Share cái này chỉ sợ một lúc sau có người vào bảo nhà cháu bôi nhọ này nọ. Cơ mà thấy họ cơ cực quá nên đức lại đây cho cụ mợ rủ lòng thương:
Đội chống dịch không biết xử lý những người như này bằng cách nào vì họ không có nhà để về nữa thì có nhà tạm trú hoặc cách nào cho họ không, cụ mợ nào biết không ạ?
Những người ngủ vỉa hè, mé sông trong lúc thành phố 'stay home'
"Nhận được quà, người đàn ông quỳ sụp xuống đất, luôn miệng nói 'Chú mừng quá, cảm ơn con'"- hành động và lời nói của người đàn ông khiến Mai - một người làm thiện nguyện - bật khóc như đứa trẻ.
Đêm 30/7, Mai Thị Diệu Hiền (Hiền Mai) cùng người đồng hành Trường Thành trong nhóm từ thiện Đêm Sài Gòn tiếp tục hành trình tặng quà cho những người vô gia cư dọc khắp các quận, huyện của TP HCM. Từ khi thành phố áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và giờ đến Chỉ thị 12, Hiền Mai chưa từng bỏ một buổi từ thiện nào. Hành trình bắt đầu từ 19h30 cho đến 12h đêm với khoảng 60 - 70 phần quà trong phạm vi 7 - 8 quận.
Lang thang tại các tuyến đường thuộc quận 6, hình ảnh người đàn ông nằm ngủ ngay dưới vỉa hè lạnh lẽo, bên cạnh chiếc xích lô được che chắn cẩn thận, nhanh chóng thu hút sự chú ý của Mai. Thấy chú nằm dưới nền đất, sợ phiền nhưng Mai vẫn tiến đến và đánh thức để hỏi nguyên cớ tại sao lại không lên xe nằm cho đỡ lạnh.
Hình ảnh người đàn ông nằm ngủ bên cạnh chiếc xích lô, trong xe là hai đứa con của anh.
"Ngoài chiếc xích lô, tài sản quý nhất của tôi là hai đứa con, một đứa 7 tuổi, một đứa 8 tuổi. Bọn trẻ còn nhỏ, tôi nhường các con nằm trên xe, mình nằm dưới đất", người đàn ông có gương mặt tiều tuỵ, mệt mỏi nói.
Nhanh chóng đưa phần quà kèm một chút tiền, người đàn ông quỳ gập người xuống đất, luôn miệng nói: "Chú khổ quá con ơi. Nhận quà của con chú mừng lắm". "Bốn chữ 'mừng lắm' và 'cảm ơn' được chú lặp lại không biết bao nhiêu lần. Nhìn chú cúi đầu, mình nghẹn cả cuống họng và bật khóc như một đứa trẻ", Mai nghẹn lời.
Đêm hôm sau, Mai có đến tìm gặp, nhưng người đàn ông cùng hai con nhỏ không còn ở đó. Có người nói ba bố con đã ra mé sông ngủ, Mai ra tìm kiếm nhưng không thấy.
Bà Dung nằm co ro tại trạm xe buýt.
Đây không phải là trường hợp duy nhất. Khi đang lang thang tìm những người vô gia cư, Mai gặp cụ bà tên Dung, 84 tuổi, nằm ngủ tại trạm xe bus Hàm Nghi ở quận 1.
"Hôm đầu tiên gặp, mình bà ngủ ngay trên ghế chờ xe buýt, chân bị sưng vì ngã. Hôm sau mình có mang theo một lọ dầu để bà xoa bóp. Lần nào chia tay, bà cũng bịn rịn rồi nói 'Tối mai con lại ghé nhé, bà đợi. Giờ ít người cho đồ lắm, không có tụi con, bà đói lắm'", Hiền Mai rưng rưng cho biết.
Bà Dung vốn là người Đồng Nai vào Sài Gòn làm việc cũng mấy chục năm. Ngày trước bà làm thuê cho tiệm bánh mì, nhưng giờ tiệm đóng cửa, tiền không có, chẳng có gia đình hay con cái, cụ bà trở thành người vô gia cư. "Đợi hết dịch, mình sẽ kết nối để bà có thể về mái ấm, không còn cảnh màn trời, chiếu đất như thế này nữa", Mai dặn lòng.
Những người xích lô, bán vé số vì dịch mà rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.
