NGŨ PHƯỚC LÂM MÔN - (Tiếp theo)
NÓI VỀ NĂM THỨ PHƯỚC
TRƯỜNG THỌ:
Từ xưa đến nay, mạng sống chính là một vấn đề vô cùng thần bí. Trừ những người dốc hết tâm trí tu hành có được sở đắc, nếu không thì ai ai cũng đều không biết giây phút nào chúng ta đối mặt với tử thần. Vì thế câu thành ngữ “Triêu bất bảo tịch” (buổi sớm không bảo đảm tới chiều) để cảnh tỉnh chính mình trong mọi thời khắc, thật là vô cùng xác đáng !
Biết rõ được sự thật của mạng người là vô thường thì có lợi ích rất lớn đối với chúng ta. Nhân vì thể hội được mạng người là vô thường, là không thật có nên những sự buông lung và tham ái không còn cơ hội để khởi lên nữa. Vì vậy, việc tỉnh giác về mạng sống con người là vô thường, đó là đầu mối của trí tuệ và cũng chính là bước chân đầu tiên để vượt khỏi biển khổ sanh tử vậy.
Sách có câu “Nhân giả thọ”(người có lòng nhân ái thì được sống lâu). Thật thế, đem tâm nhân hậu và khoan dung để đối đãi với người thì nhất định sẽ được quả lành. Người đời nay trường thọ chắc hẳn là do kết quả ở đời quá khứ hoặc đời hiện tại có tâm từ ái đối với động vật. Người đời nay mạng sống ngắn ngủi tất nhiên là do kết quả của đời trước hoặc đời này giết hại loài vật.
Người đời nay làm việc thiện như đi chùa, lễ Phật, nghe kinh, bố thí, phóng sanh … mà mạng sống ngắn ngủi thì đó là do quả báo của những nghiệp ác mà họ đã gây từ thuở quá khứ nên họ phải cam chịu quả báo xấu ác. Còn những nghiệp thiện của đời nay chính là hạt giống mới gieo xuống thửa ruộng công đức chưa ra hoa kết trái .
NHÂN TRƯỜNG THỌ: Nguồn gốc của trường thọ được hình thành từ lòng nhân ái, tâm từ bi cứu hộ những động vật. Tự mình phóng sanh, khen ngợi khuyên bảo người làm việc phóng sanh và thí xả những thực phẩm mình ăn cho loài vật.
DUYÊN TRƯỜNG THỌ: Hình thành từ tâm bình lặng, chí khí hoà mục với mọi người, không nóng nảy giận hờn, sống có khuôn phép, biết điều tiết được việc ăn uống, sinh hoạt có giờ giấc, không lao nhọc quá độ …
NHÂN CHẾT YỂU: Giết hại động vật, ngược đãi, hành hạ động vật hay con người …
DUYÊN CHẾT YỂU: Luôn luôn hờn giận, suốt ngày chỉ lo ăn uống, làm việc lao nhọc quá sức, kết bạn với kẻ ác . . .
NUÔI DƯỠNG TÂM TỪ BI:
Tâm từ bi là nền tảng căn bản của các hạt giống lành.
Nói đến lòng từ bi, đại khái có thể chia làm 2 phương diện :
1_ Cứu giúp người sống trong cảnh nghèo khổ khó khăn.
2_Phải giữ gìn chu đáo giới sát và thường phóng sanh.
Loại tâm từ bi thứ nhất là đối với loài người, còn loại thứ hai là đối với động vật.
Một người nếu muốn trường thọ thì không những cứu giúp người bần cùng khốn khổ, mà còn phải có tâm từ bi thương yêu bảo hộ các loài động vật nữa. Ví như nhìn thấy đứa bé vì không hiểu biết nên bắt giết hoặc ngược đãi các loài động vật để vui đùa, ta phải khuyên răn dạy bảo chúng, không để những tập tính giết hại sinh vật của chúng ngày càng lớn lên, làm cho chúng mất hết lòng nhân ái, thậm chí dẫn đến giết người.
Ngoài ra không được tuỳ tiện đem nước sôi đổ trên đất, hạn chế việc đốt rừng, nương rẫy, lá cây, rác rưởi , gỗ mục, v.v… vì trong đó có vô số loài sinh, động vật đang sinh sống.
Tương tự với đạo lý này là khi đi đứng nên để ý không dẫm đạp loài trùng kiến, không dùng nước dơ có trùng mà tưới hoa hoặc rau cỏ, không để bình, chậu ngữa ở ngoài vườn, nhà để nước mưa ứ đọng sanh trùng, rồi chúng ta đem nước ấy đổ đi thì những ấu trùng ấy sẽ bị chết khô. Đây cũng là một phương thức sát sanh vậy.
THÍ THỰC ĐƯỢC NĂM LOẠI PHƯỚC BÁO:
Kinh “Thí thực” hoặc “Ngũ phước báo”chép : “Người bố thí đồ ăn thức uống đời này hoặc đời sau sẽ được năm loại phước báo, đó là : Thọ, An, Sắc, Lực và Biện”Thọ là được sống lâu dài. An là thân tâm được bình an. Sắc là dung mạo và vóc người đẹp đẽ. Lực là thân thể có khí lực. Biện là được biện tài, nói năng hay khéo.
