Có nhiều cụ nói Hải phòng (Hp) có lợi thế rất lớn là cảng biển, công nghiệp mà không chịu phát triển.
Nhưng chắc nhiều cụ chưa biết về một Hải phòng đầu những năm đầu thập niên 80, khi mà đất nước vẫn còn loay hoay trong cái đói nghèo thời bao cấp.
Thời đó Hải phòng đã có một Nguyễn Bá Thanh (NBT) từ rất sớm đó là ông "Đoàn Duy Thành"(ĐDT). Người đã cố công rất lớn đưa HP có những bước đột phá trong nông nghiệp khoán sản phẩm với Nghị quyết số 24 (ngày 27-6-1980) về “Củng cố hợp tác xã nông nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm”. Đưa Hp như một đầu tàu kinh tế trong xây dựng cơ sở hạ tầng dân sinh với hàng loạt công trình như: tổ chức đắp đê đường 14 B (năm 1979); mở đường xuyên đảo Đình Vũ-Cát Hải (cuối năm 1979, đầu năm 1980); khánh thành cầu Rào (3-2-1980); đào kênh Cái Tráp (năm 1984). Quai đê lấn biển, mở rộng diện tích canh tác, bố trí lại dân cư: khu vực đường 14, xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng); Đầm Trấu, Gia Minh, Gia Đức (huyện Thủy Nguyên), Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo), Đình Vũ... Thành lập Đội Thương thuyền viễn dương (Hải Phòng Ship- công ty vận tải biển địa phương đầu tiên trong cả nước); xây dựng cảng riêng của Hải Phòng (Cảng cửa Cấm), là một trong những địa phương đi đầu thực hiện xóa bỏ cơ chế bao cấp, đưa chênh lệnh giá vào lương, bỏ cung cấp tiêu chuẩn nhu yếu phẩm qua tem phiếu; đi đầu trong chỉnh trang đô thị, nâng cấp sân bay Cát Bi (năm 1985, đón chuyến bay đầu tiên từ thành phố Hồ Chí Minh-Hải Phòng sau khi nâng cấp). Tu bổ Nhà hát thành phố; xây dựng Cung Văn hóa- Lao động hữu nghị Việt Tiệp; phát triển hệ thống thư viện, nâng cao chất lượng 5 đoàn nghệ thuật. Xóa bỏ “hố xí thùng”; cải tạo ngõ nghách, xây dựng hệ thống thoát nước.
Tiếc thay không ai thoát được lịch sử. Thời điểm đó một con người lãnh đạo đột phá như vậy, cùng một địa phương phát triển như thế sẽ là cái gai trong mắt không ít người: "Làm người đã khó, làm người xã hội chủ nghĩa còn khó hơn nhiều, chúng ta chỉ có cách duy nhất quyết tâm vượt qua mọi trở ngại và làm cho được, như các cụ xưa đã dạy:
Thế thượng vô nan sự
Nhân tâm tự bất kiên"
(Trích trong hồi ký Đoàn Duy Thành "Làm người là khó")
Một thời điểm mà những con người có năng lực lãnh đạo như vậy, cùng với những con người có chí lớn và tài năng như ông Bùi Xuân Hải, ông Vũ Minh Khương không có đất để diễn nhiều.
"Đến khi cầm trong tay tập hồi ký Làm người là khó (LNLK) của ông Đoàn Duy Thành và đọc nó một mạch trong suốt một ngày, tôi càng tin ở nhận xét của mình về cái trật tự xã hội nó tha hoá con người, nó làm cho những người tốt khó có đất sống. Nhưng không chỉ một kết luận buồn đó. Còn một kết luận vui khác. Những người tốt vẫn còn. Như ông Đoàn Duy Thành. Dù bao trùm lên vẫn là nỗi buồn: Những người tốt không được làm việc. Những người trung thực, có tài bao giờ cũng chịu vất vả, hiểm nguy. Thường là bị vô hiệu hoá. "
(trích "Đọc Làm người là khó: Không ai thoát được lịch sử" của tác giả Bùi Ngọc Tấn)
Đến bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn được nghe các cụ nhắc nuối tiếc nhắc lại Hp đã từng có một thời như thế thời mà kinh tế Hp còn có vẻ khá giả hơn HN.
"Mà hình như lúc bấy giờ Hải Phòng cũng có vẻ giàu, có vẻ ăn chơi hơn Hà Nội một chút thì phải.
Đánh đùng một cái ông Đoàn Duy Thành bị/được điều lên Hà Nội làm bộ trưởng rồi làm phó thủ tướng...
Chuyện này bao năm qua tôi vẫn nhớ nhưng không dám nói ra. Vì nói ra sợ bị ăn tát vỡ mặt hoặc bị cho là điên vì Hải Phòng cứ tụt hậu, tụt hậu mãi năm này qua năm khác. Từ chỗ chỉ khoảng hơn gấp đôi Hải Phòng sau chiến tranh phá hoại, Hà Nội bây giờ thì đã gấp 10 lần Hải Phòng rồi".
(trích "Bao giờ Hải phòng có một "Đoàn Duy Thành thứ hai" ủa tác giả Vũ Đức Tâm).
Để tìm hiểu tại sao HP lại có một giai đoạn sau không phát triển các cụ đọc hồi ký Đoàn Duy Thành "Làm người là khó" nhé!
Câu hỏi là bao giờ Hp có một Đoàn Duy Thành thứ hai còn bỏ ngỏ. Vì những người như thế dám đứng mũi chịu sào như ông ĐDT, NBT luôn phải chịu thua thiệt. Trở lại câu chuyện ngày hôm nay khi mà đất nước đang có những biến chuyển tích cực, cụ thể hơn là nhưng hành động thiết thực từ phía các LĐ, với bài phát biểu của Ngài thủ tướng: "Bình minh đang đến với đất nước ta". Tôi tin đó là sự thật. Để đất nước có thể có nhiều cơ chế hơn để thu hút cũng như có đất dụng võ cho nhân tài, vì anh có tâm có tầm đến đâu mà không có nhân tài để dùng thì cũng vô dụng.
Trở lại câu chuyện về Hp. Sau bao năm nằm yên giờ có lẽ những người con đất Cảng ai cũng thấy thành phố có dấu hiệu của sự chuyển mình tích cực với hàng loạt dự án hạ tầng đang dần hoàn thiện như: cảng Lạch huyện, cầu Tân vũ - Lạch Huyện, cao tốc HL-HP, cao tốc ven biển cùng những dự án đầu tư lớn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Năm 2016 thu hút 2,7 tỷ USD vốn FDI dẫn đầu cả nước, chỉ số cải cách hành chính cũng liên tục đứng thứ 2, tổng sản phẩm quốc nôi tăng 11% gấp 1,7 lần bình quân cả nước...Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Hải phòng chỉ còn thiếu yếu tố con người, hy vọng các lãnh đạo sẽ có nhiều chính sách để thu hút nhân tài về cho thành phố. Nói trước là quá sớm nhưng tôi tin rằng Hp sẽ có nhiều nhiều Đoàn Duy Thành nữa và hơn nữa vì tôi đang thấy bóng dáng một con người như thế!