Khắp Trung Quốc, người dân lao vào cuộc đua tích trữ đồ ăn, nhu yếu phẩm thiết yếu vì lo ngại sẽ rơi vào cuộc phong tỏa tương tự Thượng Hải do Covid-19 bùng phát.
zingnews.vn
TTO - Trong chuyến thăm đảo Hải Nam ngày 13-4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định nước này sẽ không nới lỏng các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn COVID-19.
tuoitre.vn
Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời ông Tập Cận Bình nói phải duy trì chính sách chống COVID-19 nghiêm ngặt, đồng thời nỗ lực giảm thiểu tác động đối với kinh tế và xã hội.
Hiện Trung Quốc đang phong tỏa ổ dịch ở Thượng Hải, với hơn 25.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày. Đây là đợt bùng phát COVID-19 lớn nhất nước kể từ khi bùng dịch ở Vũ Hán vào cuối năm 2019.
Trong ngày 13-4, Thượng Hải cảnh báo bất kỳ ai vi phạm các biện pháp phong tỏa sẽ bị xử lý nghiêm minh, đồng thời kêu gọi 25 triệu cư dân "đồng lòng chống dịch".
Thượng Hải đang chịu áp lực rất lớn trong chống dịch. Ngày 12-4, thành phố này ghi nhận 25.141 ca mắc mới COVID-19, tăng từ 22.348 trong ngày trước đó.
Số ca bệnh tăng đều hơn 10 ngày liên tiếp, trong khi người dân ở trong cảnh phong tỏa cũng chật vật trong việc đảm bảo nhu yếu phẩm hằng ngày.
Giá cả thực phẩm cũng đang tăng vọt. Peng Wenhao, một quan chức từ cơ quan giám sát thị trường của Thượng Hải, cho biết các nhà chức trách đã ban hành tới 38.000 thư cảnh báo hành vi tăng giá, đồng thời điều tra khiếu nại về việc tăng giá hàng hóa bất thường trên mạng xã hội.
Báo SCMP ghi nhận có hiện tượng người dân Thượng Hải đổ xô đi mua tủ lạnh có kích thước lớn hơn hoặc mua thêm tủ đông để trữ lương thực trong thời gian phong tỏa.
Một người phụ nữ họ Meng cho biết một số người hàng xóm của cô vừa đặt mua thêm tủ lạnh vì lo ngại việc phong tỏa sẽ kéo dài.
"Chính quyền nói rằng việc giao gói thực phẩm có nguy cơ lây lan virus. Để giảm thời gian ra ngoài lấy đồ, cách hợp lý nhất là mua nhiều hơn mỗi lần và tăng kích thước tủ lạnh", cô Meng nói.
Thống kê từ công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu GFK chi nhánh Trung Quốc cho thấy số lượng tủ lạnh bán ra ở Thượng Hải đã tăng 48,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong tuần cuối cùng của tháng 3.
Trong tuần thứ hai của tháng 4, từ ngày 4-4 đến ngày 10-4, lượng tủ lạnh bán ra tại thành phố đã tăng 153,2% so với năm ngoái.
...
Biến chủng Omicron đang tạo ra đợt bùng phát Covid-19 chưa từng có trên khắp Trung Quốc.
Tại Thượng Hải, nơi đã trải qua các đợt phong tỏa kéo dài 3 tuần liên tiếp, tình trạng thiếu hụt thực phẩm và thuốc men đã thổi bùng tâm lý bức xúc của 23 triệu cư dân thành phố.
Lo sợ sẽ bị khóa kín trong nhà như tại Thượng Hải, người dân nhiều thành phố khác đang chạy đua tích trữ thực phẩm và hàng hóa thiết yếu, theo
Wall Street Journal.
Đổ xô tích trữ hàng hóa
Vài tuần qua, Bắc Kinh đã đóng cửa một số quận do phát hiện các ca bệnh mới. Tại nhiều siêu thị, những hàng hóa thiết yếu như giấy vệ sinh, thực phẩm đóng hộp, mì ăn liền, gạo, đã bị vét sạch.
Tô Châu là trung tâm công nghiệp ở phía tây Thượng Hải. Vài giờ sau khi chính quyền địa phương thông báo xét nghiệm Covid-19 diện rộng tại một quận của thành phố, người dân Tô Châu đổ tới các siêu thị để mua sắm thực phẩm trong sáng 12/4.
Từ cuối tháng 3, Tô Châu liên tiếp ghi nhận các ca mắc Covid-19. Nhà chức trách cho biết có thêm 31 ca dương tính được phát hiện trong ngày 12/4, chủ yếu liên quan tới Thượng Hải.
