Theo đường quốc lộ 4A, thực chất là đường vành đai biên giới ( phía trên đường 279 ) từ xứ Lạng sang Cao Bằng, chạy thẳng qua đèo Bông Lau ( không qua đèo Mã Phục ) và qua các địa danh như Thất Khê, Đông Khê.
Tuy nhiên, từ Đông Khê, quốc lộ 4A Lạng Sơn chạy tắt thẳng đi luôn Trùng Khánh, thác Bản Giốc, cửa khẩu Tà Lùng, động Ngườm Ngao, hồ Hang Then mà không cần qua thị xã Cao Bằng.
Đến thị trấn Đông Khê ( bắt đầu vào đất Cao Bằng ), rẽ phải theo tỉnh lộ 208 đi thẳng Phục Hòa. Từ huyện Phục Hòa, rẽ phải 7km nữa là đến cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, còn nếu đi thẳng là Quảng Uyên. Từ đây, rẽ trái theo quốc lộ 3 là về Cao Bằng qua đèo Mã Phục, còn đi thẳng tiếp là đến Trùng Khánh-thác Bản Giốc.
Hiện nay, đường 4A thuộc Lạng Sơn- Thất Khê rất rất xấu, do bị xe container cày nát rất nhiều đoạn, nhất là từ tỉnh lộ 208 Đông Khê đi Phục Hòa vì xe chở container lên cửa khẩu Cao Bằng chạy cả ngày lẫn đêm.
Từ đèo Mã Phục đi Quảng Uyên cảnh sắc nơi đây rất đẹp. Tới cách Quảng Uyên chừng 2km có khu du lịch sinh thái cộng đồng Pắc Rằng, khá đông khách du lịch từ Cao Bằng đi thăm Pắc Rằng.
Pắc Rằng là một bản người Nùng An của mảnh đất Cao Bằng, sống bằng nghề rèn các nông cụ. Nét đẹp của Pắc Rằng ở chỗ nơi đây còn lưu giữ được rất nhiều nhà sàn cổ, bằng gỗ quý, quy mô 2 tầng ( giống như khu du lịch Mai Châu, Hòa Bình ). Tuy nhiên, nó còn giữ được nét hoang sơ hơn. Pắc Rằng thuộc xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên. Đường từ thị xã Cao Bằng, Hà Quảng, Quảng Uyên, Phục Hòa, Tà Lùng, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, thác Bản Giốc, hồ Thang Hen rất gần. Từ thị xã Cao Bằng, đi một đoạn là đến đèo Mã Phục. Lên đến đỉnh đèo sẽ có một cái ngã ba, chạy thẳng là lên cửa khẩu Hùng Quốc, Trà Lĩnh, rẽ phải thì đi Quảng Uyên, Phục Hòa, cửa khẩu Tà Lùng và có một đường rẽ đi Trùng Khánh. Nếu không rẽ phải ở ngã ba đỉnh đèo Mã Phục mà chạy thẳng lên thị trấn Hùng Quốc, Trà Lĩnh cũng có một đường đi Trùng Khánh, thác Bản Giốc- đó là tỉnh lộ 211, chạy thẳng ra thác Bản Giốc.
Trong một diễn biến khác có liên quan: Xưa, trên đường tuần tra biên giới trở về, thủ lĩnh Nùng Chí Cao ròng rã cả ngày trên yên ngựa, đến đây gặp con đèo dốc đứng mà quanh co, chiến mã của chàng không đi được nữa đành quỳ xuống khuất phục . Cái tên đèo Mã Phục có từ đó.
Nay, Quắt em cưỡi ngựa sắt ròng rã cả ngày đêm, gặp con đèo dốc đứng mà quanh co này, chỉ dừng lại chút, xả cho nhẹ xe rồi vít ga vọt thẳng lên đỉnh đèo chứ không hề chịu khuất phục. Và, từ hôm nay, đèo đã có tên mới do em đặt là đèo Đếch Phục ( em fun tí
)!