*Có nhiều lý do làm cho hôi miệng.
1. Răng, nướu răng và lưỡi: Trên 90% hôi miệng là do từ miệng, ít khi từ mũi, gan hay phổi (bảng 1). Thực vậy về phương diện y khoa, miệng chúng ta có thể là một trong những bộ phận dơ nhất trong cơ thể với đầy rẫy vi trùng. Các vi trùng làm biến dạng và trộn lẫn với đồ ăn, chất bợn dơ trong miệng và tạo ra khí sulfur làm mùi hôi. Chất bợn dơ và các vi trùng đóng lại trên răng, giữa khe răng và nhất là trên thành lưỡi phần trong làm cho miệng hôi. Các chất bợn dơ và vi trùng bị sâu răng hay bị bệnh nướu răng khiến cho miệng bị hôi thêm. Nếu những người thực sự bị hôi miệng mà không bị đau răng hay hư lợi thì đa số là do các chất bợn dơ đọng ở phần trong của lưỡi (back of tongue) tạo ra mùi hôi Đôi khi những bệnh nhân đeo răng giả (dentures) bị hôi miệng vì răng giả bị dơ vì đọng đồ ăn vàvi trùng. Nên nhớ răng giả làm băng chất nhựa nên dễ giữ chất dơ và vi trùng tạo ra mùi hôi và làm hôi miệng. Không nên đeo răng giả khi đi ngủ và nên không những phải chà, chùi rửa răng giả cẩn thận mà còn phải ngâm răng giả với nước sát trùng mỗi đêm. Rất ít khi bệnh hôi miệng do viêm xoang mũi hay nhiễm trùng mũi và lại càng ít hơn là do đau gan hay đau bao tử.
2. Thức ăn: Một số đồ ăn có dầu dễ thoát hơi như tỏi, hành, các gia vị làm cho hôi miệng. Các thức ăn này sau khi được tiêu hóa tiết ra chất dầu thoát hơi thấm vô trong máu và theo đường phổi thoát hơi ra ngoài theo hơi thở. Hơi thở chỉ hết mùi hôi sau khi các đồ ăn hoàn toàn tiêu thụ ra khỏi cơ thể. Đây cũng là lý do những người uống ruợu bia thở ra hơi bia rượu.
3. Hở cuống thực quản hay đau bao tử: Hôi miệng có thể vì đau bao tử hay hở cuống thực quản nhưng không có thông thường lắm. Bệnh nhân thường có có các triệu chứng đi kèm theo như hay xót và đắng miệng, chua miệng, xót ngực, hay bị đồ ăn và chất chua ợ đưa lên cổ. Vì thế bệnh nhân bị hôi miệng có những triệu chứng trên đôi khi gặp bác sĩ chuyên khoa Bệnh Tiêu Hóa để khám bệnh. Còn vấn đề lâu lâu ợ chua có mùi hôi là chuyện thông thường. Hầu như ai cũng bị một vài lần nhưng không thường xuyên, không đáng lo sẽ làm ra bệnh hôi miệng.
4. Miệng khô: Nước miếng giúp cho sạch miệng và miệng được ẩm. Miệng khô làm cho các tế bào chết và vi trùng đọng lại trong răng, khe răng, lưỡi làm cho hôi miệng. Miệng thường bị khô khi chúng ta ngủ thành ra buổi sáng thức dậy miệng bị hôi. Nhiều người bị tật hả miệng trong khi ngủ làm cho miệng bị khô thêm. Thuốc lá và một số thuốc làm cho miệng bị khô kinh niên.
5. Thuốc lá: Thuốc lá làm cho miệng khô và dễ bị bệnh nướu răng làm cho hôi miệng. Chính thuốc lá có mùi hôi riêng nữa.
6. Bệnh mũi và họng: Bệnh soang mũi làm chảy nước mũi đọng vi trùng phía trong lưỡi tạo ra mùi hôi. Bị nhiễm trùng cổ họng, sưng cổ, nhiễm trùng phổi, áp xe phổi cũng tạo ra mùi hôi cho tới khi hết bệnh. Các trẻ em có thể nhét đồ chơi vô trong mũi
