Châu Âu muốn dạy cho thế giới bài học về tinh thần đoàn kết chống Covid-19, nhưng kế hoạch tiêm chủng vaccine đang đối mặt với thất bại.
Khi các chính phủ phương Tây hứng chỉ trích vì cách ứng phó đại dịch mùa hè năm ngoái, quan chức Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu kế hoạch mua vaccine với hy vọng có thể đưa lục địa này đi đầu về nỗ lực đẩy lùi Covid-19 và mở cửa kinh tế trở lại.
Thay vì 27 quốc gia thành viên tự tìm cách đặt hàng từ các nhà sản xuất, Ủy ban châu Âu (EC) đại diện mua vaccine cho khoảng 450 triệu cư dân, hạ giá thành và đảm bảo cư dân của các nước nghèo và giàu đều được tiếp cận vaccine công bằng.
Nửa năm sau, tình trạng thiếu vaccine đang kìm chân nỗ lực tiêm chủng của EU, dẫn tới khả năng chỉ một bộ phận nhỏ công chúng được tiêm vaccine vào cuối mùa hè này.
"Chúng tôi phải đối mặt thêm khoảng 10 tuần thiếu vaccine đầy khó khăn phía trước", Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nói với phóng viên cuối tuần qua.
Một trung tâm tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Hannover, Đức hôm 1/2. Ảnh:
AP.
Israel đã tiêm chủng cho khoảng 55% dân số, Anh 14%, Mỹ 9,4%, trong khi EU chỉ là 2,8%. Với tốc độ hiện tại, chỉ có hai quốc gia thành viên, gồm Malta và Romania, sẽ tiêm chủng được 1/3 dân số cho tới cuối năm nay, theo báo cáo của công ty UBS hôm 29/1.
Khi nỗ lực tiêm chủng của châu Âu không theo kịp tốc độ lây nhiễm, người dân bắt đầu mất kiên nhẫn, gia tăng thêm áp lực cho các chính phủ vốn đã bị chỉ trích suốt năm qua vì cách ứng phó đại dịch. Đối mặt áp lực, EU đã ấp lệnh cấm xuất khẩu vaccine, trong khi các chính trị gia đối lập trên toàn khối chỉ trích về việc quốc hữu hóa các nhà sản xuất.
Song nhiều chuyên gia y tế, giám đốc điều hành các hãng dược phẩm và quan chức cho rằng các khó khăn mà EU gặp phải là do chính họ gây ra.
EC đã chỉ định Sandra Gallina, một quan chức thương mại kỳ cựu, là người đàm phán mua vaccine. Ngoài việc đảm bảo mua được vaccine với giá thấp, mục tiêu của bà là đảm bảo các công ty phải chịu trách nhiệm nếu các mũi tiêm gây tác dụng phụ, theo nguồn tin thân cận. Không giống Anh và Mỹ, EU chỉ cung cấp các khoản trợ cấp hạn chế cho các nhà phát triển vaccine để tăng tốc độ nghiên cứu, mở rộng sản xuất và chốt các đợt giao hàng ưu tiên.
Chiến dịch vaccine thần tốc Operation Warp Speed của Mỹ, do một đại tướng và giám đốc dược phẩm lãnh đạo, có ngân sách 18 tỷ USD và bắt đầu chi các khoản trợ cấp từ tháng 3/2020 cho các nhà sản xuất vaccine, trong đó có cả công ty của châu Âu. Mỹ đã ký các hợp đồng mua vaccine trong khoảng từ tháng 5 tới tháng 7 năm ngoái. Trong khi đó, EU ký các hợp đồng từ cuối tháng 8 tới tháng 11.
"Chúng tôi từ chối quan điểm ai đến trước phục vụ trước", Stella Kyriakides, ủy viên về y tế của EU, nói tuần trước. "Điều đó chỉ phù hợp với các tiệm bán thịt chứ không phải trong các hợp đồng".
Các chuyên gia cho biết do sản xuất vaccine phức tạp, những người đặt hàng trước sẽ ít bị ảnh hưởng nếu các vấn đề về sản xuất xuất hiện khi nhu cầu tăng cao.
Tuy nhiên, nếu xét về giá thành, EU đã thành công. Theo bảng giá mà một chính trị gia Bỉ đăng tải trên mạng xã hội, giá vaccine EU mua được từ Pfizer/BioNTech thấp hơn Mỹ.
"Đây là vấn đề đoàn kết", Gallina nói với các nhà lập pháp EU hôm 1/2, khi chỉ ra các quốc gia thành viên nghèo hơn không thể mua được vaccine giá cao hơn.
