Ngoài là một nhà văn, cây viết sắc sảo, Trang Hạ còn là 1 mentor cá nhân (người cố vấn - PV) đã lắng nghe biết bao nỗi bất lực của phụ huynh và những uẩn ức của teen khi đôi bên không có được sự thấu hiểu. Vậy mà kể chuyện làm mẹ, Trang Hạ vẫn bảo mình là một bà mẹ thất bại!
Tôi chịu thua con cái ngay từ đầu
Trang Hạ là nhà văn, là phụ nữ đấu tranh cho nữ quyền, là copywriter, nhà tư vấn truyền thông doanh nghiệp... và cũng là mẹ của 3 đứa trẻ, đặc biệt có những đứa trẻ ở giai đoạn đi tới dấu mốc trưởng thành. Vậy chị có gặp phải những vấn đề như bao nhiêu bà mẹ khác về những “đứa trẻ lớn lên” cứng đầu?
Bản thân mình cũng gặp phải tất cả những rắc rối như bất kỳ bà mẹ nào khác: Con nói dối, lười học, ăn trộm tiền trong ví, bướng bỉnh, con có những quan hệ xã hội độc hại, con gặp trở ngại trong phát triển, con không có mục tiêu sống, con bị uy hiếp và hiểu lầm, con chạy theo những thứ hời hợt, thói quen sống bừa bãi thiếu khoa học, con quá ít bạn thân trong khi quá nhiều bạn facebook, con bị lừa đảo, bị quấy rối v.v… Thời gian con dậy thì là giai đoạn kinh khủng nhất vì lũ trẻ muốn tự tạo nên các giá trị sống của nó và từ chối sự ảnh hưởng của bố mẹ!
Có rất nhiều thời điểm, một nút like của bạn bè, một comment tán dương vu vơ trên mạng quan trọng hơn một ngày sống trong gia đình, một cuộc nói chuyện định hướng của bố mẹ.
Vậy mình đã làm mẹ như thế nào? Mình luôn nghĩ trong đầu rằng mình là phụ huynh thất bại không biết dạy con, nên mình phải học và tìm kiếm thông tin không ngừng. Mình chịu thua con cái ngay từ đầu và chỉ cố gắng hỗ trợ để nó không bị thất bại như mình đã từng.
Mình không phải là mẹ nó full time, mình không được phép quyết định nó, mình không được nghĩ “Mẹ Luôn Đúng!”, mình không dạy con, vì mình vẫn còn đang học làm mẹ!
Mình thường không nhảy xổ vào đời sống của con cái. Mình chấp nhận con sẽ phải khóc lóc vì thất tình, bị lừa đảo, bị bạn bè nói xấu, tẩy chay, con sẽ tự vật vã với những cảm xúc cá nhân…
Mẹ không thể rải tiền trên đường con đi, không rải được hoa hồng hay thảm đỏ dưới chân con, càng không thể nằm ra để con bước lên cho êm chân! Mình chấp nhận con cái phải chịu những đớn đau mới có thể trưởng thành.
Trong khi giờ đây nhiều bố mẹ không chịu chấp nhận điều này, thậm chí bố mẹ đánh nhau, bố mẹ tát vào mặt đứa trẻ khác vì “Nó tát con mình!”. Hoặc họ sẽ đấm giáo viên khi con bị giữ lại lớp vài phút! Một tỷ đút lót để con được nâng điểm thi, thực ra là tiền bố mẹ triệt diệt cơ hội của “con cái thằng nào đó” trong xã hội!
Timeline của 1 gia đình luôn là: Bố mẹ lớn bao bọc con nhỏ bé, rồi bố mẹ sẽ thấp kém đi (thậm chí bố mẹ trở nên bệnh lão, thua kém, vô dụng) và con cái sẽ lớn lên rồi trưởng thành hơn, chúng làm được những việc xưa nay bố mẹ nó chưa từng làm được.
