Góc nhét chữ vào mồm.
Báo chí VN tiếp tục bịa đặt khi đưa tin về Nga
Bài viết của chị Hoang Thi Hong Hoa
Đăng lại post của bạn mình Lý Xuân Hải. Báo chí Việt Nam cố tình dịch láo, bịa đặt hay vô tình vậy? (P.S. mình luôn nói với sinh viên của mình là các em phải thật cẩn trọng khi dịch những câu phát biểu của những người như Tổng thống Putin V.V., vì mỗi câu, mỗi từ đều có ý nghĩa sâu và được chọn lọc kỹ, và có ảnh hưởng đến cả... cục diện chính trị thế giới)
"Đọc một số báo viết về nước Nga, đất nước tôi hiểu khá rõ, tôi hay gặp cách đưa tin không đầy đủ và thấy sạn ngay khi đọc. Đôi khi cách cắt câu chữ làm hiểu sai chỉ một chút nhưng là bản chất câu chuyện. Ví dụ cụ thể là việc “Nga ủng hộ Trung Quốc ở tranh chấp Biển Đông”.
Gần đây nhất là: “Putin không loại trừ liên minh quân sự Nga Trung” với những câu nói được trích dẫn để chứng minh “Tổng thống Putin cho rằng liên minh quân sự Nga - Trung có thể hình thành trong tương lai, khi căng thẳng giữa hai nước với Mỹ gia tăng.”.
Hay TT Putin: “Mỹ, Nga đã hết thời. Trung Quốc sẽ làm anh cả của thế giới”.
Dưới đây là tin đưa của báo Việt Nam về 2 nội dung trên:
1.
https://vnexpress.net/putin-khong-loai-tru-lap-lien-minh-quan-su-nga-trung-4181470.html?fbclid=IwAR20a5IbdUmyxJlBLVnbSLfqVNBIxN985vwZvPQH3m4SwooP3XINVFeo8sI
2.
https://tuoitre.vn/ong-putin-my-nga-da-het-thoi-trung-quoc-se-lam-anh-ca-cua-the-gioi-20201023061926266.htm?fbclid=IwAR1r1c7yMJ94itt-5JaRYdkz3cpaP7nLylM-rpAgs4zwBfeXJwLLLiVjIa0
Đọc các nội dung này tôi rất ngạc nhiên vì quan hệ Nga-Trung không hề đơn giản. TT Putin vốn là cáo già trong trò chơi liên hoàn chiến lược và rất sắc sảo trong câu chữ.
Tôi vào trang chính thức của Kremlin nơi lưu trữ nguyên văn bài phát biểu của TT Putin ngày 20/10/2020 tại câu lạc bộ Valdai, một think tank kiểu Nga, một forum nơi các chính trị gia hàng đầu của Nga và các nước thảo luận về các vấn đề quốc tế và Nga.
Bài phát biểu và hỏi đáp kéo dài 2h42’ liên quan một loạt các vấn đề chính trị-kinh tế-xã hội-quân sự Nga và quốc tế, vai trò nhà nước, biến đổi môi trường và hiển nhiên là có cả về Covid-19... những vấn đề đang làm nóng thế giới. TT Putin không quên thể hiện cơ bắp của nước Nga và tham vọng giữ nguyên trật tự thế giới sau thế chiến thứ 2 nơi Nga thay vai trò của Liên Xô (là điều Trung Quốc và Mỹ đều không muốn: Mỹ muốn nhiều hơn còn Trung Quốc muốn chia lại). Và tất nhiên là có những lời có cánh về quan hệ cá nhân với TBT Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và quan hệ Nga -Trung, mối quan hệ chiến lược nhằm giữ yên biên giới phía Đông Nga nhằm chống đỡ với phía Tây bất ổn nhưng tham vọng.
Những quan điểm của TT Putin có thể nhiều người không đồng ý. Nhưng cách dịch và biên soạn của một số phóng viên theo tôi không ổn vì gây hiểu sai ý ông muốn nói. Kể cả là kẻ thù cũng cần hiểu đúng.
Cá nhân tôi đọc nguyên văn toàn bộ phát biểu và trả lời của TT Putin tôi hiểu vì sao ông ta nói vậy khi ông ta đứng từ vị thế của nước Nga.
Ai quan tâm biết tiếng Nga có thể vào đọc theo đường link tôi dẫn toàn văn nội dung buổi trao đổi.
Đây là bài phát biểu và trả lời của Tổng thống Putin:
Владимир Путин в режиме видеоконференции принял участие в итоговой пленарной сессии XVII ежегодного заседания Международного дискуссионного клуба «Валдай».
kremlin.ru
Trong đó có một số nội dung, một câu hỏi và trả lời như sau.
