Việt Nam mới chỉ đăng ký, chưa chốt mua vắc xin của Nga vì hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 sáng nay, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện một số nước đã có vắc xin ngừa Covid-19. Riêng vắc xin của Nga, hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Tuy nhiên, Việt Nam luôn xác định nếu không có vắc xin sẽ không thể trở lại cuộc sống bình thường nên Bộ Y tế vẫn đăng ký mua. Việc đăng ký cho thấy Việt Nam muốn hợp tác và nếu Nga đồng ý sẽ cung cấp sản phẩm để Việt Nam thử nghiệm. Song từ giai đoạn thử nghiệm đến khi tiêm rộng rãi có thể mất ít nhất nửa năm.
Vắc xin ngừa Covid-19 của Nga có tên Sputnik V ra đời đã làm thay đổi cuộc chạy đua về vắc xin
Bộ Y tế giữ quan điểm cứ có vắc xin nào tốt trên thế giới là đăng ký vì luôn kỳ vọng nó thành công, tuy niên chúng ta đăng ký thôi chứ chưa mua.
Trong thời gian chờ đợi vắc xin hiệu quả, người dân cần tiếp tục xác định chung sống với dịch an toàn, thay đổi thói quen toàn xã hội.
Trao đổi với VietNamNet, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cũng khẳng định, Việt Nam chưa chốt mua vắc xin của Nga.
“Bộ đã có văn bản gửi Chính phủ để đề xuất danh mục đề nghị Chính phủ Liên bang Nga tài trợ, trong đó có vắc xin phòng chống Covid-19”, ông Cường cho hay.
Hiện tại, Việt Nam có 4 đơn vị sản xuất vắc xin ngừa Covid-19, gồm: VABIOTECH, IVAC (Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế), POLYVAC (Trung tâm sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế) phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Công ty Nanogen.
Tuy nhiên theo đánh giá, tốc độ nghiên cứu và sản xuất vắc xin trong nước sẽ chậm hơn so với thế giới. Từ nay tới tháng 9, Việt Nam sẽ gửi 2 loại vắc xin ngừa Covid-19 của POLYVAC và VABIOTECH sang Mỹ để thử nghiệm lại.
Với vắc xin của POLYVAC, nếu kết quả đánh giá độc tính trên động vật gửi sang Mỹ an toàn, đơn vị này có thể tiến hành thử nghiệm trên người (thử nghiệm lâm sàng) vào cuối năm.
Ngày 11/8 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin thông báo Bộ Y tế nước này đã cấp phép cho loại vắc-xin Covid-19 mang tên Sputnik V do Viện Nghiên cứu Gamaleya và Bộ Quốc phòng Nga cùng phát triển.
Tổng thống Putin nhấn mạnh sự ra đời của vắc-xin Covid-19 là “bước tiến vô cùng quan trọng đối với thế giới”.
Ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Viện Nghiên cứu Gamaleya khẳng định, vắc xin ngừa Covid-19 của Nga có thể kéo dài thời gian bảo vệ lên tới 2 năm. Theo những thông tin ban đầu, loại vắc xin này có giá khoảng 10 USD/2 liều.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học trên thế giới cảnh báo, đây là loại vắc xin chưa hoàn chỉnh vì chưa thực hiện giai đoạn 3 - giai đoạn được xem là quan trọng nhất trong quá trình thử nghiệm, phải kéo dài nhiều tháng trên số lượng hàng nghìn mẫu. Đồng thời, số người tham gia thử nghiệm ở giai đoạn 1 và 2 là quá nhỏ so với quy định về thử nghiệm lâm sàng các loại vắc xin.
Hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, đang phối hợp với các quan chức y tế của Nga để tiến hành những cuộc thảo luận xem liệu vắc xin có đáp ứng tiêu chuẩn trước khi ra thị trường hay không.
WHO nói thêm, chất lượng của vắc xin trước khi tiêm rộng rãi phải có sự đánh giá kỹ lưỡng.