Toyota mải mê theo lượng hi sinh chất?
Quá chăm chú theo đuổi mục tiêu trở thành hãng xe số 1 thế giới, Toyota dường như đã ít nhiều “quên” đi yếu tố chất lượng, vốn là điểm mạnh hàng đầu tạo nên thương hiệu của mình trong những năm gần đây.
Đó là nhận định của không ít chuyên gia sau khi nghiên cứu tổng kết lại các hoạt động của hãng xe Nhật này trong thời gian qua.
Vụ thu hồi hơn 4 triệu xe Toyota và Lexus có thể làm thâm hụt nặng túi tiền của nhà sản xuất xe số 1 Nhật Bản, nhưng tệ hơn cả, nó đã để lại vết đen nhức nhối trên bộ mặt của hãng này.
Mẫu xe nổi tiếng Toyota Camry cũng có tên trong danh sách đen thu hồi vừa qua.
Trong hàng thập kỷ, Toyota vốn nổi tiếng trên thế giới và cả ở Việt Nam như một nhà sản xuất ô tô đáng tin cậy, giá cả hợp lý, là người đồng hành tốt cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, hàng loạt những vấn đề liên quan đến chất lượng xe, cùng đợt thu hồi xe với số lượng lớn chưa từng có này đã như cơn lũ cuốn phăng dải đê kiên cố đắp bằng niềm tin của người tiêu dùng trong suốt nhiều năm.
Thứ 4 vừa qua, Toyota buộc phải đưa ra kế hoạch thu hồi và sửa chữa tốn kém hàng trăm triệu USD.
Cũng trong tuần này, hãng công bố thu hồi 110 ngàn xe Tundra tại Mỹ do khung rỉ sét có thể khiến lốp dự phòng…rơi xuống đường khi xe chạy.
Đầu tháng này, Toyota “muối mặt” khi không một xe nào của hãng lọt được vào danh sách lựa chọn xe tốt của Viện bảo hiểm an toàn giao thông đường bộ Mỹ, dành cho các mẫu xe hơi và xe việt dã đời 2010.
Riêng ở Việt Nam, chắn chắn người tiêu dùng chưa quên được vụ việc Toyota lắp động cơ rỉ sét cho mẫu đa dụng Innova và bán cho người tiêu dùng như xe mới toanh.
Thời hoàng kim về chất lượng xe Toyota, ví như năm 2000, chỉ hơn 8000 xe thu hồi ở Mỹ (theo số liệu của chính phủ Mỹ) đã lùi vào dĩ vãng.
Eric Weiss, người Huntington Beach, đã gặp 2 sự cố tăng ga mất kiểm soát với Toyota Tacoma 2008, mặc dù loại bỏ thảm sàn.
Những vấn đề báo động về chất lượng và những mối đe dọa đến sự an toàn của người sử dụng của xe Toyota đã đẩy một số chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp ô tô đến một mối lo ngại: Liệu có phải sự bành trướng quá nhanh của Toyota trong những năm 2000 nhằm truất ngôi GM đã trả bằng cái giá hi sinh chất lượng hàng đầu. Để giành được ngôi vị nhà sản xuất số 1 thế giới, phải chăng, Toyota đẩy mạnh LƯỢNG, mà bỏ quên CHẤT.
Vụ tai nạn thảm khốc xảy ra vào tháng 8 với gia đình một quan chức Mỹ khi đang sử dụng chiếc Lexus ES 350 thì bị lỗi tăng ga mất kiểm soát, đã khiến chủ tịch cấp cao Akio Toyoda phải lên tiếng xin lỗi.
Trong một công bố chính thức, Toyota nói:
“Khách hàng mua xe của chúng tôi bởi họ tin tưởng được bảo vệ an toàn, nhưng chúng tôi lại khiến họ lo ngại về tính mạng của mình. Tôi thực sự rất lấy làm tiếc.”
John Wolkonowicz, một nhà phân tích thuộc trung tâm tư vấn IHS Global Insight nhận định: “
Toyota chẳng có gì giá trị ngoài chất lượng. Thiết kế không có gì đặc sắc, cảm giác lái không có sự khác biệt, vận hành không cao. Toyota chỉ có thể thành công bằng chất lượng và giá cả.”
Hiện tại, chưa có nhiều bằng chứng cho thấy vấn đề thu hồi xe do lỗi tăng tốc ảnh hưởng mạnh đến doanh số xe của Toyota, do suy thoái kinh tế vừa qua đẩy một loạt các nhà sản xuất vào cảnh điêu đứng, chứ không riêng gì hãng này.
