Thưa các cụ, em trẻ người non dạ, mới tham gia site bằng vài bài post spam
. Hôm nay vô tình thấy thớt này các cụ bàn về nghề du lịch là tình yêu của em
nên em bon chen mạn đàm vài ý, có gì không phải xin các cụ bỏ quá cho.
- Về vấn đề "tiền nào của ấy" trong ngành du lịch ở ta:
Em làm du lịch mới từ năm 2001, với tư cách là hướng dẫn viên tiếng Nhật. Khi đó em mới là sinh viên năm thứ 2 thôi, tiếng tăm có gọi là tốt lắm đi chăng nữa thì cũng chỉ đủ để diễn đạt những điều đơn giản bằng những câu đơn giản hoặc một vài điều phức tạp bằng những câu đơn giản thôi ạ. Vậy mà, lương theo ngày tối thiểu của chúng em hồi ấy đã là 20$ (khoảng 300,000đ cách đây gần 10 năm) cho 1 ngày làm việc rồi. Nếu tính thêm các dịch vụ khác như xe cộ, ăn uống, phòng nghỉ... thì trung bình mỗi ngày đi tour trong Việt Nam của một khách du lịch Nhật Bản thông thường (khách hạng sang thì giá còn cao hơn nhiều) cũng rơi vào khoảng 200$ rồi (khoảng 3,000,000đ cách đây gần 10 năm và theo tỉ giá hiện tại là 3,800,000đ). Nếu với chi phí tầm tầm như vậy thì:
1. Hướng dẫn viên:
+ Xe dừng lại bánh là hướng dẫn lập tức nhảy phắt xuống, nhanh chóng mở cửa xe, quan sát an toàn đường xá cho khách rồi mời khách xuống.
+ Mặt tươi cười từ tinh mơ đến tờ mờ, chuyện trò như pháo rang (kiến thức đúng hay sai thì chỉ hướng dẫn viên là biết nhưng em thiết nghĩ nói đúng mà không làm khách hàng vui lòng thì thà nói sai để họ cười vui vẻ ạ).
+ Trời mưa thì kiếm ô che cho khách (mình ướt chút cũng chả sao), trời nắng thì cũng che ô cho khách (mình đen chút thì dành tiền đi thẩm mỹ viện tẩy trắng sau)
.
+ Ăn sau khách nhưng ăn xong trước khách, ngủ sau khách nhưng dậy sớm hơn khách
.
+ Ăn nói thì một dạ hai vâng. Tiếng Nhật chúng em có cái gọi là kính ngữ. Giải thích đơn giản về kính ngư là: nếu bình thường nói là "ăn cơm" thì kính ngữ nói là "ngự phạn", "xem, nhìn" thì kính ngữ gọi là "ngự lãm"... đại loại thế. Tóm lại, nó khó xài đến mức giang hồ đồn thổi là người Nhật trẻ hiện nay cũng không mấy khi sử dụng đúng được kính ngữ
. Vậy mà hướng dẫn viên thì mở miệng là kính ngữ choanh choách.
+ Khách già, tàn tật di chuyển khó khăn, chúng em sẵn sàng đẩy xe lăn, hướng dẫn nam nhiều khi còn cõng khách. Riêng em có lần đi hướng dẫn cho một đoàn khách tàn tật vừa câm vừa điếc. Ngôn ngữ cơ thể đến mức về nhà mỏi nhừ người, vừa đứng trên xe vừa viết ra giấy cho khách đọc (say xe gần chết
- cụ nào cứ thử vừa ngồi trên ôtô vừa viết cả ngày xem)...
Hiệu quả là việc hướng dẫn viên chúng em cuối mỗi tour mà nhận tiền cảm ơn (tip) khoảng 100$ là bình thường, không có gì là sự kiện
!
2. Khách sạn:
+ Ở Hà Nội: Sofitel Metropole, Hilton, Nikko, Melia, Daewoo, Sheraton...
+ Ở miền Trung: Saigon Morin (Huế), Furama Resort (Đà Nẵng), Evason Hide Away and Six Senses Spa (Nha Trang - cái này khoảng gần 600$/đêm
)...
+ Ở Sài Gòn: Park Hyatt, Caravelle, Legend, New World...
