Tôi trích chia sẻ của chị Nguyễn Thùy Linh (Bệnh viện Dã chiến số 12) trên báo Tiền Phong: “Chúng tôi chỉ còn được lĩnh lương cứng theo quy định của Nhà nước, các khoản phụ cấp, trợ cấp, thu nhập tăng thêm đã giảm đến 75%.
Các y, bác sĩ vẫn đang cố gắng chiến đấu, quyết tâm điều trị, cứu chữa cho bệnh nhân nhưng đến giờ này ai cũng lo lắng bởi nhiều người đang gánh trên vai cả gia đình với nhiều miệng ăn, chưa kể họ phải trả thêm tiền thuê nhà và rất nhiều khoản tiền khác.
Lấy gì để ăn, để cho con đi học, để trang trải cuộc sống trong những ngày tới nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đang là bài toán vô cùng khó”.
Gần 2 năm qua, khi phải đối đầu với dịch bệnh, hàng ngàn người đã nhiễm, có những điều dưỡng, bác sĩ đã nằm xuống vì Covid-19 và họ luôn được ngợi ca như những “thiên thần” vì cống hiến, vất vả khó đong đếm.
Nhưng họ vẫn là những con người, vẫn cần phải nghỉ ngơi và vẫn có gia đình, con cái cùng cuộc sống lo toan cơm áo, gạo tiền. Chế độ cũng có, đãi ngộ chẳng phải là không nhưng tương xứng hay chưa, kịp thời hay muộn màng?
Bác sĩ Vũ Hồng Quân (Bệnh viện Quân dân y Miền Đông) cho biết thời điểm này, lương cơ bản của anh em trong bệnh viện, kể cả giám đốc đều phải giảm 50% vì không có nguồn thu. Các khoản phụ cấp, trợ cấp, thu nhập tăng thêm trước đây đều đã bị cắt hết. Lương của ông tháng qua chỉ còn 5,6 triệu đồng. Thời điểm bình thường, mỗi tháng ông nhận khoảng 12 triệu đồng tiền lương, chưa bao gồm các khoản thu nhập tăng thêm.
Ở thành phố lớn nhất nước, mọi thứ do giãn cách ngày càng đắt đỏ thì họ sẽ sống thế nào với mức lương như vậy? Đầu tháng 8, TP HCM đã quyết định hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, trong đó có nhân viên y tế và y bác sĩ. Nhưng hơn 1 tháng trôi qua, nhiều nơi vẫn chưa nhận được đồng nào từ khoản này.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da liễu, nói: “Bệnh viện khó khăn lắm, lượng bệnh nhân giảm khoảng 90%, nguồn thu toàn bệnh viện giảm hơn 90% nhưng vẫn phải đảm bảo chi trả lương và một phần trợ cấp cho nhân viên y tế. Chúng tôi cũng đang trông chờ vào các chính sách hỗ trợ và gói động viên tuyến đầu chống dịch nhưng đến nay chưa nhận được”
Thực hư thế nào, thực tế ra sao thì nhân viên y tế, y bs cùng những nhà quản lý rõ nhất. Riêng chúng ta, đã từng đọc được những điều đó không chỉ ở 1 vài bài báo hay những stt thế này.
Đất nước gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn này, không riêng gì ngành Y mà bộ đội, công an, cán bộ địa phương… cũng vất vả không kém.
Nhưng “thiên thần” cũng là người, nếu chưa dành được những gì tốt nhất cho họ thì cũng nên có chế độ tương xứng, đầy đủ hơn bởi được như thế họ mới vững tâm trong trận chiến cam go này. Họ vững vàng trên tuyến đầu, chúng ta mới bình an ở phía sau.
P/s: Báo Tiền phong đã thay đổi tên họ của nhân vật