Trên mạng xã hội Weibo, người dân truyền tai nhau danh sách hàng hóa cần tích trữ trong phong tỏa, từ thịt viên đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, bàn chải đánh răng, cho đến thức ăn cho mèo.
Một người mua lượng lớn thực phẩm từ siêu thị ở Quảng Châu. Ảnh:
SCMP.
Một số bài viết hướng dẫn cách trồng rau tại nhà, đông lạnh đậu hũ để thức ăn luôn tươi ngon.
Zhao Yuxi, cư dân Bắc Kinh năm nay 32 tuổi, cho biết cô bắt đầu tích trữ thức ăn cho mèo từ tuần trước khi tình hình Thượng Hải xấu đi. Người phụ nữ sau đó mua thêm bánh bao, há cảo và gạo. Trước đó, cô đã tích trữ giấy vệ sinh, dầu gội.
"Tôi chỉ đang đề phòng", Zhao cho biết, nói thêm cô có 3 người bạn đang bị phong tỏa ở Bắc Kinh.
Tại Quảng Châu, thành phố công nghiệp 18 triệu dân ở miền Nam Trung Quốc, người dân cũng đã tăng cường tích trữ các loại thịt sống, rau xanh.
Trong video đăng tải trên Internet, một người mẹ khoe căn bếp với những chồng rau xanh, thịt lợn được mua từ siêu thị. Khi con gái tỏ vẻ châm chọc việc bà tích trữ đồ ăn, người phụ nữ mắng lại rằng "cần phải chuẩn bị đầy đủ trước khi tham chiến".
Quảng Châu hiện đã đóng cửa tất cả quán ăn, rạp phim. Các trường học chuyển sang học trực tuyến từ 11/4 sau khi phát hiện 11 ca mắc Covid-19 cuối tuần trước.
Hôm 10/4, chính phủ Trung Quốc yêu cầu chính quyền các địa phương cả nước bảo đảm lưu thông không gián đoạn thuốc men, nhu yếu phẩm thiết yếu đến người dân bất chấp các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để kiềm chế sự lây lan của virus.
Bắc Kinh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng duy trì vận chuyển năng lượng, nguyên liệu thô phục vụ sản xuất.
Cơn ác mộng Thượng Hải
Thượng Hải, trung tâm kinh tế lớn nhất Trung Quốc, đang trải qua đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ chưa từng có. Hôm 12/4, Thượng Hải ghi nhận khoảng 23.000 ca mắc Covid-19 mới.
Dù vậy, 12/4 cũng là lần đầu tiên sau gần 2 tuần số ca mắc trong ngày giảm so với ngày trước đó. Đây có thể là dấu hiệu đợt bùng phát dịch bệnh ở Thượng Hải đã đạt đỉnh.
Giới chức Thượng Hải cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm nới lỏng các biện pháp phong tỏa tại một số khu vực của thành phố nếu không phát hiện ca mắc Covid-19 mới. Tuy vậy, hiện có khoảng 7.000 khu dân cư đang bị phong tỏa hoàn toàn.
Cảnh tượng phong tỏa ở Thượng Hải. Ảnh:
Reuters.
Chính quyền các địa phương Trung Quốc đã chuẩn bị nhiều phương án ứng phó, tất cả hy vọng không rơi vào thảm cảnh như tại Thượng Hải.
Tại Quảng Châu, chính quyền thành phố đã chuyển đổi Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Quốc tế thành bệnh viện dã chiến phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19.
Chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng từ 2-3 bệnh viện lưu động để tạm thời phục vụ điều trị y tế cho bệnh nhân Covid-19.
Tại Tô Châu, nhà chức trách cho biết đang xây dựng bệnh viện dã chiến với sức chứa 800 giường bệnh bên trong nơi từng là trung tâm hội nghị. Cơ sở này sẽ được trang bị đầy đủ tiện nghi.
Hiện Tô Châu chưa có kế hoạch phong tỏa thành phố. Dù vậy, nhà chức trách sẽ có các biện pháp siết chặt kiểm soát tại những khu dân cư phát hiện ca mắc Covid-19.
Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu gián đoạn đời sống thường nhật cho người dân. Một số người phản ánh trên mạng xã hội việc vận chuyển hàng hóa tại Tô Châu bị ảnh hưởng. Nhiều người cho biết các siêu thị bắt đầu hết sạch hàng hóa bất kể có phong tỏa hay không.