Mấy trang trước nói về vụ 150 ngàn ca có cụ đoán là SG ban đầu định “giấu”. Ôi SG tới giờ phút này còn gì nữa đâu mà giấu ạ.
Nhân nói đến “giấu”, thì em lại có vài chuyện hầu các cụ. Nếu mà có “giấu” thì phải là từ hồi đầu dịch cơ. Từ sau 30/4 trong SG đã có tin đồn râm ran rồi. Thời điểm giữa tháng 5 là khách đi xe bên em đã gọi “hồi vé” liên tục, sợ lên SG rồi về bị cách ly, sợ dịch, với lại nhiều bệnh viện tạm ngưng tái khám. Chỉ có khách về là nhiều. Mẹ đồng nghiệp em ở Bạc Liêu sắp tới ngày tái khám trên DHYD nhưng không được nhắn tin báo, gọi lên hỏi cho chắc thì nghe bảo “đợi bớt dịch rồi hãy lên, giờ tạm mua toa thuốc cũ uống”. Một đồng nghiệp khác có chồng làm công an, chị ấy cũng có làm bên hội phụ nữ hay tổ dân phố gì đó của phường, thì cứ xì xầm với em là “mấy đứa phải kỹ nha, sau bầu cử là có biến đó”. Khoảng thời gian đó xe khách phải lấy đủ thông tin hành khách, nộp một bản tổng hợp tờ khai y tế cho bến xe miền Tây mới được đóng lệnh, một bản đem về nộp bến xe địa phương. Chỉ được chở 50% số khách. Cứ tới chừng 22h30 là khu vực đóng lệnh của BXMT nháo nhào lên vì nhân viên phục vụ các xe chen vào nộp, giấy tay cũng có, điền form online cũng có, mà điền online có ghi nghẽn mạng nhân viên bến không nhận được, hoặc gởi đồng loạt nhiều quá bị “trôi” xa quá tìm không thấy bắt điền lại lần nữa...
Khoảng giữa tháng 5 em bị thủy đậu, định đi da liễu khám, mà nghe chị đồng nghiệp dọa thế cũng sợ, nên chỉ đi khám tư gần nhà. Xong khoảng 20/5 nghe Hoà Hảo phong tỏa do có người bệnh đến khám, thế là xe khách từ quê lên đã vắng lại càng vắng. Cô em có lịch tái khám định kỳ ở Hoàn Mỹ Phan Xích Long vào cuối tháng, gọi lên hỏi chừng hoài thì bảo là vẫn tái khám bình thường. Người quen cũng can bảo là bỏ tái khám một hai đợt không sao đâu, đi lỡ có gì mất công phiền phức. Còn đang phân vân thì sát ngày tái khám Bv Hoàn Mỹ cũng phong tỏa vài ngày do có có bà bầu tới khám phát hiện ra dương tính, thế là khỏi đi.
Thế nên sau này rất nhiều người dân SG đặt vấn đề là phải chăng từ đầu tháng 5 là dịch đã âm thầm lan trong cộng đồng nhưng do chủ quan, do “này kia” nên đã chậm một bước? Hiện giờ báo chí có đăng về thời gian SG chống dịch hầu hết cũng lấy mốc từ cuối tháng 5, lúc nổ ra vụ hội truyền giáo. Lẽ ra cố dập dứt điểm từ những vụ quán bánh canh quận 3, có lẽ sẽ ổn hơn.
TTO - Tính từ ngày 26-5, thời điểm phát hiện ca COVID-19 từ ổ dịch là nhóm truyền giáo, hôm nay, TP.HCM đã đi qua tròn 4 tháng chống dịch. Cùng nhìn lại đợt dịch này tại TP.HCM để ghi nhớ 4 tháng đặc biệt, không thể nào quên.
tuoitre.vn
Đến cuối tháng 5 thì ca nhiễm ngày một nhiều, phong tỏa lẻ tẻ cũng nhiều. Nhưng SG vẫn không ra văn bản “cấm” xe khách về tỉnh, mà các tỉnh tự ra văn bản “cấm” xe khách từ SG về. Tỉnh nào ra văn bản thì Bến xe miền Tây mới đóng cửa những quầy vé tuyến đó. Em còn nhớ lúc đó Bạc Liêu “cấm” trước Cà Mau những hai ngày, tụi em mới đùa nhau là chắc ngay chủ nhật các bác nghỉ xả hơi nên không theo dõi thời sự mà “anti” SG cho kịp với tỉnh bạn.
Khoảng thời gian đó vẫn còn khá nhiều người lạc quan cho rằng dịch sẽ qua nhanh thôi. Sang đầu tháng 6, lúc xảy ra vụ ở Nhiệt đới thì nhiều người ngơ ngác, ủa tiêm hai mũi vẫn có thể bị nhiễm á? Xong càng ngày càng nhiều bệnh viện có nhân viên bị nhiễm. Các cụ vùng khác không hình dung nổi những tin tức đó làm người dân đang ở SG và miền Tây hoang mang cỡ nào đâu. Những “nhà thương” đó như những “thành trì”, “phòng tuyến cuối cùng” trong lòng người dân vậy.
