Yuval Noah Harari: Hậu coronavirus, thế giới của chúng ta sẽ ra sao?
Loài người đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Có lẽ, đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của thế hệ. Những bước đi của chính phủ và người dân trong vài tuần tới sẽ định hình thế giới trong nhiều năm nữa. Không chỉ định hình hệ thống chăm sóc y tế mà cả kinh tế, chính trị và văn hoá. Chúng ta phải hành động nhanh và quyết đoán, đồng thời dự trù cho những hậu quả sau này. Khi chọn lựa giữa các phương án, nên tự vấn bản thân không những phải làm sao để vượt qua mối đe dọa tức thời, mà còn về thế giới mà chúng ta sẽ tồn tại sau khi cơn bão này qua đi.
Đúng vậy, bão nào rồi cũng qua, loài người sẽ tồn tại, phần lớn chúng ta sẽ vẫn sống sót, nhưng sẽ sống trên một hành tinh rất khác. Nhiều biện pháp mang tính cấp cứu tạm thời nhưng sẽ để lại hậu quả trọn đời. Đó là bản chất của những giải pháp khẩn cấp. Chúng tua nhanh những quy trình trong quá khứ. Những quyết định mà bình thường có thể mất nhiều năm để cân nhắc sẽ được thông qua chớp nhoáng. Người ta cố ép buộc và đưa những công nghệ còn sơ khai , thậm chí nguy hiểm vào sử dụng bởi cho rằng, nếu không dám mạo hiểm, thì đó mới là điều mạo hiểm nhất.
Cả một quốc gia trở thành vật thí nghiệm trong những thử nghiệm xã hội quy mô lớn. Điều gì sẽ xảy ra khi tất cả đều làm việc tại nhà, liên lạc từ xa? Khi tất cả trường học đều chuyển lên trực tuyến? Bình thường, chính phủ doanh nghiệp và nhà giáo dục chả bao giờ đồng ý những thử nghiệm như thế. Nhưng giờ đâu phải lúc để chấp nhặt? Trong khủng hoảng, chúng ta đối mặt với hai lựa chọn quan trọng. Đầu tiên là giữa giám sát toàn trị và trao quyền công dân. Thứ hai là giữa cô lập quốc gia và đoàn kết toàn cầu.
Để chặn đứng đại dịch, toàn bộ dân chúng cần phải tuân thủ những quy định cụ thể. Có hai cách để làm được điều này. Một cách là chính phủ giám sát dân, và xử phạt bất kỳ ai vi phạm. Ngày nay, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, công nghệ có thể giúp theo dõi tất cả bất chấp đối tượng và thời gian. 50 năm trước, điệp viên KGB không thể theo dõi 240 triệu dân Liên Xô liên tục 24 tiếng mỗi ngày, cũng như chẳng thể xử lý thông tin thu thập một cách hiệu quả. KGB dựa vào những chuyên viên phân tích, và không thể cử từng người để theo dõi người dân được. Nhưng bây giờ, các chính phủ có thể dùng cảm biến khắp nơi và thuật toán siêu việt thay vì những tay gián điệp bằng xương bằng thịt.
Trong cuộc chiến chống corona, một số chính phủ đã áp dụng những công cụ giám sát mới. Đáng chú ý là Trung Quốc. Bằng cách giám sát chặt chẽ điện thoại thông minh, sử dụng hàng trăm triệu camera nhận diện gương mặt, và bắt buộc người dân phải kiểm tra vào báo cáo thân nhiệt và tình trạng sức khoẻ, nhà chức trách Trung Quốc không chỉ nhanh chóng tìm ra những đối tượng nghi nhiễm, mà còn theo dõi cả lịch trình và nhận diện bất cứ ai đã từng tiếp xúc. Một loạt các ứng dụng ra đời để cảnh báo người dân về khả năng tiếp xúc của họ với các ca nhiễm.