7. Bệnh hư thận và chai gan nặng làm cho cơ thể và hơi thở có mùi hôi.
Bảng 1 – Các lý do có thể gây ra hôi miệng
Miệng (đại đa số): Bợn đọng phần sau lưỡi, răng sâu, áp-xe ở lợi, amiđan, răng giả bị dơ; khô miệng Đồ ăn và thuốc: Tỏi, rượu, thuốc lá
Mũi: Viêm soang mũi, bướu trong mũi
Tiêu hóa: Hở thực quản, đau bao tử
Phổi: áp-xe (abscess) phổi, nhiễm trùng phổi
Thận: hư thận
Gan: hư gan
*Những điều NÊN và KHÔNG NÊN làm để tránh và giúp bớt hôi miệng
Khám nha sĩ thường xuyên để khám có bị bệnh sâu răng, bệnh nướu răng.
Đánh răng súc miệng ngay sau khi ăn. Đánh răng, xúc miệng sau khi uống sữa hay ăn các đồ cá thịt. Mang theo bàn chải đánh răng ở sở làm để đánh răng sau khi ăn.
Chà kẻ răng (floss) để giảm bớt các chất bợn giữa kẻ răng đều đặn ít nhất một hay hai lần mỗi ngày
Chà lưỡi để giảm đi chất bợn dơ, tế bào chết và thức ăn đọng trên lưỡi. Dùng bàn chải mềm lưỡi nhất là phần giữa lưỡi nơi vi trùng hay đọng lại 5-15 lần.. Khi chà nên làm nhẹ nhàng để tránh làm lưỡi bị đau hay bị trầy. Không nên dùng kem đánh răng để chà lưỡi mà có thể dùng nước súc miệng khử trùng để chà lưỡi. Nên nhờ bác sĩ chỉ cho loại bàn chải hay đồ cạo lưỡi. Khi cạo lưỡi kéo từ trong cuống họng ra ngoài phía răng để tránh bị ọe. Lúc đầu có thể hay bị ọe nhưng dần rồi sẽ quen,
Uống thật nhiều nước. Khô miệng làm cho ít nước miếng mà nước miếng là nước rửa miệng thiên nhiên. Bệnh nhân ít nước miếng thường hay bị sâu răng và đau lợi. Đó là lý do tại sao khi ngủ và khi nói nhiều miệng thường hay bị hôi vì ít nước miếng tiết ra.
Nhai kẹo sinh gôm loại không có đường (sugar free) nhất là khi miệng bị khô. Không nên nhai nhiều hay quá lâu chỉ khoảng 5 phút thôi vì nhai nhiều dễ bị mòn răng và đau quai hàm và hư lợi.
Ngâm răng giả (dentures) với nước sát trùng mỗi đêm. Vì răng giả làm bằng chất nhựa nên dễ dính vi trùng, đồ ăn. Nếu không chùi rửa kỹ càng sẽ làm cho dơ và hôi.
Ăn nhiều rau, trái cây có chất sợi, bã.
Súc miệng bằng nước rửa miệng khử trùng cũng giúp ích nhưng không được nhiều lắm. Tốt nhất nên xúc miệng vào ban đêm trước khi ngủ và nên xúc nước phần phía sau lưỡi.
-Những điều KHÔNG NÊN làm để tránh và giúp bớt hôi miệng
Tránh hút thuốc lá. Nhiều người cố ý hút thuốc lá để hy vọng che bớt mùi hôi miệng. Tuy nhiên chính mùi khói của thuốc lá có thể đóng lại trong miệng làm cho hôi miệng, dĩ nhiên là hôi mùi khói. Thuốc lá còn làm hư lợi, chảy mủ, ung thư miệng, phổi và thực quản.
Giảm hay tránh cà phê hay các đồ ăn nặng mùi như hành, tỏi, đồ ăn có nhiều gia vị vì có thể làm cho mùi nặng tạo ra hôi miệng.
Không nên dùng kem đánh răng để chà lưỡi mà nên dùng nước súc miệng khử trùng để chà lưỡi.
Không chỉ dùng nước súc miệng khử trùng mà nên giữ gìn vệ sinh miệng tổng quát (complete oral hygiene)
Không dùng thuốc xịt miệng hay ngậm kẹo bạc hà vì không giúp ích gì lắm.
Không dùng thuốc như antacids hay thuốc lấy hơi hôi trong bao tử vì hôi miệng hầu như không liên quan gì đến thực quản, bao tử.