Tại sao các nước châu Phi không bị nặng vậy các cụ ?
Để trả lời cho câu hỏi của cụ và cũng là để 1 số cụ không bình luận sai về tình hình covid-19 tại châu Phi, em đưa ra 1 vài gạch đầu dòng theo báo cáo của các partners tại Châu Phi khi thống kê và họp online tháng 7,8 vừa qua.
Tính đến ngày 8 tháng 8 năm 2021, số ca nhiễm COVID-19 được xác nhận ở Châu Phi lên tới 7.075.119 ca, chiếm khoảng 3,48% các ca nhiễm trên toàn thế giới. Tính đến cùng ngày, các ca nhiễm trên toàn cầu là hơn 203,4 triệu ca và 4,3 triệu ca tử vong, 182,7 triệu người đã khỏi bệnh. Tại châu Phi, Nam Phi là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với hơn 2,53 triệu ca nhiễm.
Châu Phi lần đầu tiên công bố đại dịch vào ngày 14 tháng 2 năm 2020, tại phía bắc châu lục này với quốc gia đầu tiên là Ai Cập. Kể từ đó, chính phủ các nước đã thực hiện các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để cố gắng hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Những số liệu báo cáo chính thức của châu Phi thấp hơn đáng kể so với châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Á.
Tuy nhiên, đại dịch vẫn ảnh hưởng lớn đến một số quốc gia tại châu Phi. Nam Phi có số người chết cao nhất. Maroc và Tunisia, hai quốc gia bị ảnh hưởng nặng thứ hai và thứ ba ở châu Phi, lần lượt ghi nhận 9.105 và 11.971 trường hợp tử vong, trong khi Ai Cập báo cáo thậm chí còn cao hơn là 14.441 ca tử vong vào ngày 18 tháng 5 năm 2021.
Mặc dù các nước châu Phi vẫn còn một chặng đường dài để chống dịch, các chương trình tiêm chủng đã được triển khai ở phần lớn các nước tại châu lục này. Ngoài ra, theo khảo sát dư luận ở một số quốc gia châu Phi cho thấy mức độ sẵn sàng tiêm chủng cao, trong đó Ethiopia có con số lên tới 94%. Tính đến tháng 3 năm 2021, Maroc là quốc gia báo cáo thực hiện số liều vắc xin cao nhất với hơn 31 triệu liều, tuy nhiên, Seychelles lại là quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất.
Những yếu tố có thể giải thích việc châu Phi chịu ảnh hưởng ít hơn các châu lục khác như sau:
- Nhân khẩu học theo độ tuổi: (
age demographic)
Tuổi tác đã được theo dõi và báo cáo là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với tình trạng nghiêm trọng khi nhiễm COVID-19. Hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra ở những người từ 65 tuổi trở lên. Độ tuổi trung bình ở Bắc và Nam Mỹ, Châu Âu và Châu Á dao động từ 32 đến 42,5 tuổi. Cơ cấu nhân khẩu học theo độ tuổi của châu Phi trẻ hơn nhiều với độ tuổi trung bình là 18.
Sự khác biệt rõ rệt về nhân khẩu học theo độ tuổi có thể được chứng minh bằng cách so sánh Canada và Uganda, những quốc gia có quy mô dân số tương đương nhau. Ở Canada, độ tuổi trung bình là 41,1. Khoảng 18% dân số từ 65 tuổi trở lên. Ngược lại, độ tuổi trung bình của Uganda là 16,7. Chỉ 2% dân số từ 65 tuổi trở lên. Canada đã ghi nhận gần 1,5 triệu trường hợp COVID-19 và 27.000 trường hợp tử vong so với ít hơn 100.000 trường hợp và 3.000 trường hợp tử vong ở Uganda. COVID-19 có tác động đáng kể đến người lớn tuổi. Các quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi lớn hơn có nhiều khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
- Thiếu cơ sở chăm sóc dài hạn: (
long-term care facilities)
Hầu hết người cao tuổi ở châu Phi cận không sống trong các cơ sở chăm sóc dài hạn. Những cơ sở này tiềm ẩn những nguy cơ đáng kể đối với các bệnh truyền nhiễm. COVID-19 về cơ bản đã ảnh hưởng đến những người sống trong các cơ sở chăm sóc dài hạn. Trong đợt đại dịch đầu tiên, khoảng 81% số ca tử vong ở Canada xảy ra trong các cơ sở đó.
