Các cụ ạ, về việc phát sinh ca nhiễm trong các bệnh viện nói chung, các cụ nên tính đến ba vấn đề:
Một là có thể vì trong bệnh viện có quy trình test định kỳ nên mới thường là nơi phát hiện ra ca nhiễm sớm.
Hai là do đặc thù người bệnh sức khỏe yếu, đề kháng không cao, cộng thêm bệnh nền, nên dễ lây và dễ trở nặng hơn. Trong bệnh viện cũng khó giữ khoảng cách an toàn.
Ba là việc các quy định có chặt chẽ cỡ nào thì cũng sẽ có nơi, có lúc lơi lỏng hoặc buộc phải du di khi người bệnh nguy cấp, khi cần gấp trang thiết bị, khi người nhà viện cớ...
Ngoài ra có hai chuyện mà em với bạn bè hay nhắc nhau:
• Tiêm vaccine một hay hai mũi, thậm chí ba đi nữa, thì cũng chỉ GIẢM tỷ lệ có thể mắc bệnh, và nếu lỡ tiêm rồi vẫn nhiễm thì chỉ GIẢM tỷ lệ trở nặng và tử vong. Người tiêm rồi vẫn có khả năng mang mầm bệnh và lây cho người khác.
• Kết quả xét nghiệm nhanh hay PCR thực ra đều chỉ có giá trị tại thời điểm LẤY MẪU, và vẫn có khả năng sai sót.
Nói vui kiểu “cô Hằng” là “Đừng thấy hoa nở mà ngỡ xuân về” ấy ạ.
Các cụ có thể đọc chi tiết :
Tại sao có người test nhanh cho kết quả âm tính nhưng vẫn bị nhiễm virus SARS-CoV-2 ? Sau đây là 8 thông tin liên quan đến test nhanh.
covid19.gov.vn
Cụ nào quan tâm đến việc nhiễm sau khi tiêm vaccine có thể tham khảo vụ ca nhiễm trong BV Nhiệt đới TP HCM hồi tháng 6:
TTO - Tại buổi họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 sáng 13-8, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, đã chia sẻ về 69 trường hợp nhiễm COVID-19 tại bệnh viện và hiệu quả của vắc xin.
tuoitre.vn
Về việc tiêm mũi 3, bản thân em tiêm AstraZeneca, em chọn đặt niềm tin vào phát biểu của “mẹ đẻ” AZ : chỉ nên tiêm thêm mũi tăng cường thứ 3 với những người già, người bị suy giảm miễn dịch; nên dành ưu tiên cho cho những nước còn đang thiếu hụt.
Nếu một hai năm nữa tình hình có thay đổi thì tính tiếp, chứ hiện tại gia đình em dưới quê còn chưa tiêm được mũi nào, bạn bè quanh em cũng nhiều người chưa có cơ hội tiêm. Nên em vẫn hy vọng chuyện giảm tác dụng chỉ xảy ra với một phần chứ không phải tất cả, hoặc giảm trong mức độ chấp nhận được.
Về chuyện một cụ đề xuất “phát tiền để dân ở lại SG”, em chỉ muốn thốt lên: “Nhưng cụ ơi, tiền đâu mà chi?”.
Phương án “phát tiền” đó SG đã từng tính từ giữa tháng 8, lúc thông báo kéo dài giãn cách thêm một tháng nữa. Lúc đó cũng có dòng người ùa về quê, đến chốt thì được vận động quay lại nhà trọ chờ hỗ trợ.
Kiến nghị của TPHCM dựa trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19, trong đó "nhất thiết không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở… để người dân yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định về phòng chống dịch".
tienphong.vn
Nhưng “tiền không là lá em ơi!”:
Sáng nay (20/8), Bộ LĐ-TB&XH cho hay, Chính phủ đã ban hành quyết định xuất cấp hơn 130.000 tấn gạo hỗ trợ người dân 24 tỉnh gặp khó khăn do dịch COVID-19 từ nguồn dự trữ quốc gia.
tienphong.vn
Nếu các cụ vùng khác hỏi trong SG NN và các MTQ có hỗ trợ không, em xin trả lời là có, nhiều đợt rồi, nhưng chưa đủ, và bị chồng chéo. Nên có người được lãnh đủ ba - bốn lần, có người chưa được ngàn nào. Có người gạo chất đầy nhà, có nhà không được dù chỉ cọng rau.
