Đây là căn nhà 48 Hàng Ngang, nơi bác Hồ đã viết Bản Tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chuyện ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội...
Tại một căn phòng trên gác ngôi nhà số 48 Hàng Ngang giữa 36 phố phường Hà Nội cổ kính của doanh nhân yêu nước Trịnh Văn Bô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện trách nhiệm trước sứ mệnh lịch sử, viết Bản Tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bà Tuyết Anh vui nghỉ tuổi già tại nhà riêng ở phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một
Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về tới làng Phú Thượng, ngoại thành Hà Nội (23-8-1945) thì tại Huế vua Bảo Đại mới thoái vị, lực lượng bảo hoàng cùng bộ máy Nam triều đã bị tan rã nhưng vẫn chưa từ bỏ quyền lực. Trong bối cảnh ấy, mặc dù việc Bác trở về Hà Nội được chuẩn bị chu đáo, nhưng sự lựa chọn địa điểm đầu tiên tiếp cận với địa bàn thủ đô, thực hiện những quyết định quan trọng đối với vận mệnh quốc gia chắc chắn phải là một vấn đề rất hệ trọng. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, Trung ương Đảng đã chọn và bố trí cho Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương đến ở, làm việc tại nhà số 48 Hàng Ngang, một gia đình tư sản yêu nước, được giác ngộ cách mạng và là một trong những cơ sở tin cậy ở nội thành. Và chính tại căn nhà này Hồ Chủ tịch đã soạn Bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ cho dân tộc.
Trước Cách mạng Tháng Tám, ông Trịnh Văn Bô (1914- 1988) và bà Hoàng Thị Minh Hồ là hai vợ chồng chủ nhân ngôi nhà 48, Hàng Ngang, Hà Nội. Giữa những năm 1940 của thế kỷ trước, gia đình ông Trịnh Văn Bô với tên hiệu Phúc Lợi đã nổi lên như một gia đình giàu có bậc nhất ở Hà Nội. Hai ông bà sinh được 7 người con gồm 5 trai và 2 gái. Chính lòng yêu nước đã gắn kết gia đình ông Trịnh Văn Bô với cách mạng. Trong “Tuần lễ vàng”, gia đình ông đã đóng góp 5.147 lạng vàng và vận động mọi người ủng hộ trên 1.000 lạng vàng cho cách mạng.
Bà Trịnh Tuyết Anh, con gái thứ ba trong gia đình, đã nghỉ hưu ngụ tại phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một cho biết, bà là con em cán bộ được Bác Hồ gửi sang Trung Quốc học văn hóa từ 1951-1957, là bạn học cùng con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GS - TS Võ Hồng Anh. Sau khi về nước hai người cùng học trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành cơ khí. Tốt nghiệp và làm việc ở Bộ GTVT. Bạn đời của bà là chàng trai đất Thủ, ông Cao Anh Tài, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau đó được cử đi học tại Liên Xô (cũ), về nước làm việc ở Bộ GTVT. Hai người là nhân chứng trong ngôi nhà 48, Hàng Ngang - Hà Nội.
Gặp bà Trịnh Tuyết Anh đúng dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 tại nhà riêng ở phường Phú Lợi, bà đã trải lòng với những cảm nhận sâu sắc về quê hương đất Thủ, vùng đất bà đã gắn bó từ sau giải phóng đến nay. Bà cho biết rất phấn khởi trước sự phát triển vượt bậc của Bình Dương trên con đường công nghiệp hóa. Bình Dương cũng đã dành sự quan tâm, chăm sóc rất tốt cho các đối tượng chính sách, các lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí, tạo sự an tâm, tin tưởng lớn trong toàn xã hội.
CÔNG TRÌNH - QUỐC HÙNG
Tin bài cùng chủ đề