(Dân trí) - Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, cần xem xét trách nhiệm của những người đứng đầu các các cơ quan trong giai đoạn để xảy ra vi phạm về quy hoạch và xây dựng trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội).
dantri.com.vn
Trong Kết luận thanh tra số 39 của Thanh tra Bộ Xây dựng vừa ban hành, hàng loạt vi phạm trong quy hoạch, xây dựng các
dự án cao ốc hai bên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu (Hà Nội) được chỉ rõ. Đơn vị thanh tra cũng chỉ ra trách nhiệm của các cơ quan như UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng và một số cơ quan quản lý địa phương đã để xảy ra các vi phạm trên.
Xem xét trách nhiệm người đứng đầu
Trao đổi với
Dân trí, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, đánh giá, Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng đã làm rõ thực trạng quy hoạch của Hà Nội nói chung và của tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu nói riêng. Đặc biệt là "vạch mặt" từng hình thức vi phạm, nội dung vi phạm về quy hoạch, xây dựng mà lâu nay nó đã tồn tại và tồn tại ngang nhiên.
Tuy nhiên, theo ông Nhưỡng, việc khắc phục các công trình vi phạm về quy hoạch trên tuyến đường Lê Văn Lương là không thể, bởi nhiều công trình cao mấy chục tầng đã hoàn thiện, được đưa vào sử dụng.
"Tình trạng vi phạm của các công trình trên tuyến đường Lê Văn Lương sẽ tiếp tục tồn tại với thời gian, gây ra rất nhiều hệ quả vô cùng nghiêm trọng. Trong đó, có những hệ lụy cho đến bây giờ chưa thấy rõ", ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Về phần trách nhiệm, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, Kết luận của thanh tra Bộ Xây dựng mới chỉ là thanh tra chuyên ngành và là bước khởi đầu, nhưng đã xuất hiện rất nhiều vấn đề. Chính vì thế, theo ông, cần xem xét ở bình diện sâu hơn, rộng hơn thì mới đảm bảo xem xét chính xác trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan để xảy ra vi phạm.
Trong đó, ông Nhưỡng đặc biệt nhấn mạnh việc cần xem xét trách nhiệm của tất cả cơ quan, đặc biệt là trách nhiệm của những người đứng đầu các giai đoạn để xảy ra tình trạng vi phạm như Kết luận nêu.
"Có những người về hưu rồi, nhưng không phải về hưu là chúng ta không xem xét. Có thể không xem xét về mặt hành chính, nhưng phải xem xét về mặt Đảng, hình sự nếu có dấu hiệu", ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nhưỡng, chúng ta cần phải lập trách nhiệm của từng chủ thể rõ, như trách nhiệm của UBND TP Hà Nội tới đâu, của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng đến đâu, cơ quan quản lý trực tiếp địa phương, trách nhiệm của Sở, ban ngành liên quan: Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường… là các cơ quan có liên quan đến phê duyệt, quản lý dự án, quản lý đô thị, môi trường.
"Trách nhiệm của người đứng đầu thành phố là ông Chủ tịch UBND trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, và xem xét vai trò cấp ủy, Mặt trận tổ quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp… về vấn đề này", ông Nhưỡng nêu.
Làm rõ việc có hay không "lợi ích nhóm"?
Liên quan tới các vi phạm trong điều chỉnh quy hoạch theo hướng nâng tầng cao, tăng mật độ xây dựng… nhiều công trình trên đường Lê Văn Lương có lợi cho chủ đầu tư, dư luận đã đặt ra nghi ngờ "có lợi ích nhóm", ông Lưu Bình Nhưỡng thẳng thắng cho rằng, chưa ai chỉ rõ ở trong những vi phạm điều chỉnh quy hoạch, xây dựng đã nêu có "lợi ích nhóm". Nhưng khi dư luận đặt ra, có khả năng có "lợi ích nhóm", thì các cơ quan phải xem xét có hay không.
"Người ta đồn thổi, nếu điều chỉnh một dự án thì những người thực hiện điều chỉnh đó, hay cả những người giúp sức chạy chọt nếu có thì sẽ được phần "ăn chia"? Mình cần làm rõ có hay không? Nhưng chắc các hành vi đó cũng tinh vi, chứ không phải là chuyện bình thường, không thể làm rõ được ngay", ông Nhưỡng phân tích và cho rằng, nếu muốn làm rõ thì cần cả một hệ thống chính trị vào cuộc, xem xét ở nhiều khía cạnh khác nhau. Từ đó mới xác định được ⁹có hay không có "lợi ích nhóm", vi phạm mức độ như thế nào, để có biện pháp xử lý triệt để.