Công nghệ như thế không chỉ giới hạn ở Đông Á. ********* Israel Netanyahu gần đây cho phép Cơ quan an ninh Israel triển khai công nghệ giám sát vốn chỉ sử dụng để chống khủng bố để truy tìm bệnh nhân corona. Khi tiểu ban nghị viên từ chối uỷ quyền thực hiện, Netanyahu gây sức ép bắt buộc bằng một lệnh khẩn cấp. Bạn có thể tranh cãi rằng điều này chẳng có gì mới. Trong nhiều năm qua, chính phủ lẫn doanh nghiệp đã sử dụng nhiều công nghệ còn tiên tiến hơn để theo dõi, truy tìm và kiểm soát người dân.
Nhưng nếu chúng ta không cẩn thận, đại dịch này có thể đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử công nghệ giám sát. Không chỉ bình thường hóa chuyện dùng công cụ giám sát hàng loạt tại những quốc gia trước đây đã phản đối nó, mà còn báo hiệu một cuộc chuyển đổi mạnh mẽ từ “giám sát ngoài da" sang “giám sát dưới da". Điều đó có nghĩa là gì?
Trước giờ, khi ngón tay của bạn chạm vào màn hình smartphone để bấm vào một link nào đó, chính phủ sẽ muốn biết chính xác bạn bấm vào cái gì. Đó là giám sát ngoài da. Nhưng trong thời đại dịch virus corona, mối quan tâm đã thay đổi. Chính phủ nay còn muốn biết cả nhiệt độ của ngón tay và huyết áp của bạn nữa. Sự theo dõi đã tiến thêm một lớp sâu hơn.
Một trong những vấn đề chúng ta đang gặp phải khi nêu lên quan điểm về việc bị giám sát là không một ai biết chính xác chúng ta quá trình này diễn ra như thế nào, và công nghệ giám sát sẽ thay đổi ra sao trong những năm tới khi mà nó đang phát triển với tốc độ vũ bão. Những thứ tưởng chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng cách đây 10 năm giờ đã trở nên lỗi thời.
Ví dụ một thí nghiệm, một chính phủ giả định yêu cầu tất cả công dân phải mang vòng đeo tay sinh học giúp đo thân nhiệt và nhịp tim 24 tiếng một ngày. Kết quả sẽ được lưu trữ và phân tích bởi các thuật toán. Các thuật toán biết bạn có vấn đề về sức khoẻ trước cả chính chủ, chúng cũng biết bạn đã đi đâu, gặp ai, làm gì. Nhờ vậy, dây chuyền lây nhiễm có thể được rút ngắn hoặc chấm dứt hẳn. Một hệ thống như thế có thể dập được dịch bệnh chỉ trong vòng vài ngày. Nghe cũng có vẻ rất hứa hẹn, nhỉ?
Nhưng, mặt trái của nó, một cách hiển nhiên, chính là từ đây chúng ta sẽ chính thức hợp pháp hóa một hệ thống giám sát cực kỳ đáng sợ. Ví dụ, Nếu bạn biết tôi bấm vào link của Fox news thay vì CNN, bạn sẽ hiểu được phần nào quan điểm chính trị của tôi, và có lẽ cả tính cách của tôi nữa. Nhưng nếu bạn có thể theo dõi thân nhiệt của tôi, huyết áp và nhịp tim khi tôi xem đoạn video từ đường link đó, bạn sẽ biết điều gì khiến tôi vui vẻ, buồn bã, khóc lóc hoặc trở nên hết sức tức giận.
Một điều rất quan trọng cần phải ghi nhớ rằng, giận dữ, vui vẻ, chán chường và yêu thương đều là những phản ứng sinh học y như sốt hay ho vậy. Công nghệ áp dụng để phát hiện cơn ho cũng chính là thứ nhận diện các tiếng cười. Nếu doanh nghiệp và chính phủ bắt đầu đầu tư vào dữ liệu sinh học quy mô lớn, họ sẽ có thể đi guốc trong bụng chúng ta, và rồi không chỉ dừng lại ở việc dự đoán cảm xúc của ta, họ còn muốn thao túng những xúc cảm đó để “bán” cho ta những gì họ muốn, có thể là một món hàng hay thậm chí, một chính trị gia nào đó.