Mình luôn xác định cha mẹ không thể là tấm gương mãi mãi cho con, mình có thể dạy con cách ăn, cách đi, ngồi nói thế nào nhưng không thể quyết định thái độ, ứng xử của con với cuộc đời này và với ngay cả chính mình. Thái độ của con, cuộc sống của con, hoàn toàn là của con!
Mình vẽ được bản đồ cuộc sống cho hướng con thấy, nhưng mình không dắt tay con hay cõng con về đích cuộc đời được! Vì nó tự quyết định, đâu là điểm nó tới, hạnh phúc hay dang dở. Con mình nó tự quyết định đâu là chân trời!
Sứ mệnh của bố mẹ là làm tốt nhất những thứ trong “ngày hôm nay – the Present”, còn “Ngày mai – the Future”, hãy để con tính!
“Present” khi con học lớp 6, mình tạo một kết nối quan sát con cái, đó là liên hệ giữa bố mẹ, cô giáo, nhà trường, bạn bè con, bố mẹ bạn bè con, người thân gia đình, mentor của con trong xã hội.
“Present” khi con học lớp 10, mình dắt con ra Parkson mua trọn bộ mỹ phẩm Hàn quốc được giới trẻ yêu thích. Sẵn sàng tặng con một khóa học trang điểm, thể hình hoặc Aerobic, Yoga. Và giải thích cho con vì sao mẹ muốn con tươm tất, không muốn con giấu giếm trang điểm, biết con gái 15 tuổi sẽ muốn thấy gì trong gương và trên ảnh, mong con thoải mái và an toàn!
“Present” khi con vào đại học là khi tiễn con vào cổng trường, mình quay ra, đạp xe một vòng quanh Đài Loan, mỗi ngày chỉ tiêu khoảng 250k tiền Việt cho ăn uống và chỗ ngủ trọ dọc đường. Mình muốn cho con thấy, trong mọi hoàn cảnh khó khăn, với điều kiện hạn chế nhất, một người phụ nữ luôn có thể sống một cuộc đời rực rỡ và tự do nhất!
Dù mình không hề biết, con gái có tìm ra được bất cứ điều gì thú vị hay ho từ một người mẹ như mình hay không! Mình có thể không phải là bà mẹ tốt nhưng luôn cố gắng cho con nhiều sự lựa chọn nhất.
Được biết gần đây sau khi tư vấn chiến lược truyền thông cho nhiều doanh nghiệp thì chị “lấn sân” sang làm mentor (người cố vấn), và nhận khai vấn cho cá nhân nhiều hơn, trong đó có cả gia đình các chủ doanh nghiệp. Dường như họ cũng có những vấn đề rất con người…
Đúng thế, gần đây khi làm việc với các doanh nghiệp thì các chủ doanh nghiệp cũng có vấn đề riêng của họ, nên cơ duyên đưa mình đến việc như một mentor. Ngoài ứng xử trong gia đình, rất nhiều người nhờ mình tư vấn về ứng xử với con cái.
Có những cha mẹ nói rằng tôi quan tâm đến con mà, việc gì tôi cũng làm cùng với con. Nhưng ăn chung, làm chung, ngủ chung, chăm gọi điện thoại hỏi con vẫn không phải là chung. Cha mẹ tốt còn phải biết làm truyền thông với con nữa.
Có gia đình khá danh giá thuê mình mỗi tuần 3 buổi trong vòng 3 tháng để tác động giúp con không đi làm kinh doanh, không khởi nghiệp, không đi phượt cũng không đi tu (vì họ bảo,
Trang Hạ là thần tượng của con trai họ!) Bố mẹ gia đình đó quá thành đạt, họ muốn con về Viện nghiên cứu của bố hoặc vào trường đại học của mẹ, hoặc ra nước ngoài học lên cao. Mình thì thương “đứa trẻ 25 tuổi” đã phải chiến đấu với cả gia đình, suốt 15 năm qua nó luôn phải đào thoát khỏi công cuộc sắp đặt của gia đình trí thức có địa vị.
