- Biển số
- OF-305308
- Ngày cấp bằng
- 16/1/14
- Số km
- 6,352
- Động cơ
- 355,013 Mã lực
- Nơi ở
- năm châu bốn bể
- Website
- www.cerat.com.vn
các cụ cứ chạy đi, e sẽ ở lại giữ thổ đu ... nhiều nhà được nghỉ về quê tránh dịch thôi
Nó không hy sinh quyền tự do ư? Hiện tại thì đang thể hiện là như vậy đó. Dân bên Ý, Pháp, TBN đang bị cấm ra khỏi nhà, còn Việt Nam vẫn ra đường thoải mái. Dân không phản đối chính phủ ư? Thử lên mạng xem dân nó nói gì nhé?...
Phương Tây nó suy nghĩ khác m, nó ko hi sinh quyền tự do để chống dịch, ko muốn đánh đổi quá lớn lợi ích kinh tế, điều đó thể hiện ở việc dân nó ko phản đối chính phủ về việc để ra tình trạng như bây giờ. VN chân đất mắt toét đừng phán xét cs của người ta
Tại Mỹ nó chảnh chó ,tinh vi và ảo tưởng ... cậy mình có nhiều Xèng ,nhà giầu và có bom nguyên tử tên lửa đạn đạo thì sợ gì COVID - 19 !...THE PRESENT WRITER
TẠI SAO NƯỚC MỸ KHỦNG HOẢNG VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19?
MARCH 29, 2020 BY CHI NGUYỄN 32 COMMENTS
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều trước khi viết bài này, vào ngày mà nước Mỹ vượt quá Trung Quốc, trở thành quốc gia có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất thế giới (hơn 100,000 ca dương tính). Liệu mọi người có cần đọc thêm một bài viết nữa giữa thời kỳ tràn ngập thông tin về Covid-19? Liệu bài viết này có khiến mọi người thêm stress không giữa thời điểm bất an này? Nhưng sau nhiều đắn đo, tôi quyết định bài viết này cần được đăng để người Việt ở trong nước và thế giới hiểu sâu hơn về tình hình nước Mỹ; và điều gì chúng ta có thể học được (cho tới thời điểm này) để bảo vệ cho bản thân, gia đình, và cộng đồng trước đại dịch.
Bài viết bắt đầu với trải nghiệm thật của tôi với tư cách một người Việt trẻ, có gia đình (chồng và một con trai) trên đất Mỹ, và tiếp nối với phân tích nguyên do khủng hoảng của Mỹ với đại dịch với tư cách một người làm nghiên cứu về chính sách công.
Cuộc sống đảo lộn chỉ sau một đêm
Giữa tháng 1/2020, Mỹ xác nhận ca đầu tiên nhiễm virus là một người đàn ông ở bang Washington mới trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc — trung tâm của đại dịch Covid-19 (khi đó có tên gọi là Coronavirus). Nước Mỹ xôn xao lên một đôi chút, nhưng được chính phủ xoa dịu là “đã hoàn toàn kiểm soát được tình hình”. Tình cờ, thời điểm này cũng là đỉnh điểm của cảm cúm (flu) ở Mỹ. Cúm mùa năm nay rất khủng khiếp, theo số liệu từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), có từ 23,000-59,000 người Mỹ chết vì cúm từ đầu tháng 10/2019 đến giữa tháng 3/2020. (Bản thân vợ chồng tôi cũng là “nạn nhân” của dịch cúm này). Bởi vậy, mọi người quan tâm đến cúm nhiều hơn là con virus nào đó xa xôi ở tận Vũ Hán, suy cho cùng, cái nào cũng có thể gây chết người, đúng không? Tiếc rằng ở thời điểm đó, số liệu còn quá mập mờ để chúng ta (bao gồm cả tổng thống Mỹ) nhận ra rằng tỷ lệ tử vong vì Covid-19 gấp hơn 10 lần cúm mùa.
Tôi vẫn còn nhớ buổi họp văn phòng cuối tháng 1, khi trưởng khoa phát biểu dặn dò mọi người chú ý rửa tay, tránh lây nhiễm, chích ngừa cúm mùa; đừng vì lo lắng Corona đâu đó xa xôi mà quên mất nguy cơ bệnh cúm ngay tại đây.