Phát ngôn viên của Toyota cho hay “tới thời điểm này chúng tôi chưa thấy mối liên hệ nào giữa sự cố vừa qua và doanh số của hãng.”
Nhưng rõ ràng, rất nhiều khách hàng đã lo ngại và “hành động”.
Ông David K. Winnett Jr., Mỹ đã bán chiếc xe Lexus IS 250 đời 2007 và mua chiếc Buick Acadia cho vợ, sau khi gia đình cũng bị một phen “hú vía” vì lỗi chân ga. ÔNg nói “Nó quá nguy hiểm. Cho đến khi họ xác định được nguyên nhân do đâu, gia đình tôi sẽ không mua bất kỳ sản phẩm nào của họ”.
Mức tăng trưởng doanh số của 7 nhà sản xuất tại Bắc Mỹ trong tháng 11/09 so với cùng kỳ năm ngoái. Những sự vụ tai tiếng liên quan đến chất lượng xe của Toyota sẽ là cơ hội cho các nhà sản xuất khác bứt phá, gia tăng thị phần.
Chuyện thu hồi xe do lỗi là điều bình thường đối với các hãng xe, để bảo vệ sự an tòan, hay bày tỏ sự chu đáo trong dịch vụ đối với khách hàng, nhưng thu hồi với số lượng quá lớn như Toyota thì thực sự phải xem xét.
Năm 2005, hãng này thu hồi hơn 2,3 triệu xe do nhiều lỗi, trong đó có lỗi về hệ thống lái trong một số xe SUV và xe tải.
Năm 2007, Toyota phải dàn xếp một vụ kiện do khách hàng kiện hãng này vì cặn dầu xuất hiện trong động cơ xe Toyota.
2 năm trước, tạp chí Consumer Reports – thường được tiếng là thiên vị các nhà sản xuất xe châu Á – cùng đã bắt đầu “có thái độ khác” đối với xe Toyota. Các tay lái thử xe của tạp chí này bình luận rằng độ tin cậy của xe Toyota đã không còn được như trước.
Jake Fisher, kỹ sư thâm niên tại tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đơn vị xuất bản Consumer Reports nhận định “
Toyota đã đánh mất 5, 10 năm tập trung vào việc trở thành nhà sản xuất lớn nhất, chứ không phải tốt nhất, thật đáng tiếc.”
Mark Oline, một chuyên gia về công nghệ ô tô cho tổ chức xếp hạng Fitch Ratings, thì cho rằng những nhận định như vậy có thể khiến ưu thế về giá mà thị trường Mỹ dành cho Toyota do khách hàng chuộng chất lượng sẽ không còn nữa.
Chất lượng đi xuống của Toyota đã mở ra cánh cửa cho các đối thủ như Ford, đặc biệt là một nhà sản xuất châu Á khác là Hyundai. Họ có thể sẽ dần thu hút các khách hàng vốn trung thành với chất lượng của Toyota.
Theo nghiên cứu của Art Spinella, thuộc trung tâm nghiên cứu thị trường CNW, năm 2004, 92% các khách hàng lần đầu mua Toyota sẵn sàng khuyên bạn bè họ nên mua xe này.
Cho tới năm nay, tỉ lệ này rớt xuống còn 88%, đứng sau Ford, Chevrolet, Honda, Volkswagen và Hyundai.
Sự cố về lỗi chân ga của Toyota cũng mở ra “cơ hội làm ăn” cho một số người khác, như anh Donald Cook ở Ventura. Anh này đang chào hàng một thiết bị có giá 159 USD, có tên là Decelerator (giảm tốc), sẽ tác động lên điều khiển bướm ga, khiến nó không thể mở quá lớn trong tình huống có sự cố.
Đối tượng khách hàng của Cook chính là các chủ sở hữu xe Toyota nằm trong diện thu hồi. Toyota chưa đưa ra lời bình luận nào về việc này.
Toyota chưa đưa ra con số chi tiết về thiệt hại khi thu hồi lượng xe lớn này. Tuy nhiên dựa vào các giải pháp của hãng như thay thế thảm, nâng cấp phần mềm, thay chân ga, tổng chi phí có thể lên tới hơn 250 triệu USD, theo tính toán của giám đốc Trung tâm an toàn ô tô.
Có thể kết lại vụ việc này bằng một câu nói của Fisher, thuộc Consumer Union “
phải mất một thời gian dài mới xây dựng được tiếng tăm về độ tin cậy và sự an toàn, nhưng đánh mất nó thì rất nhanh chóng.”
Nguồn vtc.vn
http://vtc.vn/31-233155/oto-xe-may/toyota-mai-me-theo-luong-hi-sinh-chat.htm