Ông Biden cấm cách gọi "virus Vũ Hán", "virus Trung Quốc"
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cấm liên hệ COVID-19 theo vị trí địa lý như cách mà người tiền nhiệm Donald Trump đã từng gọi "virus Vũ Hán", "virus Trung Quốc", gây nên làn sóng phản ứng dữ dội về phân biệt chủng tộc.
Trong bản ghi nhớ được công bố hôm 26/1 (giờ địa phương), ông Biden cho biết “các thuật ngữ mang tính chất kích động và bài ngoại đã gây nguy hiểm cho những cá nhân, gia đình, cộng đồng và doanh nghiệp người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương".
“Chính phủ liên bang phải thừa nhận rằng việc này đã đóng một vai trò nhất định trong việc thúc đẩy những quan điểm bài ngoại thông qua hành động của các nhà lãnh đạo chính trị, bao gồm cả việc đề cập đến đại dịch COVID-19 theo nguồn gốc địa lý của nó.
Những tuyên bố như vậy đã làm dấy lên nỗi sợ hãi vô căn cứ và kéo dài sự kỳ thị về người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương, đồng thời góp phần làm tăng tỷ lệ bắt nạt, quấy rối và tội ác thù địch đối với nhóm người này", bản ghi nhớ có đoạn.
Bản ghi nhớ của Biden yêu cầu các bộ ngành trong chính phủ đảm bảo các tài liệu, tuyên bố và hành động chính thức "không thể hiện hoặc góp phần vào phân biệt chủng tộc, bài ngoại và không khoan dung chống lại người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương".
Không có nhà lãnh đạo chính trị nào được nêu tên trong bản ghi nhớ, nhưng người tiền nhiệm của ông Biden là Donald Trump đã nhiều lần sử dụng các thuật ngữ như “vi rút Vũ Hán”, “bệnh dịch Trung Quốc” và “kung flu” khi nói về dịch COVID-19.
Một tuần sau khi xét nghiệm dương tính với COVID-19 vào năm ngoái, ông Trump nói rằng "đang ở trong trạng thái rất tốt" và "đã đánh bại loại virus Trung Quốc kinh khủng và điên khùng này".
Trong bản ghi nhớ, ông Biden chỉ ra rằng 2 triệu người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương đã làm việc với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và trong các vai trò hỗ trợ khác, góp phần vào nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 ở Mỹ.
Người Mỹ gốc Á đã báo cáo hơn 2.600 vụ việc mang tính thù ghét chỉ trong vài tháng vào năm ngoái, so với vài trăm vụ trong hầu hết các năm kể từ năm 1999, Aryani Ong, một nhà hoạt động nhân quyền và cựu luật sư dân quyền cho biết.