Tháng 2/2020, đây là thời điểm các ca nhiễm bắt đầu xuất hiện ở các nước Châu Á ngoài Trung Quốc, trên tàu biển du lịch, từ những người đi nước ngoài về … Việt Nam quyết liệt dập dịch, khoanh vùng cách ly. Mỹ cũng bắt đầu có những nhóm ca nhiễm (cluster) ở một số nơi, nhưng đa phần có thể truy nguồn gốc là từ những người trở về từ nước ngoài. Nỗi lo lắng về bệnh dịch nổi lên ở những nơi có nguồn bệnh như tiểu bang Washington. Người Mỹ bắt đầu quan tâm hơn đến Covid-19, nhất cuối tháng 2, là khi dịch bệnh lan đến Châu Âu. Tuy nhiên, hiểu biết về độ nguy hiểm của Covid-19 của phần đông người Mỹ còn thấp; chính phủ không thực sự quyết liệt (xem thêm lý giải nguyên nhân ở phần phía dưới). Điều này khác xa với Việt Nam vì ngay khi số ca nhiễm mới đếm trên đầu ngón tay, trường học đã đóng cửa, người dân đeo khẩu trang, tuyên truyền về rửa tay, giữ khoảng cách xã hội đã rất mạnh mẽ.
Hầu như ngày nào mẹ tôi (hiện đang sống ở Hà Nội) cũng nhắn tin cập nhật tình hình ở nhà, dặn dò, “Con nhớ đeo khẩu trang, ra đường cẩn thận, mua thêm đồ ăn…” Tôi trấn an: “Mẹ ơi, mẹ đừng lo cho con, con ở vùng sâu vùng xa lắm; con không sao đâu. Mẹ mới ở gần tâm dịch kìa, mẹ cẩn thận nhé!” Nào đâu ngờ …
Tháng 3/2020, tôi có thể đếm được từng ngày trong tháng này vì mỗi ngày tỉnh dậy là một thay đổi đáng sợ ập đến, khiến bản thân tôi nhiều lần tự hỏi: “Mình thực sự đang ở đâu? Tại sao những chuyện như thế này có thể diễn ra trên nước Mỹ?”
Dưới đây là trải nghiệm thật của tôi:
Đầu tháng 3 là kỷ nghỉ đông của sinh viên Mỹ, trường Đại học tôi làm vắng vẻ, sinh viên về nhà hoặc đi chơi, phần lớn nhân viên cũng xin nghỉ phép để xả hơi trong dịp này. Tôi vẫn đi làm ở văn phòng đều đặn, định bụng dành thời gian yên ắng này để làm nốt công việc và tranh thủ viết blog. Chồng tôi vẫn đi làm ở nhà hàng ca tối. Con trai vẫn đi nhà trẻ. Cuộc sống vẫn diễn ra như mọi ngày.
Đùng một cái, trong một buổi sáng (12/3/2020), thông tin về bùng phát dịch tại New York và California ập đến; dịch rõ ràng đã mất kiểm soát, không còn chỉ trong nhóm nhỏ nữa, và mất khả năng truy dấu. Tiểu bang tôi ở (Pennsylvania) ghi nhận 12 ca nhiễm đầu tiên, có dấu hiệu lây nhiễm cộng đồng (community spread). Mọi người bắt đầu hoảng hốt, vậy là dịch bệnh đến rất gần rồi, lòng tin về sự “hoàn toàn trong tầm kiểm soát” của chính phủ bắt đầu lung lay.
Giờ nghỉ trưa hôm đó, đồng nghiệp của tôi (một phụ nữ có 2 con nhỏ) lo lắng hỏi: “Chi, cậu nghĩ thế nào về tình hình này?” Tôi trả lời là mình rất quan ngại, vì ở Việt Nam chính phủ đã cho học sinh, sinh viên nghỉ học cả mấy tháng trời và cách ly tất cả các trường hợp nghi vấn. Tôi không nghĩ Mỹ làm được điều đó vì hệ thống quản lý ở đây không tập trung chuyên quyền như Việt Nam; ngoài ra văn hóa, xã hội cũng khác, nếu trẻ con nghỉ học mà người lớn vẫn đi làm thì rất khó vì ít ai có thể “gửi ông bà” hay “cho về quê” như ở Việt Nam được. Cô đồng nghiệp thở dài: “Ừ, con mình mà nghỉ học thì nó chỉ có đến đây đi làm cùng mình được thôi… Nhưng mà, tuần sau sinh viên tứ xứ quay trở lại học rồi. Mình lo lắm. Cậu biết đấy… Vì văn phòng bọn mình ngay liền kề với khu ký túc xã sinh viên” Ừ nhỉ, tôi rùng mình, văn phòng tôi làm sát ngay ký túc xá, sinh viên nào cũng phải đi qua để vào khu họ ở. Bao nhiêu bàn tay sẽ chạm vào chỗ nắm cửa? Bao nhiêu người sử dụng nhà vệ sinh chung? Bao nhiêu người sử dụng bàn ghế, sofa ngoài văn phòng? Nghĩ đến vậy thôi tôi đã thấy nôn nao, không nuốt nổi phần ăn trưa còn lại nữa.