1. Liên quan đến trật tự thế giới:
“Trên thực tế, trật tự thế giới sau chiến tranh (thế giới thứ 2) được thiết lập bởi ba cường quốc chiến thắng: Liên Xô, Mỹ và Anh. Cho đến nay vai trò của Vương quốc Anh hiện đã thay đổi, Liên Xô hoàn toàn không còn tồn tại và ai đó đã cố gắng loại bỏ hoàn toàn Nga khỏi cuộc chơi.
Tôi xin cam đoan với các bạn, các bạn thân mến, chúng tôi đánh giá một cách khách quan những khả năng của mình về: trí tuệ, lãnh thổ, kinh tế và quân sự - cả năng lực của ngày hôm nay và tiềm năng trong tương lai. Và trong khi củng cố vị thế của đất nước mình, nhìn vào những gì đang diễn ra trên thế giới ở các quốc gia khác, tôi muốn nói với những người vẫn đang kỳ vọng sự tàn tàn lụi của nước Nga: trong trường hợp này, chúng tôi lo lắng về một điều duy nhất - làm thế nào để không bị cảm lạnh trong đám tang của quý vị.
Và với tư cách là nguyên thủ quốc gia, người trực tiếp làm việc trong môi trường mà bạn và các đồng nghiệp của các bạn đang nghiên cứu từ quan điểm chuyên gia, tôi không thể đồng ý rằng các kết cấu quan hệ quốc tế hiện có nên được xây dựng lại hoàn toàn, hoặc thậm chí là loại bỏ hoàn toàn vì đã lỗi thời và cần bị loại bỏ. Ngược lại, cần thiết phải tiếp tục duy trì tất cả các thiết chế cơ bản vốn đã chứng minh tính hiệu quả của chúng trong việc đảm bảo an ninh quốc tế. Đó là LHQ, Hội đồng Bảo an và quyền phủ quyết của các thành viên thường trực. Gần đây tôi đã nói về điều này tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Và, theo như tôi biết quan điểm này - duy trì các nền tảng của trật tự thế giới thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai - nhận được sự ủng hộ rộng rãi trên thế giới.
Nhưng bản thân ý tưởng về việc điều chỉnh cấu trúc thể chế của chính trị thế giới theo tôi ít nhất cũng đáng được thảo luận. Ít nhất cũng bởi thực tế cán cân lực lượng, khả năng và quan điểm của các quốc gia, như tôi vừa nói, đã thay đổi đáng kể, nhất là trong vòng 30 - 40 năm qua.
Đúng, như tôi đã nói, Liên Xô không còn nữa, nhưng có Nga. Xét về tiềm lực kinh tế và ảnh hưởng chính trị của mình, Trung Quốc đang tích cực nhắm tới vị thế siêu cường. Nước Đức cũng đang đi theo hướng tương tự, Cộng hòa Liên bang Đức trở thành một thành viên ngày càng quan trọng trong hợp tác quốc tế. Trong khi đó vai trò của Anh và Pháp trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế đã bị thay đổi đáng kể. Và ngay cả nước Mỹ, có thời điểm đã thống trị tuyệt đối thế giới, nay khó có thể đòi hỏi sự độc quyền quyền lực. Và nói chung, chắc gì nước Mỹ đã cần sự độc quyền quyền lực này? Đó là chưa kể các cường quốc như Brazil, Nam Phi và một số quốc gia khác đã mạnh lên đáng kể.
Đúng là không phải tất cả các tổ chức quốc tế đều đang thực hiện hiệu quả các sứ mệnh và nhiệm vụ được giao. Đáng lẽ phải là những trọng tài công bằng, họ nhiều khi hành động trên cơ sở định kiến tư tưởng, rơi vào tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của các quốc gia khác, và trở thành công cụ trong tay họ. Các thủ tục tung hứng, thao túng các đặc quyền đặc lợi và quyền lực, thiên vị... thật không may, đã trở thành thông lệ phổ biến, đặc biệt là khi xảy ra xung đột liên quan đến các cường quốc hoặc nhóm các quốc gia đối địch.
.... (đoạn này TT Putin chê một số nước và khen các sáng kiến của Nga tôi không dịch)...
Tôi nhắc lại, dù đời sống quốc tế đang bị trải rộng và phân tán đến đâu, có những vấn đề mà sự hợp lực chỉ của một số các quốc gia riêng lẻ, dù là các quốc gia rất quyền lực, cũng không thể giải quyết được. Những vấn đề ở cấp độ này đòi hỏi sự tập trung giải quyết ở mức độ toàn cầu.”