Giám sát sinh trắc học có thể hạ bệ chiến thuật xâm nhập dữ liệu của Cambridge Analytica thuở nào và khiến hệ thống này trông như một công cụ từ thời Đồ Đá. Hãy tưởng tượng Bắc Triều tiên vào năm 2030, khi mỗi người dân phải đeo vòng đeo tay sinh học 24 tiếng mỗi ngày. Nếu ai đó đang nghe ngài Lãnh tụ tối cao diễn thuyết mà vòng tay báo hiệu cảm xúc tức giận, thì thôi rồi, đời chú ấy coi như xong!
Tất nhiên, bạn sẽ nghĩ giám sát sinh trắc học chỉ là tạm thời trong tình trạng khẩn cấp quốc gia mà thôi. Hết dịch thì sẽ không áp dụng nữa. Nhưng, những biện pháp tạm thời thường lại “sống lâu" hơn cả tình trạng khẩn cấp, đặc biệt là khi những biến cố có thể ập đến vào buổi sớm mai nào đó bất chợt mà không ai dự đoán được.
Ví dụ, Israel quê hương tôi đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong cuộc chiến tranh giành độc lập 1948. Khi đó một loạt biện pháp tạm thời được áp dụng từ kiểm duyệt báo chí và tịch thu đất cho đến những luật đặc biệt liên quan đến làm bánh pudding (tôi méo đùa đâu).
Cuộc chiến tranh giành độc lập đã thắng lợi, nhưng Israel chưa bao giờ tuyên bố dừng tình trạng khẩn cấp, và thất bại trong việc bãi bỏ rất nhiều biện pháp “tạm thời" của 1948 (sắc lệnh pudding khẩn cấp, may mắn thay, đã bị thu hồi vào năm 2011).
Ngay cả không còn ca lây nhiễm virus corona nào, nhiều “chính phủ đói khát dữ liệu” có thể biện minh rằng, họ cần phải giữ hệ thống giám sát sinh học vì lo sợ sẽ có một làn sóng virus thứ hai, hoặc bởi vì sẽ có một chủng Ebola mới xuất hiện tại trung Phi, hoặc bởi vì blah blah...bạn biết rồi đó. Một trận chiến lớn đã nổ ra trong những năm gần đây xung quanh quyền riêng tư. Khủng hoảng virus corona có thể trở thành điểm bùng phát của trận chiến này. Khi con người phải lựa chọn giữa quyền riêng tư và sức khỏe, họ thường chọn sức khoẻ.
Trên thực tế, việc bảo ta chọn giữa quyền riêng tư và sức khỏe chính là ngọn nguồn của vấn đề. Bởi vì đó là một sự lựa chọn không hề hợp lý. Chúng ta nên được quyền hưởng cả riêng tư và sức khỏe. Chúng ta có thể chọn bảo vệ sức khoẻ và chặn đứng đại dịch không phải nhờ vào các chế độ giám sát toàn trị, mà là nhờ vào việc được trao quyền. Trong những tuần vừa qua, một số nỗ lực thành công nhất trong việc ngăn chặn coronavirus đã được thực hiện bởi Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore. Bên cạnh việc áp dụng một số phần mềm theo dõi, họ dựa phần lớn vào việc xét nghiệm quy mô lớn, báo cáo minh bạch, và sự hợp tác của những công dân với những cái đầu hiểu biết. Theo dõi tập trung và xử phạt nặng không phải là cách duy nhất để khiến dân chúng tuân thủ các chỉ dẫn. Khi người dân được biết những số liệu khoa học, và khi họ tin vào cơ quan công quyền trong việc công bố thông tin, họ sẽ hành động đúng đắn ngay cả khi không bị “Anh Cả Đỏ”- Big Brother theo dõi sát sao.