Giờ nghỉ trưa vừa hết thì cũng là lúc một số trường phổ thông trong vùng tuyên bố đóng cửa 2 tuần. Mọi người đều sửng sốt. Nhưng ít ai biết rằng chỉ ngày hôm sau thôi, Thống đốc bang hạ lệnh đóng cửa toàn bộ trường học trong toàn bang, từ nhà trẻ đến cấp 3 đều phải đóng cửa.
Chưa kịp hoàn hồn thì trường đại học tôi đang làm cũng yêu cầu sinh viên nghỉ Xuân không quay lại trường, chuyển sang học trên mạng, đóng cửa ký túc xá, nhà ăn, đại bộ phận cán bộ công nhân viên chuyển sang làm tại nhà tới đầu tháng 4. Vậy là chúng tôi thu gom đồ đạc, hẹn nhau gặp lại sớm. Không ai có thể nghĩ rằng chỉ một vài ngày sau đó thôi, kế hoạch trở lại đầu tháng 4 đã trở nên không tưởng.
Tôi nhấc điện thoại gọi cho chồng để mua gấp một số nhu yếu phẩm trước khi mọi người hoảng loạn mua sắm. Chỗ chúng tôi ở là một thành phố nhỏ nằm trong thung lũng, kỳ nghỉ Xuân thường rất vắng vẻ và siêu thị lúc nào cũng đầy ắp. Chưa bao giờ có tình trạng xếp hàng, tranh cướp mua sắm như các thành phố lớn. Chúng tôi không thể ngờ rằng chỉ sau buổi chiều hôm đó thôi, các gian hàng đồ dùng thiết yếu cũng dần quét sạch.
Sáng hôm sau, tôi bắt đầu chính thức làm việc tại nhà. Chồng nghỉ làm. Con nghỉ học. Cuộc sống đảo ngược hoàn toàn, gần như chỉ sau một đêm. Tôi lên mạng nhiều hơn, chủ yếu dùng Twitter để cập nhật nhanh thông tin về tình hình dịch ở tiểu bang. Mỗi ngày, con số xét nghiệm dương tính ở Pennsylvania ngày càng tăng, ban đầu là một vài ca mới/ngày, rồi đến 20-30 ca mới/ngày, rồi đến hơn 100-200 ca mới/ngày, và cho tới nay là hơn 500 ca mới/ngày. Con số tăng lên đến chóng mặt, mặc cho Thống đốc đã làm hết sức để hạn chế dịch từ kêu gọi yêu cầu mọi người giữ khoảng cách, đóng cửa hầu hết các doanh nghiệp không thiết yếu, đóng cửa trường học, ra lệnh hạn chế ra ngoài đối với những quận bị ảnh hưởng nặng nhất… Số người bệnh, người chết ở những thành phố lớn mỗi lúc một tăng theo cấp số nhân. Ngày mà thành phố chúng tôi ở (vâng, thành phố bé nhỏ, thưa người, nằm trong thung lũng xa trung tâm) ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, là ngày mà chúng tôi hiểu rằng dịch bệnh đã đến mọi ngõ ngách của nước Mỹ. Tương lai vốn bất định nay càng khó dự đoán hơn.
Nghĩ lại ngày này vài tuần trước thôi, khi tôi xua tay nói “mẹ ở Việt Nam đừng lo cho con”, cho tới ngày hôm nay khi nước Mỹ khủng hoảng nặng nề với đại dịch hơn ở Việt Nam rất nhiều, tôi tự hỏi: Tại sao chúng ta đi đến mức này?
Tại sao Mỹ khủng hoảng với đại dịch?
Để phân tích được tại sao Mỹ khủng hoảng với Covid-19, ta cần nhìn vào nhiều góc độ chính trị, y tế, văn hóa, kinh tế của Mỹ. Trong bài viết này, tôi sẽ nêu ra một số vấn đề mấu chốt dựa vào nhiều nguồn thông tin, số liệu chính thống (trích dẫn dưới dạng hyperlink và ghi chú dưới bài viết)
Sự hiểm ác của Covid-19
Trong buổi phỏng vấn gần nhất với CNN và Daily Show, Dr. Anthony Fauci, Giám đốc Viện hàn lâm quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm, tiếng nói khoa học lớn nhất ở Mỹ tại thời điểm này, cho biết lý do tại sao Covid-19 thật sự là “một cơn ác mộng”. Bản thân ông từng làm việc qua 6 đời tổng thống và đã kinh qua nhiều bệnh truyền nhiễm như HIV, SARS, Ebola… nhưng chưa có bệnh nào dễ lây nhiễm qua đường hô hấp như Covid-19. Virus có thể truyền nhiễm dưới dạng giọt bắn ra từ người ho, hắt xì; có thể tồn tại ở bề mặt cứng trong thời gian rất dài (lên tới vài tiếng đồng hồ đến vài ngày, tùy môi trường); thậm chí tồn tại trong khí dung (khi giọt bắn chưa rơi xuống bề mặt) nên người khỏe dễ hít phải và mắc bệnh. Với khả năng truyền nhiễm cao, kể cả với tiếp xúc xa, không trực tiếp, Covid-19 có khả năng lan truyền vô cùng nhanh.
