Em thấy ông này hay viết bài trăn trở về các vđ XH, mặc dù là doanh nhân
https://vnexpress.net/xa-hoi-hoa-vaccine-4233031.html
Thứ hai, 8/2/2021, 00:05 (GMT+7)
Trong suốt 15 năm qua, chúng tôi đã không nhận hoa chúc mừng cho hàng trăm sự kiện của công ty mình.
Hơn 15 năm trước, khi chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm thành lập 15 năm công ty tại Hà Nội, tôi nhận thấy có gì bất hợp lý khi khách mời gửi tặng hàng trăm lẵng hoa chúc mừng chỉ để trưng vài tiếng rồi vứt bỏ.
Tôi nghĩ, liệu mình có thể làm khác đi so với thói quen thông thường không. Lúc đó, kinh tế còn khiêm tốn, đời sống đa số người dân khá khó khăn. Giá một bát phở bình dân ở Hà Nội chỉ 15-20 nghìn đồng. Vậy mà một lẵng hoa loại thường cũng vài trăm nghìn. Một sự kiện, tiền thuê ca sĩ, thuê MC nổi tiếng ít nhất cũng vài chục triệu đồng, cộng với tiền lẵng hoa là những khoản lãng phí lớn nhất.
Nhớ cảnh nhân viên khách sạn khệ nệ bê lẵng hoa bỏ đi chỉ sau vài tiếng trưng ở sự kiện, tôi nêu câu hỏi với ban lãnh đạo. Tại sao không đề nghị khách mời thay vì tặng hoa và quà, bỏ tiền ủng hộ tùy tâm vào thùng quyên góp để làm từ thiện cho người nghèo, trẻ em cơ nhỡ. Đó là những "bông hoa", lời chúc cho doanh nghiệp và còn có ích cho xã hội. Ngay ngoài khách sạn kia thôi, bao nhiêu người không có một bữa ăn tử tế.
Chúng tôi đã thông báo trong giấy mời, rằng thay cho lẵng hoa chúc mừng, xin vui lòng quyên góp cho từ thiện. Số tiền khá lớn quyên góp ngay tại buổi lễ sinh nhật công ty đã được trao cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Thành phố Hà Nội. Các khách mời, đối tác, khách hàng của tôi sau đó còn nhắc, rằng họ bị ấn tượng và rất vui vì việc đó. Suốt 15 năm qua, tôi còn vui vì ngày càng nhiều tổ chức, doanh nghiệp lớn nhỏ cũng vận dụng ý tưởng này.
Tuần trước, con trai tôi đang học ở Canada gọi về, chính phủ nước họ thông báo đã dự trữ đủ vaccine Covid-19 cho toàn dân, hiện đang dư thừa và lên kế hoạch viện trợ cho các nước nghèo. Con tôi hỏi, ở Việt Nam, bao giờ nhà mình được
tiêm vaccine, giá bao nhiêu.
Canada và một số nước châu Âu, Mỹ đã nhanh chóng huy động được nhiều doanh nghiệp và các tỷ phú bỏ ra số tiền khổng lồ không chỉ cho các quỹ nghiên cứu vaccine mà còn thiết lập các quỹ trợ giá vaccine cho cả quốc gia. Ở
phần còn lại của thế giới, tạp chí Fortune dự báo trong năm 2021 sẽ chỉ có khoảng 10% dân số tại các nước nghèo được tiếp cận với vaccine Covid-19. Nguồn ngân sách tại các quốc gia đang phát triển không đủ lực để chi trả việc nhập khẩu vaccine cho toàn dân của mình.
"Khẩn cấp nhập vaccine Covid-19 từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa" là tuyên bố tuần trước của Thủ tướng ****************. Cá nhân tôi vui mừng vì sự phản ứng kịp thời, nhưng cũng tự hỏi, tiền đâu để Việt Nam
mua đủ vaccine cho gần 100 triệu dân?
Mặc dù có doanh nghiệp đang đứng ra đảm trách việc
nhập khẩu vaccine từ nước ngoài, song tất nhiên họ sẽ bán lại cho chính phủ và dân chúng. Ngân sách nhà nước đã phải dồn sức cho chống dịch nay nếu phải mua vaccine đủ cho gần 100 triệu người trong thời gian ngắn hiển nhiên là một thách thức lớn, dù chúng ta chưa biết vaccine được bán với giá nào. Đó là lý do tôi liên tưởng đến tinh thần thiện nguyện mà công ty mình đã thực hiện với "lẵng hoa".
Chúng ta có thể "xã hội hóa" niềm tin và đó là giải pháp có thể áp dụng để tiếp thêm nguồn lực cho vaccine Covid-19.
Tôi đang thấy nguồn tiền trong dân rất lớn đổ vào thị trường chứng khoán, bất động sản và cả từ thiện, liệu ta có thể khởi động ngay một chiến dịch huy động người dân và các doanh nghiệp đóng góp xây dựng quỹ mua vaccine của quốc gia?
Rõ ràng chúng ta đang cần tập trung tối đa nguồn lực cho chống dịch, bảo vệ sức khỏe toàn dân, mạng sống của nhiều con người. Đó là một sứ mệnh cần tinh thần thiện nguyện vượt lên trên hành động thông thường rất nhiều. Và tôi biết, trong mỗi con người, mỗi doanh nghiệp đều có tinh thần ấy.
Sắp Tết Nguyên đán, rất nhiều các khoản tiền đang chi cho hoạt động lễ hội, tiệc tùng, bắn pháo hoa, hoạt động giải trí. Nếu đó là nguồn tiền từ ngân sách nhà nước, có lẽ nên cắt giảm các hoạt động lễ hội, vừa để ngăn ngừa tiếp xúc đông người, vừa dành tiền cho chống dịch. Nếu đó là tiền của doanh nghiệp, thay vì tổ chức tất niên, tân niên ầm ĩ, họ có thể ủng hộ quỹ vaccine của chính phủ.
Mỗi đầu năm, dân chúng và nhiều cơ quan cúng lễ hàng chục nghìn tỷ cho cơ sở tôn giáo. Nếu chính phủ lên tiếng kêu gọi giảm bớt hoạt động này để dành tiền ủng hộ quỹ vaccine vì mạng sống của chính người dân, ý nghĩa sẽ lớn hơn rất nhiều.
Triết lý Phật giáo có câu "cứu một mạng người phúc đẳng hà sa". Thay vì bỏ tiền vào các hoạt động tâm linh, dành tiền mua vaccine là cứu chính gia đình mình, nhân viên trong doanh nghiệp mình, những người xung quanh và ngăn nguy cơ suy sụp của cả nền kinh tế.
Việc còn lại là ở cách xây dựng quỹ, cách thuyết phục cộng đồng, tổ chức quỹ minh bạch và liêm chính để dân chúng sẵn sàng tham gia cùng nhà nước. Hẳn ta còn nhớ, hàng trăm người từng góp tiền, vàng cho chính phủ vài chục năm trước.
Sau Đại hội Đảng lần thứ
XIII, một trong những thách thức đầu tiên và lớn nhất của Ban lãnh đạo mới của Đảng và Chính phủ là chống dịch thành công ở làn sóng thứ ba. Tạo đủ uy tín và niềm tin để xã hội hóa thành công việc tiêm vaccine và bảo toàn tinh thần chống dịch còn là uy tín của bộ máy mới với thế giới.
Đinh Hồng Kỳ