(Khái niệm “Big Brother” là đại diện của chế độ chống phá dân chủ, và kiểm soát nhân dân, xuất hiện trong tác phẩm 1984 của nhà văn George Orwell)
Một dân số có động lực tự thân và thông tuệ tin tức sẽ mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn nhiều so với một đám đông bị kiểm soát và bàng quan với thông tin. Lấy việc rửa tay bằng xà phòng ra làm ví dụ. Đây là một trong những tiến bộ vĩ đại nhất của lịch sử vệ sinh thân thể. Hành động đơn giản này đã cứu sống hàng triệu người mỗi năm. Trong khi ta xem nó là chuyện dễ như bỡn, thì phải biết là cho đến thế kỷ 19, các nhà khoa học mới phát hiện ra tầm quan trọng của rửa tay bằng xà phòng. Trước đó, cả bác sĩ và y tá khi di chuyển qua lại giữa các phòng mổ cũng đâu hề quan tâm tới tay họ có sạch hay không! Ngày nay, hàng tỷ người rửa tay hàng ngày, không phải bởi vì họ sợ cảnh sát phạt, mà bởi vì họ hiểu được sự thật khoa học. Tôi rửa tay với xà phòng bởi vì tôi biết có virus và vi khuẩn, và tôi hiểu những sinh vật nhỏ xíu này có thể gây bệnh và tôi biết biết xà phòng có thể tiêu diệt chúng.
Để đạt được cảnh giới tuân thủ và hợp tác đó, chúng ta cần niềm tin. Người dân cần tin vào khoa học, cần tin vào cơ quan công quyền, và tin vào truyền thông. Trong vài năm qua, những chính trị gia vô trách nhiệm đã cố tình phá hoại niềm tin của công chúng vào ba thứ đó. Bây giờ, cũng đám chính trị gia vô trách nhiệm đó đang trên đà lao vào con đường dẫn đến chủ nghĩa độc tài, không tin vào khả năng người dân có thể làm điều đúng đắn. Thường thì, niềm tin đã mục rỗng trong thời gian quá lâu khó mà có thể được cứu vãn chỉ qua một đêm. Nhưng chúng ta đang ở trong thời kì rất biến động. Trong giây phút khủng hoảng, niềm tin cũng có thể xoay chuyển tức thì. Chúng ta có thể khắc khẩu với anh chị em trong nhà trong nhiều năm trời, nhưng khi có việc mang tính khẩn cấp xảy ra, ta đột nhiên nhận ra mình ẩn chứa một tình thương và lòng nhân ái to lớn, và rồi ta nhanh chóng chìa tay ra để giúp đỡ họ. Do đó, thay vì xây dựng những thể chế giám sát, không bao giờ là quá muộn để tái xây dựng niềm tin của công chúng vào khoa học, và cơ quan công quyền và phương tiện truyền thông.
Chúng ta tất nhiên phải tận dụng công nghệ mới, nhưng những công nghệ này phải là trợ thủ đắc lực cho người dân. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc đo thân nhiệt và huyết áp, nhưng dữ liệu đó không nên được sử dụng để tạo ra một chính phủ lạm quyền. Thay vì thế, dữ liệu đó phải giúp tôi ra những quyết định chắc chắn hơn dựa vào thông tin tôi nhận được, và khiến chính phủ phải chịu trách nhiệm cho chính những hành động của mình.
Nếu tôi có thể theo dõi tình trạng sức khoẻ của mình 24 tiếng một ngày, tôi sẽ biết liệu mình có gây hại cho người khác không, và cả những thói quen hại tác động đến sức khoẻ của tôi. Và nếu tôi có thể tiếp cận và phân tích những thống kê đáng tin cậy về sự lây lan của coronavirus, tôi có thể đánh giá liệu chính phủ có đang nói sự thật không và liệu họ có đang chọn một chính sách đúng đắn để dập tắt dịch không. Bất cứ khi nào ta nói về giám sát, hãy nhớ rằng, cùng một công nghệ giám sát sẽ giúp chính phủ theo dõi người dân, và người dân cũng có thể theo dõi chính phủ, đây là mối quan hệ đồng đẳng, không phải theo hướng một chiều.
Do đó, Đại dịch corona do sẽ là một bài kiểm tra quyền công dân quan trọng. Trong những ngày sắp tới, mỗi chúng ta nên chọn tin số liệu khoa học và chuyên gia y tế thay vì thuyết âm mưu và những chính trị gia vị kỷ. Nếu chọn sai, ta sẽ thấy mình bị tước đi những quyền tự do quý giá nhất, miễn cưỡng cho rằng đây là cách duy nhất để bảo vệ sức khoẻ.