Làm từ thiện nhiều năm, Hiền Mai cùng các thành viên trong nhóm gặp không ít hoàn cảnh đáng thương, nhưng có lẽ dịch bệnh lần này là khủng khiếp nhất. Cô nhắc về những người chạy xe ôm truyền thống, những người bán vé số, lượm ve chai vì không trả được tiền nhà mà trở thành người vô gia cư. Một mình chịu cảnh tha phương cầu thực đã khổ, giờ chẳng thiếu các gia đình gồm vợ chồng và con nhỏ phải dắt díu nhau ngủ trên đường phố.
"Nào ai muốn đâu, cực chẳng đã mới phải ngủ ngoài đường. Không được ngủ ngoài đường lớn thì lại tìm vào các hẻm, ngõ ngách để ngủ. Sống nay biết nay, bữa đói bữa no chẳng biết đến bao giờ"... những câu nói của người dân khi gặp lại khiến cô nhói lòng.
Gia đình 4 người không nơi nương tựa vì Covid-19.
Có nhiều người khi đến tặng quà họ đã ngủ say nên Mai không nỡ đánh thức, chỉ nhẹ nhàng đặt bên cạnh, mong khi khi họ dậy sẽ có một bữa cơm no, để những ngày chống chọi với dịch bệnh đỡ cực nhọc hơn.
Hình ảnh bà Tư đang ngủ dưới chân cầu vượt ngay bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Quận 5.
Nhóm từ thiện "Đêm Sài Gòn" của Hiền Mai và các thành viên hoạt động được hơn 5 năm. Từ khi hoạt động đến nay, nhóm vẫn duy trì phát quà cho người vô gia cư, cùng các chương trình xây dựng trường cho học sinh vùng cao, khoan giếng cho bà con dân tộc, tạo quỹ khuyến học. Thời gian gần đây dịch bệnh có diễn biến phức tạp nhưng cô cùng những thành viên khác trong nhóm vẫn cố gắng duy trì một số hoạt động phát quà đêm, gửi các y bác sĩ tại bệnh viện dã chiến đồ bảo hộ, mở bếp cơm tại quận 12 phục vụ người dân nghèo và khu cách ly, tặng lương thực thiết yếu....
"Thời điểm trước dịch nhóm có khoảng 20 người tình nguyện viên đi phát quà từ thiện mỗi đêm, thậm chí có cả xe ba gác để chở đồ, nhưng hiện tại chỉ còn mình và anh Thành tiếp tục làm việc. Ít người nên công suất làm việc cũng tăng gấp 3 - 4 lần", cô nói.
Không chỉ tặng quà, Hiền Mai (mặc đồ bảo hộ trắng) vẫn chia sẻ và gửi lời động viên đến người dân.
Sài Gòn những ngày đang bị "ốm", khi nhiều người chọn cách ở trong nhà, nhóm của Mai vẫn hàng đêm ra đường. Bởi nếu ai cũng lo ngại các vấn đề tiếp xúc với người lạ, thì ai sẽ giúp người dân. Lúc nào bà con cần mình nhất, không thể nào làm ngơ được, và có lẽ sau này cũng sẽ thế. Mai và các thành viên hiểu rõ những nguy hiểm, chấp nhận những rủi ro có thể gặp phải.
"Giờ mình chỉ mong dịch sớm được dập, Sài Gòn lại tràn đầy sức sống, là mảnh đất hứa cho nhiều người. Thành thật mà nói, khi người giàu họ sống ổn thì người nghèo mới có cơm để ăn. Quán xá mở lại, người bán vé số mới có việc làm, có đồ để lượm ve chai, để người dân có tiền trang trải cuộc sống, tránh khỏi cảnh màn trời chiếu đất ở tuổi xế chiều", Hiền Mai bộc bạch.
Mai chỉ có mong ước: "Mình không muốn làm 'cô tiên xanh' mùa dịch nữa. Mình muốn được 'thất nghiệp', không muốn 'hành nghề ban đêm' nữa vì khi ấy bà con đã no đủ, cuộc sống ổn định hơn...", cô cười.
"Nhận được quà, người đàn ông quỳ sụp xuống đất, luôn miệng nói 'Chú mừng quá, cảm ơn con'"- hành động và lời nói của người đàn ông khiến Mai - một người làm thiện nguyện - bật khóc như đứa trẻ. - iOne
ione.net