3. Xe:
+ Đời mới nhất
+ Lái xe lái như lụa, cả ngày chỉ còi trên dưới chục lần, cùng huớng dẫn mở cửa xe cho khách, không biết tiếng để nói chuyện với khách thì cười, mặt mũi tuơi tỉnh
+ Nếu lái ẩu, phóng nhanh phanh gấp, thái độ kém... thì có thể bị đổi xe và lái ngay giữa đường
4. Nhà hàng:
+ Bát đĩa khô, sạch, ly cốc không một vết ố.
+ Nhân viên thay đĩa, thay bát sau mỗi món ăn.
+ Trang hoàng stylist lộng lẫy, nhạc dìu dịu.
+ Đồ ăn tươi ngon, bày biện tinh tế.
Vân vân và vân vân nữa.
Vậy, cụ có đồng ý chi trả mức đó để được phục vụ như vậy không ạ?
Nếu cụ trả chừng ấy tiền một ngày mà họ vẫn làm ăn gian dối, quấy quá thì cụ cứ đưa địa chỉ cho em, em đến mua lại công ty của họ về đào tạo lại!
- Về đặc tính của khách du lịch Việt Nam:
Có một thực tế là khách Việt Nam lại là đối tượng khách cực kỳ khó chiều so với một số loại khách quốc tế mà em biết.
Nhiều người làm du lịch đánh giá khách Nhật là khách khó chiều nhất trong các loại khách nhưng em lại thấy họ chỉ khó khi người phục vụ (lấy tiền của họ) mà lại không hiểu văn hóa, nhu cầu và thị hiếu của họ thôi. Khách nước ngoài, nhất là Nhật, họ cực kỳ chi tiết vào lúc đầu liên hệ nhưng sau khi liên hệ đầy đủ rồi thì họ là cứ theo đúng những gì đã thỏa thuận mà làm, ít khi thay đổi, ít đòi nọ đòi kia. Nhà cung cấp dịch vụ càng xông xênh thì khách càng biết điều (Khách ta thì em thấy được voi thường đòi cả Hai Bà Trưng, nếu đòi được thì sẽ yêu cầu thêm Thi Sách nữa
).
Ngoài ra người nước ngoài còn rất có ý thức khi ăn uống và sử dụng dịch vụ, không lấy thừa mứa đồ ăn khi ăn buffet bao giờ. Khách ta thì chắc nhiều cụ cũng thấy cung cách ăn uống xông xênh đến thừa mứa rồi.
Việc giữ gìn vệ sinh, trật tự nơi công cộng của khách ta thì phải sánh cùng anh cả châu Á là Trung Quốc: đâu có khách du lịch đấy có rác, vỏ đồ ăn, vỏ đồ uống, thuốc lá... Rất ồn ào, nếu phải xếp hàng thì ngả ngốn và xiêu vẹo lắm ạ!
Qua một vài thí dụ chưa được đầy đủ lắm như trên, em có cảm nhận rằng:
1. Bức xúc của cụ chủ thớt là đúng nhưng chưa đầy đủ. Cụ thử trải nghiệm thêm dịch vụ du lịch ở một vài góc độ rồi đánh giá lại xem có thay đổi gì không!?
2. Ngành dịch vụ của ta là ngành còn non trẻ, nước ta mới thoát khỏi tỉ lệ 90% dân số làm nông nghiệp cách đây chưa đủ lâu. Hơn nữa, dân ta lại có truyền thống anh hùng bất khuất nên "luồn cúi", "phục vụ" chưa trở thành một thói quen được đánh giá cao (thời xưa có khi còn bị gọi là "ôm chân đế quốc" nữa kia). Do vậy, chúng ta cần nhiều thời gian, nỗ lực và nhân tài hơn để thay đổi diện mạo ngành này. Cụ có khi cũng là một nhân tố để góp phần thay đổi nó nếu đóng góp của cụ tích cực và nhiệt tình hơn nữa, mang nhiều thiện ý hơn nữa.
3. Nếu các cụ muốn đi du lịch Nhật Bản xem thử cái đất nước được coi là thước đo của ngành dịch vụ ấy nó phục dịch ra làm sao thì cụ cứ ới em nhá!
Kính!