Sự lựa chọn quan trọng thứ hai là chọn giữa sự cô lập quốc gia và đoàn kết quốc tế. Cơn đại dịch và khủng hoảng kinh tế kéo theo là những vấn đề toàn cầu. Chúng ta chỉ có thể được xử lý hiệu quả bằng cách hợp tác quốc tế.
Đầu tiên, để đánh bại virus chúng ta cần chia sẻ thông tin một cách toàn cầu. Đây chính là ưu điểm to lớn của loài người so với virus. Một con corona ở Trung Quốc và một con corona ở Mỹ không thể rỉ tai nhau chia sẻ các bí quyết để lây nhiễm vào cơ thể con người. Nhưng Trung Quốc thì lại có thể chia sẻ cho Mỹ những bài học quý giá về virus corona và cách ngăn chặn chúng. Phát hiện mới của một bác sĩ người Ý vào buổi sáng ở Milan có thể cứu rất nhiều người Tehran vào buổi chiều tối cùng ngày. Trong khi chính phủ Anh đang còn chần chừ trong các quyết sách của mình, họ có thể tiếp nhận lời khuyên từ chính phủ hàn Quốc, quốc gia đã chịu những khủng hoảng tương tự từ 1 tháng trước. Nhưng để thực hiện được điều này, nhân loại cần một sự đồng điệu về tâm hồn trong sự hợp tác và tin tưởng lẫn nhau. Trong thời gian sắp tới, mỗi cá nhân cần lựa chọn tin tưởng vào khoa học và các chuyên gia sức khoẻ thay vì những lý thuyết chưa được kiểm chứng hay những chính trị gia vị kỷ. Các quốc gia cần sẵn sàng chia sẻ thông tin cởi mở và khiêm tốn. Chúng ta cũng cần sự nỗ lực toàn cầu để sản xuất và phân phối các vật dụng y tế, hay đáng nói nhất là các bộ kit xét nghiệm và các máy hỗ trợ hô hấp. Thay vì một quốc gia tự gồng mình lên để giải quyết và cố gắng “sưu tập” hết tất cả những máy móc mà mình có thể, sự đồng tâm hiệp lực giữa các nước chắc hẳn sẽ đầy nhanh quá trình sản xuất và đảm bảo cho việc các thiết bị hỗ trợ y tế được phân phối đều và hợp lý.
Cũng giống như các quốc gia đề cao và ưu tiên những ngành công nghiệp quan trọng trong chiến tranh, cuộc chiến đấu giữa loài người và virus đòi hỏi ta phải “nhân hoá” các dây chuyền sản xuất quan trọng và cấp thiết. Một quốc gia giàu có với ít trường hợp nhiễm virus corona nên sẵn sàng sẻ chia các thiết bị y tế với một quốc gia khó khăn nhưng có nhiều ca bệnh hơn và tin tưởng vào sự hỗ trợ ngược lại từ khác quốc gia khác nếu mình không may lâm nguy. Chúng ta cũng có thể thực hiện biện pháp tương tự với đội ngũ nhân viên y tế. Các nước ít bị ảnh hưởng có thể gửi các nhân viên y tế trợ giúp cho những khu vực bị ảnh hưởng tệ hại nhất trên thế giới, với mục đích vừa giúp cho đối phương trong thời điểm khó khăn nhất, vừa học hỏi nhiều kinh nghiệm. Nếu chẳng may, chiều hướng phát triển của dịch bệnh xoay chiều, thì mũi tên giúp đỡ sẽ đi theo chiều ngược lại. Sự hợp tác toàn cầu cũng nên xuất hiện ở bình diện kinh tế.
