Số ca mắc COVID-19 mới ở châu Âu đã tăng gấp đôi trong 5 tuần, khiến lục địa này vượt cột mốc đáng buồn 10 triệu ca nhiễm trên toàn khu vực trong ngày 1-11, theo thống kê của Hãng tin Reuters.
Cảnh sát Pháp kiểm tra giấy tờ người qua đường trên Đại lộ Champs-Elysee, Paris ngày 31-10 khi Pháp tái phong tỏa toàn quốc để ngăn COVID-19 - Ảnh: REUTERS
Với 10% dân số thế giới, châu lục này hiện chiếm khoảng 23% trong gần 1,2 triệu ca tử vong vì đại dịch trên toàn cầu.
Phân tích của Reuters cho thấy châu Âu ghi nhận hơn 1,6 triệu ca mắc mới trong 7 ngày qua, chiếm gần nửa trong 3,3 triệu ca mắc mới ghi nhận trên toàn cầu, cùng với hơn 16.100 ca tử vong, tăng 44% so với tuần trước đó.
Cứ mỗi 10.000 người tại châu Âu sẽ có hơn 127 người dương tính với virus corona và khoảng 4 người qua đời vì COVID-19. Tại Mỹ, con số này là 278 ca bệnh và 7 ca tử vong trên mỗi 10.000 người dân.
Khu vực Đông Âu chiếm gần 1/3 tổng số ca COVID-19 của châu lục và có tổng số ca mắc bệnh cao nhất so với các khu vực khác, trong khi Nam Âu dẫn đầu về số ca tử vong khi có khoảng 32% số người chết liên quan đến virus corona tại châu Âu.
Nga là quốc gia Đông Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch COVID-19 với hơn 1,6 triệu ca nhiễm tính đến nay. Phó thủ tướng Nga Tatiana Golikova tuần trước thông báo giường bệnh tại 16 khu vực trên cả nước đã đạt 90% công suất.
Với số ca nhiễm mới đang tăng ở cấp số nhân, nhiều quốc gia châu Âu đã buộc phải quay lại các biện pháp phong tỏa, phong tỏa một phần, hoặc áp đặt nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để ngăn dịch bệnh tiếp tục lây lan rộng.
Pháp, Đức và Anh đã thông báo phong tỏa toàn quốc trong ít nhất 1 tháng tới. Bồ Đào Nha phong tỏa một phần, trong khi Tây Ban Nha và Ý đang siết chặt các hạn chế.
Tháng trước, châu Mỹ Latin và châu Á cũng đã ghi nhận 10 triệu ca COVID-19. Riêng nước Mỹ hiện đã có hơn 9 triệu người mắc COVID-19, và con số này đang tăng lên nhanh chóng khi có ngày họ ghi nhận hơn 100.000 ca mới.