Cũng theo Dr. Fauci, việc kiểm soát ca nhiễm Covid-19 mới cũng rất khó khăn vì có những thời điểm Mỹ tưởng như đã kiểm soát được tình hình vì các ca nhiễm Covid-19 co cụm (như ở trung tâm người già ở tiểu bang Washington), nhưng sau đó lại bùng lên mạnh mẽ ở New York City — nơi khách du lịch và người nhập cư đến rất nhiều. Chính quyền mất dấu, không còn khả năng lần theo ai lây cho ai (contact tracing — như cách Việt Nam đang làm hiện nay) được nữa. Dr. Fauci cũng lấy Italy ra làm ví dụ, từ khi các trường hợp nhỏ lẻ khách du lịch Trung Quốc nhiễm Covid-19 được phát hiện đến khi lây nhiễm cộng đồng bùng lên chỉ trong vòng vài ngày, khiến chính quyền Italy không kịp trở tay. Bởi vậy, mặc dù Bắc Italy (tâm dịch) là nơi giàu có, có nền y tế tốt nhất, cả nước cũng tan nát trước đại dịch.
Bài học lớn nhất từ Dr. Fauci: Nếu ở những nơi ca nhiễm còn thấp (dưới 200 ca) thì việc cách ly, lần dấu vết xem ai lây cho ai, xét nghiệm diện rộng là rất quan trọng. Tuy nhiên, với tình trạng xét nghiệm còn hạn chế như ở Mỹ (xem thêm lý giải phía dưới), việc này chưa chắc đã được thực hiện được triệt để như Việt nam. Còn những nơi ca nhiễm đã rất cao và lây lan cộng đồng rồi (tức là đã mất kiểm soát) thì không còn cách nào khác là đóng cửa mọi nơi, mọi người tự cách ly tại nhà để giảm áp lực lên hệ thống y tế.
Hệ thống y tế phức tạp của Mỹ
Mặc dù Mỹ là một trong những nước có nền y tế phát triển, tay nghề bác sĩ giỏi nhất thế giới nhưng hệ thống y tế của Mỹ thật sự là nỗi kinh hoàng. Đây là vấn đề đã tồn tại rất nhiều năm và luôn bị chỉ trích, nhưng khi đại dịch xảy ra thì hệ thống này mới thực sự đẩy y tế cộng đồng vào bế tắc. Ở Mỹ, để có được một viên kháng sinh cũng phải gặp bác sĩ, được kê toa thuốc mới được đi lấy thuốc; điều này cũng không có gì xấu, chỉ có vấn đề là một lần đi bác sĩ 10 phút thôi cũng nhận được hóa đơn bệnh viện cao đến chóng mặt (!), chưa nói đến ốm nặng nằm viện. Bởi vậy, những ai có điều kiện đều phải mua bảo hiểm để chi trả chi phí bệnh viện. Mô hình này tạo ra mối quan hệ phức tạp giữa cơ sở khám bệnh và cơ quan bảo hiểm để trục lợi: các bệnh viện, phòng khám, phòng thí nghiệm tăng tiền khám và xét nghiệm lên chóng mặt (gấp nhiều lần thực tế) để ăn tiền từ bảo hiểm, bảo hiểm cũng được lợi vì người dân sợ phải đóng tiền viện phí cao nên mua bảo hiểm nhiều hơn (CNBC). Chưa hết, phần lớn bảo hiểm của Mỹ được mua theo kiểu đoàn thể (theo công ty, trường học, tổ chức), vì vậy mọi người buộc phải gắn mình vào đoàn thể nào đó nếu muốn mua bảo hiểm giá rẻ và chất lượng, nếu không thì phải tự mua với giá rất cao. Bởi vậy, không phải ai cũng có bảo hiểm, nhất là những người có thu nhập trung bình, lao động tự do; lương tháng không quá cao để mua được bảo hiểm, không quá thấp để được nhận trợ cấp chính phủ (ví dụ như nữ bệnh nhân Covid-19 ra viện với hơn 800 triệu đồng viện phí).