Ngoài ra, người bố thí thức ăn lại được quả báo giàu có, vì bố thí thức ăn cũng là bố thí tài vật, nếu có tâm cung kính thành khẩn trong khi bố thí thì lại được quả báo trong đời này hoặc đời sau sanh vào nhà tôn quý, được nhiều người tôn kính, quý trọng.
Chúng ta lại càng nên chú ý khi cúng dường hoặc mời khách thì không nên giết hại động vật. Vì như thế chúng ta không được quả trường thọ, phú quý mà còn bị tổn thọ, bệnh tật …
Ngoài ra nếu chúng ta là người tu theo Phật, những thời công khoá như tụng kinh, lễ Phật, niệm Phật, sám hối, toạ thiền … cũng đều là những nguyên nhân giúp kéo dài thọ mạng .
PHÚ QUÝ:
Ta không nên hiểu rằng : sự giàu sang của con người là do trời ban cho. Thật ra, sự giàu sang của chúng ta hiện đời nay có được là do tâm cung kính và việc làm bố thí ở đời hiện tại hoặc quá khứ mà cảm vời ra.
Thế nên, nếu chúng ta muốn được giàu sang thì ngay từ bây giờ phải gieo hạt giống cung kính, khiêm nhường và bố thí. Đã rõ được nhân, lại cộng thêm sự nổ lực của chính mình tức là trợ duyên thì nhất địnhsẽ được quả giàu sang.
HAI TRẠNG THÁI PHÚ QUÝ
Giàu sang có hai loại : Giàu sang tương đối và giàu sang tuyệt đối. Người có của cải nhiều nhất ở trong thiên hạ, địa vị sánh với bậc vương hầu, đó là hạng giàu sang tương đối. Còn người được thân tâm tự tại thanh tịnh là hạng giàu sang tuyệt đối. Loại thứ nhất là cái vui có sở đắc, loại thứ hai là cái vui không có sở đắc. Loại thứ nhất là cái vui hỗn tạp và ngắn ngủi, loại thứ hai là cái vui thuần tuý và lâu dài.
Phật dạy : “Giá trị ở cõi trời hơn cõi Diêm phù đề này. Sự đẹp đẽ vi diệu ở cõi trời lại càng vượt hơn trăm ngàn món vui của những bậc đế vương tại nhân gian”.
Thế nên, sự mong cầu giàu sang chỉ là việc tốn công nhọc sức. Chi bằng ta vui lòng chấp nhận những gì mình sẵn có, tuỳ theo cảnh ngộ mà vẫn an vui, biết đủ và thường tự tại trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta bàn luận về phú quý cốt là để nói rõ phần trợ duyên và nguyên nhân, nhưng điều căn bản nhất của phú quý là dạy mọi người phải gieo trồng nhiều chánh nhân bố thí mà không cần phải tham cầu quả báo hay sự hưởng thụ cảnh phú quý. Thật ra, chỉ cần biết được lẽ thật của nó thì liền được khoái lạc, đến như việc tiêu dùng những tài vật đều không phải là việc trọng yếu. Chúng ta hy vọng chúng sanh khắp nơi đều không vì hưởng thụ những tài vật không giống nhau mà sanh lòng phiền muộn. Đồng thời cùng mong mỏi rằng chúng sanh không vì hưởng thụ tài vật không được thoải mái mà ảnh hưởng đến tâm hồn cao thượng. Hoặc nhân vì kém thiếu vật chất mà trong tâm bấn loạn đôn đáo chạy chọt tìm tòi, không giây phút nào an ổn để tu hành đạo nghiệp. Lại cũng không vì cảnh nghèo khó mà làm cản trở việc rèn luyện tâm trí mình và làm trở ngại lòng bi nguyện cứu độ chúng sanh.
CHÁNH NHÂN VÀ SỰ TRỢ DUYÊN CỦA GIÀU SANG
Nguyên nhân chính để được giàu sang là thí xả tiền tài vật chất cho những người nghèo đói khổ sở. Nếu đem sức lực tự thân ra để làm giàu thì chẳng qua là một loại trợ duyên để được giàu sang mà thôi ! Giả như có người ở đời quá khứ không làm việc nhân từ bố thí mà đời nay cố nổ lực làm việc để kiếm tiền thì kiếm cách mấy cũng không ra, hoặc dù có tiền nhưng không có phương thế nào giữ được, sớm muộn gì cũng thất thoát.
Như vậy, nguyên nhân căn bản của sự giàu sang chính là sự bố thí. Còn nguyên nhân để được ngôi vị tôn quý là do ta lễ bái mười phương thánh hiền, cung kính tất cả chúng sanh, cam chịu những cảnh thuận nghịch và có tâm khiêm hạ, chứ không phải do thủ đoạn, đút lót hoặc chạy chọt tìm tòi mà có được. Người gặp được nhân duyên tốt, hoàn cảnh thuận lợi cộng thêm sự năng nổ trong công việc, hoặc được người khác đề bạt đều là dấu hiệu và phần trợ duyên của sự tôn quý, chứ không phải là nguyên nhân chính yếu.