2. Liên quan liên minh quân sự với Trung Quốc:
“Giáo sư (người Trung Quốc) Yan Xuetong đặt một câu hỏi rất đơn giản và trực tiếp: liệu có thể tưởng tượng một liên minh quân sự giữa Trung Quốc và Nga không?
Vladimir Putin: Mọi thứ đều có thể tưởng tượng. Chúng tôi luôn xuất phát từ quan điểm rằng các mối quan hệ của chúng ta đã đạt đến mức độ tương tác và tin cậy cao đến mức chúng ta không cần đến mối liên minh (quân sự) ấy nữa, nhưng về mặt lý thuyết thì hoàn toàn có thể giả định.
Chúng ta cùng nhau tổ chức các hoạt động quân sự định kỳ, tập trận cả trên biển và trên bộ, ở Trung Quốc và ở Liên bang Nga, chúng ta trao đổi các thực hành tốt nhất trong lĩnh vực xây dựng quân đội. Chúng ta đã đạt đến mức độ tương tác cao trong lĩnh vực hợp tác quân sự-kỹ thuật, và đây có lẽ là điều quan trọng nhất, không chỉ là trao đổi sản phẩm hay mua bán sản phẩm quân sự, mà là về trao đổi công nghệ.
Ở đây có những điều rất nhạy cảm. Tôi sẽ không công khai nói về những điều ấy bây giờ, nhưng những người bạn Trung Quốc của chúng tôi biết về nó. Không nghi ngờ rằng sự hợp tác của chúng tôi với Trung Quốc sẽ làm tăng khả năng phòng thủ của Quân đội Nhân dân Trung Quốc, Nga mong muốn điều này, và Trung Quốc cũng vậy. Tuy vậy sự hợp tác này sẽ phát triển thế nào trong tương lai - cuộc sống sẽ chỉ ra. Nhưng hiện tại chúng tôi không đặt cho mình nhiệm vụ (xây dựng liên minh quân sự) ấy. Nhưng về nguyên tắc chúng tôi cũng không định loại trừ điều này. Vì vậy cứ để xem hồi sau sao đã.
Trong mọi trường hợp, chúng tôi hài lòng với cách thức thiết lập quan hệ giữa Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực (quân sự) này. Thật không may, chúng tôi đang đối mặt với những mối đe dọa mới. Ví dụ: ý định và tuyên bố của phía Mỹ về khả năng triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tất nhiên không thể không làm chúng tôi quan ngại, và hiển nhiên chúng tôi sẽ phải làm gì đó để đáp lại, đây là một sự thật hoàn toàn rõ ràng.
Tất nhiên, trước đó chúng tôi cần xem xét cụ thể, có khả năng sẽ xảy ra điều gì đó không, nếu có thì điều gì sẽ xảy ra, nếu điều ấy xảy ra sẽ tạo ra mối đe dọa nào cho chúng tôi và tùy thuộc vào điều này, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả để đảm bảo an toàn cho mình.”
3. Thú thật với câu hỏi ở 2 trong bối cảnh đang phải ve vãn Trung Quốc nhằm giữ yên biên giới phía Đông, cách trả lời của Putin là làm đẹp lòng nhưng chả có thông tin khỉ gì ngoài những cái cả thế giới đã biết từ tám hoánh.
Đó là hợp tác Nga Trung trong quân sự: đúng là có những bước hợp tác chặt chẽ hơn bao gồm cả chuyển giao những công nghệ khá mới, là đang cùng nhau chống lại sức mạnh của Mỹ, là cùng nhau hợp tác chống lại cấm vận.
Sự giả định chả bao giờ sai.
Nhưng cũng nhiều điều không nói ra công khai tại các cuộc gặp cấp cao nhưng ai cũng biết: tâm lý bài Trung và không tin Trung Quốc ở Nga rất lớn, tiềm ẩn tranh chấp lãnh thổ cực cao (một cậu Nga bảo tôi: Đố mày chỉ tao thấy nước láng giềng nào không có tranh chấp biên giới với Trung Quốc? Đó là thực tế.”), tham vọng của Trung Quốc chưa bao giờ để Nga thực sự tin Trung Quốc, hợp tác kinh tế đầy quả đắng mà nước Nga chưa tiêu thụ nổi, nhập cư bất hợp pháp, và hợp tác quân sự đằng sau một âm mưu khác lớn hơn v.v
Do vậy cách dịch và viết bài của nhiều báo theo tôi không ổn. Cảm nhận của tôi sau khi đọc báo và đọc nguyên văn câu trả lời và bài phát biểu của TT Putin là khác nhau hoàn toàn. Không biết có phải phóng viên không biết tiếng Nga, hay dịch từ báo khác bị dẫn dắt hay không hiểu hết vấn đề?