Ca nhiễm ngày càng tăng, số ca tử vong càng nhiều, bắt đầu xảy ra tình trạng “quá tải”. Gọi điện hotline phải nhiều lần mới có người nghe. Nhiều bệnh viện từ chối nhận bệnh nhân do hết chỗ. Khoảng thời gian này hầu hết người lớn tuổi đều chưa được tiêm vaccine nên trở nặng rất nhanh. Người dân thì chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc, đối phó với dịch bệnh, nên tâm lý hoang mang, hoảng loạn càng dễ suy sụp khi lỡ nhiễm. Xảy ra nghịch lý là chỗ này người nhẹ thậm chí F1 cũng bị bắt đi, chỗ kia người nặng lại không kêu nổi một chiếc xe cứu thương, hoặc nhờ được xe 0 đồng nhưng lại không có bệnh viện nhận. Hai người quen của em nhiễm khoảng 21/7 thì nhờ vài mối quan hệ nên được BV Trưng Vương nhận nhưng lại không có xe đưa đi, phải nằm chờ... Tầm này là nhiều chỗ bỏ liều không truy vết F1 nữa rồi.
Nhiều người buộc lòng phải tự tìm cách điều trị tại nhà. Những toa thuốc được chia sẻ chóng mặt. Các “bác sĩ online” cãi nhau ầm ầm. Có toa thuốc thì uống tới 6 viên para một ngày. Có người thì kêu uống nước dừa với chanh, đường phèn là khỏi. Người bảo phải uống chanh gừng xả, phải xông càng nhiều càng tốt. Người thì kêu phải tranh thủ uống kháng sinh càng sớm càng nên. Tới giờ các bác vẫn còn cãi nhau xem nên uống kháng sinh sớm ngay từ những ngày đầu hay để trở nặng mới uống...
Em xin nhắc lại là khoảng tháng 6 và tháng 7 vaccine Sino chưa về tới SG đâu ạ. Các loại vaccine khác vẫn được phân bổ về SG, có thể coi là nhiều, là rất ưu tiên so với các địa phương khác trong nước, nhưng chẳng thấm vào đâu với độ lây lan chóng mặt, và số ca tử vong nhiều khủng khiếp ở SG thời gian đó. Ngoài ra quá trình đăng ký tiêm, khám sàng lọc... thời điểm đó khá khó khăn với người dân. Công tác tổ chức cũng nhiều bất cập, như vụ chín ngàn người tụ tập tại điểm tiêm Phú Thọ hồi đầu tháng 7.
Có thể NN và Sở/ Bộ Y Tế không và cũng không hề muốn “giấu dịch” trong thời gian đó, nhưng làm sao thống kê nổi những người bị bệnh viện từ chối vì quá tải, hoặc vì hoảng sợ trước hình ảnh được lén gởi ra từ những khu cách ly nhồi nhét người nên quyết định phải tự điều trị - tự khỏi ( hoặc tự... chết) tại nhà?
Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong cho biết, nhiều quận, huyện yêu cầu các bệnh viện nhận các ca F0, nhưng bị từ chối khiến tình trạng trở nặng, thậm chí dẫn đến tử vong.
m.vietnamnet.vn
Và cũng sẽ không ai thống kê được có bao nhiêu bệnh nhân bệnh khác bị ảnh hưởng do giãn cách, do sợ dịch, do bệnh viện chuyển công năng, do xã hội tập trung vào Covid...
( Công ty em có một chị khách hàng thân thiết, chị phải lọc thận cố định ba ngày/ tuần tại Chợ Rẫy nên tuần nào cũng đi xe bên em lên lên xuống xuống như đi chợ (sếp em có hỗ trợ chị 50% tiền vé xe), dịch năm ngoái chị phải thuê nhà trọ trên SG để tiện lọc thận, năm nay thấy tình hình không ổn nên chị đã xin chuyển về Bv tỉnh dù điều kiện không bằng trên này. Mỗi lần vào lọc lại tốn tiền một lần test nhanh Covid, mỗi tháng chi thêm một khoản không hề nhỏ).
Ngoài ra dịch bệnh và giãn cách còn khiến rất nhiều em nhỏ không được tiêm chủng các bệnh khác đúng lịch. Tình trạng này không chỉ riêng SG mà còn rất nhiều địa phương khác gặp phải. Các cụ mợ nào có con em nhỏ nhớ chú ý phần này nha, đừng lần lữa.
Rất nhiều người nói, quãng thời gian tháng 6 và tháng 7 trong SG là quãng thời gian mà họ chẳng thể nào quên. Với nhiều người nơi khác, họ biết tới đau thương mất mát của SG qua tin tức, qua hình ảnh, clip, và “con số”. Còn với người đang ở SG hoặc có người thân kẹt lại SG, những “con số” đó có thể là người thân, người thương, là ruột rà máu mủ hoặc huynh đệ tình thâm, là đồng nghiệp, là hàng xóm, là cô hàng thịt quen hay ông tạp hoá đầu hẻm... Là những mất mát khi còn chưa kịp định hình Covid thế nào, khi tưởng đại dịch còn xa lắm, khi còn tin vào lời khẳng định “không thiếu oxy và máy thở”. Là khi có những người cay đắng nhận ra rằng tiền bạc và các mối quan hệ có lúc chỉ có tác dụng duy nhất là để lấy tro cốt người thân về sớm hơn được một chút. Còn vaccine ư? Em xin mượn status của ông Đỗ Long Bita’s:
Hai chữ “giá như” đó, là nỗi đau đớn bất lực của rất nhiều người chứ không phải một mình ông ấy đâu, các cụ ạ.