Sự phức tạp của y tế Mỹ dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng khi đại dịch bùng phát: (1) Khả năng cao một số người có dấu hiệu bệnh ban đầu nhưng không có bảo hiểm nên sợ đi khám, xét nghiệm khiến khả năng lây lan cộng đồng bùng phát; (2) Khi bắt đầu có triệu chứng, người bệnh buộc phải ra ngoài đến bệnh viện gặp bác sĩ khám, xin thuốc, nâng cao nguy cơ lây nhiễm.
Gần đây, khi tình hình bệnh dịch nghiêm trọng hơn, nhiều tổ chức và công ty bảo hiểm đã quyết định miễn chi phí xét nghiệm Covid-19 (hiện vẫn chỉ là phí xét nghiệm, không phải chi phí khám chữa bệnh). Các phòng khám cũng thay đổi quy định, yêu cầu bệnh nhân gọi điện trước để sàng lọc, cho phép khá qua mạng hoặc qua điện thoại (teledoc), thậm chí cho đơn thuốc mà không cần gặp trực tiếp bác sĩ (điều hiếm thấy trước đây). Đây cũng là thay đổi tích cực, tuy nhiên có lẽ xảy ra quá muộn.
Đấu đá chính trị & Vai trò của Tổng thống Donald Trump
Covid-19 xuất hiện vào một thời điểm trọng yếu của chính trị Mỹ: Tổng thống Trump bước ra từ cuộc luận tội (impeachment) vì cáo buộc làm quyền, ngay lập tức phải thể hiện bản thân cho cuộc bầu cử tổng thống mới. Với hy vọng tái đắc cử, Trump muốn thể hiện cho nước Mỹ thấy mình đã làm rất tốt, nước Mỹ đang đi lên, kinh tế vững mạnh chưa từng thấy. Bởi vậy, từ đầu năm 2020, Trump bỏ ngoài tai ý kiến chuyên gia, liên tục hạ thấp tính nghiêm trọng của Covid-19, tuyên truyền trên Fox News rằng đây chỉ là một phần của “thuyết âm mưu” của Đảng đối lập để làm hại Trump, thậm chí kiên quyết dùng từ “Virus Tàu” (Chinese Virus) thay vì Covid-19 hay Coronavirus để định hướng chỉ trích nhằm về Trung Quốc, mặc cho nạn phân biệt chủng tộc đối với người Mỹ gốc Á trở nên căng thẳng vì điều này. Với hoàn cảnh chính trị như vậy, không có gì lạ khi động thái xử lý dịch bệnh từ chính quyền Trump chậm trễ và thiếu dứt khoát ngay từ đầu.
Khi tình hình Covid-19 tại Mỹ đã rất nghiêm trọng, Trump tiếp tục tập trung phát biểu những điều tích cực, mang lại hy vọng cho người Mỹ, tin tưởng vào chính quyền Trump như: vaccine sắp có, đã có thuốc có khả năng chữa trị Covid, các công ty tư nhân đang sản xuất thêm máy trợ thở, nước Mỹ sẽ mở cửa trở lại trong 2 tuần nữa… Nhưng ngay lập tức các chuyên gia và nhà khoa học đính chính đây là thông tin không chính xác. Đến mức mà nhiều kênh truyền hình quốc gia phải ngừng phát sóng họp báo của Trump về virus vì lo ngại thông tin sai lệch sẽ gây hậu quả xấu cho đại chúng. Những phát biểu của Trump đối với Thống đốc các tiểu bang đang cần sự trợ giúp của chính phủ để giải tỏa đại dịch cũng rất gây hoang mang. Ví dụ, khi Thống đốc bang New York khẩn cấp yêu cầu viện trợ 30,000 máy thở vì số người cần dùng máy thở đã lên rất cao (hiện 2 người đã phải dùng chung một máy), Trump cho rằng yêu cầu này là thái quá; hay Trump phát biểu rằng tiểu bang muốn trợ giúp với dịch bệnh thì phải thể hiện sự tôn trọng với chính quyền Trump trước…
Trước tiên, phải thừa nhận rằng làm lãnh đạo cấp cao là một công việc vô cùng khó và áp lực; làm lãnh đạo thời bình đã gặp nhiều chỉ trích rồi chứ chưa nói đến “thời chiến” như ngày nay với kẻ thủ vô hình Covid-19. Trump là một tổng thống “đặc biệt” ngay từ ngày đầu đắc cử và thường xuyên có những phát ngôn gây tranh cãi; đại dịch này chỉ làm lộ thêm bản chất và tính cách vốn có của nhà lãnh đạo này mà thôi. Tuy nhiên, sự coi nhẹ nguy cơ của đại dịch trong những tháng đầu tiên của Trump dẫn đến rất nhiều vấn đề hệ lụy nghiêm trọng như chậm trễ trong xét nghiệm trên toàn nước Mỹ, thiếu hụt nghiêm trọng về dụng cụ y tế và bảo hộ, nguồn lực từ chính phủ liên bang không rải xuống tiểu bang ngay từ đầu… khiến những vùng tâm dịch vỡ trận chỉ trong vài tuần. Gần đây, Trump và chính quyền liên bang đã bắt đầu có những động thái mạnh mẽ hơn và có tầm ảnh hưởng lớn hơn (ví dụ như thông qua Gói cứu trợ 2 nghìn tỉ đô-la, kích hoạt Luật sản xuất quốc phòng…).Hy vọng với con số đáng sợ về ca nhiễm của Mỹ ngày nay, chính quyền liên bang sẽ sớm thống nhất với tiểu bang, bỏ qua đấu đá chính trị để dồn lực dập dịch.
