Tôi cũng trồng khá nhiều Lan. Trong vườn đủ loại cả. Cũng hay trò chuyện với các bạn trồng Lan khác. Nói chung, cây cảnh nhiều người thích và cũng đồng điệu. Tất nhiên, tôi cũng không lạ gì món var này.
Đầu tiên nói về giao dịch mua bán var. Cái này có. Nhưng tới mức vài chục tỷ như mấy cái clip thì là đang rắc thính lùa gà rồi.
Có thể nói, các bài vở của các anh ý rất trọng tâm và tất cả đều đánh vào lòng mong muốn kiếm tiền thật nhanh.
Tôi cũng từng được gửi, được nhiệt tình cho bán thiếu lan var. Còn có thể bán rồi cho gửi lại vườn. Các đảm bảo, lời hứa và giao kết cũng rất thật và rất sòng phẳng. Tuy nhiên, câu hỏi luôn trong đầu tôi là Tại Sao? Như rât nhiều nhà đầu tư khác, tôi phải trả lời được câu hỏi Tại Sao này rồi mới có thể xuống tiền hay không.
Lý giải thứ Nhất: Lan var là loại cây khó tính, rất hay mắc bệnh, chăm chút đòi hỏi phân, thuốc, mái che, tiểu khí hậu...rất cẩn thận nếu không nó sẽ èo uột và có thể tèo ngay. Vậy nên, các nhà vườn làng nhàng khó có thể xử lý tốt các điều kiện bảo đảm phát triển cho nó.
Nó có đẹp không? Cái này ai cũng trả lời được. Ai bảo đẹp thì là đẹp; ai bảo thường thôi thì nó là thường. Tất cả giống như tự sướng. Ví như hoa tết nhà ta thôi. Ta trưng rồi ta ngắm là chính, con cháu vài đứa chứ có mấy ai rỗi hơi đến ngắm hoa của bạn? Ông bảo cánh nó bay; ông bảo cánh nó đứng. Hôm nay HO ngon, tháng sau Yên Thủy ngon; mới đây Ngọc Sơn ngon...Thực chất thì ngon ra sao chỉ có người đưa ra bán, khoe lý giải. Nói chung, người có tiền tạo sân chơi thì họ có cái thế tạo tiếng thôi. Chứ bông hoa kia dù có tiên sa cá lặn gì thì nó cũng chỉ tồn taị 20 ngày tối đa. Hoa rữa tàn rồi mọc mầm, lên chồi...chỉ là qui luật thôi.
Vậy thì Tại Sao? câu trả lời tạm nghĩ về chuyện hoa Tulip khoảng trăm năm trước. Kịch bản có vẻ giống nhau; nhưng cách dựng vở và bơm ga nổi lửa của chúng ta đi sau ...100 năm!
Thế nhưng sao vẫn rộn ràng? người ta không ai hiểu kịch bản này sao? Xin thưa ai cũng hiểu hết. Nhưng nó sống được là nhờ cái nấc giá. Ngày này năm qua, nấc giá vài trăm triệu; nhưng hôm nay là vài tỷ đến vài chục tỷ rồi. Có khác gì vẫn mảnh đất đấy, năm ngoái mua 100, năm nay thị trường thổi lên 500. Đất còn nguyên được, ế thì trồng cây, cấy lúa nhưng Lan thì ...tại sao? Tại sao chỉ cần mua về tưới nước lã vài chục ngày dài thêm 1 xen bán theo cm đã lời lãi khắm?
Nhưng ai mua? Tại sao mua? Tại sao vì Lan là một thứ hoa. Người mua chơi hoa chứ ai chơi...cái mầm! Vậy mà mua bán cái mầm. Vậy đích thị là kẻ mua và người bán không phải người thưởng thức hoa mà là...con buôn!
Con buôn làm màu, làm giá, bán lại cho nhau...đó là thực chất. Nhưng nhờ mạng mẽo và những lời đồn ...các khán giả theo dõi trò này mới là then chốt. Họ bắt đầu bị hoa mắt và lao vào với từng cấp nấc và từng hoàn cảnh khác nhau. Đã lao vào, tất nhiên phải có chút tiền lót theo. Mỗi cái ki được lót theo mớ tiền...bao nhiêu mầm cộng lại tức thì tiền đang chuyển cho dòng lan này là đáng kể. Tất nhiên, tiền nó thành khung sắt, thành bia bọt, thành rượu tây, xe hơi...và giá trị thực thì vẫn là những mầm xanh treo trong lồng hay quá lắm thì cái giò lan mà họ bảo là...đột biến!
