Cục cảnh sát PCCC: 'Ôtô chưa lắp bình cứu hỏa không được đăng kiểm'
Theo Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó cục trưởng Cục cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), cảnh sát PCCC được phép phối hợp với cảnh sát giao thông dừng ôtô để kiểm tra, xử lý nếu phương tiện không lắp bình cứu hỏa.
-
Xin ông cho biết những phương tiện giao thông nào bắt buộc phải trang bị bình chữa cháy?
- Theo quy định trong Thông tư hướng dẫn của Bộ Công an, có hiệu lực kể từ ngày hôm nay, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 chỗ ngồi trở lên, xe rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc chở khách được kéo bởi xe ôtô, máy kéo; xe vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ nằm trong danh mục bắt buộc phải trang bị phương tiện PCCC.
Căn cứ theo danh mục thiết bị PCCC, ôtô từ 4 chỗ trở lên phải được trang bị một bình bột loại dưới 4kg hoặc bình bọt loại dưới 5 lít hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít, bình khí CO2 loại dưới 4kg..
- Ôtô không trang bị phương tiện PCCC sẽ bị xử lý như thế nào?
- Việc xử lý sẽ căn cứ vào Nghị định 167/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, PCCC. Cụ thể, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi như, trang bị phương tiện PCCC không đầy đủ hoặc không đồng bộ, không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới theo quy định.
- Cảnh sát PCCC và giao thông được xử phạt trong trường hợp nào khi chủ phương tiện không trang bị phương tiện chữa cháy?
- Cảnh sát PCCC và giao thông có thể phối hợp kiểm tra theo chuyên đề về trang bị phương tiện phòng cháy trên xe ôtô, khi được các cấp thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, cảnh sát giao thông có thể kiểm tra độc lập, làm chuyên đề riêng biệt về xử lý xe ôtô không trang bị bình chữa cháy theo quy định.
Nếu phương tiện giao thông cơ giới khi đăng kiểm lại không được trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện PCCC theo quy định, cơ quan đăng kiểm sẽ không cấp giấy chứng nhận.
-
Thiết bị chữa cháy phải được lắp đặt như thế nào trong khi nhiều xe không được thiết kế chỗ đặt bình cứu hỏa?
- Trong Thông tư quy định rõ, các phương tiện PCCC trang bị trên xe được bố trí tại nơi dễ thấy, dễ lấy để sử dụng khi chữa cháy nhưng không ảnh hưởng tới thao tác, tầm nhìn của người lái, an toàn của người đi trên xe.
Với những ôtô mà nhà sản xuất không bố trí nơi để treo, đặt bình cứu hỏa thì chủ phương tiện nên để ở hốc cánh cửa trước, hoặc cửa sau, gầm ghế. Hoặc tốt nhất nên mua loại bình có đai ngang hông bên trong xe để dễ thấy, dễ lấy và dễ dàng cho việc sử dụng.
Cục đang hoàn thiện tài liệu hướng dẫn chi tiết về các cách lắp đặt, sử dụng phương tiện PCCC trên xe ôtô và sẽ đăng trên cổng thông tin của Cục và tuyên truyền rộng rãi để các chủ phương tiện, cơ quan, xí nghiệp tham khảo.
- Trước đây đã có nhiều trường hợp bình cứu hỏa trong xe đã phát nổ, gây nguy hiểm, theo ông nguyên nhân do đâu?
- Tôi chưa gặp trường hợp cụ thể nên không thể có đánh giá chính xác được. Tuy nhiên, có những nguyên tắc nhất định khi sử dụng bình chữa cháy mà các chủ phương tiện cần nắm rõ. Đơn cử, bình phát nổ có thể là do để ở vị trí bất lợi, sát cửa kính trước, xe đỗ dưới trời nắng to, khiến nhiệt độ tăng cao, gây nổ. Hoặc cũng có thể do chất lượng của bình, không đủ tiêu chuẩn, không có đăng kiểm, tem mác.
Để tránh được những sự cố đáng tiếc, chủ phương tiện nên để bình theo hướng dẫn, mua bình ở những cơ sở uy tín, được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Đặc biệt nên để xe tránh ánh nắng mặt trời và những nơi có nhiệt độ quá cao.
-
Với tư cách là chuyên gia về phòng chống cháy nổ, ông có khuyến cáo gì với lái xe cách phòng tránh và xử lý khi xảy ra sự cố?
- Để tránh xảy ra cháy nổ, chủ phương tiện không nên lắp đặt thêm các thiết bị, phụ kiện có tiêu thụ điện, tránh quá tải; thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật của xe; tuân thủ quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng theo quy định và nên thực hiện ở những nơi có uy tín, bảo đảm chất lượng...
Khi gặp sự cố cháy xe ôtô, cần bình tĩnh, dừng xe ở lề đường, tránh xa nơi đông người, nơi có nhiều chất dễ cháy. Thông báo cho mọi người trên xe thoát ra ngoài. Nếu cửa xe bị kẹt thì sử dụng các dụng cụ, phương tiện phá dỡ được trang bị hoặc dùng vật cứng để phá cửa. Tùy thuộc vào tình huống cháy cụ thể mà sử dụng những giải pháp thích hợp để chữa cháy, như tắt khóa điện; hô hoán để mọi người đến trợ giúp chữa cháy, gọi Cảnh sát PCCC (điện thoại 114);
Nếu phát hiện khói, lửa trong nắp capô cần tắt ngay khóa điện để ngừng việc bơm xăng cho động cơ. Trong trường hợp đã phát hiện có ngọn lửa, phải chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy trước khi mở nắp capô để xử lý. Nếu thấy cháy ở các chỗ khác trong xe cần phải sử dụng các phương tiện chữa cháy sẵn có để dập lửa. Trong trường hợp thấy không có khả năng dập tắt đám cháy thì nên tránh xa để tránh nổ bình xăng gây tai nạn...
Thùy link đây các cụ:
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/giao-thong/cuc-canh-sat-pccc-oto-chua-lap-binh-cuu-hoa-khong-duoc-dang-kiem-3338335.html