Lặp lại những gì tôi từng viết 4 năm về trước khi Trump đắc cử: Lịch sử sẽ tự có phán quyết về vai trò của ông Trump trong đại dịch này.
CDC & Những vấn đề về xét nghiệm
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) phải chịu trách nhiệm rất lớn về sự chậm trễ và lúng túng trong khâu xử lý dịch bệnh tại Mỹ thời điểm ban đầu. Khi con số người mắc bệnh và nghi nhiễm còn chưa nhiều, CDC phân phối kit thử Covid-19 tự sản xuất đến các phòng thí nghiệm công. Không may cho nước Mỹ, kit thử của CDC có lỗi (mặc dù đơn vị này đã làm thành công vô vàn kit thử cho các loại bệnh khác) nên buộc phải thu hồi và làm lại. Quá trình này dẫn đến ít nhất một tháng trì hoãn, tạo điều kiện để Covid-19 lây lan trong cộng đồng. Chưa hết, CDC còn vướng phải một loạt các vấn đề do quy định hành chính nhiêu khê của Mỹ—những quy định có thể chấp nhận được trong thời bình nhưng không được thay đổi kịp thời để đối phó với thời chiến—ví dụ như ban đầu chỉ riêng phòng thí nghiệm công mới được xử lý xét nghiệm Covid-19, chỉ những phương pháp được nhà nước thông qua mới được dùng để xét nghiệm, chỉ xét nghiệm những người đã có triệu chứng bệnh hoặc tiếp xúc gần với người bênh từ Trung Quốc… Phải mất một thời gian dài (và vô cùng quý báu!) để CDC và chính quyền liên bang nới dần các quy định khó khăn về y tế và xét nghiệm này. Rất tiếc, đến lúc này thì con số người bệnh và nghi nhiễm bệnh đã bùng phát lên đến quá tải, kit thử nghiệm không còn đáp ứng nổi với nhu cầu xét nghiệm nữa, thậm chí các dụng cụ thử nghiệm như que thử, dung dịch thử nghiệm cũng thiếu dần.
Cho đến tận ngày hôm nay, xét nghiệm Covid-19 ở Mỹ vẫn còn hạn chế. Ở hầu hết mọi nơi, xét nghiệm chỉ được làm khi người bệnh đã có biểu hiện bệnh rõ ràng hoặc có chỉ định của bác sĩ; ở một số nơi, xét nghiệm quá thiếu nên chỉ dành ưu tiên cho nhân viên y tế. Với tình trạng thiếu xét nghiệm, nhiều bệnh viện chuẩn đoán Covid-19 theo dấu hiệu, X-quang phổi,… Những người xét nghiệm dương tính nếu triệu chứng không quá nặng (tức là không đến nỗi phải nhập viện!) thì chỉ cách ly tại nhà. Hoàn toàn không có nơi cách ly tập trung và bác sĩ chăm sóc từng trường hợp dương tính như Việt Nam. Bởi vậy, càng ngày càng có nhiều người ở tâm dịch nếu có triệu chứng không quá nặng thì cũng không thể chờ xét nghiệm nữa mà tự cách ly và điều trị tại nhà (ví dụ như Deborah Copaken ở tờ Atlantic). Đó là chưa kể đến những người bệnh nhưng không có triệu chứng, chưa từng được xét nghiệm. Như vậy, con số thực tế người bị nhiễm Covid-19 có thể lớn hơn rất, rất nhiều con số 100,000 đã được xác nhận hiện nay.
Văn hóa tự do & Chủ nghĩa cá nhân của người Mỹ
Cuộc sống ở một đất nước tự do, khi người dân quen với việc tranh luận với chính quyền, làm theo những gì mình muốn, cùng với chủ nghĩa cá nhân đã ăn vào máu, khiến người Mỹ, đặc biệt là những người trẻ, không chịu ở nhà, giữ khoảng cách theo kêu gọi của chính quyền từ ban đầu. Ngày mà dịch bệnh ở mọi nơi trên nước Mỹ bùng phát—cái ngày mà, bạn biết đấy, cuộc sống của gia đình tôi thay đổi hoàn toàn—thì ở bờ biển Florida, nam thanh nữ tú vẫn đông nghìn nghìn. Khi phóng viên hỏi họ có sợ dịch bệnh không, một thanh niên “trẻ trâu” trả lời: “Tôi bị Corona thì tôi sẽ bị Corona thôi; dịch bệnh không thể ngăn tôi tiệc tùng được” Cả nước Mỹ sôi sục lên vì những lời bình luận thiếu hiểu biết này.