Bây giờ đến câu hỏi Tiền ở đâu ra và tiền đo của ai? Xin thưa rất dễ! Then chốt là tiền khán giả ngứa nghề nhào vô cuộc chơi. Tiền? Ít người có dư lắm chứ đừng nói bạc trăm triệu. Lại nhờ vào ngân hàng. Nhà nước gánh cho vì dù ngân hàng tư nhân thì cái nợ có thể thành xấu kia họ cũng từng Nguyễn Văn Bình mua O đồng! Tất nhiên là thế chấp. Nhà cửa, ruộng vườn ...cái sổ đỏ sổ xanh thế chấp thôi. Tiền ngân hàng được lưu thông giống như tăng trưởng, ruộng vườn, nhà cửa thì người chơi kia vẫn dùng. Mấy cái sổ xanh đỏ thì nằm trong két kỹ. Chưa chết ai. Đúng là lúc này chưa chết ai vì Hoa Tulip chưa vỡ bóng. Nếu nó vỡ, họa chăng chỉ ít ông bỏ dép dưới thềm lan can cầu Bình Lợi, tiệm lạc xoong bán nhanh ít cuộn dây thừng...
Thế nhưng cơn gió qua đi sẽ lắng lại và hậu quả của cây Sanh, cây Si, của Lộc Vừng, Chó Nhật...thì lâu lắm mới hồi phục.
Tôi từng đi tham quan những vườn lan tuyệt đẹp của Bình Dương, Bình Phước, Phú Thọ...vườn đẹp thật! nhưng khi chủ nhân nó giới thiệu hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn tỷ ...giá trị thì thật muốn bịt mũi. Bởi lẽ, chính họ cũng đang tự huyễn, tự mê hoặc họ về giá trị của hàng hoa.
Đã có rất nhiều những tình huống khóc không thành tiếng. Tôi chẳng thể kể hết. Nhưng chỉ nói với các bạn là, tiền ta để trong nhà còn sợ mất nữa là cái mầm lan cả chục tỷ treo lửng lơ trong lồng sắt kia. Bình Phước tháng trước, có 5 ông cầm cố rẫy vườn được đôi ba tỷ cùng bàn nhau rinh mấy mầm lan, Chăm không biết nên cứ gửi vườn. Một đêm nọ mấy thằng bịt mặt cắt khóa mang đi. coi camera rõ ràng thấy người nhưng toàn khẩu trang bịt mặt. Cả nhà khóc ngất! bởi nó là nhưng bát gạo cuối cùng bốc hơi!
Thế đấy! Lan vẫn sốt. Bia rượu và xe đưa đón chúng tôi đi thăm vườn vẫn sẵn sàng. Nhưng nươc mắt và sự suy, khánh kiệt của một số người đã được lãnh.
Hôm nay, tôi nói thêm là có đến 2 chủ vườn là con cháu nhà Xalong tôi đây. Chúng nó tuyệt không dám cãi lời tôi. Nhưng làm theo thì không vì chúng nó làm giàu theo cách chúng. Tất nhiên, lan var làm giàu cho chúng nó gấp bội. Cuối buổi nói chuyện với tôi, chúng nó bảo:" Cháu nghe lời bác đấy. Nhưng bây giờ còn kiếm được thì cháu chỉ dùng một phần tiền lãi tái đầu tư thôi. Cháu sẽ rút dần dần chứ rút ngay bây giờ anh em khó nói với nhau lắm.
Thế đấy! bọn họ hiểu cả đấy! hiểu và nắm rất rõ dòng tiền, dòng cây là lòng người. Nó hiểu cây nên buôn cây, hiểu tiền nên buôn tiền và hiểu rõ lòng người ta nên mở chai, đóng nắp là chuyện của người chơi cờ!
Nhưng còn các con cờ, người chơi lướt sóng? Nói như nhiều bác trên này: Không ai dắt tay ai vào cuộc chơi. Nhưng để tỉnh táo phân biệt thì có lẽ hơi khó khăn. Các cụ xưa nói đấy: Nhân tham tài nhi tử ...Điểu tham thực nhi vong.
Còm này tôi gõ, chắc chắn sẽ đụng chạm đến một vài bác đang lượn lờ tính đóng nắp vài gã khờ. Nhưng tôi nói thực, một tuổi nào đó, người ta sẽ tin và nhìn thấy quả kiếp. Rắp ranh đẩy gia đình người ta vào cùng quẫn, dỡ nhà họ để làm chuồng chó cho nhà mình thì...rồi sẽ thấy lúc cuối đời thôi!