Có người nói : nếu tôi không giàu có làm sao tôi có thể bố thí ? Thật ra, ai ai cũng có thể bố thí, ngay cả người rất bần cùng túng thiếu cũng có cơ hội và năng lực để bố thí. Ví dụ mỗi lần trước khi ăn cơm, ta có thể đem một vài hạt bố thí cho các loài động vật nhỏ, hoặc mời người uống một bát nước mát. Chỉ một việc nhỏ nhoi như vậy thôi thì đâu cần phải tốn tiền. Thế nên, bố thí là điều mà ai ai cũng cần phải có. Người vượt lên trên mọi sự nghèo khó của chính mình để phát tâm bố thí thì một ngày nào đó chính họ sẽ thoát ly ra khỏi biển khổ nghèo nàn. Nếu ta tự ti cho rằng mình bần cùng không có gì để bố thí thì đời đời kiếp kiếp ta sẽ không thoát ra được chiếc áo giáp khốn quẩn bao bọc quanh ta và cũng rất khó có cơ hội để thay đổi thân phận được.
Đời nay, sở dĩ chúng ta nghèo khốn khổ sở là do những hành động keo kiệt, tham lam và ích kỷ đã gây tạo từ đời trước mà chiêu cảm đến. Nếu muốn cải thiện vận mệnh bần cùng hay xấu ác ấy thì nhất định trước phải trừ bỏ tâm, hành vi và tập khí keo kiệt.
Ngoài ra chúng ta còn phải biết tuỳ hỷ công đức, nghĩa là thấy người khác được điều gì tốt đẹp thì ta cũng vui theo cái vui của họ, chứ không có tâm ghen tỵ …
Tu tập theo 4 tâm vô lượng của Phật, là từ, bi, hỷ, xã, để có thể thông cảm nổi khổ, niềm vui của muôn loài, hồi hướng cho khắp chúng sanh đều lợi lạc.
HIẾU ĐỨC:
Trường thọ, phú quý, khương ninh và thiện chung đều là kết quả của hiếu đức(thích làm việc đạo đức). Nếu như đời quá khứ của chúng ta không có hiếu đức thì hiện đời nhất định không có trường thọ, phú quý và khương ninh. Nếu như chúng ta hiện tại không có hiếu đức thì e rằng trong tương lai rất khó được thiện chung.
Chúng ta nên biết rằng hiếu đức là nguồn cội của mọi sự an vui và hạnh phúc, cũng là nền tảng của phước đức và mọi sự may mắn. Giả sử hiện tại chúng ta không trồng nhân hiếu đức như thế thì mọi sự hưởng thụ và tiêu dùng đều sẽ biến thành xa xỉ, nhân vì không có gieo trồng nhân lành, khi hưởng hết phước báo rồi thì tất nhiên sẽ trở thành kẻ nghèo cùng khốn khổ.
Người xưa nói :“Cất giữ của cải không hẳn thuộc về mình, thọ dụng của cải lại không hẳn thuộc về mình, chỉ có đem của cải ra thí xả mới thật là của mình”.
Hưởng thọ nhiều vật chất sẽ làm hao mòn phước báo, còn hưởng thọ về năm thứ dục thì thời gian an vui có là bao, nhưng chịu khổ kiếp kiếp. Khi ta thọ dụng những tài vật thì chúng sẽ vĩnh viễn chẳng thể thuộc về ta nữa, chỉ có đem những tài vật ấy bố thí vào nơi thích đáng (nhà Phật gọi là gieo trồng ruộng phước), lấy của xã hội dùng vào xã hội thì những tài vật ấy mới có ý nghĩa vĩnh viễn ; lại cũng không bị thiên tai, nhân hoạ, giặc cướp, vua quan và con cái phá sản đoạt mất. Cho nên, cổ nhân khuyên chúng ta cần phải bố thí để tích luỹ âm đức.
Nếu chúng ta không bố thí tu đức thì sau này sẽ chịu những cảnh vô cùng bi đát, nhất là lúc chúng ta mạng chung thì tất cả tiền tài, vật chất, bạn bè, quyến thuộc, uy quyền, thế lực … ràng buộc con đường giải thoát của mình. Thật ra, những thứ ấy “lúc sanh không mang đến , lúc chết không mang đi”, chỉ có nghiệp lực thiện hay ác đã gây tạo lúc bình sanh mới thật sự đeo đuổi ta như bóng với hình. Đây là ý nói tu dưỡng đạo đức mới đúng là điều thực dụng. Hơn thế nữa, tất cả chúng ta đều không biết tử thần đến lúc nào mà chuẩn bị. Thật ra, thần chết đang chực chờ, mọi lúc đều có thể xông vào bất ngờ để bắt ta. Thế nên, ngay từ bây giờ, chúng ta còn chần chờ gì nữa mà không chịu nổ lực tu tập.