Tuy nhiên, cũng khó trách những người trẻ hoàn toàn vì ngay cả tổng thống và một số kênh truyền thông ủng hộ tổng thống cũng xem nhẹ loại “virus Tàu”/”cúm mùa” này từ ngày đầu tiên và thông tin ban đầu về dịch bệnh xoay quanh nguy cơ cho những người lớn tuổi, nên người trẻ và không có bệnh nền hẳn nhiên thờ ơ với Covid-19. Những ngày gần đây, với tình hình đại dịch leo thang và thái độ của tổng thống đã thay đổi 180 độ (!) về sự nghiêm trọng của Covid-19, hy vọng những người trẻ và những người ủng hộ Trump cũng sẽ nhìn nhận vấn đề rõ hơn.
Sức khỏe hay Kinh tế? Bài toán khó cho nước tư bản
Mỹ là nước tư bản chủ nghĩa và Trump có xuất thân là một nhà tài phiệt; bởi vậy, đồng tiền, hay nói đúng hơn là kinh tế luôn là vấn đề trọng yếu. Câu hỏi đặt ra là: Ở thời điểm này, sức khỏe cộng đồng hay kinh tế là ưu tiên số một? Quả thực là khó cho Trump vì kinh tế Mỹ đi lên trong hơn 3 năm qua vốn là nền tảng vững chắc nhất để Trump dựa vào cho cuộc tranh cử năm nay. Nào ngờ, giờ đây vì Covid-19, hầu hết các tiểu bang đã yêu cầu doanh nghiệp tạm đóng cửa, hàng triệu người thất nghiệp, cổ phiếu xuống dốc… Hơn ai hết, Trump muốn kinh tế Mỹ mở cửa trở lại càng sớm càng tốt. Nhưng chuyên gia y tế cộng đồng và bệnh truyền nhiễm đều cho rằng còn quá sớm để biết rằng bao giờ dịch mới tới đỉnh, và hạ đỉnh, có thể lên tới vài tháng nữa. Xung đột giữa quyền lợi kinh tế và an toàn sức khỏe cộng đồng khiến Mỹ loay hoay. Trang Vnexpress của Việt Nam có một bài phân tích khá rõ về tình hình này tại Mỹ.
Chính sự mâu thuẫn nội tại này khiến người Mỹ bất đồng quan điểm với chính quyền, và tranh cãi lẫn nhau về cách xử lý Covid-19. Ngay trong tiểu bang Pennsylvania tôi sống, khi thống đốc Tom Wolf hạ lệnh đóng cửa những cửa hàng, doanh nghiệp không trọng yếu để hạn chế dịch bệnh lây lan, hàng loạt chỉ trích nổi lên, cho rằng Thống đốc lạm quyền, thậm chí những lá đơn kiện đã ngay lập tức gửi lên tòa án để phán đối chính sách cứng rắn này. “Ai sẽ trả hóa đơn hàng tháng cho tôi đây?” – người dân thường khẩn khoản. “Giải pháp đối phó với Covid-19 làm hủy hoại kinh tế nghiêm trọng, phá sản chỉ trong nay mai” – doanh nghiệp giận dữ. “Chúng ta không thể để hậu quả của giải pháp còn lớn hơn vấn đề ban đầu” – Trump bức xúc. Ở nhiều tiểu bang và thành phố lớn, nỗi lo kinh tế làm chùn chân các nhà chức trách khi ra quyết định đóng cửa doanh nghiệp, nhà hàng, trường học, khiến cho dịch bệnh bùng phát mạnh — khi đó mọi giải pháp đều đã quá muộn (New Orleans hiện nay là một ví dụ điển hình)
Một vài tín hiệu tốt
Khi bóng đen Covid-19 vẫn con bao trùm toàn nước Mỹ (và vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới vì Mỹ chưa chạm tới đỉnh của dịch) thì một vài tín hiệu tốt đã bắt đầu le lói, mang lại ít nhiều hy vọng cho người dân:
Khi bài viết này vừa hoàn thành thì cũng là lúc chúng tôi nhận được chỉ thị “ở nhà trú ẩn” (stay-at-home/shelter-in-place order) từ thống đốc bang. Vẫn biết ngày này sớm muộn gì cũng sẽ tới nhưng nhận được chỉ thị, tôi cũng không khỏi suy tư. Ngày mai sẽ thế nào? Sẽ có thêm bao nhiêu người mắc bệnh, bao nhiêu người chết vì Covid-19? Cuộc chiến này sẽ còn đến đâu? Tôi không có câu trả lời. Nhưng tôi biết, điều tốt nhất mình có thể làm để ngăn chặn đại dịch là: Ở NHÀ (chưa bao giờ việc cứu người lại dễ như thế, đúng không?)
