Tình người sau vụ học sinh tử vong vì bị cô phạt
Cái chết đột ngột của Phước Hải - học sinh lớp 6/7 trường THCS Phan Bội Châu (quận Tân Phú, TP HCM) hôm 6/1 sau khi bị cô giáo phạt trước lớp bằng cách đánh vào mông em đang khiến dư luận xôn xao.
Khỏi phải nói gia đình em đau buồn thế nào. Cô bé có bệnh động kinh, đã nhiều lần ngất trên lớp học, hai năm nay bệnh đã thuyên giảm và em là một bé gái ngoan hiền, nhút nhát.
Án phạt của cô giáo khiến cô bé quá sợ hãi nên đã gây ra một chấn động tâm lý mạnh, khiến em ngất đi và tử vong. Đó là một câu chuyện quá buồn cho ngành giáo dục và cho chính cô giáo trẻ dạy môn công nghệ của em.
Có nhiều người lên án cô giáo và cách xử phạt thiếu tính giáo dục của cô. Họ không phải không có lý, bởi chuyện đòn roi trong giáo dục chưa bao giờ là cách giải quyết tận gốc vấn đề, hơn thế nữa, nó chỉ tạo nên trong tâm trí trẻ những dấu ấn tồi tệ, rằng mỗi khi bất lực, chúng ta sẽ dùng bạo lực.
Nhưng đó không phải là câu chuyện chính mà tôi muốn nói tới trong bài viết này. Điều câu chuyện bé gái tử vong sau án phạt của cô giáo gây xúc động cho tôi nhất chính là cách cư xử của gia đình Phước Hải.
Cha mẹ bé cho biết không muốn làm lớn chuyện, không muốn công an điều tra vì muốn Phước Hải được ra đi thanh thản. Sau khi sự việc xảy ra, cô giáo trẻ vì quá sợ hãi nên không dám đến đám tang, mẹ cô đến thay.
Gia đình bé gái cho biết: Sẽ không làm lớn chuyện nếu cô giáo đến, có lời xin lỗi gia đình. Cô giáo đến, đã khóc, đã xin lỗi. Ông nội của bé đã khoác áo cho cô và bảo: “Con cứ yên tâm về đi”.
Chẳng có hành động nào đẹp hơn thế về tình người. Gia đình Phước Hải đã chọn một cách cư xử khiến chúng ta phải ngưỡng mộ, học tập. Bởi họ đã vượt lên trên nỗi đau, sự hận thù để mở cho cô giáo một con đường thay vì dồn cô đến chân tường như họ hoàn toàn có quyền và có thể.
Bé gái đã ra đi, cô giáo là nguyên nhân gây ra cái chết đó. Nhưng cũng là cô không may, bởi với một bé gái 12 tuổi, nếu không có bệnh động kinh, đánh vài thước kẻ vào mông không thể nào là nguyên nhân dẫn đến tử vong.
Tôi cho rằng những người làm giáo dục, đặc biệt các quan chức cấp cao trong ngành giáo dục nên khắc ghi câu chuyện này. Rằng đừng bao giờ đem bạo lực vào học đường bằng những án phạt gây xúc phạm đến nhân phẩm học sinh.
Chính gia đình của bé gái Phước Hải mới là những người thầy cho những thầy cô có thói quen lấy chuyện nhục mạ học trò, đánh đập học trò làm phương pháp giáo dục. Gia đình bé đã dạy cho họ một bài học cao cả về lòng nhân ái và tình người.
Nếu gia đình bé gái cư xử theo cách người ta thường tình, viết đơn đề nghị công an điều tra, đề nghị nhà trường xử lý nghiêm cô giáo, họ hoàn toàn có quyền làm điều đó. Cô giáo sẽ mất nghiệp, sẽ phải dây dưa đến pháp luật.
Nhưng cha cháu đã nói: “Nếu làm như vậy, con tôi cũng không sống lại được, hãy để cho cháu ra đi thanh thản”.
Oán thù sẽ không bao giờ gỡ bỏ được nếu ta cứ mãi buộc vào. Tấm lòng Bồ tát cao đẹp của gia đình bé gái mới chính là điều khiến chúng ta ghi nhớ mãi mãi về câu chuyện buồn này.
Trong nhiều vấn đề khiến giáo dục ngày nay xuống cấp, đạo đức con người xuống cấp, ứng xử trong xã hội xã hội xuống cấp, theo tôi một nguyên nhân chính là do chúng ra đã không đề cao lòng nhân ái và tình thương.
Chỉ có tình thương của những thầy cô, những bậc làm cha làm mẹ mới giúp cho con trẻ trưởng thành và không bị khuyết tật về nhân cách. Xin hãy nói không với lối giáo dục đòn roi, xin hãy học cách quên câu “thương cho roi cho vọt”.
Ngành giáo dục nhiều năm nay chạy theo chuyện thành tích giáo dục mà bỏ quên phần nuôi dưỡng tâm hồn. Chúng ta được gì từ những đứa trẻ có thể giải toán khó và viết ra những lời văn sáo rỗng, khuôn mẫu trong khi tâm hồn chúng không biết yêu, không biết đau, không biết xót thương?
Tôi luôn có cảm giác e ngại khi nhìn thấy những khẩu hiệu kẻ đỏ rực ở mỗi sân trường: “Thầy dạy tốt, trò học tốt”, bởi chẳng ở đâu có khẩu hiệu hướng cả thầy cả trò đến việc làm người tốt.
Phải làm sao để mỗi đứa trẻ lớn lên phải là người tốt, giữ được nguyên vẹn tính người thiện lành, trong trẻo như khi chúng mới sinh ra. Cả nhà trường và xã hội đều phải hướng tới việc này, thay vì nhồi vào đầu chúng mớ kiến thức cao siêu, rối rắm.
Câu chuyện buồn về cái chết thương tâm của bé gái sẽ còn đó. Nhưng cao hơn, là câu chuyện đẹp đẽ về tình người mà gia đình em đã tặng cho tất cả chúng ta. Tôi cầu mong nó sẽ giúp ích được nhiều điều cho ngành giáo dục.
theo
http://motthegioi.vn/chuyen-hang-ngay/tinh-nguoi-sau-vu-hoc-sinh-tu-vong-vi-bi-co-phat-142641.html