Song lý lẽ này không đủ thuyết phục các nhà chỉ trích, khi họ cho rằng cách tiếp cận của EU thiển cận bởi giá của việc đóng cửa khắp lục địa do thiếu vaccine còn cao hơn nhiều.
"Họ đáng lẽ phải chi nhiều hơn 20-30 lần và nó vẫn sẽ rẻ hơn nhiều so với chi phí của việc đóng cửa", Karl Lauterbach, giáo sư dịch tễ học người Đức, nói.
EU cũng hứng nhiều chỉ trích vì các đơn đặt hàng lớn với các nhà sản xuất vaccine. Sau nhiều tháng đàm phán, EU ngày 11/11 năm ngoái ký thỏa thuận mua 200 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech, với tùy chọn mua thêm 100 triệu liều khác.
Ngày 17/11/2020, EU tiếp tục đặt mua gấp đôi số lượng vaccine trên từ CureVac AG, một công ty sản xuất của Đức đang theo đuổi loại vaccine theo công nghệ RNA thông tin nhưng chưa có nghiên cứu chứng minh tính hiệu quả của sản phẩm và khi đó cũng chưa có đối tác sản xuất.
Anh, Mỹ và EU đã cấp phép cho vaccine của Pfizer/BioNTech vào tháng 12 năm ngoái. CureVac, công ty đã thiết lập quan hệ đối tác với công ty Bayer AG, có thể sẽ được cấp phép sớm nhất vào tháng 5 tới, theo đánh giá của chính phủ Đức đăng trên Wall Street Journal.
Stefan De Keersmaecker, người phát ngôn của EC, nói rằng các hợp đồng đã được đàm phán và ký kết "trong bối cảnh không chắc chắn... Đó là lý do chúng tôi phải đa dạng danh mục đặt mua".
Tốc độ cấp phép sử dụng của Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) cũng được đánh giá chậm hơn nhiều so với Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác. Quan chức EMA nói đó là cách tiếp cận thận trọng, nhưng tất cả các quyết định của họ cho tới nay đều trùng khớp với các quyết định của Mỹ và Anh đưa ra trước đó.
Cư dân viện dưỡng lão chuẩn bị được tiêm vaccine Covid-19 ở Pisa, Italy tuần trước. Ảnh:
Zuma Press.
Hai tuần qua, trong khi làn sóng phẫn nộ của dư luận về tình trạng thiếu vaccine lan khắp châu Âu, Pfizer và AstraZeneca đều thông báo cắt giảm nguồn cung. Vài ngày sau, Moderna ra thông báo tương tự.
Các nhà phát triển vaccine lập tức vấp chỉ trích từ EU. Italy dọa có hành động pháp lý chống lại các công ty này. Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic nói "một vụ cướp vaccine" đang xảy ra. Bỉ cử các nhà điều tra tới nhà máy của AstraZeneca để xác thực tuyên bố của công ty về các vấn đề sản xuất.
Tuy nhiên, các quan chức EU giờ nói rằng họ muốn tránh hành động pháp lý và muốn tập trung vào việc cung cấp vaccine. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen hoan nghênh động thái tích cực của AstraZeneca hôm 31/1 khi thông báo sẽ chuyển thêm 9 triệu liều vaccine trong quý đầu năm nay, dù đây chỉ bằng một nửa so với đơn đặt hàng của EU.
Thay vì đoàn kết như tuyên bố ban đầu của EU, một số quốc gia thành viên giờ tự tìm cách để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Hungary tháng trước nói sẽ đặt hàng vaccine của Nga và Trung Quốc, dù chưa được EU phê duyệt sử dụng. Cộng hòa Czech cũng đang thảo luận hướng đi tương tự.
Trong nỗ lực cứu vãn tình hình, EC đã mời Moncef Slaoui, nhà khoa học chính của Operation Warp Speed, làm cố vấn. Slaoui đã đề xuất các quan chức EU từ bỏ cách tiếp cận vaccine hiện tại, nhưng nhiều người vẫn từ chối thay đổi.
"Tôi muốn nói rằng khi liên tục bị so sánh với Mỹ, chúng tôi không có bất kỳ mặc cảm nào. Chúng tôi đang đẩy mạnh sản xuất. Tôi không ghen tị với những gì Tổng thống Biden đang làm bởi thực tế tình hình ở châu Âu rõ ràng tốt hơn", bà Gallina nói.