Bản chất toàn cầu của nền kinh tế và các chuỗi cung ứng là bất biến, nếu mỗi chính phủ đều bất chấp lợi ích của quốc gia khác và hành động động lập, hậu quả sẽ không gì ngoài sự hỗn loạn và chìm sâu vào khủng hoảng. Chúng ta cần một kế hoạch phản ứng toàn cầu, càng nhanh càng tốt. Một điểm nữa cần lưu ý chính là sự thoả thuận về việc đi lại. Việc cấm cản đi lại và di chuyển quốc tế trong nhiều tháng liền sẽ gây ra hậu quả tiêu cực lâu dài, giảm tiến độ ngăn chặn bệnh dịch. Các quốc gia cần hợp tác, ít nhất là cho phép các cá nhân có tính ảnh hưởng được xuất-nhập cảnh như: các nhà khoa học, các bác sĩ, nhà báo, chính trị gia hay thương nhân. Điều này có thể thực hiện dựa trên sự đồng thuận về việc “tầm soát trước” những người di chuyển ngay từ tổ quốc của họ. Nếu chúng ta biết rằng những hành khách di chuyển đã được kiểm tra và tầm soát kỹ lưỡng, việc cho phép nhập cảnh sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Thật không may, vào thời điểm này, các quốc gia lại không có bất kỳ động thái nào. Cộng đồng quốc tế đang trong trạng thái tê liệt. Thế giới như một căn phòng đầy trẻ nít không có người lớn trông nom. Người ta trông chờ vào một cuộc họp khẩn cấp với sự hiện diện của các lãnh đạo toàn cầu để tìm ra một “phác đồ điều trị” từ nhiều tuần nay. Cuối cùng, mong ước thành sự thật khi các lãnh đạo G7 cuối cùng cũng tổ chức một cuộc họp trực tuyến vào tuần này, nhưng kết quả vẫn vô vọng. Trong các đợt khủng hoảng toàn cầu trước đây, như lần khủng hoảng kinh tế năm 2008 và đợt dịch bệnh Ebola năm 2014 - Mỹ đã thực hiện vai trò của một thống soái.
Tuy nhiên lần này, chính phủ Mỹ đã lựa chọn quẳng gánh lo đi và khư khư ôm lấy “sự tuyệt vời của nước Mỹ”, bỏ mặc tương lai của nhân loại. Mỹ đã lựa chọn nước cờ bỏ rơi cả những đồng minh thân thiết của mình. Khi Mỹ cấm tất cả các thể loại nhập cảnh của các nước EU, họ thậm chí không buồn đánh tiếng cho EU biết về quyết định này chứ đừng nói tới việc lịch sự tham khảo ý kiến của đối phương về quyết định mạnh bạo của mình. Mỹ thậm chí còn khiến Đức hoảng hồn khi đưa ra “cơ hội” được sở hữu độc quyền vắc xin Covid-19 mới từ một công ty dược phẩm ở Đức với giá 1 tỉ đô. Cho dù cuối cùng chính quyền Mỹ có trở lại và hô hào về một chiến lược phản ứng toàn cầu, chắc sẽ có rất ít ai chịu phục tùng một vị lãnh đạo không bao giờ biết chịu trách nhiệm, nhận ra lỗi sai của mình, một kẻ chỉ biết vơ vét hào quang về mình và đổ lỗi cho người khác.
Nếu vị trí của Mỹ không được lấp đầy bởi ai khác, chẳng những sẽ khiến bệnh dịch khó dập tắt hơn mà dư âm của trận này sẽ còn đầu độc các mối quan hệ quốc tế trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, trong nguy có cơ. Chúng ta “phải” hy vọng rằng dịch bệnh lần này sẽ giúp loài người hiểu sâu sắc về sự nguy hiểm của chia rẽ toàn cầu. Nhân loại cần đưa ra lựa chọn. Liệu nên tiếp tục đi sâu vào lối mòn của sự chia rẽ hay rẽ lối sang con đường gắn kết toàn cầu?
Nếu lựa vế trước, đây không những là quyết định kéo dài cuộc khủng hoảng mà còn dẫn đến những thảm hoạ khác trong tương lai. Nếu lựa chọn sự gắn kết thì đó không chỉ là khải hoàn vinh quang của loài người với virus corona, mà còn với tất cả các bệnh dịch và khủng hoảng đang rình rập nhân loại trong thế kỷ 21.
Nhã Nhi - Quốc Khánh
(Lược dịch từ bài trên Financial Times ngày 20/3/2020
https://on.ft.com/3bgpJNC)
Tham khảo thêm bài trước của Harari: Trong cuộc chiến chống Corona, loài người tìm đâu một thống soái?
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10104583938008657&set=a.622684688107&type=3
Ảnh:
https://bit.ly/3acwSyC