Có vợ chồng nọ ở Khánh Hòa muốn mời Trang Hạ tới để uốn nắn lại đứa con gái tuổi dậy thì rất ngỗ ngược, hỗn láo, không bao giờ biết cảm ơn, không chăm sóc em, không nghe lời bố mẹ… Nhưng khi mình bay tới Cam Ranh rồi về gia đình, tiếp xúc mấy ngày thì thực sự nó là 1 đứa trẻ rất tuyệt vời, nó có cá tính và bản ngã riêng. Nó có kiến văn độc lập, và nếu nó hung dữ, là bởi vì suốt tuổi thơ, nó bị gia đình tấn công cá nhân hơi bị nhiều!
Có điều ông bố lại cho rằng con ông có vấn đề vì nó không theo chuẩn mực công dung ngôn hạnh như ông muốn, đứa trẻ đập cửa quá mạnh, đứa trẻ nói quá ít, nghe lời bạn bè hơn bố mẹ... Mình lại gợi ý cho con bé đi theo hướng độc lập, sau khi tốt nghiệp hãy đăng ký gia nhập bác sĩ không biên giới, hãy mở cánh cửa với xã hội bằng cách đi đường vòng! Và dùng năng lượng bất bình để kiến tạo những hành vi tích cực, tiến bộ!
Chắc ông bố đó bây giờ ghét và thất vọng vì Trang Hạ lắm! Một năm nay không thấy gọi điện cho mình nữa!
Cha mẹ, hãy chấp nhận mình ngày càng vô dụng đi!
Nói như thế hẳn trong đời sống này có vô số những ông bố bà mẹ đã yêu thương sai cách với đứa con của mình?
Trên đời này sẽ có rất nhiều bà mẹ luôn luôn đúng, mình cũng gặp nhiều những bà mẹ giả vờ luôn đúng, nhưng đó không phải là Trang Hạ. Mình thì không giấu con năm lớp 12 mình được 3,5 điểm Lý với lời nhận xét của thầy giáo là: “Chậm tiếp thu”.
Mình bảo con như thế này:
“Mẹ học dốt Lý vì thiếu thời gian học, và thiếu phương pháp học, thiếu người chỉ bảo nên quản lý thời gian ra sao. Tuy nhiên, điểm số cũng không nói lên tất cả. Bố 10 điểm tiếng Anh nhưng sau này chẳng dùng gì đến tiếng Anh, mẹ học dốt ngoại ngữ nhất lớp nhưng sau này thành dịch giả”.
Mình cũng không giấu con năm 15 tuổi mình cũng đã từng thử hút thuốc lào thuốc lá, không che giấu những trải nghiệm thất bại trước con để nó hiểu nó có quyền sai và cũng giúp mình giữ đôi mắt thấu hiểu.
Lúc con gái mình tuổi teen, nó thỉnh thoảng viết thư cho mẹ tâm sự mọi thứ. Nhưng mình thì không viết trả lời gì cả, vẫn nói chuyện có vẻ khô khan với con. Mình thú nhận mình là người không biết bộc lộ tình cảm nên luôn đi thẳng vào trọng tâm vấn đề.
Con gái vào năm lớp 11 nó tặng mình 1 hộp quà, đồ sứ UMA mình thích, nó nói rằng vào sinh nhật hàng năm nó sẽ tặng quà cho mẹ vì biết ngày này 16 năm trước, mẹ đã đau đớn sinh ra nó như thế nào. Mẹ rất hạnh phúc nhưng không tỏ ra hạnh phúc ra mặt và cuối cùng cũng chỉ biết nói lời cảm ơn với con.
Mình đã gặp 2 kiểu cha mẹ trong những tình huống khác nhau. Cùng đến cận kề ngày cuối cấp nhưng 1 nhóm phụ huynh book riêng Trang Hạ để tư vấn cho lũ trẻ làm kỷ yếu, làm tiệc chia tay đáng nhớ suốt đời. Đấy là chuyên môn của mình và lũ trẻ đã có được những tư vấn thiết thực.
