ ở bên phòng kia lên đến cao trào, tiếng gã đàn ông gầm gừ trong cơn cực khoái, tiếng hổn hển của đứa con gái nhỏ dần. Một lúc sau có những tiếng cười đùa khúc khích, những tiếng nói thì thào, rì rầm.
Rồi đêm khuya vắng, cuối cùng cũng yên tĩnh trở lại. Tôi thiếp đi lúc nào không hay. Dường như tôi có thoáng mơ thấy cô con gái ông Văn, cô ấy nhìn tôi với đôi mắt buồn bã. Nhưng tôi không chắc lắm về giấc mơ này, bởi vì nó quá mờ nhạt, và khi thức dậy tôi đã không thể nhớ thêm được chi tiết nào đáng kể.
Sáng hôm sau, kề cà dậy muộn sau một đêm say sưa, sau khi ăn sáng chúng tôi tiếp tục lên đường. Cho đến gần trưa, khi tan sương mù, con sông Thiêng bắt đầu hiện ra trên con đường trải đá dọc vành đai biên giới. Nó đẹp tuyệt, có những khúc sông trong vắt, nhìn thấy từng viên đá cuội dưới đáy, một vẻ đẹp lạnh lẽo. Có những khúc sông lại toàn thác ghềnh, bọt trắng xóa bạc đầu, hung dữ, đầy nguy hiểm.
Nắng nhạt thi thoảng lại lọt qua mây mù, soi xuống cảnh vật núi rừng. Tú khỉ và Hà trọc bồn chồn ra mặt, có vẻ như bọn chúng ngứa ngáy chân tay lắm rồi, chỉ mong ngóng buông câu ngay lập tức. Đi qua bất cứ một vụng nước hay thác ghềnh nào, chúng đều phỏng đoán chỗ đó hẳn là ẩn nấp toàn hàng khủng, những con cá lăng hoặc cá chiên vài chục cân là ít. Tú khỉ cầm lái, còn Hà trọc lôi máy ảnh ra thò cái ống kính dài ngoẵng qua cửa xe bấm lia lịa. Gió lạnh tràn vào xe khiến tôi tỉnh cả ngủ. Một cái mùi quen quen xộc vào mũi, cái mùi núi rừng mà tôi mới làm quen cách đây chưa lâu. Rất khó để tả chính xác cái mùi thơm này, nhưng có lẽ nó là mùi nhựa cây, mùi lá, mùi cỏ lau và cây dại, mùi những khe nước ẩm ướt, mùi lá mục, hơi đất ẩm, mùi hơi nước bốc lên từ dòng sông, mùi vách đá… Tôi hít những hơi dài, để những làn gió lạnh giàu ô xy này đi sâu vào phổi, đi vào từng tế bào máu, chạy khắp cơ thể, như một cách để thay máu vậy. Mặc dù làm vậy là khá mạo hiểm, tôi có thể sẽ bị viêm phổi, viêm họng, lăn ra ốm, nhưng kệ chứ, việc mạo hiểm nhất chính là cái gật đầu đồng ý tham gia chuyến đi này thì tôi đã làm rồi.
Cuối cùng thì khúc sông định mệnh ấy cũng đã hiện ra trước mắt. Tú khỉ dấn ga vượt lên dẫn đầu đoàn xe. Bãi cát chỗ khúc quanh dòng sông trải dài, phủ một lớp phù sa mỏng, thanh bình như chưa từng xảy ra cơn lũ. Tú khỉ đánh một vòng tay lái rộng, rồi dừng xe ngay gần tảng đá lớn, nơi chúng tôi hạ trại dạo trước. Nó nhảy xuống xe, khua chân múa tay, ba hoa chích chòe với đám kia về con cá, và về trận lũ ấy. Hà trọc láo liên chụp ảnh, đôi kính trắng hấp háy, lấp loáng. Lóe xóe tiếng ông thày cúng phán gì đó, tiếng ồm ồm của gã Toàn gạch đại gia súc, tiếng chí chóe của đám bộ sậu. Còn tôi lững thững đi xuôi bờ sông, mắt dõi tìm chiếc thuyền nan hay cái bè nứa mà cha con ông Văn vẫn thường dùng. Chẳng thấy họ đâu cả, bất giác tôi cứ đưa chân đi xa dần doi cát và đám đông ồn ào kia, rồi dần dần đi gần về phía nhà ông Văn, tôi muốn là người đầu tiên gặp họ, nhất là cô gái ấy.