Ở châu Phi, việc cung cấp dịch vụ chăm sóc hầu hết được giao cho các gia đình. Điều này hạn chế số lượng người chăm sóc chính thức và do đó làm giảm cơ hội lây truyền. Một ngoại lệ là Nam Phi, quốc gia có ngành chăm sóc sức khỏe lâu đời là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Phi. 33% những ca bùng phát COVID-19 ở Nam Phi xảy ra tại các cơ sở chăm sóc dài hạn trong đợt đầu tiên.
- Sự hạn chế trong xét nghiệm SARS-CoV-2
Có những lo ngại rằng xét nghiệm SARS-CoV-2 hạn chế có thể dẫn đến việc tính toán thấp số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở châu Phi. Việc thu thập dữ liệu không đầy đủ có thể có nghĩa là chúng ta không thực sự biết tỷ lệ và mức độ lây nhiễm. Mặc dù có sự khác nhau giữa các khu vực tại châu Phi, nhưng tổng thể mức độ xét nghiệm tại châu lục này vẫn thấp so với các khu vực khác trên thế giới.
- Phản ứng hiệu quả của chính phủ về sức khỏe cộng đồng
Phản ứng nhanh chóng của một số chính phủ quốc gia tại châu Phi và các tổ chức y tế có thể đã đóng một vai trò quan trọng. Khi bắt đầu đại dịch, một số biện pháp đã được thực hiện nhanh chóng như: sàng lọc, thành lập Lực lượng Đặc nhiệm Châu Phi về Novel Coronavirus, dừng các chuyến bay từ Trung Quốc và đóng cửa biên giới ở 40 quốc gia Châu Phi. Các chương trình mới cũng thúc đẩy việc chia sẻ thông tin về COVID-19 trên khắp các quốc gia tại châu Phi.
Trái ngược với các quốc gia có thu nhập cao tập trung vào các bệnh không lây nhiễm, các tổ chức y tế ở châu Phi cận Sahara lại tập trung vào các bệnh truyền nhiễm. Việc hình thành các tổ chức y tế công cộng quốc gia là chìa khóa quan trọng trong việc kiềm chế các bệnh truyền nhiễm ở châu Phi thông qua giám sát, chẩn đoán bệnh và phản ứng nhanh với các đợt bùng phát.
Tuy nhiên, các chiến dịch phong tỏa nghiêm ngặt đã gây ra một thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và xã hội trên khắp các quốc gia tại châu Phi. Việc phong tỏa dẫn đến gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực, mang thai ở tuổi vị thành niên, bạo lực trên cơ sở giới và gián đoạn việc điều trị bệnh sốt rét, lao và HIV. 54 quốc gia của Châu Phi không phải tất cả đều giống nhau và các phản ứng của mỗi địa phương, mỗi quốc gia cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế sức khỏe, xã hội và kinh tế ở các quốc gia cụ thể.
- Nam Phi: một ngoại lệ tại châu Phi
Trái ngược với phần còn lại của châu Phi, Nam Phi có tỷ lệ nhập viện và tử vong liên quan đến COVID cao hơn rất nhiều. Nam Phi có độ tuổi trung bình cao hơn đáng kể và có hệ thống cơ sở chăm sóc dài hạn. Ngoài ra, tỷ lệ nhiễm HIV và lao cao hơn ở Nam Phi cũng có liên quan đến tỷ lệ tử vong do COVID-19. Tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm ở Nam Phi cao hơn các khu vực khác, điều này có thể góp phần làm tăng ảnh hưởng của COVID-19 tại quốc gia này. Nam Phi cũng có khả năng chẩn đoán và hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt hơn các quốc gia châu Phi khác. Điều này có thể hỗ trợ cho việc báo cáo số liệu chính xác hơn.
Kết luận:
Với những yếu tố cơ bản dựa trên những báo cáo của các tổ chức y tế tại Châu Phi, chúng ta tạm có thể hiểu rằng việc ảnh hưởng của đại dịch tới những quốc gia tại châu lục này hiện tại ít hơn so với những châu lục khác, khu vực khác trên thế giới. Nhưng nó cũng không đồng nghĩa với việc các quốc gia ở đây không có nguy cơ bùng phát dịch trở lại hoặc đối mặt với những đợt dịch, biến chủng mới có thể xuất hiện trong tương lai.
Số liệu tham khảo từ nguồn thống kê tại:
-
https://www.statista.com/statistics/1170463/coronavirus-cases-in-africa/
-
https://www.nicd.ac.za/latest-confirmed-cases-of-covid-19-in-south-africa-4-september-2021/