Gửi các cụ một bài viết rất hay từ nước Mỹ trong những ngày đại dịch.
Cuộc Chiến Chống Covid-19 ở Việt Nam Nhìn Từ Vùng Dịch New York
Việt Nam - một quốc gia đang phát triển, nơi nhiều người dân vẫn đang phải vật lộn với hậu quả chiến tranh - đã xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19 theo cách sáng suốt và hiệu quả.
news.zing.vn
''Cho tới tuần trước, chúng ta vẫn không thể biết được ngày hôm nay thế giới sẽ ra sao. Hôm nay cũng không đoán được tình hình ngày mai.
Theo thống kê mới nhất của Đại học Johns Hopkins, hiện có 9.415 trường hợp nhiễm virus corona tại Mỹ và 150 ca tử vong. Tại New York nơi tôi sinh sống có 20 ca tử vong, cao thứ 2 so với các khu vực khác của Mỹ. Tất cả trường học, quán bar, nhà hàng và địa điểm giải trí công cộng đã được lệnh đóng cửa.
Mỗi ngày, tôi cũng theo dõi con số thống kê tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam và lo lắng cho những người bạn của mình ở đó. Cho tới nay, Việt Nam có 85 ca nhiễm và may mắn thay chưa có trường hợp nào tử vong.
So sánh như vậy không phải để nói rằng chúng tôi đang chịu tổn thất nhiều hơn các bạn. Trái lại, tôi muốn thể hiện một quan điểm khác.
Việt Nam - một quốc gia đang phát triển với mức thu nhập trung bình, nơi nhiều người dân vẫn đang phải vật lộn với hậu quả chiến tranh - đã xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19 theo cách sáng suốt và hiệu quả hơn quốc gia thịnh vượng nhất thế giới là Mỹ.
Dĩ nhiên dịch bệnh không chừa một ai, nhưng gánh nặng Covid-19 trên vai các tầng lớp trong xã hội là khác nhau. Đây là điều thường thấy khi xảy ra khủng hoảng.
Đối với tầng lớp công nhân viên, nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất là bác sĩ, y tá, điều dưỡng chăm sóc trẻ em và người già, nhân viên thu ngân tại các siêu thị và cửa hàng tạp hóa hiện vẫn hoạt động.
Người nghèo có tỷ lệ mắc bệnh nền cao như tiểu đường, tim, cao huyết áp và hệ thống miễn dịch dễ bị tổn thương. Do vậy, họ là nhóm có nguy cơ tử vong cao nếu nhiễm Covid-19.
Tình hình hiện nay không phải là lỗi của các chuyên gia tận tâm đang làm việc tại các cơ sở y tế công. Lỗi thuộc về hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng tôi, một hệ thống đáng xấu hổ đối với một quốc gia thịnh vượng như Mỹ.
Đầu tuần, trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh, một nữ bệnh nhân ung thư nhiễm Covid-19 đang điều trị tại New York cho biết sau khi được bác sĩ khám, xét nghiệm và hai lần được đưa đến viện cấp cứu, cô đã phải trả tổng cộng 15.000 USD. Số tiền này tương đương 348.082.500 VND theo tỷ giá hối đoái tôi vừa tìm hiểu. Chi phí xét nghiệm là 100 USD, chưa bằng 1% số tiền cô phải trả.
Không chỉ vậy, tại tòa án, các chính trị gia dường như còn xoáy thêm vào nỗi hổ thẹn ấy bằng cách cáo buộc đạo luật “Obamacare” là vi hiến! Đây là một đạo luật mà chúng tôi đã rất nỗ lực để có được nhằm cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Những thất bại hiện nay là kết quả của sự tự mãn, thái độ “bình chân như vại” và vô cảm của con người, đặc biệt là từ chính quyền hiện nay. Thậm chí, tồi tệ hơn là thông tin chính phủ cung cấp cho chúng tôi còn sai đi sai lại, chưa kể những động thái gây sốc khác.
Tổng thống Trump tuyên bố với người Mỹ rằng chúng tôi không phải lo lắng, vì virus corona chủng mới cũng chỉ như bệnh cúm thông thường và nước Mỹ đã kiểm soát được dịch bệnh. Ông nói với người dân rằng số ca nhiễm Covid-19 đã giảm trong khi trên thực tế, con số này đang tăng chóng mặt.
Tổng thống Trump trấn an chúng tôi rằng dịch bệnh sẽ biến mất vào tháng tới khi thời tiết ấm áp hơn; nhưng trên thực tế, chắc chắn tình hình sẽ tồi tệ hơn gấp nhiều lần.
Tổng thống Trump còn nói với chúng tôi rằng mọi người đều được xét nghiệm. Trên thực tế, đến tận tháng thứ ba của cuộc khủng hoảng, chỉ một phần rất nhỏ trong số hàng triệu xét nghiệm cần thiết được thực hiện. Trong khi các quốc gia khác trả kết quả cho bệnh nhân trong vòng một ngày, ở đây mọi người phải chờ 4-5 ngày, kể cả tại những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất.
Tổng thống của chúng tôi tuyên bố các công ty bảo hiểm tư nhân sẽ chi trả cho tất cả phí xét nghiệm và điều trị. Trên thực tế, các công ty này chỉ trả tiền xét nghiệm mà không bao gồm viện phí.
Tổng thống Trump còn khăng khăng bảo vệ quan điểm đây là loại “virus Trung Quốc”, cho dù ông đã bước đầu thừa nhận tính nghiêm trọng của vấn đề. Trong khi đó, mọi chính phủ có trách nhiệm trên thế giới đều nhận thức được rằng Covid-19 là vấn đề toàn cầu.
Virus không có quốc tịch, không hộ chiếu, và để đánh bại dịch bệnh thì cần sự chung tay hợp tác của toàn bộ thế giới. Điều này không có chút liên quan gì đến triết lý “Nước Mỹ trên hết".''
-trích một phần bài viết của nhà báo George Black cho Zing.vn. George Black là một nhà báo người Mỹ gốc Scotland, hiện sinh sống và làm việc tại New York. Ông tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành ngôn ngữ văn chương tại Đại học Oxford (Anh). Trong suốt 35 năm làm báo, ông đã cộng tác với nhiều vai trò khác nhau cho các tờ báo và hãng thông tấn như New Yorker, Nation, Los Angeles Times, Guardian, BBC, CBC, PBS, NPR. Ông còn là tác giả nhiều đầu sách về chính sách đối ngoại của Mỹ.