Cô ấy đứng ngay đầu ngõ, đang nháo nhác nhìn về phía bãi cát ồn ào, từ xa tôi đã nhận ra dáng hình quen thuộc đó, tim tôi đập mạnh. Cô ấy chừng như hơi xấu hổ, tay đang bứt lá, nửa muốn quay vào, nửa muốn đứng lại.
- Chào em, chào em, anh Đăng đây! – Tôi nói to, cố xua đi sự ngượng ngùng của cả hai – Bọn anh quay trở lại rồi đây…
- Vâng, em chào anh! – Cô ấy cũng cố chào to, ra vẻ tự nhiên, nhưng giọng vẫn lí nhí, và khuôn mặt đỏ bừng.
- Bố em khỏe không? Ông cụ đâu rồi?
- Bố em đánh chài trên thác, chắc cũng sắp về – Cô ấy nói rồi đi vào sân, tôi đi theo.
- Thế còn em, em vẫn khỏe chứ? Đang nấu cơm phải không?
- Em khỏe, em đang nấu cơm, sắp đến bữa rồi, bọn anh ở lại dùng cơm chứ ạ?
- Không, lần này bọn anh đi đông lắm, nhà em không đủ cơm đâu, em nhìn thấy đám kia rồi chứ?
- Bạn các anh ạ?
- Không, bạn thằng Tú khỉ thôi, anh không quen đám đấy.
- Lần này các anh quay lại định câu con cá ấy đấy à?
- Ừ, cũng định thế – Tôi nói – Nhưng anh cũng muốn quay lại gặp nhà mình, ý anh là anh muốn gặp lại em, thật, anh vốn không ham câu kéo lắm.
- Anh nói vậy thì em biết vậy, có lúc em nghĩ bọn anh chẳng quay lại đây nữa.
- Bậy nào, bọn anh đã nói sẽ quay lại mà.
- Thì ai mà biết được…
Cô ấy bước vào bếp, loay hoay nấu nướng. Tôi bước vào theo, tận hưởng cái mùi khói bếp thơm tho và ấm áp dễ chịu. Mùi thức ăn chín, mùi cơm. Mùi trinh nữ, có thể. Mùi củi gỗ và nhựa cây cháy. Tôi kéo ghế ngồi cạnh bếp lửa.
- Về dưới ấy, anh rất nhớ Vân… - Tôi buột miệng.
- Điêu.
- Thật đấy, cả đêm cũng nằm mơ thấy Vân.
- Chả tin.
- Không tin thì thôi, tùy.
- Các anh thì thiếu gì gái, em chả lạ, hai cái chị gì lần trước ấy.
- À không, đấy là bạn thằng Tú khỉ thôi, anh chả liên quan.
- Chả liên quan, em chả biết thừa.
- Em biết gì?
- Biết gì thì anh tự biết, lại còn hỏi.
Tôi im lặng, thấy mình thật trơ tráo. Tôi không hiểu sao tự dưng tôi lại có thể buột miệng tán tỉnh cô gái này với cái giọng điệu như thế được. Có lẽ nên im lặng là hơn. Tôi quay sang nhìn trộm cô ấy, khuôn mặt thanh tú nhìn nghiêng tuyệt đẹp trong ánh lửa. Cô ấy có lẽ sẽ không bao giờ thuộc về tôi, một cảm giác đau đớn và hẫng hụt xâm chiếm. Tôi cố nén một hơi thở dài.
[/FONT]