Ngoài ra quy trình phát tiền các gói hỗ trợ của Nn trong SG đều phụ thuộc vào việc tổ trưởng lập danh sách gởi lên phường, phường gởi lên quận... Nên phụ thuộc rất lớn vào hai chuyện: quận được phân bổ nhiều tiền không, và tổ trưởng làm việc có “hợp lòng dân” hay không. Em giả sử xóm có 10 nhà, tổ trưởng lựa ra 5 hộ “khó khăn” nộp lên, xong trên lại bảo xuống là mỗi phường chỉ được 20 phần, tổ mày có 2 suất thôi nhé. Thế là chọn ai bỏ ai cũng khó, vì dịch ai cũng than khổ hết. Nhà lá có cái khó của nhà lá mà nhà lầu có cái kẹt của nhà lầu. Tổ trưởng cũng có cái khó xử của tổ trưởng. Người bị gạch tên sẽ phân bì với người được chọn, hoặc đồn đoán rằng có sự “thiên vị người thân tổ trưởng”, “qua dịch tổ trưởng xây biệt thự”, hoặc “tổ trưởng cũng có được gì đâu mấy ông bên trên ăn dài dài xuống hết rồi”...chẳng hạn. Các cụ lên những page kiểu “Tôi là dân quận abc...”, hoặc đọc comment dưới chương trình livestream “Dân hỏi TP trả lời” sẽ thấy cự cãi chuyện “lên tivi mà lãnh” rất nhiều. Clip dân lên tới ủy ban để “quậy” đòi quyền lợi cũng không ít.
Chỉ có đợt hỗ trợ gần nhất (mỗi người một triệu, kể cả trẻ em) là được phát nhanh và nhiều nhất, nhưng mà lúc đó dân quyết định về quê muốn hết rồi còn đâu mà lãnh.
Giờ có muốn hỗ trợ thêm cũng muộn rồi ạ. Chỉ có cố gắng “cứu” được số người gốc SG khó khăn, hoặc người vẫn bám trụ lại tới giờ này mà vẫn thất nghiệp thôi.
Còn lý do tại sao SG mở cửa lại rồi mà dân vẫn muốn về quê, thì có vô vàn. Bỏ qua những đối tượng “phong trào”, “thấy về được thì về theo”, thì sơ sơ có những lý do chính là:
- Hết tiền. Ở thêm thì tốn thêm tiền trọ, tiền ăn, đổi bình nước uống cũng tốn tiền. Về quê có vườn, có ao, kẹt quá hái rau bắt cá ăn qua bữa được.
- Nghề của họ vẫn chưa được cho hoạt động lại, công ty họ làm đã dẹp luôn không gồng nổi, hoặc thu hẹp lại.
- SG đã gia hạn giãn cách nhiều lần, cứ hẹn hai tuần quyết liệt rồi lại thêm hai tuần then chốt... nhiều người đã không còn tin vào những cái hẹn đó nữa. Thà dứt khoát “đau một lần rồi thôi”, gom tiền xét nghiệm, thậm chí về mượn tiền đi cách ly hai tuần cũng được, còn hơn cứ ở lại rồi tốn tiền thêm không biết bao nhiêu tháng.
- Một số tự tin là SG đã “mở”, họ đã tiêm vaccine và xét nghiệm âm tính thì sẽ được về an toàn, về rồi xin cách ly tại nhà.
- Một số khác là F0 đã khỏi bệnh, họ cũng về với niềm tin là trong người có kháng thể, qua cõi chết một lần rồi còn gì nữa mà sợ.
- Về vì quá “sợ” SG, ám ảnh bởi những đau thương mất mát, tiếng còi xe cấp cứu, túi bọc thi thể chờ hỏa táng, hũ đựng tro cốt...
...
Dọc đường về quê, người dân các tỉnh ra ủng hộ, tiếp tế mì, sữa, cơm hộp, xăng... nhiều lắm ạ. Hầu hết chỉ mong đồng bào về được bình an, khai báo đầy đủ và không trốn cách ly.
Dĩ nhiên cũng có một bộ phận được voi đòi luôn bà Trưng, như tỉnh em về 13 ngàn người, trước mắt thì đều hợp tác không trốn. Nhưng cũng có một số ít khi về được tới chỗ cách ly thì đòi hỏi, chê bai, muốn được cách ly tại nhà. Cái này thì chịu thôi, không tránh được.
Vợ chồng bạn em về Bạc Liêu thì được tự chọn người cách ly chung nếu đi theo nhóm, nên nguyên tốp về chung ở cùng một phòng 9 người, tuy chật nhưng cảm giác yên tâm hơn vì 7/9 đã tiêm đủ vaccine và 9/9 đều xét nghiệm trước khi về. Vẫn phải hợp tác cách ly tập trung vài hôm chờ xét nghiệm lại vì quãng đường về đông quá nguy cơ lây rất cao.
Tầm này các tỉnh miền Tây căng như dây đàn, chỉ sợ người tách đoàn trốn cách ly lây ra cộng đồng, hoặc khu cách ly đông quá lây chéo. Về thêm nữa thì không còn chỗ cách ly...