(Dân trí) - Đợt dịch thứ 4 bùng phát như "cú đấm bồi" khiến hàng loạt spa, tiệm làm móng, phòng gym... "ngã gục". Nhiều người gầy dựng sự nghiệp nhiều năm giờ tan tành như mây khói.
dantri.com.vn
Đợt dịch thứ 4 bùng phát như "cú đấm bồi" khiến hàng loạt spa, tiệm làm móng, phòng gym... "ngã gục". Nhiều người gầy dựng sự nghiệp nhiều năm giờ tan tành như mây khói.
Chỉ mong lấy lại 30% vốn
Ngành làm đẹp được đánh giá là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Hai năm qua, hàng ngàn spa, tiệm làm móng, phòng gym ở TPHCM đã phải đóng cửa vì "tiền đâu mà duy trì". Khi tìm kiếm trên Google với từ khóa "sang tiệm spa ở TPHCM" chỉ 0,64 giây, bạn đọc có thể thấy hơn 6 triệu kết quả.
"Sau đợt giãn cách đầu tiên năm 2020, tiệm vắng khách dần. Có những lúc cả tháng chỉ được vài khách quen tới làm móng, gội đầu. Thu nhập giảm 8/10 nhưng tôi vẫn cố duy trì vì đây là công sức gần 10 năm tôi cố gắng", chị Huỳnh Thu Hà (chủ spa, làm móng ở quận Gò Vấp) chia sẻ.
Cuối năm 2020, để vực dậy spa sau nhiều ngày "ế" khách, chị Huỳnh Thu Hà đã đầu tư gần 300 triệu để trả chi phí mặt bằng và lương nhân viên. Chị còn vay mượn thêm gần 100 triệu đồng để mua sắm thêm "đồ nghề". Khi đó, chị hy vọng sang năm 2021 công việc sẽ thuận lợi trở lại. Tuy vậy, dịch
Covid-19 đã khiến những cố gắng của chị Huỳnh Thu Hà tan như bọt biển.
Nhấn để phóng to ảnh
Chị Hà mong muốn sớm sang tiệm để lấy tiền hết dịch về quê.
"Đợt trước Tết còn có khách, sau đó lại vắng cho đến khi TP giãn cách. Có những khi cả tuần tôi không ngủ được vì lo lắng. Tôi cho nhân viên nghỉ hết vì không đủ tiền trả lương. Tôi đã khóc rất nhiều khi thấy mình đứng trước nguy cơ phá sản, nợ nần", chị buồn bã nói.
Tháng 8, chị Huỳnh Thu Hà đã quyết định sang tiệm vì "càng kéo dài càng lỗ". Ban đầu, chị đưa ra giá sang tiệm là 400 triệu đồng, gồm 6 tháng tiền thuê nhà hơn 100 triệu đồng, bàn ghế, mỹ phẩm, đồ làm móng.
"Hơn một tháng nay chưa một ai gọi đến hỏi sang tiệm hay gì cả. Càng kéo dài tôi càng lo. Giờ có ai sang tiệm khoảng 300 triệu đồng là tôi sang ngay. Tôi đã đầu tư vào đây gần một tỷ đồng và tâm huyết của tôi gần 10 năm qua. Tiếc lắm, tôi sang để lấy tiền hết dịch về quê", chị Huỳnh Thu Hà tâm sự.
Cùng hoàn cảnh như chị Huỳnh Thu Hà, chị Nguyễn Hoàng Anh (chủ spa tại quận Tân Bình) cho biết: "Em đăng tin sang spa từ đầu năm đến giờ mà vẫn chưa có ai sang. Ban đầu rao giá 500 triệu, giờ chỉ cần 200 triệu em sang luôn. Dịch nên mình cũng không trách ai được. Tiếc là công sức, tiền bạc của mình bao năm qua giờ tan nát hết".
Nhấn để phóng to ảnh
Anh Thu đã đầu tư hơn 2 tỷ mở phòng gym với nhiều máy móc hiện đại nhưng phải đóng cửa gần 2 năm qua.
Bán tạ theo kg, bán máy chạy bộ chỉ 1/3 giá
Không còn giữ được sự lạc quan, gương mặt anh Thu (ngụ Quận 6, tên nhân vật đã được thay đổi) hằn lên nỗi lo âu vì phòng gym phải đóng cửa nhiều tháng. Anh không còn đủ tiềm lực để duy trì phòng gym từ trước khi TP giãn cách. Sau nhiều tháng sang nhượng bất thành, anh quyết định bán từng món đồ một để lấy tiền lo chi phí sinh hoạt.
"Xót xa, buồn bã, tan nát hết rồi. Sang nhượng không được, bán trọn gói không được thì bán lẻ từng món đồ kiếm tiền ăn qua ngày. Tạ mua vài triệu một bộ giờ bán theo kg, như bán sắt vụn. Máy chạy bộ, máy tập... cũng chỉ bán bằng 1/3 giá, dù còn rất mới", anh Thu tâm sự.
Hơn một năm qua, anh Thu đã tìm mọi cách để kéo dài hoạt động của phòng gym nhưng đến nay thì mọi thứ đã quá sức chịu đựng. Anh đành chấp nhận thất bại nặng nề vì "không còn cách nào khác". Tính tổng chi phí anh đầu tư cho phòng gym cũng hơn 2 tỷ đồng.
Nhấn để phóng to ảnh
Bộ tạ anh Thu đầu tư tiền triệu giờ phải bán theo ký để kiếm tiền sinh hoạt.
"Ai có thể vay mượn được thì cũng đã vay mượn. Giờ dịch chưa biết khi nào kết thúc nên chắc chắn thời gian tới phòng gym cũng khó hoạt động lại bình thường. Nhiều khi tôi không nghĩ mình sẽ gục ngã đau đớn thế này. Giờ đành chấp nhận thôi", anh Thu than thở.
Sau gần 1 tháng, anh Thu cũng chỉ bán được 2 chiếc máy chạy bộ và hơn chục bộ tạ. Số tiền chỉ đủ anh và gia đình dùng trong một tháng. Nếu không sang được phòng gym, thời gian tới anh sẽ còn nhiều khó khăn hơn nữa.
"5 năm trước mình đã bỏ công việc văn phòng ổn định với mức lương hơn 30 triệu đồng để mở phòng gym. Đây là đam mê của mình từ nhỏ nên mình vay mượn rất nhiều để đầu tư. Giờ chỉ mong thanh lý được càng nhiều đồ càng tốt. Phải từ bỏ thôi", anh Thu buồn bã nói.
Nhấn để phóng to ảnh
Một bộ đồ từ phòng tập anh Thu vừa rao bán thành công.
Theo anh Thu, trong hội gym tại TPHCM, hàng trăm anh em đã phải cay đắng chấp nhận đóng cửa. Nhiều anh em chỉ mới mở phòng gym 2 năm trở lại đây và có khi họ đang còn vay nợ cả tỷ đồng.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 8 có 85.500
doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, TPHCM có 24.000 doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp tạm ngừng
kinh doanh có thời hạn là 43.200 doanh nghiệp (chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường); 30.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 12.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.