- Mỹ thông qua gói viện trợ 2 ngàn tỉ đô la, trong đó bao gồm trợ cấp cho doanh nghiệp, y tế, người dân trong thời kỳ dịch bệnh khó khăn. Đặc biệt trong đó người dân đóng thuế có thu nhập mức trung bình trở xuống sẽ được nhận $1,200/người và trẻ em nhận $500/cháu một lần duy nhất, dự định trong tháng 4/2020. Người thất nghiệp nhận thêm $600/tuần cho trợ cấp thất nghiệp trong vòng 4 tháng. Như vậy, ít nhất người dân, doanh nghiệp, và y tế có thể cầm cự thêm ít nhất một vài tháng.
- Sau nhiều lần từ chối, Trump cũng đã phải kích hoạt Luật sản xuất quốc phòng, buộc các doanh nghiệp tư nhân phải khẩn cấp sản xuất thêm máy trợ thở theo yêu cầu của chính quyền liên bang. Dù chưa biết bao giờ máy trợ thở mới đến được với các bệnh viện ở tâm dịch nhưng ít nhất doanh nghiệp tư nhân đã buộc phải vào cuộc.
- Trong khi lãnh đạo cấp cao còn mải đấu đá nhau, những tổ chức và cá nhân địa phương đã liên kết để chung tay chống dịch. Một số chương trình thiết thực hiện nay ở nhiều địa phương như: phát bữa ăn sáng và trưa miễn phí cho trẻ em hàng ngày, quyên góp và phân phát thực phẩm cho những gia đình khó khăn, may khẩu trang tặng cho bệnh viện, siêu thị dành thời gian mở cửa ưu tiên cho người lớn tuổi vào mua trước… Những chương trình từ địa phương như thế này giúp gắn kết con người và tạo ra thay đổi thiết thực tới từng hộ gia đình.
Be Present & Be Safe,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
====
Nguồn tham khảo:
https://www.cdc.gov/flu/about/burden/preliminary-in-season-estimates.htm
https://www.vox.com/science-and-health/2020/3/18/21184992/coronavirus-covid-19-flu-comparison-chart
Dr. Fauci on CNN: Dr. Fauci: You don’t make the timeline, the virus does
CNBC on medical bills: Why Medical Bills In The US Are So Expensive
https://time.com/5806312/coronavirus-treatment-cost/
https://www.bbc.com/news/world-us-canada-39945744
https://www.washingtonpost.com/politics/2020/03/12/trump-coronavirus-timeline/
https://www.businessinsider.com/trumps-critics-say-networks-should-stop-airing-coronavirus-briefings-2020-3
https://www.rollingstone.com/politics/politics-news/trump-coronavirus-federal-assistance-new-york-cuomo-972467/
https://abcnews.go.com/US/fbi-warns-potential-surge-hate-crimes-asian-americans/story?id=69831920
https://www.cnn.com/2020/03/27/politics/coronavirus-stimulus-house-vote/index.html
https://www.nbcnews.com/politics/donald-trump/trump-invokes-defense-production-act-force-gm-make-ventilators-coronavirus-n1170746
https://www.newyorker.com/news/news-desk/what-went-wrong-with-coronavirus-testing-in-the-us
https://www.nytimes.com/2020/03/28/us/testing-coronavirus-pandemic.html?
https://www.newyorker.com/news/news-desk/why-widespread-coronavirus-testing-isnt-coming-anytime-soon
https://www.theatlantic.com/family/archive/2020/03/my-whole-household-has-covid-19/608902/
https://www.nbcnews.com/news/us-news/florida-coronavirus-cases-surge-spring-breakers-express-regret-n1168686
https://vnexpress.net/the-gioi/my-loay-hoay-giua-bai-toan-kinh-te-va-covid-19-4073891.html
https://www.wfmz.com/video/two-lawsuits-were-just-filed-in-pennsylvania-challenging-governor-wolf/video_ff971b60-e5d1-53d8-b1f8-96847401f18b.html
Có cả một chiến dịch truyền thông dìm hàng Tây, nâng hàng TaChỉ là một bài được gom từ các tin tức khác rồi viết lại cho một chút nhận xét riêng. Chẳng có gì mới cả .