Nhưng cũng có nhóm ông bố bà mẹ thất bại khác đòi gom nhau vào để mỗi người góp 5 triệu để thuê thợ chuyên nghiệp làm kỷ yếu. Bố mẹ rải tiền ra ngay từ khi con còn chưa đòi hỏi.
Bản thân mình có thể không phải là 1 bà mẹ tốt, mình cũng không dạy những thứ 1 bà mẹ khác dạy, nhưng mình có thể làm những thứ bà mẹ khác không làm. Và dường như mọi điều mình thường đi đường vòng và cố gắng cho con nhiều lựa chọn nhất có thể. Con hãy cứ làm những gì con muốn, thứ mang lại cho con nhiều trải nghiệm nhất, con có thể thử và sai nhưng rồi con sẽ biết ước mơ, đam mê của mình là gì.
Tự nhận mình là 1 bà mẹ thất bại nhưng dường như đó chỉ là một cách để Trang Hạ lùi xuống cho con có khoảng không để thở và lớn lên. Nếu có một câu chuyện mà chị tâm đắc về hành trình đồng hành cùng con mình, thì đó là gì?
Có lẽ đó là chuyện bài học dạy trên yên xe máy, trong chiếc mũ full-face của người phụ nữ U50 về sự hấp dẫn giới tính. Mình nghĩ đó là điều vô tình mình đã dạy cho con 1 bài học về bản chất xã hội. Trong những lần đưa đón con tới trường, mình chạy chiếc xe máy thể thao và đã có rất nhiều người đàn ông chạy theo để bắt chuyện, khen ngợi, tán dương, lẵng nhẵng theo sau suốt nhiều con đường...
Lúc đi qua Cửa Nam, một anh trông diện mạo cực nghệ sĩ đã cố gắng đuổi theo để bảo:
“Em ơi anh bấm cho em 20 like vì em đi chiếc xe này, cho anh chụp chung với em 1 tấm ảnh”. Cũng có khi khác là một anh lái lợn, chở 2 thùng nước gạo chạy phành phạch theo để thán phục:
“Xe em đẹp thế. Xe của em hay của ai? Xe có đắt không em”.
Cũng có lúc là một người đàn ông dừng cùng đèn đỏ khác và những câu chuyện thú vị thật sự. Lúc là ông bác sĩ ở bệnh viện gần trường học luôn chạy ra đón đường mình chào hỏi hay chàng trai đi Café Racer đẹp trai ăn mặc cực sành điệu nhưng cứ lang theo theo đuôi con Motocross của mình...
Con gái mình thường cười khanh khách khi ngắm nhìn những người ấy. Con mình hiểu không phải nam giới thường dễ bị hấp dẫn bằng xe cộ, mà đó là bởi người phụ nữ tỏa sáng khi họ thực sự tự do trong hình ảnh họ lựa chọn! Thần thái là thứ mà phụ nữ không trải trường đời không bao giờ có! Trong lúc bạn sống cùng lựa chọn của mình, cả thế giới nhìn thấy hào quang của bạn.
Mình cũng không biết con mình sau này sẽ thành 1 người phụ nữ Ninja bịt mặt đi xe ga chắn đường ô tô, hay thành 1 người phụ nữ tay trần xăm mình đi chiếc xe cào cào đội mũ fullface. Điều đó mình không đoán được, nhưng dù lựa chọn của con thế nào mình cũng luôn tôn trọng và yêu mến.
Ngoài là một nhà văn, cây viết sắc sảo, Trang Hạ còn là 1 mentor cá nhân (người cố vấn - PV) đã lắng nghe biết bao nỗi bất lực của phụ huynh và những uẩn ức của teen khi đôi bên không có được sự thấu hiểu. Vậy mà kể chuyện làm mẹ, Trang Hạ vẫn bảo mình là một bà mẹ thất bại!
afamily.vn