300 tỷ đồng cho sự thật
(VOV) - Vụ xử phạt nhà sản xuất Toyota cũng tương tự như vụ nước tương bẩn ở Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Mỹ không gặp phải vấn đề nan giải như vụ nước tương bởi lỗi chân ga chỉ là việc riêng của Toyota. Còn vụ nước tương, cơ quan y tế và doanh nghiệp đứng cùng một phía
>> Toyota - Chương buồn của câu chuyện thần kỳ
Toyota, nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới đã phải chấp nhận mức xử phạt 16 triệu USD (tương đương 300 tỷ đồng) vì tội cố tình bưng bít thông tin về sự cố lỗi chân ga trên những chiếc xe của hãng này. Với mức phạt đó, Toyota đối diện với nguy cơ thâm hụt ngân sách nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Dẫu vậy, Toyota vẫn nhanh chóng chấp nhận án phạt, bởi đó là quyết định của Chính phủ Mỹ, thị trường lớn nhất của hãng này.
16 triệu USD là khoản tiền lớn nhất từ trước đến nay mà Chính phủ Mỹ áp dụng đối với một nhà sản xuất xe hơi. Nó có thể gây sốc, có thể tạo nên sự ngần ngại của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường này. Song, tất cả những điều đó đều không quan trọng bằng việc cần có một án phạt thích đáng đối với hành vi gây nguy hại đối với người tiêu dùng, là những công dân, những người đóng thuế để nuôi dưỡng chính phủ.
Toyota đã phải chấp nhận mức xử phạt 16 triệu USD (tương đương 300 tỷ đồng) vì tội cố tình bưng bít thông tin về sự cố lỗi chân ga trên những chiếc xe của hãng này.
Để bảo vệ mình, các doanh nghiệp sẽ giữ kín những thông tin bất lợi, nếu có thể. Đó là một sự thật của nền kinh tế thị trường, và người tiêu dùng buộc phải quen với sự thật đó, và họ vui vẻ đóng thuế để duy trì bộ máy công vụ nhằm đảm bảo quyền lợi của mình! Sự kiện trên khiến chúng ta liên hệ đến việc xảy ra tại Việt Nam, Toyota cũng từng bán ra những chiếc xe hơi với các chi tiết máy han rỉ. Sự việc chỉ bị phát giác bởi chính khách hàng, và báo chí. Nhưng tiếc thay, lại không có bất cứ án phạt nào được đưa ra.
Các nhà sản xuất cố tình bưng bít thông tin. Điều đó có thể hiểu được. Song, sẽ không thể hiểu nổi việc những cơ quan chức năng lại giúp doanh nghiệp bưng bít những thông tin bất lợi đối với người tiêu dùng. Vụ Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh che giấu thông tin về nước tương bẩn vài năm trước là một ví dụ, và người tiêu dùng đã không được bảo vệ theo đúng bản chất của vụ việc.
Trở lại việc Toyota chấp nhận mức phạt 16 triệu USD do Bộ Giao thông Mỹ đề nghị và được chính phủ nước này thông qua. Nếu như đặt sự việc song hành câu chuyện nước tương bẩn trước kia, Bộ Y tế Việt Nam cũng hoàn toàn có thể đề nghị một án phạt đối với các nhà sản xuất nước tương.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông Mỹ đã không gặp phải một vấn đề nan giải như vụ nước tương, đó là việc bưng bít thông tin về lỗi chân ga chỉ là việc riêng của Toyota. Trong vụ nước tương, khi cơ quan y tế và doanh nghiệp đứng cùng một phía, người tiêu dùng đương nhiên phải chấp nhận thiệt thòi. Và đó là điều cần thiết phải rút ra và chấn chỉnh kịp thời vì quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng nước ta./.